Bài thi Khoa học tự nhiên sẽ “hiếm” điểm 9, 10
(ĐCSVN) - Sáng 26/6, ngày thứ hai kỳ thi THPT quốc gia, hơn 340.000 thí sinh dự thi bài Khoa học tự nhiên (Vật lí – Hóa học – Sinh học) với hình thức thi trắc nghiệm. Mỗi môn thi thành phần có thời gian làm bài 50 phút.
Tại một số điểm thi Hà Nội, hỏi nhanh nhiều thí sinh nhận xét đề thi bài Khoa học tự nhiên có kiến thức rộng, đòi hỏi thí sinh phải học nhiều, sâu và nắm chắc kiến thức chương trình lớp 11, 12 mới hi vọng điểm số cao.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh: VA)
Đề thi Vật lý đạt 5,6 điểm không khó
Nhận xét đề thi Vật lý, thầy Phạm Quốc Toán, giáo viên Tuyensinh247.com cho hay, nhìn chung, đề thi THPT quốc gia môn Vật lí năm nay đã ra đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT: Dễ dàng cho tốt nghiệp và phân loại cao với học sinh khá và giỏi, nhiều câu hỏi mang tính vận dụng thực tế, liên quan đến thí nghiệm, phải hiểu đúng bản chất vật lí và không quá khó về mặt toán học…
Phần nội dung kiến thức lớp 11 không nhiều và đều không phải là các câu khó. Các câu khó và rất khó vẫn rơi vào phần kiến thức lớp 12 (Dao động cơ, sóng cơ, dòng điện xoay chiều). Vẫn có những câu về khai thác đồ thị, thí nghiệm, ứng dụng thực tế thú vị. Một câu liên quan đến thí nghiệm thực hành Vật lí 11 (đơn giản nhưng phải từng làm mới hiểu).
“Phương pháp” loại trừ để chọn đáp án đúng đã được hạn chế tối đa khi học sinh làm bài. Các em phải có kiến thức và giải ra kết quả mới lựa chọn được đáp án đúng. Tuy nhiên, để đạt được mức điểm từ 5, 6 thì không khó nhưng để đạt điểm cao hơn thì yêu cầu thí sinh phải chắc kiến thức và thao tác thật nhanh.Nhìn chung đề thi năm nay không khó hơn nhiều so với đề thi minh họa mà Bộ đã đưa ra trước đó, tuy nhiên khá dài. Theo thầy Phạm Quốc Toán, điểm phổ biến sẽ rơi vào điểm từ 5 đến 7, sẽ không có “mưa điểm 10” thậm chí rất ít điểm 10 tuyệt đối.
Đề thi Sinh có mức độ phân loại tốt
Đối với đề thi môn Sinh học (mã đề 214), cô Trần Thị Bích Thảo – giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) nhận xét nội dung đề hoàn toàn đúng với phổ kiến thức và cấu trúc trong chương trình lớp 12 và 11 theo đúng tỷ lệ số câu như đề tham khảo của Bộ GD&ĐT công bố.
Đề có sự sắp xếp từ dễ đến khó, bám sát theo đúng ma trận kiến thức, tạo tâm lý thoải mái và thuận lợi cho học sinh làm bài.
Về độ phân hóa: Sự phân hóa mức độ câu hỏi tương đối rõ ràng. Khoảng 60% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu; 40% câu hỏi còn lại ở mức độ phân hóa học sinh khá giỏi tăng dần, đặc biệt có khoảng 10% câu hỏi ở mức độ vận dụng cao hơn hẳn để phân loại, giúp các trường đại học lựa chọn thí sinh.
Những câu hỏi vận dụng cao thường rơi vào phần: quy luật di truyền, di truyền người, di truyền quần thể. Một số câu có liên hệ thực tiễn cuộc sống, như câu 118 về di truyền nhóm máu; câu 106 về hệ tuần hoàn của người; câu 101 về chu trình ni-tơ trong khí quyển…
Cô Trần Thị Bích Thảo chia sẻ thêm, đề năm nay rất hay, không quá lạ với học sinh, không khó để học sinh đạt được 7-8 điểm; song để đạt 9-10 điểm, yêu cầu học sinh phải có thêm về tư duy tổng hợp, ngoài kiến thức cần có kĩ năng làm bài tốt. Dự kiến, năm nay sẽ có ít cả điểm 10 và điểm liệt môn Sinh học.
Đề Hóa năm nay khó hơn năm ngoái
Nhận xét đề thi Hóa học, thầy giáo Phạm Thanh Tùng, giáo viên Tuyensinh247.com chia sẻ, cũng như đề thi năm 2017, độ khó của các câu hỏi được xếp theo thứ tự tăng dần về độ khó, nhưng đề thi năm nay tính phân loại cao hơn. Để đạt điểm 8 – 10 thì học sinh phải xếp loại học lực giỏi và hiểu bản chất vấn đề, biết đan xen giữa kiến thức cơ bản, vận dụng và vận dụng cao mới có thể đạt được.
Phạm vi ra đề bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, nhưng trọng tâm là kiến thức lớp 12 (chiếm khoảng 80%). Các câu hỏi lớp 11 (chiếm khoảng 20%) phân bổ đều các chương. Ví dụ chương sự điện li có 1 câu, chương nitơ có 1 câu. Chương cacbon-silic 3 câu, chương hidrocacbon 2 câu và chương ancol-phenol 1 câu.
40 câu trong đề thi được phân bố 1 cách rất hợp lý theo mức độ từ dễ đến khó và rất khó, đặc biệt 8 câu hỏi cuối là câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, được đánh giá là lạ và rất khó. Nhưng câu hỏi tổng hợp về este, peptit, cũng như kim loại, H+ và NO3-. Các câu hỏi này chính là những câu hỏi để phân loại học sinh khá và giỏi. Phổ điểm phổ biến năm nay sẽ rơi vào mức điểm 5-6. Sẽ hiếm có điểm 9,5-10.
Thầy giáo Phạm Thanh Tùng cho rằng, có thể đánh giá một cách tổng quan là đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn đề năm ngoái. Tính toán nhiều hơn, cần phải cẩn thận đọc kỹ đề hơn, không dùng nhiều máy tính Casio như đề năm trước. Năm nay học sinh hoàn toàn phải hiểu bản chất mới làm được bài. Các phương án gây nhiễu đáp án cũng khó phát hiện ra hơn, tránh khoanh bừa đáp án mà vẫn đạt điểm trong kỳ thi./.