Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 1: Người có uy tín là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác”

Bài 2: Những cánh chim đầu đàn

Bài 3: Bất cập trong quan niệm lựa chọn người có uy tín

Bài 4: Những vấn đề đặt ra trong việc phát huy vai trò của người có uy tín

Bài cuối: Một số giải pháp phát huy vai trò người có uy tín

(ĐCSVN) - Bên cạnh thời cơ luôn là những thách thức tác động, chi phối đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý dân tộc, các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của vùng dân tộc thiểu số, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải luôn thấu suốt nội hàm quan điểm và tiếp tục có thêm nhiều giải pháp chăm lo phát triển, phát huy vai trò của người có uy tín (NCUT).

T

iếp tục kế thừa hệ thống những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong những năm qua đối với đội ngũ NCUT, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, NCUT tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”[1].

Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả hệ thống chính trị cần thấu suốt nội hàm quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của NCUT. 

Một làxây dựng và phát huy vai trò NCUT trong công tác vận động Nhân dân vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhất là những ngành làm công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo… và những ngành liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự, ổn định chính trị vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Xây dựng và phát huy vai trò NCUT là nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về lực lượng cốt cán, NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận và tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân vùng dân tộc thiểu số như tinh thần Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, tuân thủ cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền thực hiện, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị làm nòng cốt tham mưu, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với NCUT.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức vận động NCUT; tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với NCUT nhằm nâng cao hiệu quả và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của NCUT trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Từ những nội hàm quan điểm trên và căn cứ tình hình thực tiễn, cần thiết có những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho NCUT hoạt động hiệu quả.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng cốt cán, NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số.

NCUT được đồng bào tín nhiệm, có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển cộng đồng dân cư trong vùng dân tộc; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Họ là nhân tố quan trọng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc.

Khi đã thống nhất nhận thức, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị các cấp sẽ coi việc quan tâm, chăm lo, phát huy vai trò của NCUT là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên phải lãnh đạo, chỉ đạo.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để NCUT phát huy hết khả năng của mình trong việc tuyên truyền vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tạo điều kiện cho NCUT được tham gia đóng góp xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, tôn giáo và cùng cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở vận động đồng bào tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận thấy, ở đâu, địa phương nào quan tâm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền với NCUT thì ở đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương được thực hiện tốt, có hiệu quả hơn và ngược lại.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ NCUT nên được xem là một trong những "nhiệm vụ đặc biệt” của công tác cán bộ ở cơ sở

NCUT tuy không phải là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhưng vai trò của họ đối với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng đặc biệt quan trọng. Nên chăng, cần xác định phát huy vai trò NCUT là một trong những “nhiệm vụ đặc biệt” trong công tác cán bộ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp để có chiến lược, kế hoạch đào tạo, sử dụng dài hạn, hợp lý.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần sớm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan hữu quan xây dựng định danh “người cốt cán” trong đồng bào dân tộc thiểu số. Người cốt cán là những người có tầm ảnh hưởng sâu rộng với đồng bào trên phạm vi toàn quốc, vùng, tiêu biểu trong số những NCUT để có biện pháp quản lý, phát huy phù hợp. Đồng thời thống nhất phân cấp quản lý, phân công vận động NCUT giữa các cơ quan Dân vận, Dân tộc, Mặt trận Tổ quốc, Công an, Quân đội để tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót.

Để nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của NCUT, mở rộng khối đại đoàn kết, cần cơ cấu họ tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, ban chấp hành đoàn thể chính trị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở; giới thiệu những người tiêu biểu tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các ban tư vấn, tổ tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; bố trí, giới thiệu NCUT vào các tổ chức truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ hòa giải… Trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ để phát huy vai trò của từng NCUT trong từng lĩnh vực cụ thể.

Chi bộ 1 thuộc Đảng bộ xã Nga Hoàng, Huyện ủy Yên Lập, Tỉnh ủy Phú Thọ chú trọng
công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, kịp thời phát hiện và bồi dưỡng quần chúng ưu tú,
trong đó quan tâm tới đội ngũ thôn, trưởng bản, người có uy tín và thanh niên địa phương.
(Ảnh: Việt Hà/baophutho.vn)

Trong công tác cán bộ đối với NCUT, cần xem xét, giải quyết thỏa đáng hai tình huống đặt ra:

i) Mở rộng “tích hợp” bí thư chi bộ, trưởng, thôn bản, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội với NCUT trong trường hợp bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể chính trị là người có xu hướng dân chủ, tôn trọng ý kiến tập thể, có phong cách suy nghĩ đa chiều, thấu đáo. Đây là việc làm “nhất cử, đa tiện”, vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, vừa gia tăng vị thế của NCUT. Hơn nữa, ở vị trí như vậy, NCUT được hưởng phụ cấp trách nhiệm cho các chức danh bí thư, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận… sẽ chia sẻ phần nào các chi phí đi lại, điện thoại… mà họ phải tự bỏ ra; tạo thêm động lực để họ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ trong quá trình hoạt động.

ii) Ưu điểm của việc không “tích hợp” các chức danh lãnh đạo nêu trên vào NCUT là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân sẽ tránh được tình trạng áp đặt; thông tin thu thập từ thực tế cộng đồng sẽ khách quan; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy tốt; chức năng tự quản ở thôn, bản không mang tính áp đặt theo phong cách điều hành, quản lý của cá nhân.

Tuy nhiên, khi không “tích hợp” được các chức danh này vào NCUT, rất cần phải có sự quan tâm đặc biệt về chế độ, chính sách đãi ngộ để động viên, khuyến khích những NCUT, nhất là lực lượng cốt cán trong dân tộc, tôn giáo phấn khởi, tin tưởng, tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền giao.

Trong công tác nhân sự, cần quan tâm, ủng hộ xu hướng “trẻ hóa” để tận dụng thế mạnh về sức khỏe, trình độ của NCUT trẻ tuổi, nhằm khắc phục những hạn chế này ở NCUT quá cao tuổi. Muốn vậy, cần sớm phát hiện những nhân tố trẻ, tích cực, có nhiệt huyết, có sự đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp, khả năng dẫn dắt cộng đồng… thông qua hình thức tổ chức thăm dò dư luận để khảo sát, đánh giá mức độ uy tín trong Nhân dân.

Sau khi tìm được hạt nhân, cần có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cả về năng lực, đạo đức, thậm chí hỗ trợ tạo dựng uy tín cho những người tích cực và có khả năng nhưng còn bị hạn chế một số điều kiện nhất định, nhằm chuẩn bị nguồn nhân sự NCUT trong tương lai.

Từ đặc điểm tổ chức xã hội truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực trạng công tác xây dựng đội ngũ NCUT thời gian qua cho thấy không nên lựa chọn tập trung vào 1-2 đối tượng mà nên định hướng để cộng đồng lựa chọn đa dạng thành phần.

Nên khuyến khích chọn người có điều kiện kinh tế, sản xuất kinh doanh giỏi, thường giúp đỡ mọi người và được đồng bào tín nhiệm làm lan tỏa hiệu ứng tiên phong hướng dẫn cộng đồng phát triển sản xuất. Có như vậy thì vai trò của NCUT mới được mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở nhiều thôn bản trong xã chứ không bó hẹp chỉ trong cộng đồng NCUT đó đang sinh sống.

Mặt khác, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện đang còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh phát huy nội lực để vươn lên, đồng bào rất cần được tiếp nhận kinh nghiệm, mô hình sản xuất giỏi. Do vậy, rất cần chọn NCUT trẻ tuổi, nhiệt huyết, sáng tạo, có tư duy đổi mới trong sản xuất kinh doanh để làm đầu tầu dẫn dắt cộng đồng vươn lên.

Thứ ba, sớm hoàn chỉnh cơ chế phân cấp quản lý, phát huy vai trò của NCUT theo mức độ ảnh hưởng.

Phân công rõ hơn nhiệm vụ cho các cơ quan trong tổ chức thực hiện chính sách đối với NCUT. Cần giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, các cơ quan khác chỉ là cơ quan phối hợp, tránh việc cùng một đối tượng, một địa bàn nhưng nhiều cơ quan cùng chủ trì thực hiện và quản lý sẽ dẫn đến rất khó khăn cho công tác bình chọn, rà soát hàng năm và theo dõi, quản lý, báo cáo.

Mặt khác, từ sự phân cấp này mới thực hiện tốt được việc phân cấp trong cung cấp thông tin, định hướng hoạt động đối với NCUT theo cấp độ quốc gia, tỉnh, huyện, xã… Trong đó, cấp Trung ương, tỉnh cần xây dựng định hướng chung hoạt động đối với NCUT trên phạm vi quốc gia, tỉnh; cấp huyện xây dựng kế hoạch hoạt động; cấp xã xây dựng chương trình hoạt động cụ thể và triển khai trực tiếp đến NCUT trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần có quy chế xác định trách nhiệm cá nhân của NCUT trong việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương; chú trọng cung cấp thông tin xác thực về tình hình ở thôn, bản; phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng đến cấp có thẩm quyền.

Hiện nay, việc lưu trữ hồ sơ cá nhân của NCUT chưa được UBND cấp xã quan tâm đúng mức; một số xã thậm chí còn không có hồ sơ lưu quản lý tại thôn và lưu trữ tại xã. Việc này, cần có sự chỉ đạo chấn chỉnh và tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Thứ tư, đổi mới công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho NCUT

Hiện nay, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho NCUT đã được thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Các ngành hữu quan ở Trung ương đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn theo hệ thống ngành dọc của mình; các cấp, các ngành ở địa phương thường xuyên mở lớp. Tuy nhiên, cách làm, nội dung truyền đạt chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc do thiếu bộ tài liệu chính thống, khoa học nhằm bù khuyết những kỹ năng tuyên truyền, vận động cho NCUT. Trong khi tuyên truyền, vận động lại là khâu quyết định đến kết quả thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Do đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ủy ban Dân tộc cần đứng ra chủ trì  biên soạn bộ tài liệu, giáo trình chung phục vụ cho công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho NCUT để tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, nhằm phục vụ tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số.

 Các già làng, trưởng bản, người có uy tín của tỉnh Nghệ An tham gia tập huấn kỹ năng
tuyên truyền, phổ biến, tư vấn đối thoại thực hiện chính sách BHXH, BHYT tự nguyện
hộ gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2020
(Ảnh: Phương Liên)

Theo khảo sát sơ bộ của Đề tài khoa học “Nghiên cứu, xây dựng chương trình bồi dưỡng một số kỹ năng cho già làng, trưởng bản, NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tăng cường hiệu quả tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước”, nội dung bồi dưỡng, tập huấn cho NCUT cần chú ý một số kỹ năng như: tuyên truyền miệng; vận động thuyết phục; khai thác và sử dụng tri thức văn hóa bản địa; nắm bắt dư luận quần chúng; hòa giải…

Ngoài bồi dưỡng các kỹ năng trên, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tăng cường các hình thức gặp gỡ, đối thoại, trao đổi với NCUT về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương về phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, vấn đề dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa phương.

UBND xã - nơi trực tiếp quản lý NCUT khi tổ chức các hội nghị tổng kết, hội nghị chuyên đề, phiên họp định kỳ cần mở rộng đối tượng tham dự đến NCUT để họ nắm bắt thông tin về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương; đồng thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương những thông tin từ cộng đồng thôn bản. Những đề nghị của NCUT, già làng, trưởng bản về những khó khăn, bức xúc của cộng đồng phải được cơ quan và người có trách nhiệm giải quyết nghiêm túc, thấu đáo.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với NCUT

Cần đảm bảo tối thiểu cho NCUT được trang cấp phương tiện nghe, nhìn, đọc để tiếp cận thông tin; được quan tâm động viên cả về vật chất và tinh thần. Hiện nay, các địa phương đã thực hiện cơ bản tốt việc tổ chức hội nghị biểu dương NCUT tiêu biểu hoặc tổ chức cho NCUT đi thăm quan, học tập kinh nghiệm, tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương… Song cần tiếp tục quan tâm nâng định mức và thực hiện tốt chế độ thăm hỏi, gặp gỡ, tặng quà NCUT khi lễ, tết; hỗ trợ vật chất khi ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn theo phương châm “đúng - đủ - kịp thời” để động viên, khuyến khích họ hoạt động.

Trong thời gian chờ các cơ quan hữu quan tham mưu trình Chính phủ về việc sửa đổi chế độ, chính sách đối với người có uy tín, các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khả năng ngân sách của địa phương nên có chính sách hỗ trợ riêng cho NCUT như cách làm của tỉnh Bình Phước. Ngày 10/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, ngoài thực hiện các chính sách được quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước còn được hỗ trợ tiền xăng xe đi lại bằng 0,1 lần mức lương cơ sở/người/tháng; được mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế nếu chưa có thẻ bảo hiểm y tế hoặc chưa được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế từ các chính sách khác.

Chính phủ nên xem xét quy định mức phụ cấp trách nhiệm cố định theo hệ số lương tối thiểu thống nhất trong toàn quốc và khuyến khích các địa phương quy định mức cao hơn Trung ương từ nguồn ngân sách địa phương, tạo điều kiện bù đắp chi phí cho NCUT trong quá trình hoạt động.

Có cơ chế, chính sách đối với NCUT do ngành Công an, Quân đội quản lý nhưng nằm ngoài danh sách NCUT theo quyết định phê duyệt hàng năm của Chủ tịch UBND tỉnh, hiện vẫn đang giúp đỡ các lực lượng vũ trang giải quyết những vụ việc phức tạp tại cơ sở và thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tại các địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Làm tốt công tác này sẽ góp phần động viên, khuyến khích NCUT phấn khởi, tin tưởng, tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền giao.

Chúng tôi xin được dẫn lời của ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có vai trò rất quan trọng. Tiếng nói của họ luôn được tôn trọng, được dân làng và con cháu tin tưởng, làm theo. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào, nếu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và cơ quan công tác dân tộc “tranh thủ” được lực lượng này thì hiệu quả công tác sẽ cao hơn và ngược lại”.

Công việc nhiều, vất vả từ đầu làng đến cuối xóm, dễ va chạm, lại mất nhiều thời gian tìm hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương, phải nắm gia cảnh, sự việc mâu thuẫn giữa các hộ dân để hòa giải thấu tình đạt lý… Bản thân NCUT cũng chịu áp lực là việc gì cũng phải đi đầu, lời nói, việc làm phải chuẩn mực để làm gương. Dễ cảm thông khi có những NCUT bị người thân trong gia đình phản đối gánh vác trọng trách này, như chia sẻ rất thật lòng của bà Vũ Thị Bé, NCUT bản Chu B, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Song khi tiếp xúc với rất nhiều người trong số họ ở mọi miền Tổ quốc, chúng tôi luôn cảm nhận được nhiệt huyết cháy bỏng, tính tự trọng cao của NCUT. Cho dù có “tích hợp” chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể chính trị với NCUT hay không, cho dù là đảng viên hay không, dù là người trẻ tuổi hay người cao tuổi thì họ đều khẳng định mình gánh vác trọng trách là vì niềm tin của Nhân dân đối với mình, vì sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền vào bản thân.

Sự cống hiến vô tư, đầy trách nhiệm của họ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc cần được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng, để họ càng có thêm điều kiện thực sự trở thành nhân cốt quan trọng, tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần vượt mọi khó khăn, làm sâu sắc thêm lòng tự tin, tự hào của đồng bào, góp phần giải quyết những vấn đề nổi lên trong cuộc sống và thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số, miền núi hội nhập, phát triển cùng đất nước.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các già làng, trưởng bản,
người có uy tín tiêu biểu tại Hà Nội, ngày 21/12/2018 (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thật mừng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, một chương trình được kỳ vọng sẽ giải quyết đồng bộ, toàn diện, căn bản các vấn đề bức thiết ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong 10 năm tới đã thiết kế một Tiểu dự án, trong đó có nhiệm vụ “Biểu dương, tôn vinh, điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của NCUT…”.

Trong Tiểu dự án này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc và các địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025: “tăng cường xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ NCUT…” và đến năm 2030: “tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ NCUT và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò NCUT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”.

Hy vọng Tiểu dự án sẽ được triển khai hiệu quả, để NCUT góp phần xứng đáng, phát huy được hết ý nghĩa, vị trí, vai trò vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái vùng dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng miền núi, biên giới với miền xuôi, cùng cả nước thực hiện mục tiêu và khát vọng: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[2] như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra./.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam - “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Tập 1, trang 170, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội 2021.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam - “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Tập 2, trang 326 - 327, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội 2021.

Phương Liên - Lý Thu
05/05/2021 10:04
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN