Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

Bài 5: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý: Kinh nghiệm nhìn từ thế giới

(ĐCSVN) – Không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ (SHTT) đang được coi là tài sản vô hình ngày càng có giá trị, nhất là khi Hiệp định EVFTA được ký kết cho thấy việc bảo hộ quyền SHTT trở thành một xu thế tất yếu. Bởi vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ thế giới sẽ giúp Việt Nam "vá" những lỗ hổng trong dựng xây, bảo hộ thương hiệu cho nông sản trong thời gian tới.

Việt Nam có hàng ngàn sản phẩm đặc trưng trải dài trên mọi miền của đất nước, mỗi sản phẩm đặc trưng của vùng miền mang sứ mệnh của những đại sứ về văn hóa Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đó là những giá trị rất đặc sắc cần được phát huy và khai thác trong quá trình hội nhập.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý số 107 tại Nhật Bản. 

"Tầm nhìn tổng thể, hành động địa phương"

Theo đánh giá của các chuyên gia, trên thế giới mỗi quốc gia tùy thuộc vào thế mạnh riêng và lợi ích cụ thể của quốc gia mình mà có giải pháp, chiến lược khác nhau đối với việc bảo hộ CDĐL.

Theo thống kế các kết quả nghiên cứu về sự phát triển CDĐL cho thấy, thế giới có khoảng hơn 10.000 CDĐL được bảo hộ, với giá trị thương mại ước tính hơn 50 tỷ USD. Nhiều quốc gia nhận thức ngày càng rõ rằng CDĐL chính là một cơ hội, chúng có những thuộc tính thể chất đặc thù và văn hóa độc đáo mà có thể chuyển thành sản phẩm khác biệt. Những tài sản vật chất và văn hóa hình thành nên giá trị cơ bản cho các đặc trưng của CDĐL.

***************

NHIỀU QUỐC GIA NHẬN THỨC NGÀY CÀNG RÕ RẰNG CDĐL CHÍNH LÀ CƠ HỘI...

Thực tế cho thấy, các nước Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thái Lan… đã thành công với những giải pháp, quan điểm xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc biệt là CDĐL của cộng đồng chung châu Âu đó là: chống lại sự giả mạo và lạm dụng tên gọi của các sản phẩm gắn với một địa danh cụ thể; chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.

Chia sẻ kinh nghiệm của thế giới về việc xây dựng và phát triển thương hiệu cộng đồng, tại Hội nghị về Hoạt động SHTT năm 2021, do Cục SHTT (Bộ KH&CN) vừa tổ chức mới đây, TS Trịnh Văn Tuấn, Th.s Vũ Văn Đoàn, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho hay: Tại Nhật Bản có chương trình “Mỗi làng - Một sản phẩm” (OVOP) dựa trên các kiến thức bản địa và sự sáng tạo của người dân tạo ra sản phẩm hàng hoá đặc trưng cho mỗi làng, giảm thiểu cạnh tranh.

“OVOP đã làm sống lại những nghề thủ công với tư duy "Tầm nhìn tổng thể, hành động địa phương" và dựa trên 6 nguyên tắc: Người dân làm chủ; phát huy những tiềm năng chưa được khai thác của mỗi làng; Liên tục thử nghiệm và cải tiến chất lượng sản phẩm; gia tăng giá trị lợi nhuận; phát triển thị trường; phát triển và bảo tồn các giá trị bản địa. Từ đó có thể thấy chìa khóa của OVOP là hàng năm tiến hành các cuộc thi để thử nghiệm và cải tiến chất lượng sản phẩm cả về mẫu mã và bao bì đóng gói”, TS Trịnh Văn Tuấn cho biết.

Hay tại Pháp, dựa vào các sản phẩm đặc thù được xây dựng nhãn hiệu cộng đồng để thúc đẩy kinh tế nông thôn (ẩm thực, lễ hội truyền thống, du lịch cộng đồng...). Nhờ các hoạt động này, nông dân và nông thôn Pháp vẫn đứng vững trước các khó khăn do quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Nhãn hiệu cộng đồng trở thành công cụ đắc lực làm sống lại khu vực nông thôn Pháp. Mô hình này đã được nhân rộng và phát triển thành mạng lưới quốc tế.

**********************

CDĐL ĐÃ VÀ ĐANG CHỨNG MINH VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN...

Còn tại một số khu vực miền núi của Tây Ban Nha, đứng trước nguy cơ chỉ còn những người già và đàn ông chăn cừu định cư do phụ nữ trẻ và thanh niên rời bỏ nông thôn, người dân Tây Ban Nha đã xây dựng CDĐL cho sản phẩm thịt cừu, mở dịch vụ du lịch gắn với cừu, ẩm thực thịt cừu và khôi phục lại các lễ hội truyền thống. Các hoạt động này đã làm cho kinh tế phát triển trở lại, thu nhập tăng, nam thanh niên chăn cừu cảm thấy tự hào khi được sử dụng các kiến thức bản địa vốn có của họ.... và ngày càng có nhiều phụ nữ không muốn rời bỏ nông thôn nữa.

Từ thực tế trên cho thấy, không chỉ tại Việt Nam mà trên thế gới, CDĐL đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản địa phương.

 Bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản cho vải thiều Lục Ngạn đã nâng cao giá trị cây trái được định danh của Việt Nam. 
 

Hướng đi nào cho Việt Nam?

 

Từ thực tiễn kinh nghiệm của thế giới, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy gia tăng thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), doanh nghiệp sẽ tự đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển, mất cơ hội xuất khẩu mở rộng thị trường, đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý…

Đặc biệt, ngày 30-6-2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) được ký kết, đã kết thúc quá trình đàm phán kéo dài và đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội phát triển thương mại mới giữa Việt Nam và EU, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường toàn cầu. Từ đây, các doanh nghiệp, công dân EU và Việt Nam sẽ không chỉ được hưởng các khoản giảm trừ thuế quan mà còn được hưởng nhiều khoản giảm trừ phi thuế quan trong thương mại. Quan trọng hơn, đây là một bước tiến lớn để EU bảo đảm và tăng cường quan hệ đối tác với Đông Nam Á, cũng như để Việt Nam tăng tốc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

*****************

CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT PHẢI CHỦ ĐỘNG RÀ SOÁT VÀ ĐĂNG KÝ SỚM CÁC QUYỀN SHTT Ở CÁC THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI.

Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA cũng có những quy định mới, khắt khe về bảo hộ SHTT, đồng thời, đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu phải tìm hiểu rõ, có những phương án chuẩn bị tốt nhất để có thể tận dụng các lợi thế và hạn chế các tác động tiêu cực mà các quy định đó mang lại.

Trước thực tế trên, các chuyên gia cũng cho rằng, để không bị mất thương hiệu và nhãn hiệu của mình, các doanh nghiệp Việt phải chủ động rà soát và đăng ký sớm các quyền SHTT ở các thị trường nước ngoài. Đặc biệt cần lưu ý bảo hộ: nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích. Khi phát hiện quyền SHTT của mình bị mất, cần nhanh chóng nghiên cứu thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền SHTT. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần phải có giải pháp tổng thể tuyên truyền, đồng thời hỗ trợ về thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa về vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu nói riêng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung. 

Ở khía cạnh khác, ThS. Vũ Xuân Trường, chuyên gia thương hiệu (Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh) đánh giá, Việt Nam đặt được nền móng ban đầu cho các thương hiệu nông sản nổi tiếng. Tuy nhiên, việc dựng xây và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều. Đặc biệt, việc bảo vệ thương hiệu nông sản ở Việt Nam còn tồn tại rất nhiều bất cập.

Ông Trường phân tích, để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, ở cấp độ vĩ mô Việt Nam đã có Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được ra đời từ năm 2003. Tuy nhiên, đáng chú ý là doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá thờ ơ với chương trình này. Một số liệu thống kê cho thấy, có đến 80% doanh nghiệp Việt chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Đó là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng các sản phẩm nông sản của Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Để giải quyết những bất cập hiện nay, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định: Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò thương hiệu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của bảo vệ thương hiệu; giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường, hỗ trợ kỹ thuật thông qua việc cung cấp các khoá đào tạo tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm...

*********************

ĐÃ ĐẾN LÚC CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT CẦN PHẢI NHẬN THỨC RÕ TẦM QUAN TRỌNG, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU PHẢI GẮN VỚI BẢO HỘ QUYỀN SHTT.

Đứng trên phương diện quản lý, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng, xây dựng thương hiệu phải gắn với bảo hộ quyền SHTT. Nhằm khẳng định vai trò của SHTT trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng hiện nay, chúng ta cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác; phát triển tài sản SHTT. Đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT và xây dựng văn hóa SHTT mang đặc trưng, ưu thế riêng của Việt Nam.

Còn theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT: Luật SHTT lần này được sửa đổi trên cơ sở quán triệt mục tiêu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và thực hiện Nghị quyết của Chính phủ trong tình hình mới, lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả các cam kết SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây. Qua đó sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược SHTT đến năm 2030, đồng thời kết hợp giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hiện nay.

 
 Cà phê Sơn La ngày càng khẳng định uy tín tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Nhấn mạnh SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu, rộng, toàn diện như hiện nay, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định: Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Đó là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế, nên rất cần sự tích cực vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương. 

Để triển khai hiệu quả về lĩnh vực này, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, đưa các nông sản đó đứng vững tại thị trường trong nước và vươn xa ra thế giới./.

Bài 1: Chỉ dẫn địa lý – “cú huých” đưa nông sản Việt ra biển lớn

Bài 2: Bảo hộ CDĐL nước ngoài - Cơ hội lớn cho “vựa vải” miền Bắc

Bài 3: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý – cơ hội cho nông sản Sơn La

Bài 4: Bảo hộ CDĐL, nhập làn "cao tốc hiện đại” – Khó vẫn phải làm

Nhóm PV Thời sự
01/06/2021 17:07
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN