Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo vệ nguồn sáng cho Thủ đô trong thời kỳ tiếp quản

Thứ Năm, 10/10/2019 15:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

LTS: Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2019), Chuyên mục Văn hóa EVN trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả trang lịch sử vẻ vang của ngành Điện Việt Nam trong việc gìn giữ, bảo vệ nguồn ánh sáng cho Hà Nội, cho Cách mạng trong thời kỳ này. Tư liệu trích từ sách Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Điện lực Việt Nam do Công đoàn Điện lực Việt Nam biên soạn và xuất bản.

Công nhân Nhà máy điện Yên Phụ ký đơn đấu tranh đòi không được mang máy móc vào miền Nam và có đủ 4.000 tấn than dự trữ - Ảnh tư liệu 

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, Hội nghị Giơ-ne-vơ được tổ chức, bàn và quyết định việc lập lại hòa bình tại Việt Nam, buộc thực dân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Nhân dân Thủ đô náo nức, vui mừng chào đón Chính phủ ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội.

Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho các cấp, các ngành trong công tác tiếp quản Thủ đô là: Đảm bảo sản xuất, đời sống của nhân dân, trong đó việc cung cấp điện, nước, lương thực, thực phẩm, giữ gìn an ninh, trật tự được đặt lên hàng đầu. Các ban cán sự nội thành đã cử cán bộ thâm nhập vào tất cả cơ sở sản xuất, vận động công nhân đấu tranh chống âm mưu của địch làm tê liệt Thủ đô khi cách mạng tiếp quản. 

Lợi dụng thời gian chờ hiệu lực thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân Pháp âm mưu phá hoại, di chuyển máy móc, vật tư, phụ tùng và hồ sơ kỹ thuật các nhà máy điện, nhằm gây khó khăn cho ta. Chúng muốn Hà Nội khi cách mạng về sẽ không điện, không nước, các nhà máy tê liệt, mọi hoạt động của xã hội và sản xuất của nhân dân đình trệ.

Biết rõ âm mưu thâm độc của chúng, được sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, công nhân các nhà máy điện đã kiên quyết đấu tranh, buộc chúng phải bàn giao nguyên vẹn các nhà máy điện cho Chính phủ Cách mạng. Nội dung đấu tranh của công nhân điện rất cụ thể, đòi giữ nguyên vẹn nhà máy để công nhân có việc làm, đảm bảo đời sống, đòi giới chủ Pháp phải giao đủ 4.000 tấn than dự trữ cho Nhà máy điện Yên Phụ...

Trước ngày Chính phủ trở về Thủ đô, công nhân Nhà máy điện Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trong nhiều ngày, lôi kéo cả cai ký, nhân viên kỹ thuật điện đứng về phía công nhân bảo vệ Nhà máy. Công nhân điện đã thành lập các đội tự vệ gồm hơn 30 đội viên, đêm ngày canh giữ những bộ phận quan trọng của Nhà máy, ngăn chặn địch phá máy móc hoặc di chuyển thiết bị đi nơi khác. Tại các nhà máy điện ở Nam Định, Cửa Cấm, Thượng Lý, Cọc 5,... công nhân ngành Điện cũng có những hành động tương tự công nhân điện Hà Nội. Có nơi phong trào đấu tranh của công nhân điện với giới chủ nhà máy rất quyết liệt nhưng cuối cùng công nhân đã thắng, nhà máy điện được bảo vệ an toàn.

Tại Hà Nội, đúng 11 giờ 30 phút, ngày 9/10/1954, quân ta tiến vào chiếm lĩnh các nhà máy điện. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên ống khói lò hơi, trên cổng Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy điện Yên Phụ. Niềm vui tràn ngập trong lòng những người thợ điện. Những dãy lò hơi, lửa than ngàn độ vẫn rực cháy, các cỗ máy tua bin vẫn hối hả quay, đường điện vẫn tỏa đến các nẻo đường, phố xá, công sở, nhà máy và gia đình người dân Thủ đô.

