Bài học kinh nghiệm từ Trà Vinh
Ngày 5/1, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2016 - 2020.
Xây dựng đường nông thôn ở Long Hữu. (Ảnh: H Nhân/travinhtv.vn)
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh, năm 2010, Trà Vinh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện có nhiều yếu kém về hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống của đại bộ phận nông dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%... Xác định rõ tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân nên các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, tạo nên sự chuyển biến vượt bậc cho đời sống nhân dân và diện mạo mới vùng nông thôn trong tỉnh.
Qua 5 năm, Trà Vinh đã huy động được hơn 5.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là hơn 202 tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Với nguồn vốn kinh phí trên, tỉnh ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, trường học, chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa… để tạo nguồn lực thúc đẩy cho kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn được cải thiện đáng kể. Mức thu nhập chung của người dân hiện đạt 24,6 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 20 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 17 xã được công nhận xã nông thôn mới, đạt 100% chỉ tiêu của tỉnh đề ra; 7/85 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 57/85 xã đạt 10 - 14 tiêu chí...
Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Trà Vinh đó là phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự tham gia thường xuyên, sâu sát của ban ngành, đoàn thể trong thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng phát huy vai trò chủ thể được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu. Ngoài ra, tỉnh xác định việc đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội phải lồng ghép cùng với các chương trình khác để tăng sức mạnh nguồn lực đầu tư; không quá cứng nhắc mà phải có sự lựa chọn, vận dụng phù hợp đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.
Với những kết quả và kinh nghiệm có được, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Trà Vinh nỗ lực huy động mọi nguồn lực với mức hơn 6.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới, đảm bảo có ít nhất 50% số xã (43 xã) đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng trong năm 2016, Trà Vinh phấn đấu có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới./.
Phúc Sơn/TTXVN