Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 
 

(ĐCSVN) – Sự tươi tắn, trẻ trung của cô giáo Nguyễn Thị Hải Hường đã khiến chúng tôi thực sự ấn tượng. Hỏi ra mới biết cô đã có gần 20 năm công tác trong nghề nuôi dạy trẻ. Cô Hường bảo: “Chắc do tiếp xúc nhiều với các con, nên tôi cũng nhờ vậy mà trông trẻ trung hơn” (cười).

Chúng tôi đến Trường Mầm non Sao Mai (Công ty 75, Binh đoàn 15) khi cô Hường và các cô giáo trong trường đang trong giờ chăm sóc trẻ. Mỗi lớp là một độ tuổi khác nhau, và sự bận rộn của các cô cũng cuốn theo độ tuổi của các cháu cùng đặc điểm riêng của mỗi trẻ.

Chia sẻ về nghề đã gắn bó suốt gần 20 năm, cô Hường cho biết, cô luôn tâm niệm rằng những kiến thức trong nhà trường chỉ là hành trang ban đầu; để trẻ biết nghe lời, biết yêu mến và gần gũi cô thì bản thân cô phải yêu trẻ từ trái tim.

Nhớ lại những ngày đầu tiên đi làm được phân công tại điểm trường 15 – khi đó cô giáo Hải Hường còn chưa lập gia đình. Bước chân vào công việc mơ ước từ thời học sinh, cô Hường háo hức bắt nhịp với nghề “cô nuôi dạy trẻ”. Nhưng sự háo hức rồi cũng nhanh chóng qua đi, thay vào đó là những nỗi trăn trở, lo âu làm sao để làm tốt công việc mà mình chưa từng nếm trải. 

“Do chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, nuôi dạy các con nên bản thân tôi gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu, kỹ năng xử lý tình huống còn vụng về, rồi có những khi tôi băn khoăn không biết làm thế nào để trẻ tiếp thu được kiến thức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu. Bên cạnh đó, đa phần các cháu là con em công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số, chưa có thói quen vệ sinh cá nhân, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc chăm sóc, nuôi dạy các cháu. Bởi vậy, chúng tôi luôn cố gắng để rèn nếp sinh hoạt và vui chơi cho các cháu” – cô Hường chia sẻ.

Công tác tại điểm trường mầm non thuộc  đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế từ cây cao su của Binh đoàn 15, cô Hường cũng như các cô giáo khác của trường đã quen với “thời gian biểu” của các công nhân khi họ đi cạo mủ cao su. Bởi cứ vào mùa khai thác mủ cao su, những công nhân có con nhỏ lại mang gửi con ở trường vào ban đêm để tham gia lao động, sản xuất.

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trò chuyện với cô Hải Hường tại Trường Mầm non Sao Mai (Ảnh: Việt Anh) 

Công việc nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng nhưng cũng có những niềm vui giản dị riêng gắn với nghề. Cô Hường chia sẻ, vào các ngày lễ như Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), cô rất xúc động khi được nhận những bó hoa dã quỳ do phụ huynh bó vội, kèm theo đó là những quả ổi vườn nhà trồng được, có phụ huynh còn mang cho gạo để ăn... "Những điều đơn giản vậy thôi cũng khiến tôi xúc động với tình cảm của phụ huynh dành cho mình. Không cần những món quà đắt tiền, chỉ cần như vậy, tôi đã thấy rất hạnh phúc” – cô nói.

Khi được hỏi về công việc chuyên môn, cô Hường cũng chia sẻ những vất vả và áp lực của nghề nuôi dạy trẻ. “Trông nom các con ở độ tuổi 5 - 6 rất nghịch ngợm, dễ sơ sẩy. Do đó, ngay từ khi chọn nghề, bản thân tôi luôn xác định chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ bằng tình yêu thương và trách nhiệm như con ruột của mình, gương mẫu trong lời nói, cử chỉ, hành động cho trẻ học tập và noi theo. Có như vậy, các con mới hình thành thói quen, nền nếp tốt, mạnh dạn, tự tin trong sinh hoạt và học tập”.

Không ngừng tìm tòi những biện pháp, hình thức mới phù hợp với nhu cầu, sự hứng thú và khả năng tiếp thu của trẻ, cô Hường cho rằng, mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng biệt không giống nhau, ở lứa tuổi này còn non nớt, đòi hỏi sự kiên trì, uốn nắn, và tạo sự hứng thú cho trẻ.  Chính vì thế, khi trẻ bắt đầu đến lớp, cô đã kiểm tra đánh giá khả năng của từng cháu, trao đổi với phụ huynh để nắm rõ những đặc điểm của từng trẻ. Từ đó, có kế hoạch chăm sóc, nuôi dạy các con phù hợp và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

Năm học 2021 - 2022, cô giáo Hải Hường áp dụng biện pháp “Chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1” nhằm giúp trẻ có được tâm lý tốt nhất và các điều kiện cần thiết để trẻ tự tin, mạnh dạn, háo hức và mong muốn vào lớp 1. Biện pháp này được Nhà trường đánh giá có hiệu quả và xếp loại A.

Trong năm học mới này, bản thân cô không ngừng nỗ lực tìm tòi học hỏi đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào trong giảng dạy, mỗi tuần có 3 tiết dạy trên màn hình máy tính, từ đó, giúp trẻ hứng thú trong học tập, chất lượng giảng dạy ngày càng nâng cao.

Chị Rơ Châm H’Thoa (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) có con trai 5 tuổi đang học ở Trường Mầm non Sao Mai. Chị chia sẻ: “Mình rất yên tâm khi gửi con vào đây, đặc biệt là được học cô giáo Hường. Mỗi sáng, con rất háo hức được tới trường. Bé không chỉ được nuôi dưỡng tốt mà còn được các cô dạy cho nhiều kiến thức bổ ích. Điều này rất thuận lợi khi bé vào lớp 1”.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong làm nghề, đó là vào tháng cuối năm 2020 khi cô được cử tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non toàn quân lần thứ VI. Năm đó, vì không có người trông con, cô giáo phải đưa cậu con trai Nguyễn Thiên Ân khi đó mới 13 tháng tuổi vượt chặng đường hơn 1.500 km để ra Thái Nguyên dự thi.

 Cô Hường cùng cậu con trai nhỏ tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non toàn quân năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Cô Hải Hường bồi hồi nhớ lại: “Hai con tôi lúc đó còn nhỏ, công việc của chồng tôi cuối năm bận rộn, nội ngoại cũng không hỗ trợ được nhiều, nên hai vợ chồng bàn bạc và thống nhất phương án “chia đôi lực lượng” để tiện việc chăm sóc. Vì con trai mới 13 tháng tuổi nên phải theo mẹ. Nói là vậy, nhưng khi chuẩn bị cho chuyến đi thì tôi lại lo lắng, không biết con trai bé bỏng có thích nghi với khí hậu lạnh ở ngoài Bắc không? Không biết con có ngoan để giúp mẹ hoàn thành tốt các phần thi không? Thế nhưng, được sự ủng hộ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị; sự quan tâm, động viên của các thành viên trong đoàn và sự “hợp tác” của con nên mọi việc đã diễn ra thuận lợi”.

Thời gian tham gia Hội thi là những ngày mang đến niềm vui trọn vẹn với cô giáo Hải Hường. Cô kể: “Những gì tôi lo lắng ban đầu đã không xảy ra. Trong suốt thời gian diễn ra Hội thi, bé Thiên Ân trở thành con cưng của cả đội. Được các cô trong đoàn tận tình chăm sóc. Mặc dù khí hậu thay đổi, nhưng cậu bé thích nghi rất nhanh nên không ốm đau. Những lúc mẹ bận, tập trung làm công tác chuẩn bị cho phần thi, Thiên Ân không mè nheo mà nghe lời các cô chú trong đoàn. Việc riêng thu xếp hài hòa, tôi có thêm động lực và quyết tâm bước vào phần thi với tinh thần cao nhất”.

Với quyết tâm cao, phần thi phát triển thẩm mỹ với chủ đề “Vận động minh họa theo lời ca bài “Em yêu cây xanh” của cô Hường được Ban Giám khảo đánh giá cao, giành giải Ba, và cô Hường đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân.

Để làm phong phú thêm các hoạt động học tập, vui chơi của các con, cô Hường và các cô giáo khác cũng thường tranh thủ nán lại sau mỗi giờ học để làm đồ chơi. Những nguyên vật liệu bỏ đi như: vỏ sò, xơ mướp, hạt cao su, xốp ti vi, bẹ ngô, lõi ngô, vỏ chai nước, hộp mỳ tôm, quả thông... được bàn tay khéo léo của các cô  “phù phép” thành những con vật ngộ nghĩnh, bình hoa xinh đẹp hoặc ô tô, tàu hỏa, tàu thủy…

Thông qua những giáo cụ trực quan đáng yêu, gần gũi, con trẻ không chỉ được khám phá khoa học, chơi trò chơi củng cố kiến thức mà còn khuyến khích các em có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời tuyên truyền đến mọi người giảm lượng rác thải trong vệ sinh môi trường.

Cô  Nguyễn Thị Hải Hường tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng  tỉnh Gia Lai năm 2017.  (Ảnh: NVCC)

Không chỉ vậy, cô Hường cũng là người luôn nhiệt tình, gương mẫu đi đầu tham gia các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi của đơn vị như: phong trào phụ nữ, công đoàn, thanh niên; tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ người nghèo, những nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ hộ đồng bào bị lũ lụt, tham gia đóng góp chương trình “Ngôi nhà tình nghĩa”.

Nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, sự quan tâm của cấp trên, cô giáo Hải Hường đã gặt hái nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người với nhiều Giấy khen, Bằng khen, Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở… Thêm vào đó, sự tin yêu trọn vẹn của phụ huynh và các con là nguồn động viên lớn lao giúp cô “bám nghề” và say nghề cho đến hôm nay./.

Bài 1: Sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giáo dục mầm non

Bài 2: Địa chỉ giáo dục tin cậy của người dân vùng biên

Bài 3: Những lớp học lúc 0 giờ 

Bài 5: Giáo dục mầm non quân đội góp sức vào sự nghiệp giáo dục chung của cả nước

                                                                                                                                                (Còn nữa)

Nhóm PV Thời sự
26/07/2023 11:29
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN