(ĐCSVN) - Sự hiện diện ngày càng nhiều của bộ môn tiếng Việt trong các chương trình giảng dạy ở các nước hay việc tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức tại các thành phố lớn của thế giới đã cho thấy sức sống, tiềm lực to lớn của ngôn ngữ - văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đại diện Hội đồng Giám sát thành phố phát biểu ngày 11/6, công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức ở San Francisco. (Ảnh: San Francisco Chronicle) |
Vào ngày 11/6/2024, Hội đồng Giám sát thành phố San Francisco (Mỹ) đã quyết định tiếng Việt được sử dụng như một trong những ngôn ngữ chính thức của thành phố này. Như vậy, bên cạnh tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, Tây Ban Nha và Philippines, thành phố San Francisco sẽ sử dụng thêm tiếng Việt trong các dịch vụ công như phiên dịch, thông báo, văn bản trên trang web.
Trước đây, nhằm phục vụ người dân nhập cư, thành phố San Francisco quy định tiếng Anh sẽ được dịch ra một số loại ngôn ngữ cho các cộng đồng có ít nhất 10.000 người không thông thạo tiếng Anh. Với nghị quyết mới được thông qua, thành phố San Francisco đã hạ ngưỡng tối thiểu từ 10.000 xuống 6.000 người. Trong khi đó, theo thống kê, tại thành phố San Francisco có hơn 6.700 người chủ yếu nói tiếng Việt, tức vượt mốc yêu cầu đưa tiếng Việt làm ngôn ngữ chính thức.
Ở Mỹ, ngoài thành phố San Francisco, tiếng Việt đã được sử dụng tương đối rộng rãi trong các dịch vụ công tại nhiều thành phố, nhất là những nơi có cộng đồng người Việt đông đảo như Quận Cam, California, Houston, Texsa hay Seattle, Washington. Tại các khu vực này, ngôn ngữ tiếng Việt được cung cấp trong nhiều dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, dịch vụ xã hội. Điều này đã và đang góp phần tạo cơ hội đồng đều, thúc đẩy sự hội nhập và phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Không chỉ được công nhận là một trong những ngôn ngữ chính thức, trong những năm gần đây, tiếng Việt còn được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học hoặc các trường cấp tiểu học, trung học ở nhiều nước như một ngoại ngữ.
Tại Đại học Ca’Foscari, thành phố Venice (Ý), bộ môn tiếng Việt đã được đưa vào giảng dạy tại Khoa châu Á và Bắc Phi học. Các sinh viên tốt nghiệp sau 3 năm học bộ môn tiếng Việt tại Đại học Ca’Foscari sẽ đạt được trình độ trung cấp, tức khoảng mức B1 theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu (CEFR). Ở trình độ này, sinh viên có thể hiểu ý chính cuộc trò chuyện về các chủ đề thường gặp trong công việc, ở trường hoặc khu vui chơi. Dù được thành lập muộn, bộ môn tiếng Việt tại Đại học Ca’Foscari được xem là có chương trình học tiếng Việt hoàn thiện nhất tại Ý vì sinh viên còn được học lịch sử, văn học, kinh tế và văn hóa Việt Nam.
Đề thi môn Tiếng Việt trong kỳ thi đại học năm 2022 của Hàn Quốc (Ảnh: Vietnamnet) |
Tại Hàn Quốc, kể từ năm 2013, Bộ Giáo dục nước này quy định: Tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, tiếng Việt cùng 8 ngôn ngữ khác (tiếng Đức, Pháp, Nga, Trung...) là ngoại ngữ thứ hai. Tại Hàn Quốc có 4 cơ sở đào tạo tiếng Việt và ngành Việt Nam học là: Khoa Đông Nam Á học (Trường Đại học Ngoại ngữ Busan); Khoa Việt Nam học (Trường ĐH Chungwoon); Khoa tiếng Việt (Trường ĐH Ngoại ngữ Hankuk); Khoa Việt Nam học (Trường ĐH Youngsan). Còn ở bậc phổ thông, trường THPT Ngoại ngữ Chungnam (thành phố Cheonan) có khoa Tiếng Việt thành lập từ năm 2015. Các cơ sở đào tạo tiếng Việt này góp phần đáp ứng nhu cầu trong những năm gần đây là sinh viên Hàn Quốc có xu hướng học tiếng Việt nhiều hơn, đồng thời số lượng người Hàn sang Việt Nam sinh sống và làm việc ngày càng tăng lên.
Các cô giáo dạy tiếng Việt ở Đài Loan (Trung Quốc) tham gia tập huấn về phương pháp dạy học (Ảnh: NVCC) |
Ngày 17/11/2022, kỳ thi quốc gia xét tuyển đại học ở Hàn Quốc (hay còn gọi là Suneung) đã chính thức diễn ra với sự tham gia của hàng trăm ngàn học sinh. Học sinh Hàn Quốc hoàn thành 6 bài thi gồm Quốc ngữ, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử Hàn Quốc, các môn phụ và Ngoại ngữ 2. Và tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ 2 được nhiều học sinh Hàn chọn nhất.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục Đài Loan (Trung Quốc) từ tháng 9/2019 đã đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ tự chọn vào giảng dạy chính thức trong các trường từ lớp 3 đến lớp 12 tại Đài Loan. Nhu cầu học tiếng Việt của người Đài Loan cũng như thế hệ F2 (con lai giữa người Việt Nam và người Đài Loan) tăng rất cao nên hiện nay tại Đài Loan (Trung Quốc) tiếng Việt đang được dạy ở khắp nơi. Ngoài tiếng Việt được đưa vào cấp 1 như một ngôn ngữ mẹ đẻ, ở các trường cấp 2, cấp 3 hay đại học, tiếng Việt được dạy như một ngoại ngữ thứ hai.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. (Ảnh: NVCC) |
Theo Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Việc tiếng Việt trở thành một ngoại ngữ được đưa vào giảng dạy trong nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới và khu vực từ rất sớm. Chẳng hạn như ở châu Âu, Nga là quốc gia đưa tiếng Việt vào nghiên cứu sớm nhất (năm 1954) tại Học viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow. Sau đó, Viện ngôn ngữ phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow Lomonosove cũng chính thức tổ chức dạy tiếng Việt cho người Nga. Và mới đây, năm 2017, Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moscow cũng đã bắt đầu các khóa dạy tiếng Việt cho sinh viên Nga. Ở Pháp, năm 1979, lần đầu tiên Đại học Paris 7 đã mời chuyên gia Việt Nam sang dạy tiếng Việt cho Khoa Đông Phương. Ở Nhật Bản, tiếng Việt được dạy từ rất sớm, khoảng những năm 1960. Đến năm 2020, nhiều trường đại học ở Nhật Bản có chương trình dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ quan trọng như: Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Ngoại ngữ Kanda, Đại học Nữ Showa, Đại học Kobe, Đại học Waseda, Đại học Daito Bunka, Học viện Ngoại ngữ Quốc tế Nagoya…
Sinh viên đến từ các nước tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về tiếng Việt và văn hoá Việt Nam (Ảnh: NVCC) |
Gần đây, năm 2021, một sự kiện đáng chú ý là hai trường đại học danh tiếng của Mỹ thuộc khối Ivy League gồm Đại học Brown và Đại học Princeton đã phối hợp triển khai khóa học tiếng Việt đầu tiên theo hình thức học trực tuyến. Trong khi đó, tiếng Việt được xem là một ngôn ngữ quan trọng trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao về ngôn ngữ ở Trung Quốc. Hệ thống các trường đại học dạy tiếng Việt được hình thành trải khắp Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Tây và Vân Nam… Năm 2009, Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên ở Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc cũng đã thành lập chuyên ngành tiếng Việt.
Sinh viên Sotnichenko Ivan (Ukraine) tìm hiểu về Việt Nam qua một cuốn sách bằng ngôn ngữ tiếng Việt. (Ảnh: Kiều Giang) |
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm cho rằng, sự hiện diện ngày càng nhiều của bộ môn tiếng Việt trong các chương trình giảng dạy ở các nước hay việc tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức tại các thành phố lớn của thế giới đã cho thấy sức sống, tiềm lực to lớn của ngôn ngữ - văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. “Tiếng Việt giữ gìn truyền thống, bản sắc cội nguồn dân tộc, đồng thời cũng là cửa ngõ mở ra những cơ hội to lớn trong việc kết nối, tiếp cận tinh hoa văn hóa nhân loại”, TS Thanh Tâm nhấn mạnh.
Thực tiễn về sự phát triển không ngừng của tiếng Việt là minh chứng sống cho trí tuệ và tinh thần của người Việt, sức lan tỏa của văn hóa Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Với vị trí và vai trò ngày càng được khẳng định, tiếng Việt đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.