Bài 4: Phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng các hệ giá trị Việt Nam thời kỳ mới
(ĐCSVN) - Con người là chủ thể sáng tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội… Nhưng gia đình lại là nơi khởi nguồn sinh ra con người; là môi trường đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn… của con người. Không những thế, gia đình còn là “tế bào của xã hội”, quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội. Chính vì vậy, muốn hiện thực hóa khát vọng của dân tộc, xây dựng những hệ giá trị của đất nước trong thời kỳ mới phải gắn liền với việc xây dựng, giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình.
Gia đình quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của mỗi một con người, mỗi quốc gia, dân tộc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người căn dặn “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt... Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đã là người trong gia đình thì phải luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, “chị ngã em nâng”, “Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”… Không những thế, theo Bác, mỗi người đều có 2 gia đình đó là gia đình nhỏ của riêng mình, là tổ ấm để sớm tối đi về, còn gia đình lớn chính là Tổ quốc, nơi ấy, mọi người phải cùng có trách nhiệm vun đắp, dựng xây, để gia đình lớn ấy luôn luôn được: Độc lập, tự do, hạnh phúc.
Nhận thức được vai trò to lớn của gia đình, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, phát triển gia đình ấm no, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, đảm bảo tiến bộ và văn minh. Trong văn kiện các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII hầu như đều nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với sự hình thành nhân cách của mỗi con người, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Mới đây nhất, chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" ban hành ngày 24/6/2021 cũng đã khẳng định "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".
Xây dựng, củng cố và lan tỏa các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới là việc làm quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...,trong đó phải gắn chặt việc xây dựng các hệ giá trị cũng như chuẩn mực con người với việc xây dựng tế bào của xã hội đó chính là gia đình. |
Tại Đại hội XIII, xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị gia đình cũng như mối quan hệ đặc biệt của nó đối với việc xây dựng các hệ giá trị, xây dựng phát triển đất nước và con người Việt Nam thời đại mới, Đảng đã khẳng định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới". Như vậy có nghĩa là muốn xây dựng con người Việt Nam hiện đại với những phẩm chất tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu của thời đại, muốn chấn hưng văn hóa, tạo sức mạnh mềm phát triển đất nước và đặc biệt muốn thực hiện khát vọng của dân tộc: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,văn minh, hạnh phúc. Chúng ta phải tập trung xây dựng “hạt nhân”, “tế bào” của xã hội chính là gia đình.
Thực tế cũng đã chứng minh, ngày nay khi đất nước đã có được độc lập, tự do, mỗi “tế bào”, mỗi “hạt nhân” của xã hội là gia đình có ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh mới có thể làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Chính vì vậy, để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường như trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, phải chăng chúng ta phải tập trung xây dựng hệ giá trị gia đình, coi đây là việc làm hệ trọng, cấp bách đối với các cấp, các ngành, cũng như toàn xã hội.
Nhận xét về mối liên quan cũng như vai trò của việc xây dựng hệ giá trị gia đình đối với việc xây dựng các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định: Hệ giá trị gia đình Việt Nam là sự tích hợp các giá trị của cộng đồng, thành viên trong một tổ ấm gia đình, nó có sự tác động, bồi đắp của văn hóa, nó có những giá trị của quốc gia và nó chính là những giá trị trực tiếp tạo môi trường để nuôi dưỡng những chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam. Ở mỗi kỳ Đại hội, những tiêu chí phát triển gia đình Việt Nam có thay đổi phù hợp với hoàn cảnh phát triển của đất nước. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng đã chỉ rõ những thành tố quan trọng trong hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới mà chúng ta phải vươn tới đó chính là: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương |
Trong chiến tranh, khi đất nước bị mất tự do, gia đình nhỏ dù có ấm no, hạnh phúc cũng chẳng thể nào trọn vẹn được bởi “Hạnh phúc không phải đựng trong một tà áo đẹp”; hạnh phúc, ấm no của một con người, một gia đình phải gắn liền với hạnh phúc, tự do, độc lập của dân tộc. Chính vì vậy, muốn xây dựng quốc gia luôn hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc không chỉ xây dựng, giữ gìn, phát huy hệ giá trị mỗi gia đình riêng lẻ mà còn phải biết đoàn kết các gia đình nhỏ, tạo sức mạnh, thống nhất, bền vững trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Qua truyền thuyết, ông cha ta ngày xưa đã răn dạy, nhân dân Việt Nam ta vốn đều được sinh ra từ mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, cùng chung một cội nguồn, huyết thống nên phải khắc ghi truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Tinh thần đoàn kết, đùm bọc yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng giúp nhau tiến bộ…, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chính là gia đình thiêng liêng nhất của mỗi người. Mỗi lúc Tổ quốc lâm nguy hay gặp khó khăn, tinh thần ấy lại được thắp sáng và thổi bùng thành sức mạnh vĩ đại giúp dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã chứng minh rất rõ điều này. Để thu giang sơn về một mối, biết bao năm ròng, các gia đình nhỏ trong đại gia đình lớn cùng các lực lượng khác trong cả dân tộc đã đoàn kết, nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất đất nước. Biết bao gia đình đã hy sinh, cống hiến của cải, vật chất, động viên con em mình lên đường nhập ngũ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hơn 1 triệu người con của các gia đình đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ để cho đất nước “nở hoa độc lập”; hàng vạn Mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hy sinh là những tượng đài nhắc nhớ về sự cống hiến lớn lao của các gia đình nhỏ để cho gia đình lớn được: Hòa bình, thống nhất, độc lập.
Ngày nay khi đất nước đã có được hòa bình, thống nhất, độc lập, chúng ta đang tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”, để thực hiện được mục tiêu, khát vọng của cả dân tộc, chúng ta phải thật sự quan tâm, chăm lo, bồi đắp, gìn giữ những giá trị tốt đẹp ở mỗi gia đình nhỏ, làm sao để các gia đình thực sự có được “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”.
Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” . |
“Nước là cái nhà to” và “nhà chính là nước nhỏ” (Phan Bội Châu). Gia đình có vai trò quyết định đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của mỗi một con người, mỗi một xã hội, mỗi một quốc gia, dân tộc. Không có gia đình để tái tạo ra con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Con người là chủ thể sáng tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Nhưng gia đình lại là nơi khởi nguồn sinh ra con người, nuôi dưỡng, dạy dỗ… để con người trưởng thành. Vì thế, muốn có những con người tốt, muốn có một xã hội lành mạnh thì phải quan tâm xây dựng những gia đình tốt. Mỗi gia đình tốt là cả xã hội tốt, quốc gia tốt. Mỗi gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh thì xã hội, đất nước mới giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi gia đình tiến bộ, văn minh sẽ là môi trường tốt để giáo dục, đào tạo nên những đứa con có lối sống chuẩn mực, không vướng vào những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, luôn sống và làm việc theo pháp luật,… có nghĩa là công bằng, dân chủ trong xã hội sẽ được thực hiện.
“Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước” (Văn kiện Đảng toàn tập).
Trải qua quá trình lịch sử, gia đình Việt Nam đã hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, đó cũng chính là những cơ sở, nền tảng đầu tiên hình thành nên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những chuẩn mực của con người Việt Nam qua các thời kỳ. Gia đình là nơi khởi nguồn sinh ra mỗi con người. Ngay từ thủơ lọt lòng, mỗi người sinh ra đã được “tắm” mình trong ca dao, tục ngữ, trong những lời ru… của ông bà, cha mẹ. Không những thế trong suốt quá trình trưởng thành, mỗi con người còn được dạy dỗ, bồi đắp bởi những vốn sống, kinh nghiệm…của cha, mẹ, ông, bà… đó cũng chính là “nếp nhà”, là “gia phong” là văn hóa Việt Nam.
“Cha truyền con nối”, “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”, “giỏ nhà ai quai nhà ấy”..., gia đình chính là nền tảng, là bệ đỡ, là cơ sở để con người có thể vững vàng bước ra cuộc sống. Trong gia đình, bố, mẹ, sống chuẩn mực, giỏi giang, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo… phần lớn sẽ nuôi dạy được những đứa con kế thừa truyền thống gia đình và có những đức tính chuẩn mực tốt đẹp ấy. Ngược lại sẽ nuôi dạy, đào tạo nên những đứa con là những công dân ích kỷ, có lối sống lệch lạc, là nỗi lo, là gánh nặng của xã hội. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngay từ Đại hội VII Đảng ta đã khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người….”.
Tham luận tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, nhiều chuyên gia cũng đã khẳng định: Trong gia đình, các thành viên có nhân cách ứng xử lệch lạc khiến giá trị, lối sống, chuẩn mực ứng xử của gia đình bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng của đời sống gia đình. Sự khủng hoảng này có mối tương quan, liên hệ chặt chẽ với các vấn đề chung của xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội, hành vi lệch chuẩn, sự xuống cấp về đạo đức, chuẩn mực ứng xử, lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
TS.Trần Thị Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL cho rằng, khát vọng phát triển đất nước hùng cường và giàu bản sắc văn hóa đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. |
Đặc biệt, trong bài tham luận của TS. Trần Thị Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ gia đình, Bộ VH-TT&DL cũng cho biết: “Khát vọng phát triển đất nước hùng cường và giàu bản sắc văn hóa đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp giáo dục nhân cách con người nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nói riêng”.
Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò và vị trí của gia đình là nhân tố quan trọng trong toàn bộ chính sách xây dựng, phát triển đất nước. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị gia đình đang có nguy cơ bị mai một. Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin các vụ việc liên quan đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt là sự ứng xử lệch chuẩn của con cái đối với ông, bà, cha, mẹ. Mới đây nhất, câu chuyện đau lòng về 3 cô con gái tưới xăng đốt mẹ chỉ vì tranh giành đất ở; hay những chuyện không mấy hay ho vẫn xảy ra trong gia đình như: anh chị em đánh cãi nhau, vợ chồng bất hòa, thiếu thủy chung dẫn đến gia đình tan vỡ…là những lực cản vô cùng nguy hại trong việc xây dựng và lan tỏa các hệ giá trị và chuẩn mực tốt đẹp của con người Việt Nam.
Trong xã hội hiện đại, dưới sự tác động của những mặt trái cơ chế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình cũng đang bị mai một. Bàn về vấn đề này, TS. Trần Thị Ánh Tuyết - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL cho biết: Hiện nay, ở không ít gia đình, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái bị suy giảm, thậm chí có những gia đình còn “khoán” việc giáo dục nhân cách, lối sống của con mình cho nhà trường và xã hội. Bản thân các thành viên trong gia đình cũng không hình thành được lối sống gương mẫu cho thế hệ trẻ, không duy trì được nền tảng, giá trị đạo đức trong các hành vi ứng xử trong gia đình, điều đó khiến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với những lối sống, hành vi ứng xử bên ngoài xã hội (đặc biệt là trên môi trường mạng Internet), mà ở đó tồn tại không ít những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, sự thực dụng, trọng tiền tài, danh vọng, ích kỷ và tệ nạn xã hội..., đây chính là những rào cản trong xã hội hiện đại khiến cho việc xây dựng chuẩn mực đạo đức của mỗi con người cũng như mỗi gia đình Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” |
Trong bối cảnh chuyển đổi của Việt Nam hiện nay, sự xung đột giữa giá trị cũ - mới, truyền thống - hiện đại cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc hình thành hệ giá trị gia đình với những tiêu chí ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh hiện nay gặp không ít khó khăn. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, một bộ phận gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn với việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh sản, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý - tình cảm. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, ở nhiều nơi, giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng chức năng gia đình, từ đó, dẫn đến đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống…
Trong quá trình hình thành và phát triển, chúng ta cũng đã chứng minh: Gia đình là nơi lưu giữ, trao truyền, lan tỏa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Gia đình cũng chính là “pháo đài” chống lại các tệ nạn xã hội… Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, gia đình Việt Nam luôn phát triển song hành, lớn mạnh, giàu đẹp cùng sự phát triển của đất nước với những giá trị đạo đức tạo nên bản sắc văn hóa riêng vốn có của gia đình, văn hóa Việt Nam. Trong quá trình phát triển, mặc dù cấu trúc gia đình đã có sự thay đổi nhưng những giá trị cốt lõi, cao quý của mỗi gia đình Việt Nam vẫn luôn được giữ vững, trở thành giá trị thiêng liêng, là “thành trì” kiên cố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ mới, đặc biệt qua đại dịch vừa rồi, tinh thần ấy lại càng được thể hiện rõ nét. Với tinh thần: “Mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch”, “mỗi người dân là một chiến sỹ chống dịch”, cả nước chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19 đã trở thành sức mạnh to lớn giúp Việt Nam vượt qua đại dịch, là niềm tự hào, hình mẫu của nhiều quốc gia trên thế giới.
Khẳng định vai trò to lớn của gia đình trong việc xây dựng các hệ giá trị, TS. Trần Thị Ánh Tuyết nhận định: “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường, giàu bản sắc, với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng để nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, song vẫn giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới”.
Làm gì để xây dựng gia đình “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”?
Gia đình quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của mỗi con người, mỗi xã hội, mỗi quốc gia, dân tộc. Gia đình cũng là pháo đài chống lại các tệ nạn xã hội, nuôi dạy con người trưởng thành. Xây dựng gia đình là vấn đề hệ trọng của dân tộc, cần phải có sự chung tay, góp sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta… Để xây dựng gia đình với những giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, là thành trì vững chắc, thực sự là tổ ấm, là nơi mọi người cảm thấy thật sự thoải mái, hạnh phúc mỗi khi trở về, mỗi người phải có ý thức xây dựng, vun đắp cho gia đình của chính mình những giá trị tốt đẹp nhất cả về vật chất và tinh thần. Muốn vậy, trước tiên mỗi thành viên trong gia đình phải là những con người chuẩn mực, sống có trách nhiệm, luôn chung thủy, yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên sự kết nối bền chặt giữa các thành viên trong gia đình.
Bàn tròn trực tuyến trao đổi về xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới. |
Hiện nay, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhất là thời kỳ công nghệ số, cuộc sống bận rộn, việc dành nhiều thời gian để cùng nhau trò chuyện là điều khá khó khăn với nhiều gia đình. Sống trong cùng gia đình nhiều khi vợ chồng, con cái, ông bà gần mặt nhưng lại cách lòng, liên hệ với nhau chủ yếu qua những tin nhắn, hay qua các dụng cụ thông minh, ít giao tiếp trực tiếp với nhau, khiến cho sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại, cha, mẹ thường dành thời gian quá nhiều cho công việc cá nhân mà không chú ý quan tâm, chăm sóc con cái, bố, mẹ... trong gia đình. Điều đó khiến họ dễ bị tủi thân, cô đơn, lạc lõng ngay trong chính căn nhà của mình. Hãy thắp lên ngọn lửa thật sự ấm áp trong tổ ấm của mình qua những bữa cơm gia đình hay những hoạt động cùng nhau…, những điều tưởng như giản dị, bình thường nhưng lại không hề tầm thường trong việc vun đắp hạnh phúc của mỗi gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, trong thời kỳ mới hiện nay, điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể; gia đình đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của mình; nhiều giá trị quý báu của gia đình Việt Nam không ngừng được duy trì và phát huy; giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân được coi trọng, tạo dựng nền tảng vững chắc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, các chức năng của gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi, tác động đến các giá trị của gia đình. Để phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình trở thành nền tảng quan trọng để xây dựng chuẩn mực con người và các hệ giá trị Việt Nam phải đẩy mạnh công tác giáo dục gia đình, vun đắp các giá trị gia đình thông qua triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm về phát triển gia đình… Qua đó cũng để nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, thi đua xây dựng các gia đình văn hóa tiêu biểu mẫu mực.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tham luận tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” |
Để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, các thành viên trong gia đình phải luôn gắn bó, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đối diện khó khăn cùng nhau. Trong cuộc sống của mỗi người bao giờ cũng có niềm vui, nỗi buồn đan xen, sự quan tâm, lời động viên đúng lúc, đúng chỗ của những người thân sẽ là điểm tựa, là động lực tinh thần quan trọng để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, lối sống thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm đối với chính những người thân, gia đình của mình cũng đang là vấn đề cần cảnh tỉnh trong xã hội hiện đại. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình phải luôn là chỗ dựa vững chắc, là động lực để mỗi thành viên vươn lên trong cuộc sống.
Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn. Bên cạnh đó, việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại cũng làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc, không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ.
Việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại bên cạnh tập trung xây dựng những giá trị tinh thần là tổ ấm của mỗi người, cần tập trung xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, mạnh về kinh tế. Thật vậy, nếu mỗi gia đình vững mạnh về kinh tế sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, giúp các thành viên trong gia đình có đủ điều kiện để học tập, phát triển toàn diện, thực hiện những ước mơ, dự định của mình.
Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng. |
Bên cạnh đó để gia đình thực sự phát triển bền vững, là động lực để phát triển xã hội, cần phải duy trì sự tôn trọng và bình đẳng trong mỗi gia đình, đó cũng chính là thể hiện sự văn minh, sự tiến bộ trong mỗi gia đình. Trong xã hội hiện đại, trình độ dân trí, cũng như hiểu biết của mỗi người đã ngày càng được nâng lên, tuy nhiên, do tàn dư của xã hội cũ, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, điều này rất dễ dẫn đến sự thiếu tôn trọng của người chồng đối với người vợ; hay trong mối quan hệ của cha mẹ với con cái, nhiều bậc cha mẹ luôn áp đặt theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, dẫn đến việc con cái lúc nào cũng cảm thấy bất mãn và tìm cách chống đối, tách biệt khỏi cha mẹ.
GS.TS Nguyễn Hữu Minh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết: Hiện nay ở nhiều gia đình, người vợ vẫn đảm nhiệm chủ yếu công việc nội trợ, bên cạnh công việc bên ngoài; đồng thời gánh nặng các công việc gia đình của người vợ chưa được người chồng đánh giá đúng mức. Việc cùng lúc gánh vác cả công việc bên ngoài và công việc gia đình khiến cho nhiều phụ nữ bị giảm sút sức khỏe, không có thời gian dành cho việc nghỉ ngơi, giải trí, từ đó hạn chế sự phát triển của phụ nữ cũng như làm giảm chất lượng mối quan hệ vợ chồng. Một vấn đề quan trọng thể hiện sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình là quyền tự quyết. Cho đến nay, người chồng vẫn thường là người giữ vai trò quyết định đối với một số công việc quan trọng trong gia đình. Với những việc lớn trong gia đình, vai trò quyết định của người đàn ông, người chủ gia đình vẫn là một thứ chuẩn mực ít được thay đổi. Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ phản ánh sự bất bình đẳng, đồng thời không thể hiện được tình yêu thương giữa hai vợ chồng. Hiện nay, bạo lực của người chồng vẫn còn rất nghiêm trọng ở Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình cho rằng để xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới cần phải duy trì sự tôn trọng và bình đẳng trong mỗi gia đình. |
Số liệu điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2019 cũng cho thấy, 27,8% phụ nữ tham gia khảo sát đã trải qua ít nhất một hành vi bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần và kiểm soát hành vi. Đáng chú ý là mức độ phổ biến của các hình thức không hề giảm đi so với những năm trước. Từ thực tế này cho thấy vấn đề bất bình đẳng, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn là những rào cản không nhỏ trong việc thực hiện văn minh, tiến bộ trong mỗi gia đình.
Để hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng, ước nguyện của Bác Hồ và khát vọng của mỗi người dân, mỗi gia đình được “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp, vấn đề mấu chốt vẫn là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi thành viên trong gia đình về vai trò, vị trí của gia đình, của việc xây dựng hệ giá trị gia đình đối với sự phát triển của mỗi con người cũng như của đất nước, từ đó biến thành những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng, gìn giữ “tổ ấm” của chính mình.
Bài 1: Khát vọng và đích đến của toàn dân tộc
Bài 2: Để những hệ giá trị thật sự là mạch nguồn và động lực thúc đẩy, phát triển đất nước
Bài 3: Phát huy vai trò của văn nghệ sĩ trong xây dựng và củng cố hệ giá trị Việt Nam thời kỳ mới