Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

(ĐCSVN) - Ngay sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết chuyên đề về giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được ban hành. Đó là kết quả tất yếu của Quốc hội lắng nghe và hành động; đó cũng là kết quả tất yếu của sự trách nhiệm cao của các đoàn giám sát. Những điều đó càng thêm thúc đẩy các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Giai đoạn I: 2021- 2025" (Chương trình 1719) thêm hiệu quả.

KIỂM TRA, GIÁM SÁT Ở CẤP TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Chương trình công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình 1719, Uỷ ban Dân tộc đã chủ trì tổng hợp, trình ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình 1719, trong đó phân công cụ thể cho từng thành viên của Tổ công tác chịu trách nhiệm theo dõi và xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát, đánh giá tại địa phương được phân công, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình 1719 được thường xuyên, liên tục, tránh chồng chéo giữa các thành viên trên cùng địa bàn.

Năm 2022, có 11 Đoàn kiểm tra, giám sát theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổ công tác đã được phối hợp triển khai tại 28 tỉnh; trong đó 08 Đoàn do Ban Chỉ đạo Trung ương lồng ghép kiểm tra, giám sát, đánh giá các chương trình MTQG, 03 Đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá do Tổ công tác triển khai tại 06 tỉnh thực hiện Chương trình 1719.

Chỉ riêng trong tháng 02/2023, đã tổ chức 03 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì đi khảo sát, làm việc với các địa phương vùng Tây Nguyên, trung du miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ; phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương rà soát, tiếp thu, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 1719.

Trong quý II/2023, Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719. Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 Bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương…


Tại kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XV, Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 đã được đưa ra lấy ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và các bộ ngành có liên quan theo đúng quy định, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thu hút được sự quan tâm, chú ý của cử tri và dư luận xã hội.

Việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các Chương trình mục tiêu quốc gia mới bắt đầu triển khai thực hiện đã có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh các Chương trình đang triển khai rất chậm. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành được nâng lên; đã có sự vào cuộc quyết liệt hơn, tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của các Chương trình từ đầu năm 2023. Thông qua việc giám sát tối cao đã thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với Quốc hội, thì Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQVN) cũng đã tiến hành giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 tại các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Kon Tum và An Giang.

KIỂM TRA, GIÁM SÁT Ở CẤP ĐỊA PHƯƠNG

Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của cấp trung ương, các địa phương đã chỉ đạo triển khai xây dựng và bố trí nguồn lực triển khai Kế hoạch kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Qua công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đã giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình chấp hành các quy định về quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; phát huy những kết quả tích cực và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý tồn tại, hạn chế phát sinh để đảm bảo thực hiện Chương trình có hiệu quả, đúng mục tiêu, tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

 

Uỷ ban MTTQVN của 49 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình 1719 cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và giám sát Chương trình. Về nội dung, chủ yếu tập trung vào giám sát công tác triển khai thực hiện; giám sát việc xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng; giám sát phân bổ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác thuộc Chương trình. Tiêu biểu cho nội dung hoạt động này là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Thanh Hoá, Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Nam, Phú Yên, An Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Cao Bằng.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, Cần nghiêm túc quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, rõ ràng các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, bám sát thực tiễn để bảo đảm nội dung của Nghị quyết được thể chế hóa đầy đủ ngay từ khi xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể hóa cơ chế, chính sách, công tác điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện.

Thứ hai, Phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự chủ động, trách nhiệm của cơ quan điều hành, thực thi là yếu tố then chốt để đạt kết quả Chương trình. Khắc phục cho được tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

 

Thứ ba, Phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của Nhân dân, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, đối tượng thụ hưởng Chương trình. Đây là yêu tố then chốt để quyết định sự thành công, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ tư, Để có chính sách phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn, quyết định các danh mục dự án, tiểu dự án cụ thể. Các cơ quan trung ương ban hành chính sách khung, giao chỉ tiêu cụ thể cho địa phương và xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá phù hợp, hiệu quả.

QUỐC HỘI LẮNG NGHE, QUỐC HỘI HÀNH ĐỘNG

Từ những nội dung thảo luận tại Quốc hội trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm đối với Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21/10/2023 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, ngay sau kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua

 

Theo đó, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đề xuất, kiến nghị, khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu trong Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21/10/2023 của Đoàn giám sát. 

Trong đó, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tập trung giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết những bất cập của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tiếp tục đổi mới việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Sớm xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bao gồm việc xây dựng, ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới./.

Trần Quỳnh
15/12/2023 22:02
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN