Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 1: Người có uy tín là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác”

Bài 2: Những cánh chim đầu đàn

Bài 3: Bất cập trong quan niệm lựa chọn người có uy tín

Bài 4: Những vấn đề đặt ra trong việc phát huy vai trò của người có uy tín

(ĐCSVN) - Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” yêu cầu: “Đề cao và phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, NCUT trong đồng bào”. Chủ trương đã có nhưng xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của NCUT vùng đồng bào dân tộc thiểu số không đơn giản, do vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về thể chế và bất cập trong chính sách, chế độ đãi ngộ.


Người có uy tín (NCUT) trong dân tộc thiểu số thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau. Vì thế, mỗi người sẽ có mức độ ảnh hưởng, chi phối quần chúng trong phạm vi rộng, hẹp khác nhau, ở từng lĩnh vực khác nhau, có thế mạnh và hạn chế riêng. Sẽ có người có phạm vi ảnh hưởng chỉ trong một thôn, có người trong phạm vi vùng, nhưng cá biệt có người tiếng nói của họ có trọng lượng với cả một dân tộc…

Thứ còn thiếu hiện nay là các cơ quan chức năng chưa xây dựng được tiêu chí xác định, đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của NCUT nên chưa có sự phân định cụ thể về cấp độ mật, công khai đối với NCUT. NCUT hiện nay, dù có phạm vi ảnh hưởng chỉ trong dòng họ hay vùng, quốc gia, dân tộc thì cũng đều phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận là chưa phù hợp.

Tại Hội thảo chuyên đề “Phát huy vai trò của NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức (tháng 5 năm 2020), bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác nhận: Ở một số địa phương, việc phân cấp quản lý, phân công vận động NCUT còn lúng túng, có tình trạng chồng chéo giữa cơ quan Mặt trận, Dân vận, Dân tộc, Công an, Quân đội dẫn đến trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng NCUT cần vận động, tranh thủ. Do chưa đánh giá được mức độ, phạm vi ảnh hưởng của NCUT; thiếu cơ chế, chính sách nên chưa phát huy hết hiệu quả phạm vi ảnh hưởng của NCUT cũng như thu hút, vận động NCUT tham gia xây dựng hệ thống chính trị.

Thôn, bản không phải là cấp chính quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước 4 cấp ở nước ta, song đây là nơi tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì thế, lượng văn bản hướng dẫn thi hành của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đều dồn xuống đây. Theo anh Lộc Văn Hai, Trưởng ban công tác Mặt trận, đồng thời là NCUT thôn Long Giang, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn phản ánh, một năm, anh tiếp nhận khoảng 20 văn bản của Mặt trận Tổ quốc, không kể các văn bản chuyển xuống cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản mà anh cần tiếp cận để nắm, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền vận động và giám sát tổ chức thực hiện.

Khối lượng văn bản quá lớn, bản thân anh không thể nhớ hết, cộng với trình độ văn hóa thấp (9/12) nên dù là đảng viên thì với anh, việc tiếp thu chủ trương, đường lối của cấp trên vẫn rất khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù một năm được tham gia 3 - 4 lần tập huấn, nhưng theo anh nhận xét nội dung quá chung chung, hiệu quả không cao.

Ở những nơi mà mối quan hệ giữa bí thư chi bộ, trưởng thôn bản với NCUT có sự đồng thuận thì việc được tiếp cận các văn bản gửi trực tiếp cho bí thư, trưởng thôn còn thuận lợi; ngược lại thì rất khó khăn.

Do vậy, việc đến thời điểm này vẫn còn thiếu một quy chế phối hợp giữa NCUT với cấp ủy, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể dẫn đến việc thực hiện vừa thiếu thống nhất trên phạm vi toàn quốc, vừa khiến NCUT gặp khó trong quá trình hoạt động.  

Người có uy tín hiện nay gồm hai nhóm:

Nhóm 1 là những người tham gia các thiết chế quản lý ở thôn bản kiêm nhiệm làm NCUT.

Nhóm 2 là những người không tham gia thiết chế quản lý ở thôn bản, đơn thuần chỉ là có ảnh hưởng với cộng đồng, được suy tôn làm NCUT.

Với nhóm 1: Trong trường hợp là bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc chi hội trưởng các chi hội đoàn thể, họ có phụ cấp trách nhiệm tùy theo quy định của địa phương. Mức phụ cấp này, như bà Lê Thị Tâm, NCUT, đồng thời là Trưởng làng Giàn, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An chia sẻ, phần nào chỉ mang tính động viên. Bởi vì sau chủ trương sáp nhập thôn bản của Trung ương, rất nhiều thôn, bản mới được hình thành từ 3 - 4 thôn bản khác. Địa hình miền núi rộng lớn, từ đầu thôn đến cuối thôn có khi dài 6 - 7 km, dân cư sống thưa thớt nên nếu đến nhà dân bằng xe máy cũng tốn kha khá tiền xăng. Với những người trên 70 tuổi, xe máy không biết đi, đường thôn ngõ xóm chưa được bê tông hóa sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.

Trong điều kiện như thế, phương thức liên lạc bằng điện thoại được nhiều NCUT lựa chọn. Nhưng như anh Lộc Văn Hai tâm sự, mỗi tháng cũng “ngốn” hàng trăm nghìn đồng tiền điện thoại trong số tiền phụ cấp ít ỏi được hưởng chỉ bằng 0,8 lần mức lương tối thiểu. 

Với những NCUT thuộc nhóm 2, vì không tham gia các thiết chế quản lý ở thôn, bản nên không có phụ cấp. Toàn bộ chi phí xăng xe, điện thoại… họ phải tự bỏ ra. Nếu họ có lương hưu thì đỡ khó khăn. Không có lương hưu hoặc điều kiện gia đình chưa thực sự khá giả, quả thật chẳng khác nào “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ảnh hưởng đến sự nhiệt tình, hiệu quả hoạt động của họ.

Theo quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: “NCUT được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng. Tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương, NCUT được thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc do địa phương xác định, thực hiện”.

Tuy nhiên, việc thiếu quy định một năm tối thiểu các địa phương phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền vận động cho NCUT mấy lần; cộng với một thực tế là đại đa số các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều nghèo, phụ thuộc vào trợ cấp từ ngân sách Trung ương nên không có nhiều điều kiện để quan tâm bố trí thỏa đáng ngân sách chăm lo cho công tác bồi dưỡng, tập huấn đối với NCUT.

Theo thống kê, trong 10 năm (2011- 2021), 52 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số tổ chức được 4.453 hội nghị (trung bình 8,5 hội nghị/tỉnh/năm); 1.882 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho NCUT (trung bình 3,6 lớp/tỉnh/năm) thì thật là những con số rất khiêm tốn, nhất là với những tỉnh có tỷ lệ huyện, thị, thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi lên tới 100% (11/11) như Hà Giang.

Khoản c, Điều 5, Quyết định 12/QĐ-TTg quy định: “Người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng”. Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương mới chỉ làm được phần việc thứ nhất là bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc cho NCUT. Còn phần việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng thì nội dung, cách làm chưa có sự thống nhất trên toàn quốc.

Ông Trương Hoàng Trọng - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang day dứt: “Hiện nay vẫn chưa thống nhất được cơ quan nào chịu trách nhiệm xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho NCUT. Ví dụ như Ủy ban Dân tộc hay Bộ Công an hay Mặt trận Tổ quốc… Cơ quan nào xây dựng đề cương tập huấn các kỹ năng cho NCUT?”…   

Ai cũng biết, hòa giải ở cơ sở là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta nhằm giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng. Thực hiện tốt hòa giải ngay từ thôn bản sẽ giúp ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hay tuyên truyền, vận động là khâu quan trọng nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. NCUT vừa có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với đồng bào DTTS, đồng thời hiểu biết cặn kẽ phong tục, tập quán, lối sống, nếp nghĩ của họ. Vì vậy, họ rất có lợi thế trong hoạt động thông tin, tuyên truyền đối với cộng đồng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, kỹ năng hòa giải, kỹ năng tuyên truyền, vận động, nhất là tuyên truyền miệng - phương pháp phổ biến hiện nay của NCUT chưa thực sự được quan tâm tập huấn, bồi dưỡng. Trong khi tuyên truyền miệng cũng chính là phương thức mà các thế lực thù địch đang sử dụng; được đánh giá là phổ biến, nguy hiểm nhất do phù hợp với đặc điểm địa bàn và nhận thức, tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện có tình trạng các thế lực thù địch một mặt lợi dụng, lôi kéo, kích động để tà đạo xâm nhập, phát triển vào các dân tộc thiểu số, thông qua các ràng buộc giáo lý, thần quyền để nắm, khống chế quần chúng, chi phối các địa bàn chiến lược. Mặt khác, tìm cách nắm, lợi dụng tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số hòng tuyên truyền chia rẽ dân tộc, tập hợp lực lượng, tiến hành các hoạt động chống phá hoặc lợi dụng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc để lừa bịp, lôi kéo, kích động quần chúng gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Việc ít được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng hòa giải, tuyên truyền vận động sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của NCUT. Do đó, thời gian tới, rất cần phân công cơ quan chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng này cho NCUT để tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc, nhằm phát huy chiều sâu hiệu quả hoạt động của NCUT.

Theo Quyết định số 12/QĐ-TTg, NCUT được hưởng một số chính sách hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần như thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết truyền thống của các dân tộc thiểu số; thăm hỏi, hỗ trợ khi bị ốm đau hoặc gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn.

Giai đoạn 2011 - 2021, ngân sách Trung ương và địa phương đã bố trí khoảng hơn 500 tỷ đồng để thực hiện chế độ, chính sách đối với NCUT. Các đơn vị, địa phương đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 311.860 lượt NCUT nhân dịp Tết Nguyên đán, 46.670 lượt NCUT nhân dịp Tết của các dân tộc thiểu số; thăm hỏi, hỗ trợ cho 25.642 lượt NCUT ốm đau; thăm hỏi, trợ cấp cho 14.302 trường hợp gia đình NCUT gặp khó khăn; thăm viếng 3.958 trường hợp NCUT và thân nhân qua đời…; biểu dương khen thưởng cho 18.826 NCUT với các hình thức và mức độ khen thưởng khác nhau. Ủy ban Dân tộc đã tổ chức tiếp đón khoảng 300 đoàn đại biểu NCUT của các tỉnh, thành phố, với tổng số hơn 8.000 người thăm Thủ đô Hà Nội và làm việc với Ủy ban Dân tộc…

Tuy vậy, các chế độ, chính sách đối với NCUT chỉ mang tính động viên, hỗ trợ nên chưa thực sự tạo động lực đối với họ trong thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm được giao. Việc chưa quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động đối với NCUT nên nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc rà soát, đánh giá, thực hiện chế độ, chính sách và công tác vận động đối với NCUT.

Hầu hết các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, hằng năm nhận bổ sung cân đối kinh phí từ ngân sách trung ương. Tuy nhiên, thời gian qua, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh thực hiện một số nội dung như cấp báo chí, thăm hỏi người có uy tín nhân dịp lễ, tết, ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn, thăm viếng khi NCUT qua đời và thường được bổ sung chậm nên các địa phương gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, cùng đối tượng NCUT, nhưng NCUT sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Trong khi NCUT sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi khác chưa được hưởng chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tạo nên sự so bì giữa NCUT với nhau.

Do nguồn kinh phí địa phương khó khăn nên một số chính sách như thăm quan, trao đổi học tập kinh nghiệm cho NCUT ở một số địa phương tổ chức rất hạn chế, không thường xuyên, thậm chí có nội dung như thăm quan trao đổi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh, một số địa phương chưa thực hiện được đã ảnh hưởng tới quyền lợi của NCUT và hiệu quả của chính sách.

Theo GS. TSKH. Phan Xuân Sơn - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong tổ chức bộ máy Nhà nước, xã, phường là cấp cơ sở nhưng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mọi vấn đề đều được giải quyết ở thôn, bản. Không nắm được thôn, bản và NCUT trong thôn, bản là không nắm được dân. Những sự kiện xảy ra ở một số tỉnh Tây Nguyên và tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã cho thấy rõ điều đó. 

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm can thiệp, thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ các dân tộc thiểu số với người Kinh, chia rẽ các dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước và chế độ, phá vỡ sự ổn định chính trị - xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

NCUT là đối tượng mà các thế lực thù địch sẽ tập trung tác động, tìm cách móc nối, lôi kéo, nhất là ở những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để tạo dựng “ngọn cờ” lập “nhà nước tự trị”, kích động ly khai, tự trị dân tộc, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

GS.T SKH. Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nguồn: vov.vn)

PGS. TS. Trần Xuân Dung, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an cảnh báo, chất lượng cán bộ cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc còn thấp, trong khi các chức sắc, cốt cán tổ chức tôn giáo, nhất là đạo Tin lành ở cơ sở có trình độ, điều kiện kinh tế cao hơn, dễ tạo ra sự “lấn lướt” đối với cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở ở những nơi này.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và thông tin sẽ đem lại nhiều cơ hội cho vùng dân tộc thiểu số nói chung và NCUT nói riêng trong các hoạt động giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các vùng miền trong nước, khu vực và trên thế giới, nhất là các mối quan hệ đồng tộc mang tính quốc tế sẽ xích lại gần nhau hơn. Nhưng nếu ta không quản lý tốt thì đó sẽ là kẽ hở để các thế lực thù địch từ bên ngoài lợi dụng thâm nhập, chống phá.

Những năm qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn là địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững.

Tình trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số đang là thách thức lớn. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hiện chiếm trên 61% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân đầu người của dân tộc thiểu số chỉ bằng 0,3 lần so với bình quân chung cả nước.

Nhiều vấn đề văn hóa - xã hội đang diễn ra bức xúc như tỷ lệ tảo hôn chung của 53 dân tộc thiểu số là 26,6%, trong đó có 40 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, 13 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc thiểu số còn cao, bình quân 6,5%. Vẫn còn khoảng 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt; số người không biết nói tiếng dân tộc mình ngày càng tăng; bản sắc văn hóa một số dân tộc đang dần mai một…

Những vấn đề phải giải quyết ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặt ra yêu cầu cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của NCUT, bởi họ là đầu mối, là chỗ dựa quan trọng ở cơ sở của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Họ cũng là người được đồng bào dân tộc tín nhiệm, có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển cộng đồng dân cư trong vùng dân tộc.

Chính vì vậy, đánh giá đúng vị trí, vai trò của NCUT đồng thời có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế sẽ góp phần rất quan trong trong việc tạo điều kiện để NCUT phát huy cao hơn nữa khả năng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số./.

Bài cuối: Một số giải pháp phát huy vai trò người có uy tín

Phương Liên - Đỗ Huyền
03/05/2021 09:03
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN