Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo đảm an ninh trật tự góp phần phát triển kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam

Thứ Ba, 13/09/2022 06:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Qua gần 2 năm thực hiện quy chế phối hợp công an 7 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tình hình tội phạm ở khu vực giáp ranh từng bước được kiểm soát, kéo giảm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế.

 Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị Công an 7 tỉnh, thành tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính trong lực lượng Công an nhân dân, nhất là dịch vụ công, căn cước công dân, kết nối dữ liệu, công nghệ số… (ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Chiều 12/9, Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự địa bàn giáp ranh giữa công an 7 tỉnh, thành phố.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang.

Phát biểu tại Hội nghị, từ những kết quả đã đạt được cũng như cũng hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, công an 7 tỉnh (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang) cần phối hợp và làm tốt hơn nữa công tác truyền thông; gắn truyền thông với vận động quần chúng; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; tăng cường kết nối, chia sẻ giữa Công an 7 tỉnh, thành phố…

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị Công an 7 tỉnh, thành tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính trong lực lượng Công an nhân dân, nhất là dịch vụ công, căn cước công dân, kết nối dữ liệu, công nghệ số… Đồng thời, triển khai Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của Công an 7 tỉnh, thành phố đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ phải luôn sát cánh cùng Công an 7 tỉnh, thành phố để kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần phục hồi kinh tế, không làm cản trở những hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ phải luôn sát cánh cùng Công an 7 tỉnh, thành phố để kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống (ảnh: thanhuytphcm.vn)

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị cấp ủy, chính quyền 7 tỉnh, thành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, góp phần xây dựng lực lượng Công an tại địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 12/NQ-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…

Tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, qua 2 năm thực hiện quy chế phối hợp Công an 7 tỉnh thành đã đạt được hiệu quả cao, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh các tỉnh thành. Trong đó, đã đẩy mạnh và đạt kết quả cao trong trao đổi thông tin, tình hình tội phạm; trao đổi kinh nghiệm công tác phòng ngừa, đấu tranh; thống nhất phối hợp trong thực hiện các chuyên án, các đợt cao điểm về đấu tranh, phòng chống, tấn công, trấn áp các loại tội phạm…Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế tại 7 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam.

Về kết quả phối hợp điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, công an 7 tỉnh thành phố đã phối hợp khám phá 4.995 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 78,96% (cao hơn 1,83% so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ điều tra khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 89,91%.

Cùng với đó, đã phối hợp trao đổi, xác minh là 84 vụ/85 đối tượng, cung cấp thông tin để điều tra 26 vụ án/29 bị can liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao và môi trường.

 Lãnh đạo công an các tỉnh thành tham dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Tại Hội nghị, đại diện công an 7 tỉnh, thành đã chia sẻ tình hình thực tiễn, kinh nghiệm và bài học trong quá trình triển khai hoạt động chuyên môn. Các ý kiến đều cho rằng, tính chất của tội phạm xâm phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng về số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tính chất, thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc trong dư luận. Hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm trên các nền tảng di dộng và qua mạng Internet diễn biến phức tạp gây mất an ninh trật tự…

Hội nghị cũng tập trung thảo luận các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như thường xuyên phối hợp xác minh nguồn tin, trao đổi thông tin ở từng cấp, nhất là thông tin về âm mưu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng; tạo sự đồng bộ trong phối hợp mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, quyết tâm chuyển hoá, lập lại trật tự tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm giáp ranh.

Cùng với đó, đẩy mạnh phối hợp quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng khu vực giáp ranh, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06. Ứng dụng dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước công dân và các dữ liệu nghiệp vụ phục vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ….

Tại hội nghị, Công an TP Hồ Chí Minh đã bàn giao vai trò Cụm trưởng cho Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN