Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật mới

Thứ Tư, 20/09/2017 14:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 20/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật mới sưu tầm năm 2016 - 2017.

Anh hùng La Văn Cầu trao tặng Bảo tàng Bằng khen danh hiệu "Anh hùng toàn quốc"
do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký tặng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 9/2016 đến 9/2017, Bảo tàng đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát và sưu tầm, tiếp nhận hơn 60 ảnh, tài liệu, tác phẩm nghệ thuật, ấn phẩm và bản sao 4 phim tài liệu, 2 đầu tài liệu hơn 300 trang về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước, trong đó, hầu hết là tài liệu, hiện vật gốc và quý.

Theo đó, Bảo tàng đã tiếp nhận các tài liệu, hiện vật theo 3 nhóm. Nhóm tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước như: 2 Bằng khen do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh ký tặng các Danh hiệu "Anh hùng toàn quốc" cho ông La Văn Cầu và "Chiến sĩ toàn quốc" cho bà Trần Thị Thanh trong phong trào Thi đua ái quốc năm 1951 - 1952; một cuốn sổ "Giải thưởng Bác Hồ" gửi tặng học sinh giỏi Nguyễn Tiến Sỹ, trường Cấp I Ninh Hiệp, năm học 1967- 1968... Đặc biệt, trong nhóm tài liệu, hiện vật này, đáng chú ý có các hiện vật liên quan đến lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Giấy thông báo gửi bác sĩ Nhữ Thế Bảo về Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình của Ủy ban Lễ tang Nhà nước, ngày 9/9/1969; phong bì và tem thư phát hành dịp tang lễ Người với những hàng chữ “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến” và “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”…

Nhóm tài liệu, hiện vật liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài và hoạt động đối ngoại của Người, gồm: Sưu tập ảnh gồm 22 ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp với một số chính khách, thiếu nhi Đức, thiếu niên Việt Nam đang học tập tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1957 do bà Nhữ Ngọc Khanh, con gái bác sĩ Nhữ Thế Bảo tặng; bản sao 4 phim tư liệu: "Nguyễn Ái Quốc - ẩn số từ nước Pháp"; "Hồ Chí Minh - tên Người là bài ca chiến thắng"; "Người bạn thầm lặng của Bác"; "Hồ Chí Minh với nước Nga" là những bộ phim tư liệu, hiện vật quý, liên quan đến nhiều hiện vật, nhiều sự kiện, được ghi hình tại nhiều trung tâm lưu trữ, nhiều di tích ghi dấu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài do Đài Truyền hình Việt Nam tặng.

Nhóm tài liệu, hiện vật thể hiện tình cảm của nhân dân thế giới và nhân dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua nhiều ấn phẩm, loại hình nghệ thuật gồm: Sách "Chuyện kể về cụ Nguyễn Sinh Nhậm, ông nội Chủ tịch Hồ Chí Minh và hậu duệ" do ông Nguyễn Sinh Tuấn, đại diện của nhánh I chi II dòng họ Nguyễn Sinh tặng; tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu giấy xé dán do họa sĩ người Pháp gốc Angieri Boutadjine Mustapha gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh...

Ngoài ra còn có một số công cụ đã dùng chế tác phù điêu Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948 và dụng cụ, mẫu chỉ thêu tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm phong phú và hoàn chỉnh thêm cứ liệu cho hiện vật đã sưu tầm.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà gửi lời cảm ơn đến các cộng tác viên đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng trong suốt thời gian qua. Ông Vũ Mạnh Hà cho biết, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ và các thao tác nghiệp vụ khác theo yêu cầu nhằm bảo quản, khai thác và phát huy hiệu quả những tài liệu, hiện vật trên.

Dưới đây là một số hình ảnh về những tài liệu, hiện vật mới được Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận:

Sổ "Giải thưởng Bác Hồ" do ông Nguyễn Tiến Sỹ tặng.


Giấy thông báo gửi bác sĩ Nhữ Thế Bảo về Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Quảng trường Ba Đình của Ủy ban Lễ tang Nhà nước.


Một số công cụ đã dùng chế tác phù điêu Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948. 


Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu giấy xé dán do
họa sĩ người Pháp gốc Angieri Boutadjine Mustapha gửi tặng. 


Sưu tập ảnh gồm 22 ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp với một số chính khách, thiếu nhi Đức,
thiếu niên Việt Nam đang học tập tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1957.
Tin, ảnh: Huy Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN