Bài 5: Phát triển kinh tế biển xanh: Góc nhìn từ các chuyên gia quốc tế
(ĐCSVN) – Khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, song nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị: Để nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó kinh tế biển xanh đóng vai trò chủ đạo…, Việt Nam cần đổi mới công tác quản lý để hướng tới kinh tế biển xanh bền vững.
PHỤC HỒI, XÂY DỰNG KINH TẾ BIỂN BỀN VỮNG SAU ĐẠI DỊCH
Kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Là một nước có tiềm năng về biển, phát triển kinh tế biển xanh giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam và các quốc gia đã đưa ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Theo các chuyên gia nước ngoài, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng trong phát triển bền vững. Tại Việt Nam, biển đóng vai trò trọng yếu cả về kinh tế và an ninh, bởi vậy phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.
|
Từ thực tiễn đó, những năm qua không ít hội thảo về chủ đề kinh tế biển xanh được tổ chức ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia, bao gồm Việt Nam. Đáng kể là Đại hội biển Đông Á lần thứ IV tổ chức tại Chongwon, Hàn Quốc (tháng 7/2012) đã có 10 nước (gồm Việt Nam) cam kết “Xây dựng một nền kinh tế biển xanh ở các quốc gia Đông Á với vai trò sáng tạo của khoa học và đổi mới công nghệ”. Tháng 12/2013, tại Washington DC (Hoa Kỳ) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh tế đại dương hướng tới tăng trưởng xanh. Đây là diễn đàn cấp cao quan trọng để chia sẻ nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế biển và đại dương xanh ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia.
Gần đây nhất là Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu” được tổ chức tại Việt Nam ngày 12-13/5/2022, do Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Na Uy và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức. Hội nghị là cơ hội để các quốc gia cùng nhau cam kết kiến tạo chính sách và môi trường pháp lý quốc tế cho một nền kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với các nước và các bên liên quan dễ bị tổn thương.
Tại hội nghị nhiều ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia quốc tế đã làm rõ bức tranh tươi sáng về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 và các đề xuất mang tính chiến lược về phát triển xanh và bền vững trong tương lai.
Đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng các mục tiêu hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner cho biết: Việc xác định các giải pháp mới để thúc đẩy một nền kinh tế xanh bền vững và có khả năng chống chịu là công việc mang tính quyết định. Đặc biệt, việc khôi phục sau đại dịch COVID-19 mang lại cơ hội giúp các quốc gia và cộng đồng cách tiếp cận đối với nền kinh tế xanh.
Việt Nam đã xây dựng các mục tiêu hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển xanh. |
Từ nhận định trên, Tổng Giám đốc UNDP đã nêu bật 4 bài học từ các hoạt động của UNDP trên toàn thế giới.
Thứ nhất, theo ông Achim Steiner, đó là việc khôi phục sau đại dịch COVID-19 mang lại cho UNDP cơ hội giúp các quốc gia và cộng đồng “khởi động lại” cách tiếp cận đối với nền kinh tế xanh. Điều đó bao gồm việc giải quyết các vấn đề quan trọng, trong đó có việc cải thiện công tác quản trị đại dương toàn cầu; giải quyết việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản và khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo của đại dương.
Cùng với đó, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để mở rộng phạm vi bảo vệ biển và sử dụng tài nguyên có trách nhiệm là việc rất quan trọng.
“Ví dụ, UNDP tham gia sáng kiến đột phá của Quỹ toàn cầu đối với việc quản lý các rạn san hô, trong đó, cơ chế tài chính hỗn hợp trị giá 625 triệu USD trong 10 năm, đang huy động các hoạt động và nguồn lực mới để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô”, Tổng Giám đốc UNDP cho hay.
Thứ hai, Tổng Giám đốc UNDP nêu rõ: Chúng ta cần hỗ trợ cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu nhiều hơn nữa. Những cộng đồng này gồm có các quốc gia kém phát triển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, những quốc gia đang phải gánh chịu những tác động nặng nề của tình trạng khẩn cấp về khí hậu, mực nước biển dâng cao.
“Chương trình Rising Up dành cho các quốc đảo nhỏ đang phát triển do UNDP thiết kế đang sử dụng phương pháp “hệ số nhân” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững - bao gồm tài chính, chuyển đổi số và nền kinh tế xanh”, ông Achim Steiner chia sẻ.
Thứ ba, Tổng Giám đốc UNDP cũng nhấn mạnh: Cần xử lý vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa để bảo vệ nguồn nước. Đầu năm 2022, một Nghị quyết lịch sử đã được thống nhất tại Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc nhằm tạo ra một thỏa thuận ràng buộc pháp lý quốc tế để chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa vào năm 2024.
Tổng Giám đốc UNDP cũng cho biết, sự hỗ trợ của UNDP đã mở rộng đến các quốc gia như Việt Nam, nơi mà họ đang làm việc với Quỹ Khí hậu toàn cầu nhằm xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên, chằng hạn như tái tạo rừng ngập mặn hay xây dựng những ngôi nhà an toàn có tính năng chống chịu bão lũ khi Việt Nam phải đối mặt với các đợt lũ lịch sử năm 2020.
Thứ tư, theo ông Achim Steiner, thúc đẩy bình đẳng giới là vấn đề trọng tâm để bảo vệ hiệu quả và quản lý bền vững các tài nguyên biển và đại dương.
Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nhấn mạnh, gia đình Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia xây dựng nền kinh tế xanh bền vững bằng cách sử dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trên cơ sở khoa học. “Làm việc với các cộng đồng địa phương và các liên minh rộng lớn, chúng tôi sẽ cùng đưa ra các giải pháp kinh tế xanh mới để xây dựng một tương lai bền vững cho con người và hành tinh”, Tổng Giám đốc UNDP cho biết.
|
Còn theo Giáo sư Manuel Barange, Ban Chính sách và Nguồn lực Ngư nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO): Hầu hết các quốc gia đều nhận thấy 2-12% tiềm năng đánh bắt thủy sản từ đại dương, nhưng công tác thích ứng cho thấy mức tăng trưởng tiêu dùng bình quân đầu người ở hầu hết các quốc gia tổn thất trung bình khoảng 70%.
Vì vậy, để đảm bảo phục hồi và xây dựng lại tốt hơn sau dịch COVID-19 vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu, Giáo sư Manuel Barange nhấn mạnh, mục tiêu chiến lược của FAO trong thời gian tới hướng đến là tăng cường và mở rộng nuôi trồng thủy sản bền vững đáp ứng nhu cầu toàn cầu về thức ăn thủy sản và phân phối lợi ích một cách công bằng (đạt mức tăng trưởng 30-45% về nuôi trồng thủy sản toàn cầu vào năm 2030 với các loại thực phẩm chất lượng, được sản xuất bền vững); quản lý hiệu quả tất cả môi trường ngư nghiệp mang lại trữ lượng dồi dào và đảm bảo sinh kế công bằng (đảm bảo quản lý hiệu quả 100% vùng biển, cảnh quan vùng nước dựa trên phương pháp tiếp cận hệ sinh thái để xây dựng lại các trữ lượng bị khai thác quá mức); nâng cấp các chuỗi giá trị đảm bảo tính khả thi về mặt xã hội, kinh tế và môi trường của các hệ thống lương thực thủy sản (tái kích hoạt chuỗi giá trị sau dịch COVID-19).
Việt Nam cần đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và các chính sách để khai thác tiềm năng to lớn của ngành kinh tế biển. |
GIẢI QUYẾT THÁCH THỨC Ô NHIỄM RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG
Ở khía cạnh khác, để cứu nguy cho biển và đại dương tránh khỏi những hiểm nguy từ rác thải nhựa đại dương, bà Mona Aarhus, Bộ Môi trường và Khí hậu Na Uy cho biết, rác thải nhựa đại dương không chỉ là vấn đề lớn, phức tạp ở quy mô, phạm vi mà cả về mặt tri thức, hiểu biết, cũng như quá trình phát sinh, phát tán, biến đổi, đặc biệt là những tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế-xã hội, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.
“Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này”, bà Mona Aarhus nhấn mạnh.
Bà Mona Aarhus kêu gọi: Chúng ta cần chủ động tìm hiểu những tác động của rác thải nhựa, từ đó tăng cường khả năng xử lý, phòng ngừa khủng hoảng về mặt môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta cần có cách tiếp nhận chu trình, toàn bộ vòng đời sản phẩm nhựa một cách tổng hợp và toàn diện, chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.
Mặt khác, bà Mona Aarhus thông tin thêm, đại dương đã và đang phải chịu gánh nặng và cho thấy nhiều hệ lụy từ vấn đề biến đổi khí hậu, thất thoát, suy giảm sinh học và ô nhiễm. Từ đó, đem đến nhiều áp lực cho mọi khía cạnh của sự phát triển chung. Giới chuyên gia ước tính rằng, việc sản xuất nhựa, dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới, do vậy đòi hỏi quá trình xử lý rác thải nhựa phải ngày một mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ các góc độ bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe của con người.
Hơn nữa, nhựa cũng đóng góp vào lượng khí phát thải GHG (khí nhà kính) rất cao, cũng như lượng CO2 thải ra môi trường. Một điều hiển nhiên, ô nhiễm nhựa cũng gây nên sự tổn thất về tính đa dạng sinh học, với đời sống của các loài thuỷ sinh, sinh vật biển.
Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là vấn đề ưu tiên được giải quyết trong giai đoạn hiện nay với những thuận lợi là sự hỗ trợ, cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, các nhà chính trị, sự hoàn thiện của hệ thống chính sách, pháp luật cũng như nguồn lực tài chính đã sẵn sàng cho các hành động.
Do đó, đại diện Na Uy đưa ra đề xuất, các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, tái chế nhựa cần được các quốc gia theo dõi chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.
|
Đồng quan điểm trên, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, đại dương đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng: thiên tai, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên không bền vững. Ước tính sẽ có nhiều nhựa hơn cá trong đại dương vào năm 2050, điều này đe dọa sự phát triển bền vững và sinh kế của các hộ ngư dân.
“Bởi vậy, điều quan trọng là đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và các chính sách để khai thác tiềm năng to lớn của ngành kinh tế biển. Nhất là khi ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và năng lượng tái tạo biển - đặc biệt là gió ngoài khơi có tiềm năng rất lớn. Điều cốt yếu là phải cân bằng sự tăng trưởng của các lĩnh vực liên kết chặt chẽ này, vì sự phát triển của một ngành có thể tác động đến những ngành khác”, bà Caitlin Wiesen cho hay.
KHUYẾN NGHỊ MỞ RỘNG 10.000 MW NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VÀO NĂM 2030
Nhằm đưa ra giải pháp cho định hướng phát triển kinh tế biển bền vững của Việt Nam, tại lễ công bố Báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP tổ chức mới đây, TS. Jeremy Hills, Trưởng Nhóm nghiên cứu quốc tế “Báo cáo kinh tế biển xanh” đã đưa ra 2 kịch bản đã được xây dựng đến năm 2030.
Những kịch bản này trước hết là kịch bản cơ sở phản ánh chính sách và chiến lược hiện có, đã được hoạch định của các cấp chính quyền Việt Nam trong từng lĩnh vực đến năm 2030 và kịch bản xanh lam nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường.
Các kịch bản xanh này cũng giúp gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt ra ngoài kịch bản cơ sở. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng với kịch bản xanh được áp dụng, tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người còn có thể vượt hơn kịch bản cơ sở. Đến năm 2025, GNI bình quân đầu người theo kịch bản cơ sở là 147 triệu đồng, trong khi kịch bản xanh lam bình quân đầu người là 230 triệu đồng.
Đưa ra khuyến nghị cụ thể cho các chính sách của Việt Nam theo các ngành để đạt được quỹ đạo kịch bản xanh, trưởng nhóm nghiên cứu lần lượt chỉ ra:
Đối với ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản, Việt Nam cần giảm sản lượng đánh bắt xuống mức sản lượng bền vững tối đa (~ 2,7 triệu tấn/năm) thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt 2% mỗi năm, bao gồm giảm 5% mã lực tàu ven bờ mỗi năm, duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản và cải tiến quản lý để dẫn đến năng suất an toàn tăng 3,5% mỗi năm.
|
Lĩnh vực dầu khí, báo cáo đưa ra gợi ý thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất dầu khí, tăng cường bảo vệ môi trường và tăng cường tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trên biển mới nổi.
Ở lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới - năng lượng tái tạo biển, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam mở rộng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biển đạt 10.000 MW lắp đặt vào năm 2030, bao gồm gần 4.500 MW gió gần bờ (chủ yếu là Đồng bằng Sông Cửu Long) và 5.500 MW gió ngoài khơi (chủ yếu là khu vực Nam Trung Bộ).
Về du lịch, TS. Jeremy Hills cho rằng, cần có sự thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng khách quốc tế 8 - 10%/năm và khách nội địa 5 - 6%/năm đến năm 2030, đạt 1,6 triệu giường khách du lịch với tỷ lệ lấp đầy 65% vào năm 2030 đồng thời đưa các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng, vào quy hoạch du lịch.
Bên cạnh đó, ngành vận tải hàng hải lại được khuyến nghị tăng vận tải biển lên 20,6% thị phần vào năm 2030, nâng khối lượng hàng hóa vận chuyển lên 787 triệu tấn và mở rộng vận tải nội địa lên 289 triệu tấn./.
(Còn nữa)
Bài 1: Kinh tế biển xanh – nền tảng cho sự phát triển bền vững
Bài 2: Bà Rịa – Vũng Tàu: Bảo vệ cửa biển bằng cấu kiện lắp ghép
Bài 3: Ngư dân Quảng Bình “đưa rác vào bờ”, bảo vệ môi trường biển sau chuyến ra khơi
Bài 4: “Phao cứu sinh” cho người dân vùng biển miền Trung
Bài 6: Đại biểu Quốc hội “hiến kế” phát triển kinh tế biển xanh
Bài 7: Phát triển kinh tế biển xanh cần có tầm nhìn và giải pháp trọng tâm, trọng điểm