Bài 1: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” - Nét đẹp riêng của thành phố mang tên Bác
Bài 2: Chủ động, sáng tạo trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”
Bài 3: Đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thấm sâu vào đời sống hàng ngày
Bài 4: Sáng tạo “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong trường học ở TP. Hồ Chí Minh
Bài cuối: Cần có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân
(ĐCSVN) - Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là công trình lớn, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Để chủ trương độc đáo, mang tính sáng tạo ấy đi vào thực tiễn một cách toàn diện, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và của mỗi người dân trên Thành phố mang tên Bác.
Lan tỏa bài học từ mỗi sản phẩm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”
Trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua cho thấy, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã và đang từng bước được hiện hữu trong cuộc sống, cụ thể hóa bằng các công trình ở nhiều lĩnh vực, khu vực khác nhau như: Công cộng, truyền thông, lực lượng vũ trang, kinh tế, giáo dục, văn hoá nghệ thuật, y tế, tổ chức chính trị xã hội, hộ gia đình, trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng… Đến nay, toàn Thành phố có khoảng 3 nghìn thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương đã có mô hình, cách làm hay, được Nhân dân đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.
Trên địa bàn Thành phố liên tiếp khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh |
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực 2, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Trong thực tế, nhiều Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã trở thành các địa điểm nghiên cứu, trao đổi, tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trở thành các không gian sinh hoạt về văn hoá, giáo dục, các hoạt động vì cộng đồng rất hay, thiết thực. Chúng tôi cho rằng đó là hiệu quả thực tiễn lớn, ý nghĩa mà việc thực hiện xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang lại trong thời gian qua”.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, bên cạnh nhiều nơi triển khai tốt, thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng thì cũng có những nơi, đơn vị còn triển khai theo kiểu hình thức. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên cho rằng, điều đó cũng không khó hiểu bởi đặc thù mỗi cơ quan, đơn vị là khác nhau, có những cơ quan, đơn vị họ có những lĩnh vực chuyên sâu, cũng có những đơn vị không có thời gian, hoặc không có các điều kiện để đảm bảo cho các hoạt động xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh ở đơn vị mình.
Cũng từ quan sát cá nhân, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên thấy rằng, chúng ta mới chỉ chú trọng đến không gian văn hoá hiện hữu như việc gìn giữ, bảo vệ, trùng tu các di tích văn hóa lịch sử liên quan đến thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác; khai thác, sử dụng các thiết chế văn hoá mà chưa đi sâu vào phân tích ý nghĩa, đúc kết để rút ra bài học gì từ những không gian ấy về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để có thể áp dụng vào thực tiễn trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, đối với cán bộ công chức.
“Chẳng hạn, Bến Nhà Rồng thì ai cũng biết đó là nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước, song chỉ giới thiệu thế thôi thì chưa đủ mà phải toát lên giá trị tinh thần ẩn sâu bên trong đó là tinh thần, trách nhiệm, khát khao cống hiến vì đất nước, vì dân tộc; đó là việc lựa chọn con đường cứu nước sáng suốt, đúng đắn…”, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên nhấn mạnh.
Cần có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân
Từ ý nghĩa của chủ trương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, từ thực tế triển khai trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua, để Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thật sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, của tất cả các hộ gia đình, trong đó Đảng bộ, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, đơn vị giữ vai trò nòng cốt.
Mặc dù Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã xuất hiện tại nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều địa điểm song vẫn còn không ít người dân trên địa bàn Thành phố chưa biết tới, do đó công tác truyền thông cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để mọi người hiểu sâu sắc hơn về thông điệp ý nghĩa của hoạt động này và chủ động tham gia đồng hành |
Hiện nay, cũng không ít người dân trên địa bàn Thành phố còn chưa biết tới Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là gì. Chính vì thế, công tác tuyên truyền cần được tăng cường hơn nữa để mọi người trước hết là biết về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, sau nữa là hiểu sâu sắc hơn về thông điệp và từ đó có sự chủ động tham gia đồng hành. Không gian ấy phải là nơi gần gũi, thân thương với người dân như chính con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào ta vậy. Đây cũng sẽ là nơi, người dân có thể đến để học tập, nghiên cứu, vui chơi, giải trí, để đàn, để hát những bài hát về Bác, kể chuyện về Bác; cũng có thể là nơi trang trọng để diễn ra các buổi lễ mít tinh đầu tuần của cán bộ công chức trên địa bàn, nơi kết nạp đảng, đoàn, đội vô cùng ý nghĩa… Thông qua đó, góp phần bảo vệ, duy trì, gìn giữ và phát huy ý nghĩa của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong thực tiễn hiệu quả hơn nữa, để đó không phải là một công trình đơn thuần chỉ có phần “xác” mà nó còn có sức sống, có sức mạnh về văn hóa, tư tưởng, về sự tinh thần đoàn kết, là động lực cho sự phát triển Thành phố và giá trị ấy sẽ trường tồn với thời gian.
Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xem là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025 của Thành phố bởi đây là công trình lớn, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh. |
Cùng với công tác tuyên truyền, Thành phố cũng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng thêm Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng các công trình, sản phẩm cụ thể, tạo sự lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc chuẩn hóa, đa dạng hóa giáo dục đạo đức, văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, TP Hồ Chí Minh. Phấn đấu mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học… là một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. Tuy nhiên, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải có trọng tâm, trọng điểm; cần tránh mang tính phong trào, hời hợt dẫn đến lãng phí nguồn lực và thiếu hiệu quả. Đồng thời, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần phải gắn liền với những bối cảnh tự nhiên và văn hóa cụ thể của từng vùng, từng khu vực. Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần phải có sự độc đáo, đặc sắc riêng so với các địa phương khác.
Có thể nói, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần được đặt trong bối cảnh mới, với việc xác định quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng. Đây được xem là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025. Thành phố phải sớm có nghị quyết hoặc chỉ thị để định hướng rõ ràng, cụ thể, mang tính chiều sâu, chiến lược, lâu dài. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, tạo điều kiện để xây dựng thành công Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn.
Là trung tâm ở nhiều lĩnh vực, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội cho người dân Thành phố để văn hóa thực sự là động lực cho phát triển kinh tế, để giá trị sâu sắc trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người không ngừng lan tỏa và tiếp thêm sức mạnh cho Thành phố ngày càng phát triển, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ của Thành phố, giúp họ có lý tưởng, hoài bão và những khát vọng cống hiến, tất cả vì Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.