Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bầu cử Mỹ: Các cử tri hoàn tất tiến trình bỏ phiếu

Thứ Tư, 09/11/2022 12:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chiều 8/11 theo giờ địa phương, các điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đã đóng tại nhiều bang để bảo đảm tiến trình kiểm phiếu bắt đầu diễn ra vào sáng 9/11.

Cử tri bỏ phiếu sớm tại Las Cruces, bang New Mexico ngày 24/10 . (Ảnh: Reuters)

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải vật lộn với lạm phát, giá xăng tăng cao và nguy cơ suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, một số vấn đề như bảo vệ quyền phá thai, tội phạm, chính sách súng đạn và nhập cư… cũng đang được các cử tri Mỹ hết sức quan tâm. Chính vì thế, cuộc bầu cử lần này không chỉ được coi là một đợt sát hạch đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông J.Biden mà còn đối với vai trò lãnh đạo của đảng Dân chủ trong gần hai năm qua. Kết quả bầu cử cũng giúp định hình những chính sách tương lai của nước Mỹ, mà trực tiếp hơn cả là ảnh hưởng đến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Ngày 8/11, các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ để xác định đảng nào kiểm soát Quốc hội lưỡng viện trong nửa cuối nhiệm kỳ của ông J.Biden.  Trong cuộc bầu cử này, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 1/3 số ghế tại Thượng viện, cùng nhiều vị trí trong chính quyền địa phương sẽ được bầu lại. Đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện với khoảng cách 8 ghế so với Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, số ghế ở Thượng viện được chia đều cho hai đảng và Phó tổng thống Kamala Harris giữ lá phiếu quyết định trong vai trò là Chủ tịch Thượng viện. 

Hãng tin ABC của Mỹ đưa tin, tính đến sáng 9/11, đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vẫn đang ở thế “giằng co”, với mỗi bên đã giành được 36 trong số 100 ghế tại Quốc hội. Theo giới quan sát, cuộc đua hướng đến kiểm soát Thượng viện khả năng cao được quyết định bằng 5 bang quan trọng, gồm Pennsylvania, Nevada, Georgia, Ohio và Wisconsin.

Cuộc bầu cử diễn ra khi đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội với biên độ hẹp và mỗi phe đều chiếm những ưu thế riêng. Tuy nhiên, nhiều cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy, đảng Cộng hòa có thể sẽ giành ưu thế và chiếm lại quyền kiểm soát Hạ viện từ phe Dân chủ của Tổng thống Joe Biden. Kịch bản này đã dự báo trước về những khó khăn mà ông J.Biden phải đối mặt trong 2 năm cuối nhiệm kỳ.

Nhằm củng cố vị thế của phe Dân chủ trước thềm bầu cử, ông J.Biden đã đưa ra nhiều cam kết, trong đó có việc nỗ lực hành động để đưa các biện pháp bảo vệ quyền phá thai vào luật liên bang. Trong những tháng gần đây, những tranh cãi về vấn đề bảo vệ quyền phá thai đã trở thành chủ đề tốn nhiều giấy mực của báo giới Mỹ và là nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình của giới trẻ.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa lại tập trung vào lạm phát ở mức kỷ lục đang tạo ra áp lực lớn tới các hoạt động chi tiêu của người dân Mỹ. Trước thực trạng trên, nhiều người đã lỗi cho chính phủ vì sự gia tăng kỷ lục về số người nhập cư trái phép và tỷ lệ tội phạm gia tăng.

Bên cạnh những yếu tố trên, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay cũng được coi một phép thử đối với cựu Tổng thống Donald Trump, người đã nhiều lần ám chỉ tới khả năng sẽ tham gia cuộc đua quay trở lại Nhà Trắng vào năm 2024. Dù ông D. Trump đã rời Nhà Trắng được hai năm, song hàng trăm thành viên của đảng Cộng hòa vẫn tin vào những cáo buộc về tính “gian lận” của cuộc bầu cử năm 2020 do cựu Tổng thống Mỹ từng công bố. Những tuyên bố như vậy đã dẫn tới cuộc bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1/2021 nhằm đảo ngược chiến thắng của Tổng thống Joe Biden và cũng được cho là sẽ trực tiếp tác động đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Ngày 8/11, Tổng thống Mỹ J.Biden đã có bài viết trên Twitter nhằm khẳng định những thành tựu mà chính quyền Mỹ đã đạt được dưới vai trò lãnh đạo của ông, đồng thời cảnh báo về những nỗ lực tiềm tàng của đảng Cộng hòa nhằm bãi bỏ những nỗ lực này. Bầu cử giữa kỳ được coi là cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống Mỹ đương nhiệm, dù tên họ không có trên lá phiếu. Theo thông lệ, Tổng thống J.Biden không xuất hiện trong hôm bầu cử để tránh thu hút sự chú ý không cần thiết mà sẽ chờ đến ngày 10/11 rồi mới bình luận về kết quả bầu cử, nếu có./.

T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN