Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích Quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian
(ĐCSVN) - Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội”, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đề xuất, góp ý trong việc bảo vệ, phát triển cụm di tích này.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, ngày 6/9, huyện Chương Mỹ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội”.
Giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết, Cụm di tích Quốc gia chùa Trầm và chùa Trăm Gian là những di tích có lịch sử lâu đời, được dân gian ca tụng là hai trong “Tứ đại danh thắng của xứ Đoài”, bao gồm: Chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Các ngôi chùa trong khu vực được khởi dựng từ sớm và hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tạo nên một sức hấp dẫn và giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc.
Chùa Trầm còn có tên gọi là Long Tiên Tự, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669); ngôi chùa có địa thế rất đẹp, với các núi nhỏ bao quanh như: Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ; ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc Bộ, là nơi lưu giữ và thờ tự đức Phật từ nhiều thế kỷ trước, là chốn linh thiêng mà bất cứ ai yêu mến Phật giáo đều dành sự tôn trọng và kính ngưỡng, mong muốn được đến thăm và chiêm bái.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Sơn) |
Cụm di tích là một khu núi đá lớn và những ngôi chùa nằm rải rác, trong đó chùa Vô Vi, chùa Trầm là kiến trúc chùa còn lại khá hoàn chỉnh cùng với Quan Âm viện, chùa Ba Làng, hang Trầm tạo thành kiến trúc hoàn chỉnh, độc đáo; cụm di tích núi Vô Vi, núi Trầm vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang giá trị nghệ thuật và danh lam thắng cảnh vốn có từ xa xưa.
Ngoài ra, chùa Trầm còn là di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi Bác Hồ từng về thăm và làm việc; đặc biệt trong những ngày tháng ác liệt nhất của chiến tranh, nơi đây Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch đã vang lên khắp bốn phương trong đêm 19, rạng sáng ngày 20/12/1946; đến đầu năm 1947, chùa Trầm và Đài Tiếng nói Việt Nam lại có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến thăm và đọc thơ chúc Tết toàn thể quốc dân đồng bào trên làn sóng phát thanh của Đài giữa khung cảnh tĩnh mịch, không gian linh thiêng của chùa Trầm và 2 lần sau đó, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm chùa Trầm, thăm các đơn vị bộ đội đóng quân ở núi Trầm.
Chùa Trăm Gian có tên chữ là “Quảng Nghiêm tự”, theo truyền thuyết chùa Trăm Gian có từ thời Lý Cao Tông (1185), trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều lần trùng tu, tôn tạo với những dấu ấn kiến trúc của các triều đại khác nhau, đến nay, chùa chủ yếu mang phong cách kiến trúc thời Lê, Nguyễn nhưng vẫn còn một số dấu tích kiến trúc thời Trần; dù là một ngôi chùa của Làng, nhưng từ khi hình thành, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chùa vẫn luôn giữ được sự tôn nghiêm, sự linh thiêng, được các triều đình phong kiến ghi nhận, sắc phong. Bên cạnh những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… chùa Trăm Gian còn có những giá trị đặc biệt mà không phải ngôi chùa nào cũng có được, đó là nơi tu hành và thờ tự đức Thánh Bối Nguyễn Bình An. Đây là ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh giống như nhiều ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Theo Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng, nhận thức rõ giá trị tiêu biểu của cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian đối với huyện Chương Mỹ nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung, nên việc tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ” là một trong những nội dung, nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình 09-CTr/HU của Huyện ủy. Đây cũng là hoạt động nằm trong kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện, làm rõ, sáng tỏ hơn về nội dung, giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, cách mạng của cụm di tích Quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian. Từ đó, giải quyết tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý di tích; đề xuất, định hướng giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của huyện. Đồng thời, việc tổ chức hội thảo cũng là dịp để huyện Chương Mỹ tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện về giữ gìn, phát huy giá trị của di tích nói riêng, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất, con người Chương Mỹ nói chung; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết, thi đua xây dựng quê hương văn minh, hiện đại, xanh, thông minh.
Bảo tồn Cụm di tích Chùa Trăm Gian - Chùa Trầm gắn với phát triển du lịch
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đề xuất, góp ý trong việc bảo vệ, phát triển cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian. Theo GS. Lê Văn Lan, chùa Trầm và chùa Trăm Gian đều có kiến trúc cổ truyền, đặc trưng, độc đáo, công phu, tiêu biểu; cùng nhiều di vật, cổ vật, hiện vật cổ đẹp và quý, thuộc nhiều loại hình khác nhau... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, Cụm di tích Quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian hiện tại đã xuống cấp khá trầm trọng. GS. Lê Văn Lan đề xuất cần khẩn trương tiến hành việc chỉnh trang, khắc phục bước đầu những “xuống cấp” tại cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian. “Song song với việc và thời gian thực hiện Dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm - chùa Trăm Gian sắp được khởi công, Hà Nội cần tiến hành khẩn trương, kỹ lưỡng với chất lượng cao việc làm hồ sơ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, đệ trình để được xét duyệt có cơ sở chắc chắn được công nhận, đúng vào lúc hoàn thành Dự án, tức là vào năm 2026” - GS. Lê Văn Lan nói.
Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, xét về mặt du lịch, dù hàm chứa các mặt giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hay kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đến đâu thì cụm di tích chùa Trăm Gian và chùa Trầm cũng chỉ tồn tại dưới dạng tài nguyên du lịch.
PGS.TS. Đặng Văn Bài cho rằng, muốn có được các sản phẩm du lịch, các tour du lịch có chất lượng, trước hết phải có quy hoạch hoặc dự án tổng thể bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành giá trị của Cụm di tích chùa Trăm Gian - chùa Trầm. Bên cạnh đó là dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể mà đặc biệt là lễ hội Phật giáo đang diễn ra ở địa phương.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, hiện trạng của cụm di tích nói trên không còn nguyên vẹn như lúc mới khởi dựng hay ở thời điểm hoàn chỉnh nhất. Vậy yêu cầu cấp thiết nhất đặt ra là phải có chương trình nghiên cứu sâu hơn nữa để nhận diện rõ các mặt giá trị tiêu biểu của di tích, đồng thời tạo cơ sở diễn giải di tích thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như ứng dụng thành tựu kỹ thuật hiện đại (nghe nhìn, công nghệ số, hiện thực ảo…) để người dân địa phương và cả du khách tiếp thu được những thông điệp văn hóa mà cha ông muốn truyền lại cho chúng ta hôm nay. Từ cách tiếp cận như thế, chắc chắn phải đầu tư thỏa đáng cho việc xây dựng nội dung tư tưởng cũng như kiến trúc của phông trưng bày chuyên đề bổ sung cho di tích chùa Trầm.
Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, là địa phương có số lượng di tích nhiều, đa dạng về chủng loại, Thành phố Hà Nội đã trở thành địa phương hội tụ nhiều di tích nhất cả nước. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích Quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ cũng là vấn đề đặt ra cho nhiều nội dung, cần có cái nhìn thấu triệt.
Theo đồng chí Đỗ Đình Hồng, thông qua cuộc Hội thảo này, Ban Tổ chức sẽ bổ sung, cập nhật tư liệu, những căn cứ pháp lý mới, những tài liệu khoa học có thể định hướng về công tác bảo tồn di tích, bảo tồn di sản của địa phương nói chung, di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian nói riêng đạt hiệu quả tốt nhất./.