Bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai
(ĐCSVN) - Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục sử dụng tổ chức bộ máy, phương tiện, trang thiết bị hiện có để tổ chức theo dõi, giám sát, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai... bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả, không xảy ra khoảng trống, gián đoạn.
Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục sử dụng tổ chức bộ máy, phương tiện, trang thiết bị hiện có để tổ chức theo dõi, giám sát, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai (bao gồm cả việc tổ chức vận hành các hồ chứa nước theo các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông), tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến thời điểm Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp được kiện toàn theo quy định của Luật phòng thủ dân sự và đi vào hoạt động nhằm bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả, không xảy ra khoảng trống, gián đoạn trong công tác theo dõi, giám sát, tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai (nhất là thời điểm hiện nay đang là thời kỳ cao điểm về nguy cơ xảy ra bão, mưa lũ).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát các quy định hiện hành có liên quan đến trách nhiệm của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, kịp thời tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền phương án xử lý hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu cần) nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả, thống nhất với quy định của Luật phòng thủ dân sự, Luật phòng, chống thiên tai và các quy định pháp luật khác có liên quan.