Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Báo động vấn nạn sách lậu!

Thứ Sáu, 19/08/2016 17:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, những người có tâm huyết thì đau đầu vì tri thức không được coi trọng, bị đánh cắp một cách trắng trợn. Đó chỉ là phần nổi khi người ta nhắc đến “vấn nạn” sách lậu…

"Phố sách" trên đường Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn tấp nập người mua bán với đủ loại sách, song chất lượng của những cuốn sách thì dường như bị thả nổi. Ảnh: Cẩm Giang.

“Phố sách” trên đường Phạm Văn  Đồng, Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào mọi khung giờ đều luôn náo nhiệt với hoạt động của kẻ mua, người bán các loại sách. Tại các con đường này, từ sách chính thống cho đến vô số các đầu sách lậu đều được bày la liệt, chiếm cả lối đi dành cho người đi bộ. Các đầu sách ở đây vô cùng phong phú, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến sách nghiên cứu, giáo khoa, truyện thiếu nhi...

Còn tại đường Láng (quận Đống Đa), đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình), cũng nhan nhản các chiếu sách lậu bán vỉa hè. Các chiếu sách lậu này thường tấp nập vào buổi chiều tối, chủ yếu là để phục vụ những đối tượng là sinh viên và người có thu nhập thấp trong giờ tan tầm. Ở đây, giá của mỗi cuốn sách thì siêu rẻ. Trung bình cho mỗi cuốn sách là được giảm từ 20-30%. Càng mua nhiều thì chiết khấu càng cao, thậm chí có khi lên tới 50%. Có điều chất lượng của những cuốn sách này ra sao chỉ có “trời” mới biết...

Có một hình thức phổ biến sách lậu khá hiệu quả hiện nay chính là nhân bản sách bằng cách photocopy sách. Chính tầng lớp trí thức, sinh viên là những người ưa chuộng và đi tiên phong, vô tình dung túng cho phương pháp lậu sách này. Nhộn nhịp nhất là phải kể đến khu vực ở cổng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đủ các kiểu hàng photocopy, chế bản, in ấn cả màu và đen trắng.  

Sinh viên Nguyễn  Minh Nguyên, trường Đai học Bách Khoa Hà Nội cho biết : “Đa số giáo trình của em đều là sách photo cả. Em thấy vấn đề này cũng không ảnh hưởng gì nhiều, nhất là đối với sinh viên bọn em. Với lại photo sách, giáo trình lại đang “hot” đối với cánh sinh viên, vừa không tốn kém lại có sách để phục vụ việc học”.

Tâm lý chung của mọi người thường ham của rẻ, bản thân sách lại là một loại hàng hóa đặc biệt. Giá trị của nó nằm ở thông tin mà nó chứa đựng. Vì thế, nhiều người cho rằng: chất lượng giấy kém đi một chút cũng không sao, thông tin trên đó vẫn thế mà giá lại rẻ hơn nhiều, tội gì mà không mua. Nhưng thực tế có phải như vậy?

Những kẻ làm sách lậu chỉ việc scan và copy những cuốn sách thật, sách xịn ra bán mà không hề trả tiền bản quyền cho tác giả. Nếu là sách mua bản quyền từ nước ngoài, các công ty sách thì phải trả thêm tiền dịch, tiền hiệu đính, mà nhiều khi những khoản tiền này không hề nhỏ.

Ngoài ra, những người làm sách giả, sách lậu không phải chi trả tiền cho dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa… Rất nhiều khoản chi phí họ không hề mất.

Một thủ đoạn khác của các chủ đầu nậu, đó là chất lượng của sách lậu, sách giả kém. Họ thường chọn loại giấy xấu hơn, mỏng hơn, kém chất lượng hơn, khổ nhỏ hơn… Tất cả điều này nhằm làm giá thành cuốn sách thấp hơn.

Thủ đoạn tinh vi hơn nữa là chúng cho in bìa sách và ruột sách ở các nơi khác nhau.  Chúng thường hoạt động vào ban đêm và thường chọn những xưởng in tư nhân nhỏ, manh mún, nằm xa khu vực trung tâm, với thiết bị máy móc lạc hậu, cũ nát, kém chất lượng. Trong trường hợp bị bắt, bị tịch thu tang vật, chi phí cũng không quá lớn nhằm tối ưu cho công việc sản xuất sách lậu.

Khi in xong sách lậu thì chỉ cần trà trộn với sách thật, nên khó có thể phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách giả. Để kích thích được nhu cầu tiêu thụ thì các chủ đầu nậu chỉ cần chiết khấu với giá cực kỳ ưu đãi cho các đầu mối 30-50%. Và cứ đà vậy, công việc sách lậu “ăn nên làm ra”, biến tình trạng sách lậu thực sự trở thành vấn nạn.

Để trả lời cho câu hỏi : “Ai là người tiếp tay cho sách lậu?”, chúng tôi tìm hiểu những đối tượng từ các em học sinh, sinh viên, những người có thu nhập thấp..., thì nhận thấy phần lớn số sách lậu được tiêu thụ bởi các đối tượng này.

Còn những người mua sách lậu cho biết, họ có nhu cầu đọc sách, thậm chí đam mê nhưng do số tiền có hạn nên họ luôn tìm những nguồn sách rẻ nhất, chiết khấu cao nhất để mua.

Vì những lý do như thế mà các công ty sách và các nhà xuất bản - nơi sản xuất ra những cuốn sách thật phải chịu thiệt hại đáng kể.

Họ bị thiệt hại về kinh tế và uy tín. Họ bỏ tiền ra mua bản quyền, dịch, hiệu đính, biên tập, trình bày và cho ra đời những đứa con tinh thần với bao tâm huyết và trí tuệ. Thoắt một cái, họ bị ăn cắp tri thức, bản quyền một cách trắng trợn.

Buồn phiền nhất, đó là tác giả của những “đứa con tinh thần" ấy. Bằng cả tình yêu và nhiệt huyết của bản thân, họ dồn hết khả năng và trí tuệ để tạo nên những cuốn sách ấy. Còn gì đau xót hơn khi chúng bị coi thường, rẻ rúng bởi nạn sách giả…

Sách lậu nếu bán lan tràn trên thị trường thì các công ty hay nhà xuất bản giữ bản quyền cuốn sách ấy sẽ không bán được sách và vô hình trung, tiền bản quyền cho tác giả sẽ giảm đáng kể. Đây chắc chắn là một trong những nguyên nhân làm cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực viết sách nản lòng.

Nếu những tác giả có uy tín, tài năng, tâm huyết không viết sách nữa, thử hỏi chất lượng của những cuốn sách sẽ đi về đâu?

Câu trả lời xin dành cho các cơ quan quản lý!

Cẩm Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN