Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Tư, 01/03/2023 09:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tại Sóc Trăng, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã tác động rõ rệt, làm gia tăng áp lực lên môi trường ở khu vực nông thôn.

Ảnh chỉ có tính minh hoạ (Ảnh: Minh Anh) 

Sự thay đổi thời tiết bất thường, phân bố không đồng đều lượng mưa đã dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, quá trình rửa trôi, xói mòn, sạt lở bờ sông, khu vực ven biển..., tác động gián tiếp và trực tiếp lên môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước, năng lượng, sức khỏe con người, nông nghiệp, an ninh lương thực, đa dạng sinh học, cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư và các lĩnh vực khác. Từ đó, làm gia tăng sự phức tạp, áp lực giải quyết các vấn đề môi trường khu vực nông thôn.

Trong ngành nông nghiệp, lượng nước thải phát sinh nhiều và có nồng độ ô nhiễm cao đối với hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý chủ yếu tại các trang trại tập trung của các cơ sở chăn nuôi hộ gia đình chỉ đạt khoảng 50,8%; lượng nước thải chăn nuôi chưa được xử lý; nước thải nuôi trồng thủy sản và việc tăng lượng phân bón trong canh tác nông nghiệp đã và đang làm tăng các chất ô nhiễm dinh dưỡng và hữu cơ làm tăng hàm lượng ô nhiễm cho môi trường nước mặt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường của một số bộ phận dân cư còn hạn chế, chưa bỏ được thói quen, tập quán sống lạc hậu gây ô nhiễm môi trường như: thải bỏ rác thải sinh hoạt, xác động vật trực tiếp vào các kênh, rạch, nơi công cộng gây mất vệ sinh môi trường…

Trên địa bàn có 1 nhà máy xử lý chất thải rắn, 5 lò đốt rác thải tại thị xã Ngã Năm, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Tú, huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Tuy nhiên, các lò đốt rác thải này chỉ mới khắc phục được tình trạng ô nhiễm từ các bãi rác lộ thiên.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng Ngô Thái Chân nhằm xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tiên tiến, từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu thu thập, cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, tỉnh đã đầu tư đưa vào vận hành 5 trạm quan trắc tự động; trong đó có 4 trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt đặt tại các sông (gồm: sông Đinh, thành phố Sóc Trăng; sông Hậu, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú; sông Mỹ Thanh gần cầu Mỹ Thanh 2, thị xã Vĩnh Châu; sông Cổ Cò, huyện Mỹ Xuyên) và 1 trạm quan trắc tự động không khí đặt tại thành phố Sóc Trăng. Địa phương cũng lắp đặt thùng phân loại rác 3 ngăn nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bước đầu thực hiện phân loại rác tại nguồn tại một số cơ quan, tổ chức.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên, môi trường thông qua các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhân Ngày Nước thế giới 22/3, Ngày Khí tượng thế giới 23/3, Tuần lễ Biển và Hải đảo... (như: treo panô, băng rôn, khẩu ngữ tuyên tuyền)... Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị triển khai các lớp tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Ông Ngô Thái Chân khẳng định, các địa phương trong tỉnh tiếp tục phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa, tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, cải tạo cảnh quan môi trường; tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn quy trình thu gom rác sinh hoạt cho người dân thông qua các Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, đặc biệt là mô hình phân loại xử lý rác hữu cơ trong vườn nhà, nhân rộng mô hình hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh vùng nông thôn trên địa bàn.

Mặt khác, ngành chức năng hướng dẫn người dân xử lý chất thải nông nghiệp như: rơm rạ sau thu hoạch, chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm nhằm hạn chế tối thiểu ảnh hưởng tác động đến nguồn nước mặt. Ngành nông nghiệp xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, thu gom, xử lý phụ phẩm để sản xuất phân hữu cơ…, nhằm giảm bớt lượng chất thải nông nghiệp phát sinh gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, nghiên cứu, nhân rộng công nghệ xử lý, tái tạo sử dụng phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, chất đốt nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

UBND tỉnh triển khai các nguồn kinh phí thực hiện khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; tập trung xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn, đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn, chất thải y tế; quản lý, vận hành tốt các bãi rác đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu lựa chọn công nghệ mới xử lý chất thải rắn, chất thải y tế hạn chế ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra.   

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định về mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quản lý, khai thác khoáng sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả./.

Nhật Bình

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN