Bài toán khó nhưng chưa hết cách giải
(ĐCSVN) - Việc vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng trái phép làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện... trên địa bàn Hà Nội mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, ra quân xử lý, xử phạt, song vẫn tái diễn. Do đó, nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó có đề xuất cho thuê vỉa hè.
Cảnh thường thấy tại nhiều vỉa hè ở Hà Nội. |
Để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, các đơn vị chức năng đã thực hiện theo nguyên tắc triển khai phải kiên trì, bài bản và tổ chức thực hiện tuân thủ với 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (từ ngày 15 - 28/2). Giai đoạn 2, ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ 1 - 30/3). Và giai đoạn 3 là giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ 30/3 - 1/11).
Có thể nói, sau giai đoạn 2, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã được cải thiện đáng kể. Thế nhưng, bước vào giai đoạn 3 – giai đoạn duy trì thì vi phạm lại có chiều hướng “tái phát”, nhất là ở những tuyến đường nhỏ, khu tập thể cũ và xung quanh các trường học, bến xe… đã có dấu hiệu gia tăng. Vì sao lại như vậy? Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho thực tế này. Và sự đối phó của người dân là một trong những nguyên nhân chính.
Trước tiên phải khẳng định, không phải các lực lượng chức năng không biết đến sự tồn tại của vi phạm, không tiến hành kiểm tra, xử lý… nhưng việc kiểm tra, xử lý gặp những khó khăn nhất định vì nó liên quan đến “miếng cơm manh áo” của người dân. Chỉ buôn bán nhỏ, không thể đủ tiền thuê mặt bằng, nhiều người đã phải đi bán rong. Họ chọn cách bán hàng trên xe đẩy và luôn có cách đối phó khi lực lượng chức năng xuất hiện. Điều đó có nghĩa là họ không chọn cách tuân thủ pháp luật… Nhưng nếu họ không bám vào vỉa hè thì họ sẽ làm gì? Đó là câu hỏi cũng cần được đặt ra một cách nghiêm túc và phải có giải pháp, nếu không, việc “giành lại vỉa hè” cũng vẫn sẽ chỉ nửa vời.
Bởi theo quan sát của chúng tôi, sau một thời gian triển khai quyết liệt với khẩu hiệu "giành lại vỉa hè cho người đi bộ", cuộc sống của những người dân buôn bán kinh doanh ở khu vực vỉa hè đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số tuyến phố dừng việc sử dụng hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện đã gây ra sự xáo trộn rất lớn… Đáng chú ý, người dân tìm mọi cách đối phó để ảnh hưởng ít nhất đến cuộc sống mưu sinh.
Thế là sau tất cả chiến dịch và giải pháp rầm rộ, vỉa hè chỉ thông thoáng được một thời gian ngắn, thậm chí vài hôm, rồi lại bị tái lấn chiếm. Trước thực trạng này, tại một số nơi, chính quyền địa phương dường như đã lựa chọn phương án chỉ nhắc nhở, răn đe, đẩy đuổi... lấy lệ. Mà có muốn làm quyết liệt thì cũng không xuể vì trung bình trên địa bàn 1 phường, cán bộ làm công tác trật tự đô thị chỉ có một vài, nhưng người vi phạm lên đến hàng trăm. Do vậy, việc giành lại vỉa hè, không thể chỉ trông chờ vào những nỗ lực đi tuần tra, giám sát. Nhất là khi chỉ thoáng thấy bóng dáng cơ quan chức năng, là những cái tay và những bước chân đã nhanh thoăn thoắt để đối phó lại.
Điều đáng nói nữa là lần ra quân này của Hà Nội không phải là lần đầu tiên. 10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” và cả 4 lần ra quân trước đều đã “thất thủ”. Điều đó có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể phủ nhận nguyên nhân rất thực tế là người dân đô thị cần nơi buôn bán, làm ăn. Rất nhiều người dân Hà Nội nhà ở mặt phố đã “sống được” nhờ vào vỉa hè. Con số đó không phải hàng trăm mà phải lên đến hàng trăm nghìn hộ.
Vì vậy, nhiều người cho rằng, giải quyết vấn đề an sinh cho người dân là một trong số những nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm và phải thừa nhận để mục tiêu giải phóng vỉa hè thành công trong đó rất cần sự ủng hộ giúp đỡ của người dân cùng những quyết tâm và trách nhiệm cao nhất của các cơ quan quản lý.
Do chưa xử lý được việc lấn chiếm vỉa hè, nhiều ý kiến đề xuất nên cho thuê với những quy định cụ thể, để người dân chủ động, tự giác ứng xử phù hợp. Theo ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: Việc giải quyết trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường là một vấn đề xã hội liên quan đến nhiều người dân cho nên phải có lộ trình thực hiện giải quyết phù hợp, đạt yêu cầu về quản lý trật tự đô thị. Đồng thời phải tính đến đời sống mưu sinh, an sinh xã hội của người dân hằng ngày. Phải tính đến việc giải quyết công ăn việc làm đối với những hộ gia đình đang kinh doanh ngoài vỉa hè. Việc cho thuê vỉa hè sẽ giải quyết hài hòa nhu cầu mưu sinh của người dân.
“UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và nước ngoài nghiên cứu, xây dựng giải pháp tổ chức quản lý hiệu quả vỉa hè nhằm đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh và mỹ quan môi trường nhằm xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp đáp ứng yêu cầu quản lý và chỉ đạo của UBND thành phố, cũng như giải quyết hài hòa nhu cầu mưu sinh của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận và của thành phố nói chung” – ông Tùng cho biết.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, Luật Giao thông không được phép biến vỉa hè thành nơi kinh doanh. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi cuộc sống người dân còn khó khăn, những nơi vỉa hè rộng có thể sử dụng một phần để kinh doanh. Quan trọng là phải dành tối thiểu 2m cho người đi bộ. Mặt khác, giá cho thuê vỉa hè cũng cần nâng lên vì nếu giá đưa ra chỉ thấp bằng 1/10, thậm chí 1/20 giá thuê các cửa hàng, sẽ dẫn đến nhiều người muốn thuê vỉa hè hơn là thuê cửa hàng và rất dễ chiếm dụng do không có giới định cụ thể. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp về không gian kinh doanh vỉa hè và vỉa hè vẫn luôn bị chiếm dụng khi mà việc kiểm soát chỉ theo từng đợt ra quân.
Có thể nói, việc thành phố Hà Nội ban hành và triển khai Kế hoạch 01 về việc tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng vẫn là điều hết sức cần thiết nhằm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Nhưng, để kế hoạch nêu trên không rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, “đánh trống bỏ dùi”…, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp đảm bảo cuộc sống của người dân.
Điều này cũng đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề cập tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2023 vừa qua. Bí thư Hà Nội nhận định: Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch.
“Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch; từ thiếu công khai, minh bạch nên dân cứ tràn ra, tràn vào sau mỗi lần ra quân. Nên tôi đề nghị phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại không thể cứ quanh năm đi dẹp vỉa hè, lòng đường” – người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội phát biểu, đồng thời chỉ ra, giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể… Trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay.
Cùng quan điểm với ý kiến của Bí thư Hà Nội, tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, khi triển khai thực hiện phải thận trọng, không nên làm đồng loạt và cần có định hướng nhất định. Cần phân loại vỉa hè, dành ra những tuyến phố đủ điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ dành một ít vỉa hè, đủ ngăn nắp cho người dân kinh doanh buôn bán và có quản lý, giám sát…. Và đặc biệt, để chỉ đạo của Bí thư đi vào cuộc sống, Hà Nội cần có quy chế cụ thể, với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm"…
Có thể nói, bài toán liên quan đến vỉa hè Hà Nội là bài toán không hề dễ giải khi chưa có tiền lệ với vô số các phương án được đặt ra. Tuy nhiên, bài toán dẫu khó nhưng không phải là hết cách giải. Mục tiêu nào cũng có đích đến. Và đích đến của Hà Nội là chắc chắn phải thắng trong trận chiến này, để lấy lại lòng tin của người dân về tinh thần "thượng tôn pháp luật"./.