(ĐCSVN) - Đổi mới hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng và thực sự cấp thiết trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đề cao vấn đề kiểm soát quyền lực, nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đây cũng là vấn đề mà cả cử tri, Nhân dân và cả các đại biểu Quốc hội quan tâm, chờ đợi.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đó là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: Cùng với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, cũng như các cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát.
“Để chuẩn bị cho Hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trao đổi kỹ lưỡng, thống nhất trước một bước về công tác chuẩn bị nội dung, cũng như công tác bảo đảm phục vụ hội nghị. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các nội dung giám sát năm 2023” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thông tin.
Đồng tình với chương trình giám sát của Quốc hội, trao đổi với chúng tôi, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội cần thiết phải đổi mới hoạt động giám sát trên nhiều phương diện. Trước hết là xác định chính xác về pháp luật và về thực tiễn, mục đích, phạm vi đối tượng, nội dung, công cụ, phương pháp giám sát. Sau đó, cần tập trung vào các giải pháp có tính kỹ thuật, hay nói cách khác là các điều kiện bảo đảm cho việc giám sát có hiệu quả.
Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng khẳng định, phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, “mũi nhọn”. Trong đó, "Xây dựng chương trình giám sát bám sát tình hình thực tiễn, bảo đảm cân đối giữa các hoạt động giám sát. Trong báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...” - ông Dũng đề xuất.
Đồng thời, cần tiếp tục xây dựng, ban hành và cụ thể hóa các quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội để xác định rõ ràng, cụ thể, phạm vi, thẩm quyền, đối tượng giám sát của các chủ thể thực hiện quyền này. Tránh tình trạng chồng chéo, lẫn lộn trong hoạt động của các cơ quan khi thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật. Trên cơ sở xác định lại mục đích của giám sát, Quốc hội nên tập trung vào việc giám sát thực hiện các mục tiêu chính sách đã được xác định trong các đạo luật và trong các nghị quyết của Quốc hội.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội cần thiết phải đổi mới hoạt động giám sát trên nhiều phương diện. |
Đáng chú ý, để các hoạt động giám sát thực sự hiệu quả, một số đại biểu Quốc hội đề xuất có thể thuê các tổ chức đánh giá độc lập để tổ chức giám sát chuyên sâu từng vấn đề, từng nội dung được giám sát. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, hoạt động giám sát của các đoàn giám sát của Quốc hội chưa đủ thời gian, điều kiện để tiếp cận trực tiếp đối tượng tác động, chủ yếu nghe báo cáo qua tổng hợp văn bản. Do đó, nếu đi độc lập đến kiểm tra thì sẽ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, nên thuê theo từng công đoạn, từng hoạt động nhỏ trong việc giám sát một vấn đề, chứ không “khoán trắng” cho các tổ chức độc lập, vì như vậy sẽ không còn là hoạt động giám sát của Quốc hội. Vì việc “khoán” cho các cơ quan hành pháp báo cáo về việc thi hành pháp luật hay về một vấn đề cụ thể cũng làm mất đi ý nghĩa, vai trò của giám sát.
Cần phải đổi mới hình thức, phương pháp và cách thức tổ chức giám sát của Quốc hội phù hợp với vị trí pháp lý và điều kiện hoạt động của Quốc hội. Đổi mới hoạt động của các cơ quan Quốc hội, phải làm sao để đạt ở “tầm” Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Điểm nhấn quan trọng là phải tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên giải trình tại Hội đồng dân tộc và các ủy ban để tăng tính tranh luận, đi sâu phân tích làm rõ vấn đề đưa ra chất vấn; tăng cường giám sát theo chuyên đề, chú trọng chiều sâu và vấn đề hậu giám sát; tiếp tục tổ chức nhiều phiên giải trình.
Mặt khác, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội là nội dung không thể thiếu trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng phải thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.
Đáng chú ý, đối với hoạt động giám sát tối cao tại Kỳ họp Quốc hội, từ thực tiễn trong thời gian qua, các đại biểu đề nghị cần ban hành Nghị quyết về nội dung giám sát để làm cơ sở cho việc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu trong báo cáo kết quả giám sát; sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát đã được Quốc hội chấp thuận.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hoạt động giám sát thông qua các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng do tổ chức, cũng như số lượng cán bộ của mỗi cơ quan không nhiều, nên không thể đáp ứng được một cách đầy đủ, nhanh chóng các yêu cầu giám sát. Do đó, để tăng cường hiệu lực hoạt động giám sát thì phải tập trung vào các cơ quan của Quốc hội là chủ yếu. Để cho các cơ quan của Quốc hội đảm nhiệm được chức năng hoạt động giám sát thì phải tăng cường cho các cơ quan này về mọi mặt, như nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho cán bộ công chức của Văn phòng Quốc hội, tăng cường cơ sở vật chất để các cơ quan Quốc hội hoạt động. Đặc biệt là phải nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu phải có “tâm”, có “tầm”, phải đảm bảo cho mỗi đại biểu đủ điều kiện để hoàn thành được nhiệm vụ của mình, trước hết là trong việc thực hiện hoạt động giám sát.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thẳng thắn, việc lựa chọn địa bàn giám sát cần lưu ý nghiên cứu lựa chọn những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt và chưa tốt để có cơ sở đánh giá đầy đủ các mặt của lĩnh vực. Đồng thời, cần tận dụng tối đa những kết quả giám sát đã thực hiện trước đây, kết quả của thanh tra, kiểm toán cũng như kết quả giám sát của HĐND cấp tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội để có thêm thông tin làm cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác.
Trong bài viết với nhan đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ: Đổi mới hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng và thực sự cấp thiết trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đề cao vấn đề kiểm soát quyền lực, nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội theo hướng tập trung giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp, tư pháp, cơ quan khác do Quốc hội thành lập, người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, góp phần kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội chú trọng nâng cao nhận thức về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội, trong đó cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và giám sát tối cao của Quốc hội nói riêng.
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng: Xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư; bám sát tình hình thực tế của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri cả nước...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai các hoạt động giám sát, tập trung ở một số nội dung cụ thể sau: Nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phát huy có hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng chủ động, thống nhất, tránh trùng lặp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, phát huy được hiệu quả hoạt động giám sát; tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó coi trọng sử dụng thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong xây dựng báo cáo và nghị quyết giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát chuyên đề; tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó chú trọng xem xét, ban hành nghị quyết về chất vấn để làm rõ, xử lý kịp thời vấn đề chất vấn và làm cơ sở giám sát việc thực hiện; tăng cường xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; giám sát văn bản quy phạm pháp luật một cách thường xuyên, báo cáo Quốc hội định kỳ hằng năm, mở rộng và gắn chặt giám sát văn bản quy phạm pháp luật với giám sát thực hiện chính sách, qua đó thể hiện cao hơn nữa trách nhiệm của Quốc hội, bảo đảm pháp luật được ban hành đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo hướng: Triển khai các hoạt động giám sát (chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri...), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống....
Trong quá trình triển khai, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng phải hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, cung cấp thông tin giữa Quốc hội với Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động kiểm soát quyền lực. Tăng cường sự liên thông và phân định rõ nội dung giám sát giữa hoạt động giám sát của Quốc hội với giám sát của HĐND, giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát trực tiếp của Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Xuất phát từ sự xem xét một cách toàn diện về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, vai trò giám sát tối cao của Quốc hội trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, có thể thấy, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm nhằm góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Quốc hội phải luôn tự đổi mới chính bản thân mình, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV” - Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ./.
Trong bài có sử dụng một số ảnh của các đồng nghiệp
Bài 1: Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, cách làm
Bài 2: Giám sát chuyên đề, bước “đột phá” cần nhân rộng
Bài 3: Diễn đàn dân chủ, quyết tâm truy vấn, theo đuổi đến cùng