(ĐCSVN) – Được cha ông trao truyền những di sản văn hóa đồ sộ, quý giá đã gạn lọc qua hàng nghìn năm. Khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô hiện nay chính là phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá để xây dựng một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Khát vọng đó chỉ có thể hiện thực hóa khi có sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đi liền với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Với mong muốn làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn, để văn hóa và con người Hà Nội thật sự trở thành hồn cốt của tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, nhiều ý kiến là các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, phải kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô. Trong quá trình đó, Hà Nội phải tranh thủ mọi nguồn lực cả về tài chính và kiến thức khoa học, công nghệ; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế…
Dưới góc nhìn của mình, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nêu quan điểm: Hà Nội đề ra việc xây dựng con người văn minh cũng có nghĩa là đòi hỏi mọi người phải luôn luôn vươn lên với tầm cao của văn hóa. Do đó, Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân đang sinh sống, làm việc hoặc tới Thủ đô công tác, tham quan du lịch chấp hành những quy chế về nếp sống văn hoá của Thủ đô. Xây dựng đời sống văn hoá từ trong gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, trường học, doanh nghiệp và mọi giai tầng xã hội; đưa cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" phát triển thiết thực, đi vào chiều sâu…
Cùng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng: Với tư cách là Thủ đô của đất nước, Hà Nội có sứ mệnh cao cả và rõ ràng về xây dựng mô hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, kết hợp yếu tố truyền thống dân tộc với yếu tố hiện đại quốc tế, để vừa phát triển Thủ đô, vừa làm động lực phát triển của cả nước và hội nhập quốc tế. Muốn thế, Hà Nội cần đi đầu trong không chỉ xây dựng nét đẹp văn hóa trong đời sống mà cần chú trọng cả trong văn hóa kinh doanh, trong đó, trọng tâm là chữ "tín". Thời gian tới, Hà Nội cần phát động một phong trào rộng khắp xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ tín làm trọng gắn với chủ trương "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”...
PGS.TS Bùi Tất Thắng cũng kiến nghị, nên lập một Quỹ về xây dựng Văn hóa kinh doanh ở Thủ đô Hà Nội để hỗ trợ công tác truyền thông và khen thưởng. Nên đặt ra một giải thưởng danh giá về kinh doanh văn minh. Hằng năm, cũng nên tổ chức trao giải kinh doanh văn minh cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Thủ đô do người tiêu dùng bình chọn.
Liên quan đến bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Thủ đô, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhấn mạnh đến yếu tố Hà Nội cần quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập với tư cách là một loại tài nguyên du lịch có tiềm năng. Nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, cần đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của Thành phố để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển công nghiệp văn hóa - mũi nhọn kinh tế; ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng…
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao |
Dưới con mắt nghệ thuật của một kiến trúc sư, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trao đổi, trong quy hoạch đô thị nói chung và nói riêng về quy hoạch Thủ đô - đô thị, lịch sử luôn chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, trong đó, có di sản vật thể… Để thực hiện được mục tiêu, định hướng trên, Hà Nội cần tập trung nghiên cứu một số nội dung trọng tâm như: Nhận diện quỹ di sản; phát huy vai trò, trách nhiệm cộng đồng; bổ sung hoàn thiện từng bước cơ sở pháp lý…
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội cần có sự tham gia của vùng văn hóa. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dẫn giải, trên thế giới, việc quy hoạch các vùng đô thị trong mạng lưới quốc gia cũng như từng thành phố bài toán văn hóa luôn được đề cao. Với phương pháp quy hoạch hiện đại là chồng các lớp lên nhau, gồm: Điều kiện tự nhiên, dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và lớp văn hóa xã hội. Sự chồng lớp này giúp chuyên gia, nhà quy hoạch phát hiện ra độ vênh giữa văn hóa - xã hội với quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giữa điểm dân cư với hệ thống dịch vụ xã hội… từ đó đưa ra quyết định đúng khi xây dựng chính sách cho các dự án đô thị.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) và Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) đều khẳng định sức mạnh văn hóa, con người là nguồn lực nội sinh to lớn để thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Trong đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”…
Rất nhiều di tích, di sản của Hà Nội đến nay đã gần như trở thành biểu tượng của Thủ đô |
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”…
Nhận thức sâu sắc những chỉ đạo nêu trên, đặc biệt là nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố rằng, Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước, một "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; là "Thành phố Vì hòa bình" và nay Hà Nội là "Thành phố sáng tạo". Đây là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề với Thủ đô hôm nay là gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống cốt lõi của đất nghìn năm văn hiến và chọn lọc, chưng cất tinh hoa của văn minh nhân loại để làm giàu cho văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội. Và để phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo thì điều quan trọng nhất là hội tụ, phát huy nguồn lực nội sinh, năng lực sáng tạo, tinh thần Thăng Long - Hà Nội trong mỗi người để thắp sáng ngọn lửa khát vọng mới.
Tại nhiều diễn đàn khác nhau khi bàn về phát triển văn hóa, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định: Kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn xác định, phát triển bền vững Thủ đô đòi hỏi phải thống nhất nhận thức là phát huy hiệu quả những nguồn lực và lợi thế. Với Hà Nội, nguồn lực quan trọng bậc nhất, cũng là lợi thế hàng đầu chính là tài nguyên văn hóa và nguồn lực con người.
Vì thế, cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025"; triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chính các chương trình, nghị quyết này cũng là lời khẳng định nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội ngày càng rõ nét hơn, rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẳng định quyết tâm “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU khẳng định: Xuyên suốt 8 kỳ đại hội sau đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo để việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội không tách rời quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, song vẫn mang những nét đặc trưng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Thủ đô. “Nhận thức về vị trí văn hóa trong xã hội được phát triển qua từng giai đoạn, đã minh chứng văn hóa, con người Hà Nội thực sự giữ vai trò nguồn lực nội sinh của sự phát triển, góp phần xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là một nguồn lực cho phát triển”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nói.
Hà Nội là trái tim của cả nước, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của cả nước trong văn hóa. Vì thế, phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô. Muốn làm được điều đó phải huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Chính vì thế mà sự phát triển văn hóa của Hà Nội vừa là nội lực của Hà Nội nhưng cũng cần có sự giúp đỡ của cả nước đặc biệt là của Trung ương trong sự phát triển này đúng như lời của Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn đã phát biểu: “Chẳng hạn như chúng ta thấy có những câu chuyện chính sách, nếu Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù thì chúng ta phải thể hiện trong Luật Thủ đô. Hay để thu hút các sự kiện quốc tế đến Hà Nội, thì cần tham gia của Bộ Ngoại Giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, thậm chí cả Chính phủ. Câu chuyện đó không chỉ riêng Hà Nội mà nó còn là câu chuyện đại diện cho cả đất nước”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng đã nêu rõ: Những năm tới, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội, sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững Thủ đô luôn gắn liền với sự đồng lòng, chung sức của cả nước. Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, bạn bè trong và ngoài nước. Hà Nội cũng đề nghị trung ương cho chủ trương, Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tạo thể chế, môi trường thuận lợi để Hà Nội phát huy hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, hòa nhịp cùng cả nước, chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
(Bài có sử dụng ảnh của một số đồng nghiệp)
Phát triển văn hoá Hà Nội xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến
Bài 2: Đưa công nghiệp văn hóa trở thành mũi nhọn để Thủ đô phát triển bền vững
Bài 3: Mở “cánh cửa” du lịch văn hóa
Bài 4: Vẫn còn đó những thách thức, rào cản