Bài học từ vụ “chặn”, “nhốt” xe ở Thái Bình
(ĐCSVN) - Lực lượng chức năng “chặn”, “ nhốt” xe ôtô của doanh nghiệp kinh doanh vận tải vi phạm là chuyện bình thường, nhưng doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành xử như lực lượng chức năng có lẽ là việc... bất thường (!).
Sau 4 ngày bị " nhốt", cuối giờ chiều ngày 17/5, xe công vụ đã được " thả".
(Ảnh: Giang Chính)
Chuyện bất thường vừa xảy ra ở Thái Bình, nó tạo ra hình ảnh không đẹp giữa lực lượng thi hành công vụ để kiểm tra việc bảo đảm an toàn giao thông và doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Hình ảnh không đẹp được khởi nguồn từ việc thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn giao thông. Trong quá trình kiểm tra, ngày 13/5, Thanh tra Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) phát hiện 4 xe tải của Công ty Phương Anh chở vật liệu trên đường số 1, cụm công nghiệp Đồng Tu, thị trấn Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), chỉ một xe xuất trình giấy tờ và tự đưa xe vào cân. Lực lượng kiểm tra cũng xác định lỗi vượt kích thước thùng và quá tải của 3 xe sau khi cân tải trọng.
Sau khi bị Thanh tra Tổng cục Đường bộ “chặn” các xe quá tải, Công ty Phương Anh đã tự ý “nhốt” 3 xe công vụ của tổ công tác và yêu cầu Tổng cục Đường bộ có giải thích thỏa đáng.
Sau 3 ngày “ tranh luận” về mặt pháp lý và xem lại quy trình thi hành công vụ, cuối cùng Tổng cục Đường bộ đã phải nhận sai khi Thanh tra “tự bóc tem kiểm định”. Sau khi nhận sai, 3 xe công vụ đã được thả vào ngày 17/5.
3 xe công vụ bị nhốt, một “ sự cố” không ai mong muốn, phản ánh cách ứng xử chưa chuẩn mực của cán bộ thi hành công vụ và doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Thiết nghĩ, lực lượng thi hành công vụ hơn ai hết phải thuộc luật, đạo đức công vụ, biết cách chia sẻ , hóa giải được những bức xúc để pháp luật được thực thi nghiêm minh. Về phía lái xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể có bức xúc, nhận thức pháp luật hạn chế, nhưng không nên vì cái sai nhỏ của lực lượng chức năng mà phản ứng thái quá, gây sự chú ý hoặc “kích” đám đông, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an tại địa phương.
Chống xe quá khổ, quá tải là “cuộc chiến” lâu dài, cam go, vì liên quan đến con người, thậm chí không ngoại trừ lợi ích nhóm. Khó, nhưng không vì thế mà nản lòng, bởi xe quá khổ, quá tải đang đe dọa đến cuộc sống bình yên của người tham gia giao thông, đồng thời còn gây hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông.
Những năm qua, ngành Công an, Giao thông và các lực lượng chức năng liên quan đã mạnh tay xử lý xe quá khổ, quá tải, nhưng “hung thần xa lộ” vẫn chưa giảm như kỳ vọng của nhân dân. Bằng chứng là trong quý I năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện 11.032 xe vi phạm về tải trọng và kích thước thùng hàng.
Hơn 10 nghìn xe vi phạm, đó là con số đáng “báo động” về mức độ tuân thủ luật pháp, cũng như việc lái xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải “chạy” theo lợi nhuận bằng mọi giá. Nếu lực lượng chức năng không vào cuộc, “hung thần xa lộ” sẽ nhiều hơn, đe dọa đến an toàn giao thông, đến mạng sống của người tham gia giao thông.
Xe quá tải, quá khổ bị bắt đa phần chỉ bị xử phạt bằng biện pháp hành chính (phạt tiền, hạ tải, thu hồi giấy phép lái xe), chưa luật hóa việc tịch thu, điều đó đồng nghĩa với việc khó có thể xóa sổ hết “ hung thần xa lộ”.
Lực lượng thi hành công vụ cần làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, còn lái xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, thì chắc chắn không bao giờ có chuyện “chặn”, “nhốt” xe công vụ như đã diễn ra ở Thái Bình./.