Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

(ĐCSVN) – Binh đoàn 15 hiện có 11 trường mầm non, nhà trẻ với 130 điểm trường nằm rải rác ở các vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Vượt qua mọi khó khăn, các điểm trường này trở thành những nơi đáng tin cậy để cha mẹ gửi gắm con em mình và yên tâm tham gia lao động sản xuất.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với các phụ huynh có con theo học tại một số trường mầm non của Binh đoàn 15 tại các huyện Đức Cơ, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) vào thời điểm phụ huynh đến đón trẻ vào cuối ngày. Điều mà chúng tôi nhận thấy là họ đều rất phấn khởi vì “tìm được trường ưng ý” để gửi con. Không chỉ yên tâm đi làm, họ đều rất vui vì chỗ học, chơi, ăn nghỉ của các con đều rất khang trang, sạch sẽ, trong khi số tiền đóng góp không nhiều.

 Cô Hồ Thị Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai. (Ảnh: Kiều Giang)

Với các phụ huynh là công nhân làm việc tại các công ty trực thuộc Binh đoàn, hoặc thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn, con em họ không phải đóng học phí khi đến học tại các điểm trường mầm non của Binh đoàn; trong khi những phụ huynh là người dân địa phương, mức học phí là 55.000 đồng/tháng. Tiền ăn mà mỗi cháu phải đóng góp là khoảng 10.000 đồng/ngày, và mỗi cháu được các đơn vị, công ty hỗ trợ thêm 3.000 – 5.000 đồng/ngày cho chế độ ăn hàng ngày.

Cô Hồ Thị Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (Công ty 75, Binh đoàn 15) cho biết, chế độ ăn của trẻ tại các trường, điểm trường luôn được đảm bảo đủ chất, đúng định lượng. Các nhà trường duy trì thực hiện nghiêm túc chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống béo phì; thực đơn thay đổi theo ngày trong tuần, theo mùa và được cải tiến khâu chế biến thức ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quan sát các khu vực vui chơi của trẻ, chúng tôi nhận thấy, ngoài sân trường rộng rãi – nơi trẻ có thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng tự nhiên, các cháu nhỏ còn có thể nô đùa thỏa thích lại các khu vực hành lang hoặc sân có mái che ngay trước cửa lớp học. Những khoảng sân có mái che luôn được các cô quét, lau dọn sạch sẽ, giúp trẻ tha hồ vui chơi mà không sợ mưa nắng. Trong các lớp học khá rộng rãi, đồ dùng học tập của cô trò được bài trí đơn giản, gọn gàng nhưng cũng đầy đủ, đảm bảo cho việc học và chơi của trẻ.

 Khu vực sân chơi có mái che rất rộng cho các cháu tại một điểm trường mầm non quân đội của Binh đoàn 15. (Ảnh: Việt Anh)

Là người sinh ra và lớn lên tại làng Ó Kly – một trong những địa phương nghèo ở xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, chị Rơ Châm Len hiểu và thấm thía được tầm quan trọng của việc “được đến trường”. Là chị cả trong gia đình có 4 chị em, chị Rơ Châm Len nuôi quyết tâm vượt khó, vừa học vừa phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy, chăn nuôi và việc nhà. May mắn là dù khó khăn, 4 chị em Rơ Châm Len đều được gia đình nuôi ăn học hết lớp 12.

Năm 2000, chị Rơ Châm Len được tuyển dụng vào làm công nhân chăm sóc cà phê tại Công ty Bình Dương, Binh đoàn 15. Với tính tình hòa nhã, hoạt bát, có kiến thức trong công tác tuyên truyền vận động, gương mẫu trong công việc, năm 2001, chị được đơn vị lựa chọn cử đi học sơ cấp y tại Bệnh viện Quân y 15 để xây dựng nguồn cán bộ tại chỗ. Sau thời gian đi học, chị được phân công công tác tại Bệnh xá quân - dân y (làng Ó Kly, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông).

 Chị Rơ Châm Len là một trong những người tham gia tích cực vào công tác vận động đưa trẻ đến trường ở địa phương. (Ảnh: Kiều Giang)

Nhờ việc được đến trường, chị Rơ Châm Len giờ đã trở thành một nhân viên gương mẫu của Bệnh xá quân dân y và là một đảng viên rất tích cực cùng các đồng nghiệp và các tổ chức quần chúng tham gia công tác vận động đưa trẻ đến trường tại địa phương. Với đặc thù là địa phương có mật độ dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Jrai, nhiều năm trước đây, việc đưa trẻ đến trường (đặc biệt là ở cấp học mầm non) đối với người dân ở làng Ó Kly, xã Ia Tôr là một việc còn… xa lạ. Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn giữ thói quen mang theo trẻ ra nương rẫy hoặc chưa cho trẻ đến trường vì “còn bé quá”.

Nhờ sự tích cực của các tuyên truyền viên như chị Rơ Châm Len, công tác giáo dục mầm non ở làng Ó Kly cũng như nhiều bản làng khác đã có nhiều thay đổi. Thói quen mang theo con đi nương rẫy đã dần được thay đổi, ngày càng có nhiều gia đình đi gửi trẻ ở trường mầm non.

 Giờ đón trẻ của phụ huynh tại điểm trường Trường Mầm non Sao mai, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Kiều Giang)

Trong công tác tuyên truyền vận động đưa trẻ đến trường, các cô giáo của các trường mầm non cũng chính là những hạt nhân tiêu biểu và tích cực. Các cô đã đến từng gia đình có con nhỏ, đặc biệt là các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực xa xôi để vận động họ đưa trẻ đến trường. Không chỉ vậy, hoạt động tuyên truyền cũng được các cô giáo và các trường mầm non đổi mới với nhiều hình thức phong phú: qua các buổi họp phụ huynh, qua tranh ảnh, thông điệp, các góc hoạt động, bảng thông báo, thông qua các Hội thi của cô và cháu…. Chính các hoạt động sôi nổi của cô và trò, những tiến bộ trong vui chơi, học tập và rèn luyện sức khỏe của trẻ là những “bằng chứng” sinh động nhất để người dân thay đổi nhận thức và tích cực đưa trẻ đến trường. 

Đại tá Phùng Thị Phú – Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội từng chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục mầm non nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, công tác giáo dục mầm non trong quân đội đã đi vào nền nếp; chất lượng chăm sóc, giáo dục các cháu được nâng cao; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đã làm tốt công tác tuyên truyền xã hội hóa giáo dục; các trường mầm non trong quân đội luôn nhận được sự tin yêu của các bậc phụ huynh và nhân dân trên địa bàn đơn vị đứng chân, góp phần tô thắm truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân”.

Đại tá Phùng Thị Phú nhấn mạnh, tất cả những kết quả mà các cơ sở giáo dục mầm non quân đội đạt được đã góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của giáo dục mầm non trong cả nước.

Các trường, điểm trường mầm non của Binh đoàn 15 được bố trí theo địa bàn dân cư chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, phân tán, giao thông đi lại còn khó khăn; trong khi đó, trẻ em là người dân tộc thiểu số đông (28 dân tộc khác nhau), chiếm gần 50% tổng số các cháu... Đây là những khó khăn đối với công tác giáo dục mầm non tại các khu vực biên giới. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Binh đoàn, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và sự nhất trí, đồng lòng của người dân, chất lượng công tác chăm sóc giáo dục trẻ em không ngừng được nâng lên trong thời gian qua.

 Đặc biệt, với phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”, các trường mầm non rất chú trọng việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới trong hình thức giảng dạy, tạo sự hấp dẫn và hứng khởi cho các cháu. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị dạy học, trang bị thêm máy tính, tivi, đầu đĩa…, việc làm đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo bằng những nguyên vật liệu sẵn có, dễ tìm… cũng luôn được khuyến khích, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại các trường mầm non.

 Phụ nữ Quân đội chia sẻ, động viên các cháu người dân tộc thiểu số học tập tại trường mầm non của Binh đoàn 15. (Ảnh: Hải Vân)

Để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục mầm non trong quân đội, theo Đại tá Phùng Thị Phú, các phòng, ban, trợ lý chuyên trách công tác phụ nữ tại 14 cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có cơ sở giáo dục mầm non cần nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, đề xuất, đảm bảo nắm chắc, tham mưu sâu, đúng, trúng, kịp thời những vấn đề liên quan đến công tác giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền xã hội hóa giáo dục, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục mầm non cũng cần được đẩy mạnh; bởi đây sẽ là yếu tố góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng: "Dạy trẻ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì cây sẽ lên tốt. Dạy trẻ tốt thì sau này trẻ sẽ phát triển thành người tốt". Bởi vậy, sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân sẽ góp phần gieo ươm, vun trồng nên những “mầm non” xanh, khỏe mạnh, có ích cho gia đình và xã hội trong tương lai./.

Bài 1: Sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giáo dục mầm non

Bài 2: Địa chỉ giáo dục tin cậy của người dân vùng biên

Bài 3: Những lớp học lúc 0 giờ

Bài 4: Cô giáo vùng biên hết lòng vì con trẻ

 

Nhóm PV Thời sự
28/07/2023 22:47
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN