Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

Chủ Nhật, 20/11/2022 17:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trang phục của các dân tộc thiểu số với sắc thái riêng, thể hiện văn hóa, bản sắc của dân tộc đó. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là góp phần phát triển bền vững văn hóa, làm cho trang phục truyền thống phổ biến, nâng cao lòng tự hào dân tộc.

Trang phục truyền thống dần bị mai một...

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới nêu rõ “…chú trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu…”.

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS là việc làm cấp thiết hiện nay. Ảnh: NK

Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho biết, sau 15 năm tổ chức triển khai Nghị quyết 24, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào DTTS, tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống... được quan tâm.

Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Những năm qua, hệ thống văn hóa từ tỉnh tới cơ sở đã coi trọng việc phát hiện, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện những giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển.

Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa. Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS không còn lưu giữ được, hoặc bị biến đổi, không đúng nguyên gốc của nó trong đó có việc bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS.

 Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc).

Ông Đinh Xuân Thắng trăn trở, việc không sử dụng trang phục truyền thống dân tộc mình hiện nay trở thành phổ biến ở một số dân tộc, bị “Kinh” hóa, nhất là nhóm dân tộc có dân số ít. Nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, ngày hội, ngày tết, khiến trang phục truyền thống gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt bình thường. Có nơi, trang phục truyền thống đã biến mất ở nhiều cộng đồng; nhiều thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại, thiếu tự tin khi mặc trang phục của mình trước đám đông đặc biệt là những thanh niên học tập ở các đô thị. Nhiều bạn trẻ, kể cả trong các lễ hội của dân tộc mình cũng không chịu sử dụng trang phục truyền thống nữa.

Theo ông Thắng, từ đó dẫn tới việc nghề làm trang phục truyền thống ngày một mai một, thậm chí biến mất trong nhiều vùng đồng bào DTTS; cùng với đó là sự xâm lấn của nền kinh tế thị trường, hàng hóa “trang phục truyền thống” đều do thị trường điều tiết, việc sản xuất công nghiệp trang phục truyền thống và quần áo từ nước ngoài đưa vào đã thay thế việc sản xuất thủ công dẫn tới trang phục truyền thống đã biến tấu, mất kiểm soát về họa tiết, hoa văn, đường kim, mũi chỉ và những nét tinh tế… trang phục gốc của đồng bào. Một số nơi tuy còn giữ vài khung dệt nhưng hoạt động cầm chừng hoặc chỉ trưng bày làm kỷ niệm hoặc phục vụ du lịch. 

Xu hướng trang phục truyền thống dần biến mất khỏi cộng đồng đồng bào DTTS là thực trạng khách quan phản ánh tính tất yếu của đời sống văn hóa xã hội, trước mắt là đối với trang phục của nhóm dân tộc thiểu số có dân số ít dưới 50.000 người. Trang phục truyền thống được sản xuất thủ công càng hiếm, nguyên nhân là do người dân quan niệm mặc gì cũng được, trong khi trang phục truyền thống vốn rất tốn công, tốn của để làm ra, lại vướng víu, không phù hợp với đời sống sinh hoạt hiện đại…

Sự tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại đang bào mòn một số di sản văn hóa còn sót lại của đồng bào DTTS. Một số phong tục tập quán mang nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào các DTTS đang bị biến tướng một cách phản cảm, không phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào. Hiện nay, nhiều dân tộc chỉ còn lại số ít người già, cao tuổi biết trang phục gốc của dân tộc mình; những trang phục lễ hội, trang phục cưới hỏi, trang phục lao động sản xuất truyền thống của dân tộc mình có khi chỉ còn trong trí nhớ của một số nghệ nhân, già làng, trưởng bản mà thôi.

Do vướng víu, không phù hợp với đời sống sinh hoạt, nhiều đồng bào đã không sử dụng trang phục truyền thống.

Quá trình đô thị hóa cùng sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh khiến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong đó có trang phục truyền thống đang đứng trước những thách thức lớn do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số vô cùng quan trọng và trở nên cấp bách trong giai đoạn hiện nay nếu không muốn những nét văn hóa trang phục truyền thống độc đáo, đa sắc màu, đậm đà bản sắc của cộng đồng 53 dân tộc anh em mất đi, bản sắc cũng như việc phát huy trên cơ sở bảo tồn và phát triển nền tảng gốc của trang phục cũng không thể thực hiện được…

Bảo tồn, phát huy bản sắc trang phục truyền thống các DTTS bằng cách nào?

Việc bảo tồn, phát huy bản sắc trang phục truyền thống các DTTS luôn được quan tâm, đặc biệt là sau Kết luận 65 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” ngày 27/7/2011. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Kết luận 65 là phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó “Có chính sách hiệu quả để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian”.

Đặc biệt vừa qua, tại Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025, đã dành riêng Dự án 6. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nhấn mạnh mục tiêu “Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống... để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người”.

Du khách thích thú tìm hiểu ý nghĩa, công dụng của chất  liệu, kiểu dáng, màu sắc trang phục đồng bào DTTS.

Thời gian qua, việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020", bước đầu cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên trên thực tế, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS còn không ít những khó khăn, bất cập. Cùng với đó, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong đó có việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống còn gặp rất nhiều khó khăn. Một số địa phương, cơ sở còn coi nhẹ việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống trong kho tàng văn hóa các DTTS.

Để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS hiện nay, ông Đinh Xuân Thắng cho rằng, bản thân mỗi dân tộc phải có bản lĩnh, có ý thức nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình; song song với đó cần có sự tham gia của cộng đồng đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân, người cao tuổi dân tộc thiểu số nơi lưu giữ một kho tàng đồ sộ kiến thức về trang phục của dân tộc mình (Trang phục lễ hội, cưới hỏi, lao động, sản xuất...). Thực tế, hiện nay còn hàng vạn con người đầy tâm huyết, đủ thành phần dân tộc, giới tính, mọi lứa tuổi, địa bàn đang cố gắng bảo tồn, lưu giữ, phục dựng, truyền dạy, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp về trang phục của dân tộc mình góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, đồng bào các DTTS chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đa số các gia đình không “hành nghề” sản xuất trang phục mà chủ yếu phục vụ nhu cầu thường ngày của các thành viên trong gia đình. Nhiều người lớn tuổi vẫn đau đáu, loay hoay chưa tìm ra con đường để bảo tồn, phát huy bản sắc trang phục dân tộc đặc biệt là đối với nhóm dân tộc rất ít người.

Ông Thắng nhấn mạnh, văn hóa xuất phát từ chính nhu cầu của con người, do con người và vì con người. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của trang phục truyền thống trước tiên là phải xuất phát từ chính nhu cầu của đồng bào DTTS; phải xuất phát từ nhu cầu muốn bảo tồn, tiếp nhận và thụ hưởng các giá trị văn hóa của chính chủ thể văn hóa là từng người dân ở đó tham gia.

Việc trình diễn, quảng bá trang phục truyền thống các dân tộc cũng giúp trang phục truyền thống sống mãi với thời gian 

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 300 tên gọi và nhiều tộc người khác nhau, với hàng trăm mẫu trang phục gốc khác nhau như dân tộc Dao có hàng chục trang phục dùng cho những mục đích khác nhau (Lễ hội, cưới hỏi, lên nương, thường ngày…), cho hơn mười ngành Dao khác nhau (Lô gang, Đầu bằng, quần chẹt, Dao đỏ, Dao Tiền, Thanh y…); dân tộc Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Trắng, Mông Hoa…); Thái Đen, Thái Trắng… Đặc biệt rất khó khăn tìm lại trang phục gốc của một số dân tộc ít người như Brâu, Ơ đu, Rơ măm… Việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, góp phần phát triển bền vững văn hóa, làm cho trang phục truyền thống phổ biến, nâng cao lòng tự hào dân tộc, có ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Để các giá trị văn hóa hòa nhập mà không hòa tan, thay đổi mà không đánh mất mình, theo đồng chí Đinh Xuân Thắng, trong thời gian tới cần khảo sát, đánh giá, tiến hành kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS trên phạm vi cả nước . Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, lồng ghép thông qua nghệ thuật điện ảnh quảng bá giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc. Xây dựng một số mô hình bảo tồn, phát triển trang phục truyền thống các DTTS; bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm về trang phục truyền thống DTTS tại các điểm du lịch cộng đồng. 

Cùng với đó, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt cho những nghệ nhân tiêu biểu, người lưu giữ, truyền dạy sản xuất các sản phẩm trang phục truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức biểu dương, tôn vinh các nghệ nhân định kỳ từ cấp cơ sở nhất là đối với dân tộc thiểu số rất ít người.

Về phía các cơ quan quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp chặt với Ủy ban Dân tộc và các Bộ ngành, địa phương tổ chức, triển khai có hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình MTTG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các DTTS. Tổ chức triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các DTTS”; Tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy việc phát triển, chế biến nguồn nguyên liệu để sản xuất rat rang phục truyền thống….

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc từ Trung ương đến cấp cơ sở; tổ chức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống truyền thống của các DTTS. Tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng nghề dệt, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống các DTTS, mở các lớp về kỹ năng mặc trang phục truyền thống của các dân tộc cho học sinh là người DTTS. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa các bộ trang phục gốc truyền thống của đồng bào DTTS; xây dựng bảo tàng số trang phục truyền thống các dân tộc.../.

Trọng Tấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN