Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở khu vực Tây Bắc, là tỉnh có địa bàn rộng với diện tích tự nhiên 14.125 km²; có 12 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố và 11 huyện (với 204 xã, phường, thị trấn). Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người, gồm 12 dân tộc cùng sinh sống, trình độ văn hóa không đồng đều, thu nhập và đời sống của người dân còn thấp, hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn... Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Thời gian qua, BHXH tỉnh Sơn La đã tích cực chủ động thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được BHXH Việt Nam giao, tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND quan tâm chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các huyện, thành phố trong thực hiện chính sách chế độ BHXH, BHYT...
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội tỉnh còn nhiều khó khăn, dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, tác động tiêu cực đến việc tham gia BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, người lao động và người dân; ảnh hưởng chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH với các sở, ban, ngành; sự nỗ lực đồng lòng của công chức, viên chức, người lao động BHXH tỉnh nên việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Sơn La thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một buổi tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT của BHXH huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. |
Tính đến hết năm 2023, số người tham gia BHXH bắt buộc là 123.893 lao động, tính trên số tham gia tại tỉnh đạt 100,1% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; đạt 108,1% kế hoạch UBND tỉnh giao; số người tham gia BHXH tự nguyện là 41.940 người, chiếm 5,5% lực lượng lao động, đạt 104% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; đạt 119,7% kế hoạch UBND tỉnh giao; số người tham gia BHYT là 1.278.316 người, tính trên số người tham gia BHYT nội tỉnh đạt 100,3% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; đạt 101,6% kế hoạch UBND tỉnh giao. Trong năm 2023, toàn tỉnh phát triển mới được 2.156 người tham gia BHXH tự nguyện, vận động được 10.838 người đã dừng đóng tiếp tục tham gia.
Để đạt được các kết quả đáng mừng nói trên, BHXH tỉnh Sơn La đã tham mưu thành lập Ban chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT do Chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban và hằng năm đánh giá, nhận xét thi đua; tham mưu sử dụng nguồn ngân sách địa phương và vận động công tác xã hội hóa hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT tự đóng; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền vận động người dân tham gia; công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, quản lý, đôn đốc thu BHXH, BHYT; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo chế độ BHXH và quyền lợi BHYT cho người thụ hưởng; công tác thực hiện chuyển đổi số.
Người dân vui mừng khi được tặng thẻ BHYT. |
Xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, chính vì vậy công tác tuyên truyền luôn được quan tâm và triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, sâu rộng: phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí viết tin, bài; thực hiện tiếp nhận thông tin, hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, BHYT; phối hợp các đơn vị sử dụng lao động, UBND các xã, phường, thị trấn, tổ, bản để tuyên truyền, tư vấn, vận động người dân tham gia.
Về công tác chỉ đạo điều hành, BHXH Sơn La đã triển khai đồng bộ, quyết liệt kịch bản và giải pháp thu, phát triển người tham gia, đảm bảo linh hoạt, phù hợp; thực hiện chi trả kịp thời, đúng quy định các chế độ cho người thụ hưởng.
BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn toàn tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh; kiểm soát dấu hiệu bất thường trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, đảm bảo điều hành trong phạm vi dự toán được giao.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đinh Thanh Tùng trao tặng thẻ BHYT cho đại diện UBND xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. |
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, BHXH Sơn La tích cực tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả. Trong đó, đặc biệt là việc tích cực chỉ đạo triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số.
Với những nỗ lực vượt mọi khó khăn trong suốt 28 năm qua, BHXH tỉnh Sơn La đã vinh dự được tặng nhiều bằng khen và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều lượt bằng khen, giấy khen cho tập thể, cá nhân khác. Đồng thời, BHXH tỉnh đang phấn đấu để đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La Thiều Quang Ngãi cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHXH, BHYT cũng còn gặp phải những khó khăn, thách thức.
Cụ thể, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vục II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sơn La có 110 xã chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh chính sách này dẫn đến hơn 201.000 người dân tộc thiểu số không được NSNN hỗ trợ mua thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 24/2023/NĐ-CP, từ tháng 7/2023 mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, số tiền người dân mua thẻ BHYT hộ gia đình tăng từ 804.600 đồng/người/năm lên 972.000 đồng/người/năm dẫn đến giảm số người tham gia BHYT tự đóng trên địa bàn tỉnh.
Việc thực hiện Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ ngày 01/01/2022 mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng/người/tháng lên 1.500.000 đồng/người/tháng. Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiếu của người dân cũng tăng lên. Trong khi thu nhập, đời sống của người dân còn thấp.
Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua tại một số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia; giảm sự hấp dẫn của chính sách tham gia BHYT dẫn đến khó khăn cho việc tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT.
Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La Thiều Quang Ngãi trao tặng thẻ BHYT cho người dân tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. |
Thực tế cho thấy, Sơn La là một tỉnh miền núi, giao thông đi lại trắc trở, trình độ dân trí chưa cao, độ phủ sóng truyền hình, đài phát thanh còn hạn hẹp (nhiều gia đình không có đài, tivi, hoặc không có thói quen xem tivi, đọc báo, nghe đài). Tuy vậy, ở những xã bản vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng người dân lại có ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền... thường đi dự hội nghị đông đủ, đúng giờ. Ngược lại, những người dân sinh sống tại vùng thị trấn, thị xã, thành phố, khi được mời lại ít tham gia hoặc tham gia không đầy đủ.
Chính vì thế, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, để phát triển người tham gia BHXH, BHYT một cách bền vững, BHXH tỉnh xác định truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, xuyên suốt, phải là một chuỗi giá trị liên quan đến tất cả các lĩnh vực, từ khâu tiếp nhận thủ tục hành chính đến khâu trả kết quả. Để đạt hiệu quả thì phải tạo được lòng tin, uy tín của người dân, người lao động với chính sách BHXH và của cơ quan BHXH và mỗi một viên chức của BHXH.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La Thiều Quang Ngãi, BHXH và BHYT là 2 chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, có tác động và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và toàn dân. Do đó, cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp đóng vai trò then chốt trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT không chỉ đếm số lượng hội nghị, số lượng bài viết, chuyên mục phát thanh - truyền hình, số lượng tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích... mà phải làm sao cho người dân hiểu, chủ động tham gia và thụ hưởng; kết quả thực hiện các chỉ tiêu BHXH, BHYT; tỷ lệ bao phủ như thế nào?... Hướng tới mục tiêu đưa bằng được chính sách BHXH, BHYT đến với nhân dân và người lao động trên địa bàn tỉnh, tài liệu tuyên truyền tại các xã, tổ, bản, tiểu khu… cần ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu... Trên địa bàn thị trấn, thị xã... cần thành lập các tổ xung kích nhỏ lẻ, gắn với trách nhiệm của lãnh đạo xã, đi đến tận nhà, từng nơi dân ở và kinh doanh để tuyên truyền vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
Cũng theo ông Thiều Quang Ngãi, hiện còn nhiều doanh nghiệp ở huyện (vùng sâu, vùng xa) chưa hiểu biết về chính sách pháp luật BHXH, BHYT, về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động; chính quyền các cấp cần phải chủ động kiểm tra, tổ chức hội nghị đối thoại, vận động tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Bên cạnh công tác truyền thông, công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT luôn được BHXH tỉnh xác định phải quan tâm giải quyết kịp thời, đúng, đủ. Theo đó, quyền lợi khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng, hàng loạt các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được quỹ BHYT chi trả, giảm khó khăn về tài chính cho đối tượng tham gia, nhất là với đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, các đối tượng chính sách xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi, tạo niềm tin đối với nhân dân.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án 06, thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của Ngành với mục tiêu phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia, đơn vị, doanh nghiệp. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đối tượng, nhất là người dân tộc vùng khó khăn tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.
Lãnh đạo BHXH tỉnh Sơn La trao quà Tết cho bệnh nhân hưởng BHYT đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. |
Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thời gian tới, BHXH tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại địa phương. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia.
Ngành BHXH tỉnh Sơn La xác định mục tiêu xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân./.