Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu công tác dân số trong tình hình mới

Thứ Tư, 10/10/2018 22:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới cũng đã khẳng định, cần bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số.

Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế
bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số. Nguồn ảnh: giadinh.net.vn.


Vì sao cần đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số?

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số ở nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, cả về quy mô, chất lượng cũng như cơ cấu dân số. Vì vậy, Nghị quyết số 21 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII được ban hành đã xác định đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Cụ thể, Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan cần ưu tiên bố trí ngân sách bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, giáo dục, đào tạo, văn hoá, thể thao... nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Đẩy mạnh xã hội hoá, có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số.

Phát triển thị trường, đa dạng hoá các gói bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm nhà nước, bảo hiểm thương mại với nhiều mệnh giá tương ứng các gói dịch vụ khác nhau để các nhóm dân số đặc thù đều bình đẳng trong việc tham gia và thụ hưởng các dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội.

Chủ động, tích cực hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số. Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương, song phương về dân số và phát triển. Tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ về tài chính, tri thức, kinh nghiệm và kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế. Tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về dân số.

Đặc biệt, cần có chính sách đãi ngộ thoả đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, bản, tổ dân phố... Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển. Đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học…

Giới trẻ là một nguồn lực quan trọng cho công tác dân số. Nguồn ảnh: suckhoedoisong.vn

Đầu tư cho dân số là đầu tư cho sự phát triển

Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy con người là vốn quý nhất. Trong mọi hình thái kinh tế - xã hội (KT-XH), dân số luôn là lực lượng sản xuất, lại vừa là người tiêu dùng. Do vậy, dân số là động lực, là mục tiêu của phát triển và những biến đổi về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số chính là các yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển.

PGS.TS Trần Văn Chiến, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) chia sẻ: Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực kinh tế thì chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia. Dân số trong độ tuổi lao động chính là nguồn nhân lực, là lực lượng sản xuất chủ yếu tạo ra mọi của cải, các giá trị văn hóa và tinh thần của nhân loại, là yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển KT-XH.

Công tác dân số là một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến KT-XH, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người... Chính vì vậy, cần sự đầu tư nguồn lực mạnh mẽ bởi dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm được nhiều quốc gia nhận thức và có những hành động cụ thể.

Cũng bàn về vấn đề này, TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng nhấn mạnh: Để công tác DS-KHHGĐ thực sự là “một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”, rất cần sự quan tâm, đầu tư nguồn lực mạnh mẽ cho công tác này. Bởi, “Dân số là mẫu số của tất thảy các bài toán khác”.

Theo TS Bùi Ngọc Thanh, xét về nội dung của dân số thì đây là vấn đề chi phối toàn bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại của một quốc gia. Còn chỉ nói riêng về kinh tế - xã hội thì dân số là bài toán tổng thể, "bài toán mẹ" của tất cả các bài toán chi tiết: Cơ sở hạ tầng, nhà ở, đường sá giao thông; an ninh lương thực, thực phẩm; giáo dục, đào tạo; y tế, khám, chữa bệnh; lao động, việc làm; xóa đói, giảm nghèo; an sinh xã hội, cứu trợ xã hội...

Như vậy, dân số và phát triển có mối quan hệ biện chứng rất rõ rệt. Nhận thức được điều này, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác dân số, bao gồm nhân lực và vật lực. Nói cách khác, như khuyến cáo của Hội nghị Cai rô: “Hãy ấn định nguồn ngân sách, vật chất, nhân lực tốt nhất cho Chương trình dân số”./.

Tâm Quyên (TH)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN