Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 4: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang vướng rào cản nào?

(ĐCSVN) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, tăng năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phải đối mặt nhiều “rào cản”, cần quan tâm tháo gỡ để đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là điểm tựa, cú hích mạnh cho nền nông nghiệp cất cánh, chiếm ưu thế trong cạnh tranh trên thị trường; gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập của người làm nông nghiệp. Ông đánh giá thế nào về tình hình ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp hiện nay và kết quả mang lại ra sao? 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Cần khẳng định, ứng dụng công nghệ cao là một điều tất yếu khi muốn nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. 

 

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, xử lý các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của khoa học, công nghệ. Qua đó tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, đồng thời giúp sớm tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân. 

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tình trạng mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo sự cạnh tranh của sản phẩm.

Xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đã được ban hành. Nhờ vào định hướng đúng đắn và nhất quán trong Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016 và những chính sách được ban hành trước đó nên việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã mang lại những kết quả rất tích cực. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả, lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng nhanh qua các năm.

PV: Từ thực tế cho thấy lĩnh vực này vẫn còn gặp không ít khó khăn, "rào cản”, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Thực tế cho thấy, bên cạnh các kết quả tích cực thì phải thẳng thắn nhìn nhận là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn khiêm tốn. Theo số liệu của Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì toàn quốc hiện mới có 68 doanh nghiệp trên hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.  

Nhờ khoa học công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước. 

Con số đó cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao còn nhiều “rào cản” do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thiếu công cụ phòng ngừa, thiếu cơ chế thử nghiệm, đầu tư mạo hiểm, còn khoảng trống trong hệ thống pháp luật về thúc đẩy phát triển công nghệ cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu kiến thức ứng dụng công nghệ cao, nhận thức, tư duy sản xuất ở một số nơi còn lạc hậu, tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất và lĩnh vực ngành hàng (lâm nghiệp, khai thác thủy sản) còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoa nông nghiệp, nông thôn, quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán. 

Ngoài ra, tôi cho rằng hiện chúng ta còn thiếu những doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt để nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, hỗ trợ người dân tốt hơn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

PV: Nhiều ý kiến cho rằng không phải người nông dân hay doanh nghiệp nào cũng có điều kiện đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, việc tiếp cận tín dụng vẫn chưa thực sự dễ dàng đối với họ. Xin ông cho biết quan điểm về ý kiến này?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi cho rằng, giá trị mang lại từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao còn nhiều “rào cản” do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và nhiều rào cản khác. Do vậy, không phải người nông dân hay doanh nghiệp nào cũng có điều kiện đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ cao là một điều tất yếu, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nông nghiệp nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, để hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi. Điển hình nhất là chính sách hỗ trợ 2% lãi suất với 40.000 tỷ trong 2 năm  (năm 2022 và 2023) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm tiết giảm chi phí, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo lực phục hồi phát triển kinh tế.

Tôi được biết, ngân hàng Agribank đã rất tích cực trong việc triển khai chương trình cho vay liên kết, cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Agribank dành quy mô tối thiểu 50.000 tỉ đồng (khoảng 2,2 tỉ USD) đầu tư cho vay đối với lĩnh vực này. Do vậy, tôi cho rằng, các doanh nghiệp, người nông dân nếu có nhu cầu vay vốn đầu tư để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì sẽ không khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng.

Theo tôi, vấn đề quan trọng là phải có thị trường đầu ra cho nông sản ổn định. Khi đó, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao mới có niềm tin, mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, nhất là các công nghệ cao vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

PV: Như ông đã trao đổi, tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn tới cần dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy với vị trí là Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, theo ông để đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp trong thời gian tới cần chú trọng giải pháp nào?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Khoa học công nghệ tiếp tục là then chốt trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Theo ước tính, khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Chính nhờ khoa học công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước. Chính vì vậy, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững là rất quan trọng. 

Để đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp nói riêng, theo tôi cần tập trung vào một số giải pháp chính.

Trước hết, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy phát triển công nghệ cao, trong đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Công nghệ cao trong giai đoạn 2022 - 2025; đồng thời sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khu công nghệ cao theo hướng quy định liên quan đến mở rộng khu công nghệ cao; quy định về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy định tạo hành lang pháp lý và nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao...

 

Cần ưu tiên dành vốn ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ, bảo đảm nguồn NSNN dành cho KHCN hằng năm từ 2% theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật Khoa học và Công nghệ. 

Các địa phương có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần bảo đảm các khu nông nghiệp phát triển theo đúng chức năng, nhiệm vụ, tuyệt đối tránh việc bị méo mó mô hình hoạt động. 

Theo tôi, cũng cần phối hợp triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng công công nghệ cao.

Đặc biệt, áp dụng công nghệ kết nối vào sản xuất nông nghiệp ngay từ khâu “đồng ruộng” đến “bàn ăn” sẽ tạo nên sản phẩm nông sản sạch, chất lượng và minh bạch, qua đó sẽ gia tăng giá trị hàng hóa nông sản.

Tôi cho rằng, chỉ khi chúng ta hoàn thiện chính sách pháp luật về công nghệ cao, đặc biệt là có giải pháp cụ thể, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện thì nông nghiệp ứng dụng cao sẽ đạt hiệu quả như kỳ vọng./.

Bài 1: Không thể thiếu vai trò khoa học công nghệ trong xây dựng nền nông nghiệp bền vững

Bài 2: Ứng dụng công nghệ cao – Chìa khóa vàng để nông nghiệp Việt bứt phá

Bài 3: Ứng dụng chuyển giao khoa học giúp cà phê Sơn La vươn ra thế giới

Bài 5: "Phủ" tri thức khoa học trên những cánh đồng nông nghiệp

Nhóm PV Thời sự
26/12/2023 15:40
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN