Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài 4: Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

 

(ĐCSVN) - Hiện nay, tiến trình thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang chậm lại, tiến độ thoái vốn nhà nước không đạt kế hoạch. Để giải quyết bất cập này, Nghị quyết số 12-NQ/TW của Trung ương đã xác định rõ: "DNNN cũng cần phải được đối xử bình đẳng. Cần tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích".

Hài hoà những giấc mơ trái ngược

Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 06 doanh nghiệp, trong đó có 01 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. Tính lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207.100 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 177 doanh nghiệp đã CPH chỉ có 37/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.

Như vậy, tiến độ CPH các doanh nghiệp còn chậm, do việc triển khai kế hoạch CPH còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp thực hiện CPH quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Về tình hình thoái vốn, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 260 tỷ đồng, thu về 678 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỷ đồng, thu về 1.110 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 7/2020: thoái 25.630 tỷ đồng, thu về trên 172.800 tỷ đồng.

Theo Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long, quá trình CPH, thoái vốn nhà nước thời gian qua, mặc dù tiến độ thời gian qua còn chậm song chất lượng đã được nâng lên, các phương án CPH, thoái vốn được tiến hành đều bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến đất đai. Con số kết quả thu về cho ngân sách nhà nước sau thoái vốn đã chứng minh điều này khi giá trị thu về vượt hơn nhiều giá trị sổ sách.

Tại Hội nghị thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nêu, có một thực trạng nhiều lúc DNNN "mơ" được cơ chế tự do tự quyết của doanh nghiệp tư nhân, trong khi doanh nghiệp tư nhân lại "mơ" được những cơ chế thuận lợi của DNNN. Thực tế, DNNN có những bất cập của DNNN và doanh nghiệp tư nhân cũng có những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 12-NQ/TW của Trung ương là để hài hòa cả hai “giấc mơ” có phần trái ngược này.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thẳng thắn đánh giá, CPH các DNNN đang chậm lại, tiến độ thoái vốn nhà nước không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của nhiều DNNN hoạt động còn chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là vẫn còn nhiều bất cập đối với các DNNN. Thực tế, có hiện tượng tư nhân ngại tham gia góp vốn mua cổ phần DNNN khi CPH do nhiều quy định bất hợp lý đang “trói buộc” các doanh nghiệp này. DNNN có lợi thế, có đặc quyền nhưng cũng có nhiều quy định ràng buộc khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị “trói chân”. Nghị quyết về DNNN ban hành nhiều nhưng khâu thực thi còn hạn chế, vì thế mới dẫn tới tình trạng hai “giấc mơ” cơ chế trái ngược nhau. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phải làm tốt hơn nữa, tách bạch rõ chức năng giữa sở hữu tài sản nhà nước với quản lý nhà nước. Trước đây, sở hữu tài sản nhà nước do Bộ, ngành đứng ra đại diện và quản lý nhà nước cũng là do các công chức của Bộ, ngành đảm nhận. Người ta gọi đó là… “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Nghị quyết số 12-NQ/TW của Trung ương đã đưa ra giải pháp mạnh mẽ đối với vấn đề này, trong đó yêu cầu tách bạch, phân định rõ các chức năng của DNNN. Nghĩa là vai trò quản trị, năng lực quản trị DNNN cần làm rõ, tách bạch rõ chức năng sở hữu tài sản Nhà nước với quản lý của doanh nghiệp theo hướng thị trường, cạnh tranh. Trong đó, việc bán vốn, CPH cần định giá đúng thị trường, ngay cả những doanh nghiệp muốn giữ cũng phải tính đúng, tính đủ.

 

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, giai đoạn 2007- 2008, sau “sự cố” Vinashin, Vinalines, chúng ta có xu hướng thắt chặt lại và hành chính hóa hoạt động của DNNN. Vì vậy, DNNN và doanh nghiệp tư nhân đều kêu không được đối xử bình đẳng, vấn đề là phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Kinh tế của đất nước, vận mệnh của đất nước không thể làm theo cảm xúc bồng bột của con tim được.

Bình đẳng trong vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Chia sẻ về vai trò chủ đạo của các DNNN, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, bên cạnh những DNNN yếu kém, chúng ta có những doanh nghiệp lớn, đi đầu và xây dựng đặc trưng cho kinh tế đất nước. Trước đây, khi thực hiện Dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, khá nhiều doanh nghiệp tư nhân được mời tham gia, nhiều người được mời khảo sát đều cho rằng “vứt tiền qua cửa sổ”. Tuy nhiên, sau khi xây dựng con đường này xong, hiệu quả kinh tế thấy rõ, đời sống các địa phương khấm khá hơn, đi lại thuận tiện. Đấy là nhiệm vụ và trách nhiệm của DNNN, mà không phải ai cũng thấu hiểu.


Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, DNNN không được quyền tự chủ, tự do kinh doanh. Muốn có quyền tự chủ kinh doanh, hệ thống quản trị phải thay đổi thì mới đạt được. Thực tế, DNNN vẫn được coi là khối tài sản khổng lồ, có thể làm tăng trưởng GDP hai điểm phần trăm nếu sử dụng tốt nguồn lực này.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng chỉ rõ, có rất nhiều người vẫn hiểu kinh tế nhà nước phải “ôm tất”, làm tất mới là chủ đạo. Thực tế không đúng như vậy, chủ đạo là con đường chính chứ không phải là tất cả, là đa số. Kinh tế nhà nước cùng với cơ chế chính sách của Nhà nước khai phá ra những con đường mới để cho cả xã hội cùng đi, để dẫn dắt định hướng cho cả nền kinh tế này phát triển lành mạnh và đúng hướng. DNNN là then chốt, tức là chỉ nắm những lĩnh vực trọng yếu then chốt, an ninh quốc phòng hoặc những lĩnh vực mà tư nhân không đầu tư mà xã hội cần giống như một căn nhà lớn nhưng chỉ có một then, một khóa để mở, để ra. Nghị quyết Số 12-NQ/TW đã nêu rõ là DNNN cũng cần phải được đối xử bình đẳng. Cần tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích. Những nhiệm vụ kinh doanh hàng hóa dịch vụ thông thường phải theo cơ chế cạnh tranh thị trường.

Hiện thực hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành cơ cấu lại và đổi mới DNNN, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của DNNN.

Tại Hội thảo “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại DNNN: Thực hiện 2011 - 2020 và kiến nghị quan điểm, phương hướng đến năm 2030”, theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long, tại thời điểm năm 1980, Việt Nam có 12.000 DNNN. Qua sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, đến nay chỉ còn khoảng 500 doanh nghiệp. Số lượng DNNN đã giảm mạnh và chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội và quốc phòng an ninh. Tuy vậy, 70 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước hiện vẫn là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế nhà nước, đóng góp 27 - 28% GDP, 24% tổng cân đối thu ngân sách.

DNNN có vai trò chủ đạo ổn định an ninh năng lượng quốc gia

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, cạnh tranh, cơ chế thị trường là nền tảng cho các tập đoàn kinh tế phát triển. Có như vậy mới chứng tỏ năng lực của doanh nghiệp. Áp đặt cơ chế thị trường, trước hết là vấn đề quản trị đối với DNNN. Cụ thể, áp dụng công cụ quản trị và giám sát tập đoàn kinh tế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tái cơ cấu toàn diện, đa dạng hóa sở hữu tập đoàn kinh tế nhà nước; chuyên nghiệp hóa cán bộ quản lý. Có như vậy mới hy vọng xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

      DNNN luôn nỗ lực đảm trách vai trò chủ đạo

Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện một số DNNN cũng đề xuất cần đánh giá rõ vai trò, vị trí của DNNN trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, đóng vai trò tích cực trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu trong giai đoạn trước, trong giai đoạn 2016-2020, nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động thực sự có hiệu quả, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam... Theo bảng xếp hạng VNR 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2016, có 5 tập đoàn kinh tế nhà nước được xếp hạng top đầu (PVN, Viettel, VNPT, Vinacomin, EVN). 

Thời gian qua, DNNN - lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước Việt Nam, mặc dù có những yếu kém, hạn chế, nhưng đó là những yếu kém, hạn chế bắt nguồn từ sự nóng vội, chủ quan, duy ý chí - xây dựng thật nhiều DNNN... để nhanh chóng có chủ nghĩa xã hội. Đây không phải là sai lầm về quan điểm, chủ trương coi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, nhìn chung, toàn bộ nền kinh tế, kinh tế nhà nước dựa trên lực lượng sản xuất còn thấp kém, cùng với nền kinh tế thị trường còn rất mới... thì sự yếu kém, hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng là không thể tránh khỏi.

Xét một cách tổng thể, không phải tất cả các DNNN của Việt Nam đều hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh những tập đoàn kinh tế thua lỗ, có khá nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn hoạt động thật sự có hiệu quả, như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất... 

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận, thực tế đánh giá của xã hội đối với DNNN chưa toàn diện, đúng đắn. Điển hình như 12 dự án yếu kém ngành Công Thương như “con sâu làm rầu nồi canh”. Không phải DNNN nào cũng vậy. Hay cần đánh giá sự cần thiết của DNNN theo đúng các giai đoạn lịch sử. Việc đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của DNNN cũng vậy. Do vậy, cần có sự ghi nhận, phát huy năng lực, sự nhiệt huyết của doanh nghiệp nói chung và cả DNNN nói riêng.

Thực tế bên cạnh việc thực hiện tốt vai trò điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế, các đơn vị DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội. Những năm qua, các DNNN đã tham gia hỗ trợ công tác an sinh xã hội với tổng trị giá nhiều ngàn tỷ đồng, trong đó tập trung vào phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, hỗ trợ hộ nghèo; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; đào tạo dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Chẳng hạn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là minh chứng rõ nét nhất về vai trò chủ đạo của DNNN về vận tải hàng không trong những thời khắc khó khăn của cả dân tộc khi không chỉ Việt Nam mà cả thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch COVID-19 hoành hành. 

Báo cáo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Vietnam Airlines lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2019, Vietnam Airlines hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về hiệu quả và bảo toàn vốn như tổng sản lượng khách đạt 87,2 triệu lượt khách; tổng doanh thu hợp nhất đạt 355.870 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đạt 18.602 tỷ đồng, tăng 48,3% so với quy mô vốn chủ sở hữu đầu năm 2016. Số nộp ngân sách của hãng liên tục tăng qua các năm, tính cả giai đoạn 2015-2019, toàn Tổng công ty đã nộp ngân sách nhà nước 30.471 tỷ đồng. 

leftcenterrightdel

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Vietnam Airline đã thể hiện rõ vai trò, vị trí DNNN lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị

Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines bị suy giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm 2019, lâm vào tình trạng khủng hoảng. Song tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, nhân viên Vietnam Airlines luôn ý thức rõ vai trò nòng cốt của một DNNN trong xây dựng, phát triển đất nước. Vietnam Airlines đã nỗ lực thực hiện thành công nhiều chuyến bay đưa đón người hàng chục ngàn người Việt Nam sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài, tại những vùng tâm dịch lớn của thế giới về nước an toàn, minh chứng cho truyền thống nhân văn, đoàn kết của dân tộc Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế của một DNNN góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và ổn định xã hội trong tình hình mới...

                                                                                                                               (Còn nữa)

Bài 5: Việt Nam vững vàng hội nhập  

Nhóm PV Kinh tế
12/09/2020 21:00
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN