Bên dòng Lô in dấu chân Người
Thứ Hai, 02/09/2024 21:21 (GMT+0)
(ĐCSVN) - Bên dòng sông Lô hiền hòa với bao chiến công lịch sử oanh liệt, Di tích khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) là một trong những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Về thăm vùng quê Yên Kiện (Đoan Hùng) đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024), men theo dòng sông Lô xanh thẳm, chúng tôi dừng chân tại Khu lưu niệm Bác Hồ. Vùng quê trung du thanh bình cách đây 77 năm, Bác Hồ đã dừng chân trên đường về căn cứ địa Việt Bắc trong những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ.
Theo tư liệu lịch sử, trong những tháng đầu năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi hoạt động ra vùng tự do để chuẩn bị tấn công lên Việt Bắc nên trên bầu trời Phú Thọ ngày nào cũng có máy bay địch do thám, oanh tạc. Vì vậy, những địa điểm Bác và cơ quan Trung ương đóng không ở được lâu, phải thay đổi luôn. Vào thời gian 19 giờ ngày 29/3/1947, Bác và đoàn rời Chu Hoá đi dọc theo đường Quốc lộ 2, qua các xã Tiên Kiên (Lâm Thao), Phú Lộc, Phú Hộ, Chân Mộng (Phù Ninh), trên quãng đường dài gần 50 km, 5 giờ chiều ngày 30/3/1947 đến địa điểm mới là xã Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Tại đây các đồng chí trong đội công tác Trung ương và cán bộ địa phương bố trí cho Bác ở nhà ông Nguyễn Hữu Đa, xóm Đình Mụ. Đó là ngôi nhà gỗ 3 gian, lợp mái cọ. Ngôi nhà này cách đường Quốc lộ số 2 khoảng hơn 2km về phía Tây Đằng, sau nhà là rừng.
|
Căn nhà mái cọ của ông Nguyễn Hữu Đa, nơi Bác Hồ ở và làm việc (tháng 3/1947), ở vị trí song song với Nhà lưu niệm Người. |
|
Nhà lưu niệm Bác Hồ nhìn từ xa tựa như đóa sen đang nở. |
Trong những ngày ở Yên Kiện, ngày nào máy bay địch cũng hoạt động mạnh, chúng bay rất thấp để do thám tình hình, vì vậy Bác và các đồng chí cán bộ ban ngày phải đem ba lô, tài liệu ra rừng làm việc, tối mới về nhà ngủ. Ổn định xong chỗ ăn nghỉ, Bác đem bản dịch đánh máy cuốn sách “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của C.Mác và F.Ăng Ghen” ra đưa cho anh em đội tuyên truyền vũ trang phục vụ Bác nghiên cứu và thảo luận, vừa tóm tắt nội dung cuốn sách và giải thích những thắc mắc, những chỗ không hiểu của anh em, vừa tìm hiểu trình độ nhận thức của cán bộ. Qua đó, Bác đã lấy trình độ của anh em phục vụ quanh Bác làm thước đo trình độ nhận thức chung của cán bộ để sửa chữa lại lời văn của bản lược dịch cho dễ hiểu và sát hợp hơn.
|
Ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng ở chính giữa Nhà lưu niệm. |
|
Tuổi trẻ huyện Đoan Hùng dâng hương tưởng niệm Bác Hồ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. |
Vùng này giáp với căn cứ địa Việt Bắc, nơi làm việc của Trung ương Đảng và Chính phủ suốt thời kỳ kháng chiến, nên Bác đã làm việc rất nhiều. Các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh thường xuyên đến báo cáo công việc với Bác. Tại đây, số cán bộ phục vụ Bác có thêm một đồng chí mới tên là Mộc, được Bác đặt tên là Trung, có nhiệm vụ nấu ăn cho Người. Trong những ngày ở Yên Kiện, Bác đã ký 2 Sắc lệnh đó là: Sắc lệnh số 39/SL “Huỷ bỏ tất cả các kiểu tem trước bạ và giấy tín chỉ đã lưu hành trước ngày 19-2-1946, ấn định cách thức thu thuế, tem trước bạ mới”; Sắc lệnh số 40/SL “Cho phép 1 kiều dân Trung Hoa được nhập quốc tịch Việt Nam”.
|
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Yên Kiện là không gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh các nhà trường. |
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Yên Kiện được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 11/12/2008. Đến tháng 3/2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về làm việc ở Yên Kiện, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã khởi công xây dựng công trình bảo quản, phục hồi di tích tại khu 4, xã Yên Kiện, trên nền khu đất nhà ông Nguyễn Hữu Đa. Công trình được khánh thành vào tháng 9/2018 sau hơn 1 năm thi công. Khu lưu niệm gồm có các hạng mục công trình như cổng vào, nhà lưu niệm, ngôi nhà ông Nguyễn Hữu Đa, nơi Bác Hồ ở và làm việc, vườn cây, ao cá. Hằng năm, khu di tích đón hàng ngàn lượt du khách và Nhân dân mọi miền đến thăm và trải nghiệm.
|
Tuổi trẻ huyện Đoan Hùng tổ chức mô hình số hóa di tích Khu lưu niệm Bác Hồ tại Yên Kiện. |
|
Nhiều hoạt động trải nghiệm được Đoàn Thanh niên tổ chức tại Khu lưu niệm Bác Hồ. |
Khu lưu niệm là di tích lịch sử gắn với chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ trên đường về căn cứ địa Việt Bắc trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây là một trong những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng