Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Thứ Tư, 25/05/2022 10:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Ngày 24/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ khởi động thực hiện dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”.

Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (JBCIA) Hàn Quốc viện trợ 25.042 USD, tương đương 568.960.000 đồng; phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người Ê Đê và người M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. (Ảnh: Đình Tăng) 

Theo bản ghi nhớ hợp tác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá và lựa chọn các địa phương trên địa bàn tỉnh liên quan đến vấn đề dự án và xây dựng kế hoạch triển khai dự án đạt được các kết quả tối ưu nhất. Từ nguồn tài trợ của Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ; cấp chiêng và trang phục truyền thống; phục dựng các nghi lễ truyền thống và sưu tầm một số bài chiêng cổ trong các nghi lễ, lễ hội cổ truyền nhằm xây dựng nguồn tư liệu cần thiết phục vụ công tác bảo tồn và truyền dạy cồng chiêng.

Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk chịu trách nhiệm giám sát tất cả các hoạt động, chi tiêu và tiến độ của dự án nhằm đạt được các đầu ra của dự án; xây dựng kế hoạch giám sát, giám sát và quản lý kết quả dự án dựa trên các tiêu chí dành cho từng hoạt động và các báo cáo kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk .

Truyền dạy chiêng tre cho thế hệ trẻ. (Ảnh: Bình Trung) 

Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk và Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác về thực hiện dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” bằng hình thức trực tuyến. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2022 tại các huyện Lắk, Krông Ana, Buôn Đôn và Cư M’gar.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có 2.089 bộ chiêng, trong đó có 1.645 bộ chiêng Êđê, 319 bộ chiêng M’nông, 118 bộ chiêng Jrai, 5 bộ chiêng Xơ đăng, 4 bộ chiêng Mường, 3 bộ chiêng Vân Kiều, 3 bộ chiêng Thái và 1 bộ chiêng Ba Na. Tỉnh có 3.855 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, 186 nghệ nhân hát kể sử thi, 393 nghệ nhân chỉnh chiêng, 635 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, 568 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc, 370 nghệ nhân tạc tượng…

Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, các cấp, ngành, địa phương tại tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, cấp chiêng và trang phục truyền thống, phục dựng các nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ngoại giao, giao lưu văn hóa cồng chiêng, xét tặng danh hiệu và vinh danh nghệ nhân dân gian.

Tuy nhiên, văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Nhiều nơi, cồng chiêng không còn mang ý nghĩa linh thiêng mà trở thành vật mua bán, trao đổi. Đa số các nghệ nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, tuổi cao sức yếu.

Với Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (JBCIA) Hàn Quốc viện trợ sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

H.Thanh (T/H)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN