Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch vùng cao nguyên đá Đồng Văn

Thứ Năm, 22/12/2022 17:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhờ chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch, những năm gần đây, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng, được nhiều du khách săn đón bởi vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ của cao nguyên đá và bình yên, nhẹ nhàng của những bản làng dân tộc.

Huyện Đồng Văn là một trong 4 địa phương vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, nơi đây vốn được xem là “vùng lõi” của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với hàng loạt địa điểm du lịch nổi tiếng gắn với lịch sử phát triển của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá như: Làng văn hóa thôn Lũng Cẩm, Dinh thự Vua Mèo, Cột cờ Lũng Cú; dốc Thẩm Mã, Phố cổ Đồng Văn;... 

 Thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông cùng một số dân tộc ít người khác như Hoa, Lô Lô... Từ bao đời nay nơi đây được ví như một ốc đảo yên bình nằm trọn vẹn trong thung lũng Sủng Là tươi đẹp. (Ảnh: ĐP)
Làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn thu hút đông đảo du khách với kiến trúc nhà cửa, thôn bản, truyền thống canh tác và phong tục tập quán của cộng đồng người Mông ở thôn Lũng Cẩm, tiêu biểu cho văn hóa truyền thống người Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: ĐP)
Vài năm gần đây, khi khách du lịch đến với Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng đông hơn thì người dân ở Lũng Cẩm còn có thêm một nghề sinh kế mới, đó là trồng tam giác mạch thành một vườn hoa cho du khách thưởng ngoạn... (Ảnh: ĐP)
 
... và làm ra các sản phẩm mới từ cây lương thực này, như bánh tam giác mạch, rượu tam giác mạch... (Ảnh: ĐP)
 Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng các dân tộc nơi đây đã và đang nỗ lực xây dựng Lũng Cẩm thành Làng Văn hóa Du lịch Cộng đồng tiêu biểu - một điểm đến đầy thú vị và thơ mộng của Công viên Địa chất. (Ảnh: ĐP)
 Tiếp tục xuôi theo quốc lộ 4C, dốc Thẩm Mã kéo dài từ địa phận xã Vần Chải lên xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn ôm lấy những triền núi hùng vĩ, uy nghi tạo nên bức tranh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp. Con dốc nổi tiếng này được xem như cầu nối giúp du khách ghé thăm nhiều điểm du lịch hấp dẫn trên cung đường Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn. (Ảnh: ĐP)

Một trong những điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách khi lên thăm Cao nguyên đá Đồng Văn là Khu di tích lịch sử nhà Vương (Trong ảnh: Cửa chính Dinh thự họ Vương). (Ảnh: ĐP)

 Với kiến trúc xây dựng vô cùng đặc sắc, dinh thự cổ có tuổi đời gần 100 năm này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia vào năm 1993. (Ảnh: ĐP)
 Nằm ở thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, tòa dinh thự gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của hai cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình. Toàn bộ ngôi dinh thự này có tổng diện tích gần 3.000m2, được khởi công xây dựng vào đầu năm 1898 và chính thức hoàn thành sau gần 10 năm thi công vào năm 1907. (Ảnh: ĐP)

Nơi đây lưu giữ những bằng chứng rõ nhất phản ánh chế độ thổ ty phong kiến miền núi điển hình của dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn (Hà Giang). (Ảnh: ĐP)

 

 Khi đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của ngôi nhà cổ lâu đời mà còn có cơ hội khám phá văn hóa của đồng bào H’mông cùng những trải nghiệm thú vị khác. (Ảnh: ĐP)

Phố cổ Đồng Văn tọa lạc ở trung tâm thị trấn Đồng Văn, cách Hà Giang 145km về phía Bắc là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc vùng cao nguyên đá. 

Với lối kiến trúc chủ đạo là nhà ống, xây hai tầng và phần mái được lợp theo hơi hướng âm dương hòa hợp - loại ngói tiêu biểu ở vùng biên giới phía Bắc, Phố cổ Đồng Văn quanh năm đều thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, đặc biệt là vào các dịp lễ hội lớn. (Ảnh: ĐP)

 Và một điểm đến yêu thích của hàng vạn du khách gần xa là Di tích lịch sử Quốc gia Cột cờ Lũng Cú (thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) - biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc Việt Nam, tọa lạc ở nơi cao nhất của “mỏm cực Bắc" với độ cao 1.468m so với mực nước biển. Với mỗi người dân đất Việt, được đặt chân đến điểm cực Bắc của đất nước, chạm tay vào lá cờ Tổ quốc rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S này là một niềm mơ ước, là vinh dự và tự hào… 
Được biết, hiện trên địa bàn huyện Đồng Văn có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm Mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy… Việc phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch đang là hướng đi được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đồng Văn vận dụng linh hoạt và hiêu quả, nhờ đó đã ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến thăm quan, khám phá. (Ảnh: ĐP)

 


Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN