Bài 4: Thu hồi tài sản tham nhũng có thể không cần qua thủ tục kết tội
(ĐCSVN) – Biện pháp thu hồi không thông qua thủ tục kết tội giúp khắc phục được một trong những khó khăn lớn nhất của công tác tịch thu tài sản là việc phải chứng minh tội phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản được cho là do phạm tội mà có, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái đã có chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trong thời gian tới.
Phóng viên (PV): Ngày 11/01/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật, trong đó có Luật Thi hành án dân sự. Luật này đã tháo gỡ kịp thời “điểm nghẽn” gây ách tắc, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế như thế nào, thưa ông?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Trước hết, phải nói rằng đây là một quyết định quan trọng của Quốc hội đối với công tác THADS. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật THADS nhằm khắc phục chậm trễ, khó khăn, tháo gỡ ngay vướng mắc trong thi hành phần tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng. Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư “rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt”; thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án “nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước”.
Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái |
Việc Quốc hội khoá XV thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật, trong đó có Luật Thi hành án dân sự đã bổ sung quy định về ủy thác xử lý tài sản tạo điều kiện xử lý nhanh chóng các tài sản kê biên. Với cơ chế này (cùng với những điều kiện do Luật định), cơ quan THADS vẫn xử lý tài sản trên địa bàn mình, đồng thời có thể ủy thác cho cơ quan THADS nơi có tài sản thực hiện việc xử lý tài sản. Điều này góp phần rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Khó khăn lớn nhất là phải chứng minh nguồn gốc bất hợp pháp tài sản do phạm tội có
PV: Thực tế cho thấy, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam đang được thực hiện qua kênh truy tố, xét xử, có bản án sau đó mới kê biên, tịch thu tài sản. Một số chuyên gia cho rằng sẽ khiến tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản, hiệu quả thu hồi thấp. Quan điểm của ông như thế nào về việc đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta hiện nay chủ yếu được thực hiện dựa trên các bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Ưu điểm của cơ chế này là công khai, minh bạch, được phán quyết bằng một Tòa án có thẩm quyền, theo một trình tự thủ tục chặt chẽ. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay, không phải sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan có thẩm quyền mới áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của người phạm tội tham nhũng mà được thực hiện ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án tham nhũng.
Đến giai đoạn thi hành án, cơ quan THADS có thẩm quyền xác minh tài sản của người phải thi hành án để thu hồi tài sản cho Nhà nước, cá nhân, tổ chức. Do đó, cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng thông qua thủ tục kết án hình sự, được coi là cơ chế chủ yếu để thu hồi tài sản tham nhũng.
Về cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội, đây là một cơ chế tịch thu tài sản mới, được một số quốc gia áp dụng và bước đầu cũng mang lại hiệu quả. Cơ chế này có ưu điểm là có thể tiến hành tịch thu tài sản của người phạm tội ngay cả khi họ không bị kết án, khắc phục được khó khăn lớn nhất của công tác tịch thu tài sản là phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp do phạm tội mà có. Do vậy, cần phải nghiên cứu, đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì "Nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội” nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tịch thu tài sản, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, rửa tiền.
PV: Để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, một số ý kiến đề xuất nên giảm xử lý hình sự, mở rộng hình phạt tiền?. Theo ông điều này có ảnh hưởng thế nào đến tính răn đe của pháp luật, và mâu thuẫn với quan điểm, chủ trương của Đảng về xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm”,“không có ngoại lệ” với các trường hợp tham nhũng, tiêu cực hay không?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Thu hồi tài sản tham nhũng là một quá trình trải qua nhiều khâu từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và THADS, mỗi khâu là một “mắt xích”, trong đó, THADS là mắt xích quan trọng để thu hồi tài sản. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cũng đặt ra nhiều chủ trương, giải pháp cũng là để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng. Còn việc, một số ý kiến đề xuất nên giảm xử lý hình sự thay bằng phạt tiền cũng chưa thật rõ. Bởi vì hiện nay, vấn đề áp dụng hình phạt trong quy định của Bộ luật hình sự đã có quy định áp dụng hình phạt tiền chung được quy định tại điều 35 của bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổi sung năm 2017). Trong đó, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp: Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định; Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Hội thảo về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội (Nguồn: Viện KAS) |
Tôi cho rằng nếu thay hẳn để giảm xử lý hình sự thay bằng phạt tiền lại là vấn đề khác, cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, khi đó buộc phải tính toán, đánh giá tác động bởi nhiều yếu tố (từ yếu tố khách quan, chủ quan, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, v.v) và đương nhiên sẽ phải tính cả đến việc xử lý như vậy có mâu thuẫn với quan điểm, chủ trương của Đảng về xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” với các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Đây là một vấn đề lớn!.
Nhận diện và xử lý kịp thời các hành vi có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động THADS
PV: Có thể thấy, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS ngày càng được quan tâm, tăng cường, tuy nhiên vẫn còn tình trạng chấp hành viên vi phạm, thậm chí bị xử lý hình sự. Vấn đề này cần được nhìn nhận thế nào, thưa ông?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Đúng là vẫn còn tình trạng chấp hành viên cơ quan THADS có hành vi vi phạm trái pháp luật, thậm chí bị xử lý trách nhiệm hình sự. Vẫn biết ở ngành nào, lĩnh vực nào cũng có, nhưng đây vẫn là điều trăn trở đối với Bộ, Ngành tư pháp và cá nhân tôi.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện rất nhiều giải pháp kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác THADS. Nhiều giải pháp đã thực sự phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống nên về cơ bản các ngõ ngách, khoảng trống dẫn đến vi phạm trong THADS ngày càng được kiểm soát, lấp kín. Trong đó, có thể lấy ngay ví dụ đó là nhằm tạo chuyển biến cơ bản công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong THADS, ngày 11/02/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTP về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, công chức thuộc Hệ thống THADS trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; ngăn chặn, loại bỏ điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan THADS trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Sau Chỉ thị này, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đề ra rất nhiều quy định về phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm với nhiều giải pháp đồng bộ như: Kiểm soát quyền lực thông qua hoạt động của tổ chức Đảng, qua giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, qua giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội quần chúng, hội nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, qua quản lý của Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS, qua giám sát chéo giữa các cơ quan tư pháp… Tuy nhiên, so với yêu cầu thì cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng tiêu cực trong THADS và công tác tổ chức thực hiện những cơ chế này còn “vơi”…
PV: Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác THADS sẽ được thực hiện thế nào, thưa Tổng Cục trưởng?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Hiện nay, Bộ Chính trị đang chỉ đạo xây dựng một Đề án kiểm soát quyền lực tổng thể đối với các hoạt động tư pháp từ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tổng cục và Hệ thống THADS đang tích cực tham mưu cho Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp trong việc tổng kết, đánh giá cơ chế kiểm soát quyền lực hiện tại để đề xuất, kiến nghị những giải pháp hoàn thiện hơn nữa cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự. Có thể kể đến 3 giải pháp chính:
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế của Đảng nhằm kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, trong đó quy định cụ thể, nhận diện và xử lý kịp thời đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm, tiêu cực của Đảng viên và tổ chức Đảng trong hoạt động THADS. Phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp, tổ chức trong hoạt động THADS cũng phải bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, thuộc về nhân dân và đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, trong thời gian tới, cần đề xuất ban hành quy định cụ thể của Đảng về kiểm soát quyền lực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong đó xác định sự thống nhất đầu mối trong hoạt động phòng chống tham nhũng về điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án từ Trung ương đến địa phương thông qua Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, xác định các nội dung cụ thể về kiểm soát quyền lực đối với lĩnh vực THADS bao gồm kiểm soát đối với đảng viên, tổ chức Đảng trong thực hiện công vụ có dấu hiệu vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ của chấp hành viên, lãnh đạo cơ quan THADS; công tác quản lý kinh phí, tài chính; thu chi tiền, tài sản thi hành án; công tác kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước…
Một giải pháp quan trọng khác là cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế và pháp luật có liên quan về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự. Cơ chế này luôn cần sự thay đổi để phù hợp với điều kiện, tình hình mới, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của công tác tư pháp, yêu cầu hoạt động THADS và sự thay đổi về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy chính trị.
Đi cùng với đó là nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của Đảng, nâng cao nhận thức, vai trò của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, và của nhân dân để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác THADS theo hướng thực chất, hiệu quả hơn và thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp liên ngành. Đồng thời, cần đổi mới chế độ, chính sách đối với đội ngũ chấp hành viên nhằm bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt; tăng cường các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho cán bộ, chấp hành viên trong các cơ quan THADS.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng
PV: Để thực hiện hiệu quả Chỉ số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, Tổng cục đã đề ra các giải pháp trọng tâm, đột phá gì để giải quyết các vụ việc trọng điểm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, thưa Tổng Cục trưởng?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Chỉ số 04-CT/TW của Ban Bí thư là cơ sở chính trị có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức và tổ chức thi hành trên thực tế của các ngành, các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác thu hồi tài sản; hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, cơ bản khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương.
Tập trung thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm . |
Triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW, toàn Hệ thống THADS sẽ phải tập trung xây dựng Kế hoạch cụ thể căn cứ vào định hướng của Tổng cục THADS, quyết định giao chỉ tiêu đối với 09 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ chính, trong đó đặt trọng tâm ở chỉ tiêu thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Mỗi nhóm chỉ tiêu sẽ đi kèm các giải pháp để thực hiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm từ các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục đến các Chi cục THADS.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan THADS quán triệt nội dung Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp trong toàn Hệ thống THADS; gắn với việc học tập và làm theo phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rà soát, bổ sung, điều động nguồn lực là các Chấp hành viên, Thẩm tra viên có năng lực, trình độ đến những địa bàn trọng điểm để thi hành án. Đặc biệt, tổ chức, kiểm soát tốt việc thực hiện Kế hoạch, nhất là đối với những vấn đề phát sinh sẽ tiến hành các biện pháp, giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản trên địa bàn...
Cùng với đó, chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm sát, bảo đảm việc thi hành án hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra sai phạm. Nếu sai phạm, thiếu sót thì phải phát hiện sớm, khắc phục ngay từ đầu; không làm phát sinh các điểm nóng, các vụ việc phức tạp.
Mặt khác, cần tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các cơ quan hữu quan triển khai có hiệu quả Chỉ thị 04-CT/TW, đưa vào diện Ban Thường vụ lãnh đạo trong việc xác minh, truy tìm, kê biên, phong tỏa tài khoản có liên quan người phạm tội; kiểm sát việc xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp, đề nghị Toà án nhân dân Tối cao tiếp tục chỉ đạo các Tòa án nhân dân khẩn trương, giải thích, đính chính bản án hoặc có văn bản trả lời kiến nghị của cơ quan THADS, chuyển giao đầy đủ, kịp thời các bản án và tài liệu kèm theo để cơ quan THADS kịp thời thi hành án…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Bài 1: Nhận diện chế định thu hồi tài sản tham nhũng
Bài 2: Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng còn "trầy trật"?
Bài 3: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng ngay từ quá trình thanh tra, kiểm tra