Bài học xương máu từ các vụ cháy quán karaoke
(ĐCSVN) – Bài học xương máu sau nhiều vụ cháy nổ đã được nói nhiều, nói mãi nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh người dân. Những vụ cháy lớn vẫn liên tục xảy ra…
Vụ cháy quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) sau đó lan ra 3 nhà bên cạnh chiều 1/11 khiến ai cũng bàng hoàng, đau xót.
Nhìn lại từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Riêng đối với cơ sở kinh doanh karaoke, từ đầu năm đến nay cả nước có 23 vụ cháy, gây thiệt hại trên 9 tỉ đồng, khiến 13 người chết, 2 người bị thương. Trong đó, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 6 vụ cháy cơ sở kinh doanh quán karaoke. Vụ cháy chiều 1/11 là vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn nhất.
Vẫn biết, rủi ro là bất ngờ, nhưng chắc chắc có thể phòng tránh được. Sau mỗi vụ cháy lại lộ diện hàng loạt vấn đề, mà điều được nhắc tới đầu tiên là ý thức của người dân, bởi những tai nạn đau lòng này đều bắt nguồn từ sự sơ suất, chủ quan của con người. Đám cháy bùng phát đôi khi chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện… Thế nhưng, không khó để bắt gặp trong cuộc sống các hình ảnh đáng lo ngại như dây điện được câu mắc khắp nơi, có mối nối bị hở cả lõi đồng; dây điện nằm lòng thòng ngay trên dây phơi quần áo hay bếp nấu ăn… Đó là chưa kể nhiều nhà dân để ở nhưng lại kiêm luôn xưởng sản xuất, gia công các loại hàng hóa dễ cháy nhưng không chấp hành tốt các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Qua nhiều vụ cháy cho thấy, việc thiết kế nhà ống, lại được chủ nhân gia cố chống trộm bằng cách lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can mà không tính đến phương án chống cháy. Hậu quả là khi xảy ra cháy người bên trong không có lối thoát hiểm, còn lực lượng chức năng muốn vào ứng cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn…
Còn các cơ sở sản xuất kinh doanh thì để tiết kiệm chi phí mà rất ít nơi thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Các tụ điểm kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke là một trong những loại hình thường xuyên xảy ra cháy và gây hậu quả nghiêm trọng thì không phải cơ sở nào cũng ý thức và đầu tư đúng mực về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Người dân, doanh nghiệp thờ ơ là thế nên chuyện bà hỏa ghé thăm là không khó hiểu.
Trở lại vụ cháy chiều 1/11, nguyên nhân hỏa hoạn khiến 13 người thiệt mạng bước đầu được xác định do một nhóm công nhân thiếu thận trọng khi hàn bảng quảng cáo tại tầng 2 của quán karaoke 68 Trần Thái Tông. Đáng tiếc, sơ suất này cũng là nguyên nhân được chỉ ra tại nhiều vụ cháy trước đó.
Cũng từ sau vụ cháy, điều mà nhiều người quan tâm là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu? Bởi khi ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân còn hạn chế thì chế tài phải mạnh, quản lý phải thật nghiêm nếu không những vụ tai nạn như vậy sẽ mãi chỉ là bài học cảnh tỉnh mà không giải quyết triệt để được vấn đề.
Đối với vụ cháy chiều 1/11, theo ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông chưa đủ điều kiện kinh doanh cũng như thiếu chứng nhận an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự và đã nhắc nhở nhiều lần. Đặc biệt, cần phải nói trước vụ này, cũng tại quận Cầu Giấy, ngày 17/9 quán karaoke Royal trên đường Nguyễn Khang bốc cháy dữ dội, rất may không ai bị thương. Quán karaoke này cũng chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh và không đảm bảo các điều kiện, quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Có thể nhận thấy, lực lượng chức năng quận Cầu Giấy đã lơ là, thiếu sâu sát trong thực tiễn triển khai và giải quyết những bất cập tồn tại. Thậm chí, có ý kiến cho rằng lực lượng này đã xuê xoa trong cách xử lý đối với 2 quán karaoke trên. Bởi giữa Thủ đô, khó có chuyện hai quán này lén lút hoạt động được. Lẽ ra, ngay sau vụ cháy quán karaoke trên đường Nguyễn Khang, cơ quan chức năng quận Cầu Giấy phải kiên quyết hơn, yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động của các quán karaoke thiếu an toàn thì có lẽ tai họa khủng khiếp tiếp theo sẽ không xảy ra.
Như vậy, từ việc người dân thiếu ý thức, thiếu hiểu biết về phòng cháy, chữa cháy; lực lượng chức năng thiếu sâu sát, thiếu cương quyết... nên chỉ cần một chút bất cẩn, cẩu thả thì sẽ phải trả giá đắt.
Không phải đến bây giờ những vấn đề này mới được phân tích mà đã được mổ xẻ kỹ lưỡng, nói rất nhiều sau các vụ cháy từ nhỏ đến lớn. Những tưởng sau khi bàng hoàng, hoảng hốt về mức độ của các vụ cháy, người dân sẽ ý thức hơn để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình, nhưng đáng tiếc khi sức nóng của các vụ cháy lắng xuống thì lại coi thường, xem nhẹ việc phòng cháy, chữa cháy. Do vậy không khó hiểu khi sau những thảm họa cháy nổ thì các vụ cháy khác vẫn liên tục xảy ra vẫn với những lý do... quá cũ.
Sau vụ cháy nghiêm trọng làm 13 người chết ngày 1/11, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định tạm dừng hoạt động tất cả các quán karaoke trên địa bàn để tổng rà soát. Việc này là cần thiết, đáng lẽ phải làm ngay sau vụ cháy quán karaoke trên đường Nguyễn Khang. Song cũng không thể cứ đối phó mãi theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” như vậy. “Cẩn tắc vô áy náy” - nếu có sự chuẩn bị một cách thận trọng, kĩ lưỡng thì sẽ không còn phải lo lắng điều gì. Còn nếu người dân và các cơ quan chức năng vẫn còn thờ ơ, coi nhẹ việc phòng cháy, chữa cháy thì nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không trừ một ai./.