Ngày 10/10/1954 là ngày hội lớn của nhân dân và giai cấp công nhân Thủ đô. Từ 5 giờ sáng, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đội ngũ công nhân, trong đó có những người thợ điện, quần áo chỉnh tề rước ảnh Bác Hồ, giương cao cờ đỏ sao vàng, ôm những bó hoa tươi thắm phấn khởi đón những đoàn quân chiến thắng từ 5 cửa ô hùng dũng tiến vào trung tâm thành phố. Đến 15 giờ, Nhà hát lớn Thành phố nổi lên hồi còi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội với đội hình trật tự, trang nghiêm dự lễ chào cờ. Bài "Tiến quân ca" hùng tráng vang lên, sau đó là những tiếng reo hò, tiếng hô khẩu hiệu rền vang của biển người, chào mừng ngày lịch sử, chào mừng chiến thắng lẫy lừng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ ngày 9/10/1954, Ban tiếp quản Nhà máy đèn Bờ Hồ do đồng chí Hồ Quý Diện làm Trưởng ban, đồng chí Trịnh Trọng Thực là Phó ban cùng với một số cán bộ từ chiến khu về được thành lập và đi vào hoạt động. Các đồng chí trong Ban tiếp quản trở thành những cán bộ quản lý đầu tiên của ngành Điện Việt Nam. Trong số lớp cán bộ quản lý điện đầu tiên đó, ngoài những đồng chí quê miền Bắc, có nhiều người quê ở Nam Bộ, Khu IV, Khu V tập kết ra Bắc, trong đó nhiều đồng chí là công nhân quân giới, cán bộ chính trị, cán bộ kinh tế trong kháng chiến. Tuy từ mọi miền đất nước "hội tụ" nhưng đều chung ý chí, quyết tâm xây dựng ngành Điện trở thành ngành công nghiệp quan trọng, phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Với đội ngũ công nhân điện, ngoài số công nhân ở lại bám trụ nhà máy, có nhiều công nhân từ chiến khu trở về tham gia sản xuất. Mọi người đều đoàn kết, cùng nhau hết lòng vì công việc chung, đảm bảo vận hành nguồn điện an toàn, liên tục cho mọi hoạt động công tác, lao động, sinh hoạt của xã hội.

Hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, dũng cảm đấu tranh với kẻ thù, tận tụy, sáng tạo trong công việc... là những phẩm chất cao đẹp của thế hệ cán bộ quản lý và lớp lớp những người thợ điện đầu tiên của Việt Nam. Phẩm chất cao đẹp đó là "tài sản quý báu" để lại, để lớp lớp cán bộ, công nhân, viên chức ngành Điện kế tiếp giữ gìn và phát huy trong từng giai đoạn lịch sử mới.

..."Khi vào Nhà máy điện Yên Phụ, tôi phát hiện ra những chiếc rô-to, tuốc-bin hỏng đang nằm chờ để đưa về Pháp sửa chữa. Vì lý do nào đó, nên các quản đốc Pháp đã vội vàng đưa chúng vào hoạt động trong lúc hơi chưa sấy khô đủ độ ở bộ quá nhiệt của lò hơi. Tôi đã nói điều đó với những đốc công người Pháp đang bị gửi làm con tin. Họ hết sức ngạc nhiên về kinh nghiệm nghề điện của cán bộ Việt Minh khi vào tiếp quản Thủ đô chứ không chỉ là “những sĩ quan quân đội trá hình” vào tiếp quản như họ đã nghĩ trước kia.

Trước lúc phải rút xuống Hải Phòng, khi đến bàn giao và chào xã giao tôi ở phòng giám đốc - nơi mà tôi đã thay thế ông ta – M. Drouin (viên giám đốc cũ người Pháp) đã chìa ra tấm danh thiếp có in hình Huân chương Bắc đẩu bội tinh danh giá do Nhà nước Pháp tặng. Đây cũng là một cách tự giới thiệu, và nói là ông ta đã để lại đầy đủ các tài liệu kỹ thuật của các thiết bị đang vận hành ở Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ trong cái tủ sắt bàn giao cho tôi. Trong đó có 2 tủ kính để các tạp chí của Hội những nhà kỹ thuật điện – (Hội Điện lực Pháp) có đầy đủ các số, từ số đầu tiên năm 1922 tới tháng 10/1954. Mỗi năm có 12 số tạp chí, đã đóng thành 2 tập với bìa cứng, gáy da, chữ mạ vàng, để trong 2 tủ kính riêng tại phòng giám đốc…"...

Trích từ hồi ký của ông Trịnh Trọng Thực - nguyên Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Bộ Điện và Than, nguyên Phó ban tiếp quản Nhà máy đèn Bờ Hồ - về thời kỳ tiếp quản ngành Điện tại Hà Nội tháng 10/1954./.

Theo Báo Tập đoàn Điện lực Việt Nam

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN