Bản sắc văn hoá nơi miền đất có hai dòng sông
(ĐCSVN) - Trải qua các thời kỳ phát triển, đồng bào các dân tộc huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã tạo dựng, hình thành được những vốn văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc của dân tộc mình, góp phần làm đa dạng, phong phú cho vốn văn hóa của tỉnh Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Nơi triền sông văn hoá
Bảo Yên là vùng đất cửa ngõ phía Đông tỉnh Lào Cai, miền đất của hai dòng sông (sông Hồng và sông Chảy), nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của nhiều tộc người cùng sinh sống và phát triển trên những dải đất sơn thủy hữu tình. Trải qua nhiều thế kỷ, các tộc người tìm đến, tạo dựng cuộc sống tại những vùng đất của Bảo Yên đã gắn bó trọn đời và sinh con đẻ cái, đời này qua đời khác cứ thế tiếp nối tạo nên những bản làng ngày càng đông đúc. Bảo Yên là nơi gắn với dấu tích đầu thế kỷ XVI, hai anh em Vũ Công Uyên và Vũ Công Mật lên khai phá, gây dựng sơn trang, dấu tích văn hóa còn in rõ ở phế tích thành cổ Nghị Lang khu vực Nghĩa Đô, Phố Ràng và các công trình như đền, chùa, chợ...Đó cũng là hành trình mà con người Bảo Yên tạo dựng cho mình một tài sản vô giá không gì đánh đổi được. Kho tàng văn hóa dân gian mang đậm bản sắc đó trải qua thời gian, qua xây dựng, bồi đắp ngày càng được giàu lên và được chính những con người nơi đây gìn giữ, truyền lại cho con cháu.
Tập quán làm nhà sàn của đồng bào Tày ở Bảo Yên được gìn giữ từ xa xưa đến nay |
Với đặc thù là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, cho nên, có thể khẳng định, diện mạo văn hóa dân gian Bảo Yên đa dạng, phong phú về thể loại, đậm đà về bản sắc, lâu bền về sức sống. Tất cả đều hòa chung vào một dòng chảy văn hóa đa sắc màu trên dải đất có hai dòng sông. Sự góp mặt của văn hóa các dân tộc đã tạo nên đặc trưng đa sắc màu của văn hóa dân gian Bảo Yên. Tuy mỗi dân tộc có một đặc điểm riêng về văn hóa, cùng sinh sống, diễn xướng trên những bản làng nhưng dân tộc nào cũng giữ được những nét bản sắc về văn hóa của dân tộc mình, không có sự pha tạp, hòa trộn mà luôn có sự hòa kết, hòa điệu tạo nên nét hấp dẫn riêng về văn hóa của vùng đất này.
Đa dạng và độc đáo
Khi nghiên cứu về diện mạo văn hóa dân gian Bảo Yên trong sự đa dạng, đa sắc màu có thể phân chia thành các loại khác nhau. Đó là văn hóa tâm linh gắn với các nghi lễ cúng then, lễ dâng Pang (cốm) vào ngày mùa, lễ cúng rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, nghi lễ cúng trong tang ma... của đồng bào Tày; lễ cúng rừng, cúng mồng 1 tết Nguyên đán...của đồng bào Mông; lễ tảo mộ của người Nùng; lễ cấp sắc của người Dao...Những nghi lễ này mang đậm quan niệm nhân sinh của đồng bào các dân tộc và trở thành điều thiêng liêng trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây.
Diện mạo văn hóa dân gian Bảo Yên đa dạng, đa sắc màu... |
Đó còn là văn hóa trang phục, mỗi dân tộc đã có sự sáng tạo riêng trong việc làm nên những bộ trang phục: những bộ áo váy thổ cẩm sặc sỡ hoa văn, sắc màu của đồng bào dân tộc Mông; sắc màu chàm trên trang phục của người Tày, những tấm thổ cẩm với những đường viền hoa văn hết sức tinh tế được những bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng sáng tạo của đồng bào Tày mà thêu dệt nên; bộ trang phục từ khăn đội đầu đến váy áo rực rỡ sắc màu của đồng bào dân tộc Dao...Trong đời sống thường ngày, trong lễ hội và những nghi lễ thiêng liêng, văn hóa trang phục là một phần quan trọng không thể thiếu đối với mỗi dân tộc. Không gian diễn xướng của văn hóa trang phục rất đa dạng và linh hoạt. Từ không gian gia đình, lễ cưới hỏi, tang ma, chợ phiên, du xuân, hội bản...đều có sự hiện diện của những bộ trang phục mang đậm dấu ấn văn hóa của mỗi dân tộc.
Nghề dệt vải truyền thống của đồng bào các dân tộc Bảo Yên. |
Phải kể đến trong diện mạo văn hóa Bảo Yên là văn học dân gian. Từ trong cuộc sống mưu sinh đầy gian khó trên dải đất Bảo Yên, đồng bào các dân tộc đã sáng tác, lưu truyền theo phương thức truyền miệng khá nhiều thể loại của văn học dân gian như: truyện cổ, tục ngữ, ca dao, hát ru, hát khắp, hát yếu, hát then...Trong những năm qua, các Nghệ nhân dân gian tại các bản làng đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và ghi chép lại hàng trăm tác phẩm của các thể loại trên. Đồng thời, không ngừng truyền lại những giá trị của văn học dân gian cho thế hệ sau, diễn xướng trong đời sống văn hóa của các dân tộc.
Cùng với đó là văn hóa ẩm thực Bảo Yên. Đã từ lâu, đồng bào các dân tộc Bảo Yên luôn chú trọng tạo nên những món ăn phục vụ đời sống hằng ngày. Ăn để cho no mà làm việc đồng áng, đồi nương, ăn để duy trì sự sống. Và cứ thế, những món ăn được bàn tay đồng bào chế biến ra được lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác, trở thành ẩm thực truyền thống. Phải kể đến những món ăn như: xôi ngũ sắc, lợn cắp nách, cá suối nướng, vịt bầu lam, canh gà nấu củ kiệu, trám muối, thịt trâu gác bếp của người Tày; món mèn mén, khau nhục của người Mông; món bánh chưng đen của người Dao; mật ong, khoai lệ phố, bánh mì, măng hốc, bánh lẳng, bánh khảo, bánh trứng kiến, bánh dày... Tất cả các món ăn hội tụ lại trở thành tinh hoa ẩm thực của vùng đất Bảo Yên, trở thành nét đặc trưng về ẩm thực mỗi khi nhắc đến vùng đất này. Những món ăn tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng mang đậm phong vị ẩm thực, mang đậm lời ăn tiếng nói của cư dân bản địa, thể hiện phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó và bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, sự thảo thơm của đồng bào các dân tộc khi sáng tạo ra những món ăn.
Đồng bào các dân tộc Bảo Yên giới thiệu các sản phẩm văn hoá truyền thống. |
Mạch nguồn chảy mãi
Phong tục tập quán, lễ hội là nét văn hóa đã góp phần làm nên sự đa sắc màu trong diện mạo văn hóa dân gian Bảo Yên. Có thể khẳng định, đây là những nét văn hóa được hình thành lâu đời và có không gian diễn xướng sinh động, linh hoạt và hấp dẫn nhất. Khi nói đến phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Bảo Yên phải kể đến tập quán làm nhà, phong tục tang ma, cưới hỏi, ăn Tết trong năm, tập quán chữa bệnh bằng lá cây rừng, tập quán canh tác trên nương đồi... Các phong tục, tập quán gắn liền với những triết lý nhân sinh trong đời sống của đồng bào và trở thành những giá trị văn hóa cổ truyền đi cùng thời gian và sự sinh tồn. Lễ hội trên địa bàn huyện Bảo Yên rất phong phú, gắn với đời sống nông nghiệp của đồng bào các dân tộc như: lễ hội Gầu tào, Sán say của người Mông; lễ hội Lồng tồng, lễ hội gánh nước thiêng, hội cốm... của người Tày. Bên cạnh đó, hằng năm, ở Bảo Hà có lễ hội đền Bảo Hà, ở thị trấn Phố Ràng có lễ hội đền Phúc Khánh, đền Nghĩa Đô, đền Làng Lúc, đền Long Khánh...
Trò chơi dân gian ở Bảo Yên khá phong phú và được bảo tồn tại các bản làng, các lễ hội, trong dịp tết Nguyên đán. Những trò chơi dân gian ở Bảo Yên có vai trò quan trọng là những công cụ thực hành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc, là yếu tố tạo niềm niềm vui, sự giao lưu, đoàn kết cộng đồng. Bắt nguồn từ những phong tục, tập quán và quan niệm mang đậm chất nhân văn, những trò chơi thu hút được đông đảo người chơi, người xem như: đánh yến, đu quay, ném còn, bắn nỏ, đánh quay ngày Tết, múa sinh tiền... được đồng bào các dân tộc sáng tạo ra, lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Trò chơi dân gian đi cà kheo được gìn giữ, diễn xướng ở vùng đất Bảo Yên. |
Có một nét văn hóa không thể không nhắc đến khi tìm hiểu văn hóa dân gian Bảo Yên, đó là hát chầu văn và tín ngưỡng hầu đồng. Tuy nét văn hóa này có ở nhiều nơi nhưng tại đền Bảo Hà, từ lâu, hát chầu văn gắn với tín ngưỡng hầu đồng tam, tứ phủ đã được diễn xướng trong không gian linh thiêng của đền Bảo Hà. Âm điệu chầu văn lan tỏa khắp không gian đền thiêng, hòa vào nhịp điệu thăng hoa của thanh đồng, xung quanh là núi rừng, thiên nhiên thơ mộng hữu tình, dòng sông Hồng cuộn chảy, cất lên những lời ca ngợi chiến công, sự uy linh của Thần vệ quốc Nguyễn Hoàng Bảy.
Văn hóa dân gian Bảo Yên khẳng định được sức sống bền bỉ như những mạch nguồn chảy mãi trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đó là điều kỳ diệu khi những mạch nguồn văn hóa ấy vượt qua sự tàn phá của thời gian, vượt qua sự đổi thay của xã hội để tiếp tục nhân lên, sáng tạo lên những cái mới, làm phong phú cho văn hóa cộng đồng các dân tộc.
Có thể khẳng định, với kho tàng văn hóa dân gian bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, với sự đa dạng, phong phú trong chỉnh thể của văn hóa các dân tộc, văn hóa dân gian Bảo Yên mang đậm đặc trưng và xứng đáng là một “Tây Bắc thu nhỏ”, một dòng riêng giữa nguồn chung của “Đại ngàn văn hóa Tây Bắc”. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, văn hóa dân gian Bảo Yên xứng tầm đại diện cho mảnh đất và con người nơi đây chào đón du khách trong và ngoài nước dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp vùng đất này và văn hóa luôn là linh hồn, là niềm tự hào và điểm tựa vững chắc để Bảo Yên phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai./.