Bài học từ những vụ án oan về tội giết người!
(ĐCVN) – Sau vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén ( Bình Thuận), ông Nguyễn Thanh Chấn ( Bắc Giang), lịch sử tố tụng Việt Nam lại "được" viết thêm một vụ án oan nữa của ông Trần Văn Thêm với hành trình 46 năm kêu oan, gần 6 năm ngồi tù...
Ông Trần Văn Thêm được minh oan, xin lỗi sau 46 năm mang án.
( Ảnh: congly.com.vn).
Và lịch sử tố tụng Việt Nam dường như chưa có vụ án oan nào hy hữu, “ rúng động” như vụ án “ người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, với hai lần bị kết án oan về tội giết người. Được minh oan sau hơn 17 năm ngồi tù, ông Nén đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị bồi thường 18 tỷ đồng.
Những chuyện hy hữu trong lịch sử tố tụng Việt Nam tưởng như không còn nữa, nhưng bất ngờ lại xảy ra. Ngày 11/8/2016, Tòa án nhân dân Tối cao công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh trong vụ án giết người, cướp của xảy ra cách đây 46 năm. Ông Thêm bị kết án tử hình về tội giết người và cướp của. Đến năm 1976, sau gần 6 năm ngồi tù oan, ông Thêm được thả tự do khi một đối tượng bị bắt đã khai là thủ phạm của vụ án.
Với các vụ án hình sự nói chung, đặc biệt là vụ án giết người, nhân dân rất bức xúc, căm phẫn, không thể không đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải nhanh chóng tìm ra thủ phạm và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Tuy nhiên, phá án nhanh để yên lòng dân không đồng nghĩa với việc làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.
Điểm giống nhau ở cả 3 vụ án oan này là đều bắt nguồn từ vụ án giết người diễn ra không công khai, có thể ví như “ án mờ”. Việc phá “ án mờ” là cực khó, nếu người tiến hành tố tụng không giỏi nghiệp vụ, chuyên môn và cái tâm trong sáng.
Sau khi bị bắt, bị khởi tố, cả ông Nén, ông Chấn và ông Thêm đều một mực kêu oan, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng chỉ thiên về chứng cứ kết tội nên cả 3 ông không thoát khỏi vòng tù tội (?!). Điều đáng nói, ở cả 3 vụ án này là cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng chỉ nhận ra sai lầm khi... thủ phạm chính bị bắt!
Xin lỗi, bồi thường cho người bị oan là sự sòng phẳng của pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhưng để giảm thiểu đến mức tối đa hoặc đoạn tuyệt với án oan, thì trong các giai đoạn tố tụng của vụ án hình sự không được ép cung, bức cung bị can, bị cáo; thực hiện đúng nguyên tắc suy đoán vô tội; bảo đảm quyền bào chữa và quyền có người bào chữa của bị can, bị cáo.
Để tránh làm oan người vô tội thì cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần cầu thị, lắng nghe những tiếng kêu oan của bị can, bị cáo và dư luận xã hội để “ soi” lại việc mình làm.
Vụ án oan đối với ông Trần Văn Thêm đã kết thúc có hậu, dư luận đang hồi hộp chờ đợi phán quyết cuối cùng về vụ án có dấu hiệu làm oan ông Trần Văn Vót ở Hà Nam. Năm 1994, ông Vót đã bị hai cấp tòa (sơ thẩm và phúc thẩm) kết án chung thân về 4 tội danh, trong đó có tội danh giết người. Hành trình kêu oan của ông Vót và gia đình đã bước sang năm thứ 23. Điều hy hữu là chính bố đẻ của nạn nhân lại đi kêu oan cho ông Vót, thậm chí có dấu hiệu ép cung trong quá trình điều tra.
Nếu ông Vót được tuyên vô tội, lịch sử tố tụng Việt Nam sẽ có một bản án oan với thời gian ở tù... dài nhất(?!).
Người dân luôn đặt niềm tin vào công lý, nhưng công lý chỉ có được khi cơ quan tiến hành tố tụng cùng người tiến hành tố tụng có trình độ, năng lực và cái tâm trong sáng với tinh thần “ thượng tôn pháp luật”, biết lắng nghe và tôn trọng nhân dân./.