Bảo vệ, khôi phục rừng phòng hộ ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu
(ĐCSVN) - Rừng phòng hộ ven biển được xem là lá chắn thép ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát triển, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển được tỉnh Cà Mau xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp quan trọng để thích ứng biến đổi khí hậu (BÐKH), giảm nhẹ thiệt hại, rủi ro thiên tai.
Cà Mau là địa phương duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển. Trong điều kiện vị trí địa lý như vậy, có thể thấy rõ vai trò quan trọng hàng đầu của rừng ngập mặn, là lá chắn tự nhiên ngăn chặn xâm thực, xói lở, bảo vệ các khu vực ven biển và cộng đồng dân cư. Mặt khác, rừng ngập mặn còn giúp bồi tạo lấn biển, gia tăng diện tích đất liền.
Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan và địa phương, đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng nhằm nâng cao độ che phủ của rừng, gia tăng chức năng phòng hộ (chắn gió, chắn sóng, chống xói lở) góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Môi trường đang ngày càng bị đe dọa, các thảm họa thiên tai xảy ra với cường độ dày hơn, chúng ta cần phải biết cách bảo tồn, phát triển rừng hơn nữa, trong đó cần chú ý các biện pháp bảo vệ đối với rừng phòng hộ.
Rừng phòng hộ bờ biển Tây lá chắn thiên nhiên vững chắc của Cà Mau. |
Tác động của BĐKH làm cho mực nước biển dâng cao, hệ thống đê biển không thể chống chọi được, dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong các trận bão lớn, khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước ở các con sông nội địa dâng cao kết hợp gia tăng dòng chảy lũ làm ngập úng hoa màu, nhà cửa; gia tăng tình trạng xâm nhập mặn của biển vào đất liền. Từ đó, gây khó khăn cho công tác cấp nước phục vụ sản xuất; nước biển dâng và triều cường mạnh làm cho diện tích đất và rừng ngập mặn bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng ngập mặn ven biển.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước đây, rừng phòng hộ ven biển tỉnh Cà Mau có nhiều khu vực bồi tụ tự nhiên như khu vực bãi bồi Mũi Cà Mau huyện Ngọc Hiển; khu vực Mỹ Bình huyện Phú Tân, khu vực Khánh Hội huyện U Minh... Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình xói lở bờ biển diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng, làm cho dải rừng phòng hộ ven biển bị thu hẹp dần. Hiện tại, có nơi đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, đặc biệt là bờ biển phía Tây Nam (khoảng 20 – 30m), cá biệt có những nơi không còn đai rừng.
Rừng phòng hộ được tái sinh nhờ vào các kè sóng ven biển. |
Trước thực trạng đang báo động này, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh triển khai đề án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói lở bờ sông, bờ biển và thúc đẩy tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030” . Mục tiêu hướng tới quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030.
Để phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng trong phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống xói lở, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Mục tiêu cụ thể là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo ra trong giai đoạn năm 2021 – 2030. Đến năm 2030, tổng diện tích đất lâm nghiệp là 142.599 ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 20.291 ha, đất rừng phòng hộ 30.753 ha, đất rừng sản xuất 91.555 ha. Diện tích có rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) đến năm 2030 đạt 96.000 ha. Xây dựng hoàn thiện hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển; xác định rõ vị trí, diện tích, ranh giới và hoàn thiện mốc ranh giới đối với từng khu rừng.
Cơ bản hoàn thiện hệ thống kè bờ biển Đông và bờ biển Tây (những vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao), đủ điều kiện khôi phục rừng ngập mặn. Hoàn thiện công tác di dời, bố trí tái định cư đối với các hộ dân sống trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định; khôi phục rừng; đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống dân cư đối với các khu vực không phải di dời.
Phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển; tăng nguồn thu từ du lịch, dịch vụ môi trường rừng, góp phần tái đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Ưu tiên củng cố đai rừng phòng hộ ven biển Đông, ven biển Tây, xây dựng mới và củng cố hệ thống kè cơ bản chống sạt lở để bảo vệ sản xuất bên trong.
Tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai hiệu quả đề án, kế hoạch trồng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển. |
Từ năm 2016 đến nay, các nguồn vốn ngân sách trung ương, ODA… đã hỗ trợ ĐBSCL khoảng 9.764 tỉ đồng để xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông nhằm ổn định cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ còn bố trí 2.680 tỉ đồng cho các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do Bộ NN-PTNT quản lý. Trong đó, đầu tư xây dựng 15 km kè giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển Tây của tỉnh Cà Mau với hơn 380 tỉ đồng. Dự án kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã được khởi động. Trồng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển; nâng cao nhân lực và hiệu quả trong việc quản lý rừng, nhận thức của người dân…
Cà Mau hiện có tổng diện tích tự nhiên hơn 527.000ha, với diện tích đất lâm nghiệp do các đơn vị quản lý là hơn 143.600ha (hơn 93.000ha là diện tích có rừng), trong đó diện tích rừng ngập mặn chiếm hơn 98.400ha (hơn 54.700ha diện tích có rừng), còn lại là diện tích rừng U Minh Hạ với hơn 45.000ha (hơn 38.000ha diện tích có rừng) phân bổ tập trung chủ yếu ở khu vực rừng U Minh Hạ ở các huyện vùng ngọt, và khu vực rừng ngập mặn ở các huyện vùng mặn chuyên nuôi trồng thủy sản.
Ông Lê Văn Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Cà Mau cho biết: Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững, địa phương sẽ đặt mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 18%, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 5%/năm, giá trị bình quân là 4%/năm, năng suất rừng trồng đạt bình quân 30m3/ha/năm; diện tích rừng trồng sản xuất thâm canh đạt 25.000ha và diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 10.000ha...
Sạt, lở ven bờ sông tại khu vực chợ xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi. |
Tình trạng sạt lở ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều đai rừng phòng hộ nằm dọc theo bờ biển tiếp tục bị mất đi. Nhiều đoạn đê biển Tây tiếp tục bị uy hiếp. Tình trạng sạt lở theo các tuyến sông, nhất là các cụm dân cư chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực tế này đã làm thiệt hại rất lớn đến tài nguyên đất, tài nguyên rừng và việc sản xuất, đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vấn đề này, các ngành, các cấp cần sớm có những giải pháp để phòng, chống.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các địa phương khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở. Các địa phương bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; cấm mọi tác động vào các khu vực này, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn.
Mặt khác, cần tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm thực biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ hệ sinh thái, tài sản và sự an toàn của nhân dân vùng ven biển và trên các đảo. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước có đường bờ biển để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp ứng phó phù hợp. Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông bằng đất có bề mặt rộng vừa làm đường giao thông, hai bên bờ đê trồng cỏ Vetiver để chống xói mòn do gió và sóng biển, phía biển trồng rừng ngập mặn để ngăn sóng và tạo bồi lắng phù sa; đồng thời xác định đây là dự án lâu dài, bền vững dọc theo biển Đông và biển Tây để ứng phó với tình trạng xâm thực biển do mực nước biển dâng cao. Tuy nhiên, về lâu dài, việc phủ xanh những cánh rừng phòng hộ chính là giải pháp kinh tế, bền vững và hiệu quả nhất để bảo vệ hệ sinh thái ven biển, chống xâm thực và xói lở./.