Ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
(ĐCSVN) - Mục đích giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương vừa ký ban hành Kế hoạch số 673/KH-ĐGS Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Đây là một trong 2 chuyên đề giám sát Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát trong năm 2024.
Thực hiện Nghị quyết số 838/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”, Đoàn giám sát đã xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, cụ thể.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: VH) |
Theo đó, mục đích giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn tiếp theo.
Nội dung giám sát tập trung vào việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT và các hoạt động liên quan đến bảo đảm TTATGT (trọng tâm là các quy định về bảo đảm TTATGT, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan; trong đó trọng điểm là bảo đảm TTATGT đường bộ).
Việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT; rà soát các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, trọng tâm là các văn bản dưới Luật của Chính phủ và các Bộ; những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT.
Thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân về bảo đảm TTATGT; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT; tình hình vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo đảm TTATGT; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm TTATGT; hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm TTATGT.
Xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT; tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân của hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; làm rõ trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.
Đối tượng giám sát là Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan. Trong đó, Đoàn sẽ làm việc trực tiếp với: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Kiên Giang; Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.
Kế hoạch giám sát đã phân công, tổ chức công việc cụ thể của Đoàn giám sát. Theo đó, đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chịu trách nhiệm chung; chỉ đạo Đoàn giám sát thực hiện theo đúng kế hoạch; phân công nhiệm vụ cụ thể đối với thành viên Đoàn giám sát; làm Trưởng Đoàn công tác số 1.
Đồng chí Lê Tấn Tới, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn công tác số 2, chủ trì chỉ đạo, tham mưu giúp Đoàn giám sát về nội dung giám sát; chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc tổng hợp chung báo cáo kết quả giám sát. Đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn công tác số 3, chỉ đạo, tham mưu giúp Đoàn giám sát về nội dung giám sát.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội giúp Trưởng đoàn giám sát chỉ đạo và chịu trách nhiệm tham mưu về nội dung giám sát, thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Trưởng đoàn giám sát. Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn Giám sát và các đồng chí Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; chỉ đạo việc tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch, các dự thảo Đề cương báo cáo, xây dựng dự thảo báo cáo, quyết định phân công nhiệm vụ thành viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát; phân công nhiệm vụ thành viên Tổ giúp việc; tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát bảo đảm kịp thời, đúng kế hoạch, chất lượng và hiệu quả.../.