Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
  

Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ gần đây nhất, với sự nỗ lực của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các bộ, ban, ngành liên quan và các nhà sưu tầm tư nhân, chúng ta đã hồi hương thành công Kim ấn Hoàng đế chi bảo của Vương triều Nguyễn (1802 – 1945) vào sáng ngày 18/11/2023.

Sự việc bắt đầu từ giữa tháng 10/2022, Nhà đấu giá MILLON ở Paris thông báo sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn là Kim ấn Hoàng đế chi bảo và chiếc bát bằng vàng chế tác dưới triều Khải Định (1916-1925).

Sau khi thông tin trên được lan truyền về Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử một đoàn công tác sang Pháp trực tiếp đàm phán với Nhà đấu giá MILLON, đề nghị rút Kim ấn Hoàng đế chi bảo khỏi phiên đấu giá. Sau đó, tiếp tục đàm phán với chủ sở hữu của chiếc ấn và các bên liên quan để mua lại chiếc ấn này. Sự việc tưởng chừng đơn giản nhưng phải mất hơn một năm đàm phán gian nan, cuối cùng Kim ấn Hoàng đế chi bảo mới được một tư nhân bỏ tiền ra mua và được các cơ quan chức năng của Pháp và Việt Nam hỗ trợ hoàn tất thủ tục pháp lý để hồi hương về Việt Nam, sau 70 năm "lưu lạc" ở hải ngoại.

Các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên là mỏ vàng để ngành du lịch khai thác, mang về cho đất nước ngoại tệ. 

Từ câu chuyện hồi hương Kim ấn Hoàng đế chi bảo của Vương triều Nguyễn (1802 – 1945) không chỉ cho chúng ta thấy được hành trình gian nan trong quá trình bảo tồn, chống chảy máu cổ vật mà qua đó cũng bộc lộ rất nhiều bất cập về vấn đề pháp lý, cơ chế, chính sách trong việc bảo tồn phát triển các DSVH hiện nay.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, Việt Nam trải qua thời gian dài chiến tranh chống ngoại xâm, vì vậy, thông tin hồi hương cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam chưa thực sự được cập nhật, ghi nhận.

Thực tế, một số cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam hiện đang được lưu giữ ở nhiều bảo tàng lớn hoặc trong sưu tập tư nhân ở một số nước. Trong những năm qua, từ năm 2005, khi Việt Nam tham gia Công ước 1970 của UNESCO về các biện pháp ngăn cấm và chống xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép tài sản văn hóa, một số học giả quốc tế, các chuyên gia bảo tàng, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, phối hợp cung cấp danh mục một số cổ vật có thể có nguồn gốc từ Việt Nam cho các cơ quan chức năng của ta. Trong định hướng kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia hồi hương cổ vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm gần đây có một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật có nguồn gốc Việt Nam và hiến tặng cho các bảo tàng, di tích, như xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022…

Tuy nhiên, việc hồi hương cổ vật có nguồn gốc Việt Nam lưu lạc tại nước ngoài hiện gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Từ quy định của luật pháp giữa Việt Nam và các quốc gia hiện đang lưu giữ cổ vật có nguồn gốc của Việt Nam, cam kết quốc tế, công ước quốc tế mà 2 bên cùng tham gia, đến kinh phí phục vụ việc thương thảo, đàm phán, đền bù,… để có thể chuyển giao, hồi hương cổ vật một cách hợp pháp và hạn chế rủi ro. Vấn đề vướng mắc chủ yếu vẫn là các tranh chấp pháp lý.

Vì mục tiêu tạo khung pháp lý cơ bản cho những cơ chế, chính sách ưu đãi, đãi ngộ nhằm khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội trong việc nhận diện cổ vật có nguồn gốc của Việt Nam hiện đang lưu lạc ở nước ngoài và đưa về nước, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi đang trình quốc hội thông qua) đã bổ sung những quy định như ngân sách nhà nước ưu tiên cho các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho, đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và Quỹ bảo tồn di sản văn hóa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, trong đó việc nhận diện cổ vật của Việt Nam và đưa về nước là một trong những ưu tiên. Đồng thời, quy định về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước với các nội dung cụ thể. Đây chính là những rào cản, những điểm nghẽn cơ bản chưa được quy định rõ ràng trong Luật Di sản văn hóa trước đây.

Trong hoạt động thực tế, còn có nhiều những rào cản pháp lý, cơ chế chính sách, ưu đãi cho việc khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia hồi hương cổ vật như chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu, VAT hay các quy định về giảm thuế cho các nguồn tài chính được tài trợ từ các doanh nghiệp,... Hy vọng trong thời gian tới, khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được ban hành, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng sẽ cụ thể hơn các quy định, đồng bộ với việc các pháp luật khác có liên quan sửa đổi, bổ sung về chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí, sẽ tạo hành lang pháp lý thuận tiện, dễ thực hiện hơn cho việc nhận diện cổ vật có nguồn gốc của Việt Nam hiện đang lưu lạc ở nước ngoài hồi hương về nước.

 Kim ấn Hoàng đế chi bảo của Vương triều Nguyễn (1802 – 1945) (Ảnh: Tư liệu)

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cũng cho biết thêm: Thực tế hiện nay cả nước vẫn còn nhiều di tích, di sản… vẫn chưa được quan tâm bảo tồn, tôn tạo đúng mức, chưa phát huy được hết giá trị… Một trong những nguyên nhân cơ bản cũng là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng phù hợp và hiệu quả. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

 

Với những nỗ lực không ngừng bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu, Tổng Giám đốc UNESCO và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đã đánh giá Việt Nam là “điển hình mẫu mực” của mô hình hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.

Đặc biệt, năm 2023 Việt Nam ghi nhận những dấu mốc lịch sử trong triển khai đối ngoại đa phương tại Tổ chức UNESCO. Nước ta được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO khóa 42, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa. Đặc biệt, Việt Nam đã trúng cử Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng một lúc đảm nhận trọng trách tại 5 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO, trong đó có 3 vị trí Phó Chủ tịch.

Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị số 25- CT/TW của Ban Bí thư và Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Những thành quả này còn minh chứng cho vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Có thể thấy, những dấu mốc lịch sử trong triển khai đối ngoại đa phương của Việt Nam tại UNESCO vừa qua không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại Việt Nam mà còn tiếp tục thể hiện “sức mạnh mềm”, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

 Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản đã được vinh danh không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn nâng tầm vị thế quốc gia.

Tính đến nay Việt Nam được UNESCO công nhận 8 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu. Về số lượng các di sản được Tổ chức UNESCO vinh danh thì nước ta thuộc tốp 10 trên thế giới.

Các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên là "mỏ vàng" để ngành du lịch khai thác, mang về cho đất nước ngoại tệ. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là cần khai thác mỏ vàng này như thế nào để có hiệu quả “kinh tế” tốt và gia tăng “quyền lực mềm”?

Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên năm 1994 nhờ cảnh quan độc đáo. Trong năm 2023 đã có 15,5 triệu lượt khách (khoảng 2 triệu khách quốc tế) đến Quảng Ninh, chủ yếu để tham quan Vịnh Hạ Long. Doanh thu du lịch của tỉnh đạt gần 33.500 tỷ đồng, trọng tâm là khai thác lợi thế du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, trụ cột là bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Tháo gỡ những điểm nghẽn về  cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản là một trong những vấn đề quan trọng. 

Tính chung trên cả nước, trong năm 2023 ngành du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách nước ngoài. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, trong đó có hơn 70% du khách quốc tế đến nước ta trước hết là để khám phá các di sản đã được thế giới công nhận. Chính vì vậy, để góp phần phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu, nâng tầm vị thế quốc gia qua các di sản thì việc quan trọng hàng đầu là chúng ta phải quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản đã được vinh danh. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh các di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của nước nhà.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Thời gian tới, các địa phương và Cục Di sản vẫn tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận, ghi danh các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam là di sản thế giới. Tuy nhiên các đơn vị, địa phương cần lựa chọn, đầu tư xây dựng thương hiệu cho những di tích tiêu biểu. Để làm tốt điều này một trong những giải pháp quan trọng chính là chúng ta phải tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động bảo tồn phát huy di sản văn hoá. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, được trang bị và nắm vững những quy định của Luật Di sản văn hóa và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cũng như những quy định của Công ước và Hiến chương quốc tế về Di sản thế giới.

Bài 1: Tài sản quý giá của dân tộc

Bài 2: Chưa có hồi kết cho một số di sản kêu cứu

Bài 3: Biến di sản thành tài sản

Bài 5: Sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân 

Nhóm phóng viên
09/06/2024 21:31
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN