Bài 3: Xây dựng Nông thôn mới ở miền núi không có điểm kết thúc
(ĐCSVN) – “Tam nông”, trong đó có nông thôn mới (NTM) tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam đang là nhiệm vụ rất quan trọng, được các cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh quan tâm, tập trung thực hiện. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, tại đây đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập cần có các giải pháp thích hợp để đưa công tác này đi đến những thành công như mong đợi.
"Chậm nhưng chắc"...
Đây là phương châm được UBND huyện Bắc Trà My đặt ra đối với công tác xây dựng NTM mới hiện nay trên địa bàn huyện. Nói về phương châm này, đồng chí Thái Hoàng Vũ, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, trước đây khi Bắc Trà My bắt tay vào xây dựng NTM, yêu cầu đặt ra là các xã, thị trấn trên địa bàn phải chủ động bám sát Bộ tiêu chí NTM mới của trên đặt ra; đồng thời tranh thủ, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để thực hiện. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) bổ sung Bộ tiêu chí mới về NTM giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều tiêu chí mới rất khó với huyện, nhất là các tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, về thu nhập, về tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn, về tỷ lệ lao động qua đào tạo…
Nhiều nguồn lực được các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam huy động trong mùa dịch COVID-19 thông qua các mô hình trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. |
Từ thực tế đó, UBND huyện Bắc Trà My yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ xây dựng NTM phải bám sát tình hình thực tiễn, nỗ lực, sáng tạo trong công tác; xác định rõ phương châm “chậm nhưng chắc". Trước mắt là cố gắng giữ vững thành quả đã đạt được từ các năm trước và từng bước hoàn thiện việc thực hiện các tiêu chí mới - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thông tin và chia sẻ thêm: Trong các năm qua, trên cơ sở áp dụng Bộ tiêu chí xây dựng NTM cũ cho giai đoạn 2016-2020, huyện Bắc Trà My đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, đặc biệt là người dân tích cực hưởng ứng, đóng góp để xây dựng NTM mới trên địa bàn. Kết quả đến nay, chương trình NTM mới của huyện đạt 176 tiêu chí (bình quân 14,67 tiêu chí/xã); có 03/12 xã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM (gồm Trà Dương, Trà Tân và Trà Đông).
“Tuy nhiên, căn cứ Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, thì hiện Bắc Trà My có 2/3 xã đạt chuẩn NTM trước đây không đảm bảo tiêu chí giữ chuẩn nghèo đa chiều. Trước thực tế đó, để áp dụng Bộ tiêu chí NTM (2021-2025) trên địa bàn huyện, tỉnh Quảng Nam đã giao huyện Bắc Trà My trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu 02 xã đạt chuẩn NTM và 05/12 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên; đồng thời đến cuối năm 2025, huyện có thêm 01 xã NTM nâng cao. Cùng với xã NTM, đến nay Bắc Trà My còn có 4/4 thôn NTM được duy trì và nâng chuẩn; ngoài ra huyện có 13 thôn đã được hỗ trợ nguồn lực nhưng chưa đạt chuẩn đang tiếp tục thực hiện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí mới. Cũng trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam còn giao cho Bắc Trà My xây dựng 15 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện các thôn này đang xây dựng, điều chỉnh phương án để thực hiện”- Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ cho biết thêm.
Từ các nguồn lực đầu tư của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống hạ tầng tại các địa bàn miền núi Quảng Nam đang ngày càng khang trang, hoàn chỉnh, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương. |
Thông tin về kết quả xây dựng NTM tại các huyện miền núi của tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn cho rằng, việc thực hiện các tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chuẩn mới (giai đoạn 2021-2025) với nhiều tiêu chí yêu cầu cao hơn so với Bộ tiêu chí cũ đã gây nhiều khó khăn không chỉ riêng Bắc Trà My mà còn với 8 huyện miền núi còn lại của tỉnh. Cụ thể, tính đến 5/2023, toàn tỉnh có 30/94 xã miền núi được công nhận xã đạt chuẩn NTM (theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2000), đạt 31,9% và ước đến 6/2023 Quảng Nam sẽ có thêm 02 xã (của huyện Tiên Phước) đạt chuẩn xã NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn xã NTM tại khu vực miền núi của tỉnh lên 32/94 xã, đạt 34%. Riêng với 06 huyện miền núi cao (gồm: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn) hiện có 10/64 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đạt 15.6%.
“Tính bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn NTM của các huyện miền núi trong tỉnh đạt 14,4 tiêu chí/xã (bình quân chung của toàn tỉnh là 16,48 tiêu chí/xã và bình quân chung của 09 huyện đồng bằng là 18,44 tiêu chí/xã); không còn xã đạt dưới 08 tiêu chí; còn 54 xã đạt dưới 15 tiêu chí. Như vậy, khu vực 09 huyện miền núi của Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí mới. Nguyên nhân do khu vực này có những đặc thù, khó khăn riêng bởi hầu hết các địa phương đều có xuất phát điểm trong xây dựng NTM thấp (mới chỉ có 30/94 xã đạt chuẩn NTM tại 09 huyện miền núi và 10/64 xã đạt chuẩn NTM tại 06 huyện miền núi cao); thu nhập người dân còn thấp, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi chưa cao, hiệu quả thấp; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp chưa rõ nét, sản phẩm làm ra mang tính tự cung, tự cấp còn phổ biến; chưa khai thác hết tiềm năng về đất đai, lao động địa phương; cơ sở chế biến và dịch vụ sản xuất chưa được chú trọng; việc ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng giống mới vào sản xuất còn nhiều hạn chế; đầu ra thị trường còn bấp bênh; hạ tầng nông thôn yếu kém, thường xuyên bị sạt lở, thiên tai đe doạ…. Trước những khó khăn này, sau khi triển khai Bộ tiêu chí NTM (2021-2025) đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, quá trình đạt chuẩn NTM ở các địa phương miền núi này. Vì vậy, đa số các huyện miền núi của Quảng Nam đều xác định hướng đi hiện nay là chậm - đồng chí Ngô Tấn cho biết.
... và những bất cập hiện nay
Trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí mới (giai đoạn 2021-2025), hầu hết các xã của huyện đều gặp khó khăn, nhất là những tiêu chí đòi hỏi về nguồn kinh phí lớn, như: Cơ sở hạ tầng, đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hoá, tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, hộ nghèo đa chiều… Bởi các tiêu chí này đòi hỏi không chỉ riêng sự nỗ lực của địa phương mà rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp, các ngành.
Trong khi đó tại huyện Tây Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mạc Như Phương cho hay: Toàn huyện đã có đến 70% xã đạt chuẩn NTM bị rớt theo chuẩn mới hoặc bị chững lại và bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, số xã giữ chuẩn được 19 tiêu chí NTM là không có; cả 03 xã đã đạt chuẩn xã NTM đã được công nhận gồm: A Tiêng, A Nông, Lăng đều rớt tiêu chuẩn.
Cụ thể, xã A Nông đến nay đạt duy trì 16/19 tiêu chí, rớt 03 tiêu chí gồm: Tiêu chí số 10 (thu nhập), tiêu chí số 11 (hộ nghèo đa chiều), tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn). Xã A Tiêng đến nay đạt duy trì 08/19 tiêu chí, rớt 11 tiêu chí gồm: Tiêu chí số 1 (quy hoạch), tiêu chí số 2 (giao thông), tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hoá), tiêu chí số 7 (cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn); tiêu chí số 8 (thông tin và truyền thông), tiêu chí số 9 (nhà ở dân cư), tiêu chí số 10 (thu nhập), tiêu chí số 11 (hộ nghèo đa chiều), tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn), tiêu chí số 15 (y tế), tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm). Xã Lăng đến nay đạt 07/19 tiêu chí, rớt 12 tiêu chí gồm: Tiêu chí số 1 (quy hoạch), tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hoá), tiêu chí số 7 (cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn); tiêu chí số 8 (thông tin và truyền thông), tiêu chí số 9 (nhà ở dân cư), tiêu chí số 10 (thu nhập), tiêu chí số 11 (hộ nghèo đa chiều), tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn), tiêu chí số 15 (y tế), tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm), tiêu chí số 18 (hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, tiêu chí số 19 (quốc phòng và an ninh).
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc rớt chuẩn kể trên, theo đại diện Văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Nam: Với 19 tiêu chí/56 nội dung tiêu chí và bổ sung thêm, Bộ tiêu chí chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 thực sự có những yêu cầu mới, nhiều chỉ tiêu theo hướng nâng cao và toàn diện hơn nên thực tế các địa bàn miền núi rất khó đạt được. Đặc biệt, theo quy định của Trung ương thì với các xã miền núi cao khi đạt chuẩn xã NTM sẽ không được đánh giá tiêu chí NTM ở khu vực 1 (như khu vực miền núi phía Bắc) mà phải đánh giá theo tiêu chí ở khu vực 2 (khu vực duyên hải Nam Trung bộ) nên cũng rất khó khăn cho các xã miền núi trong việc duy trì, nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí mới.
“Thực trạng chung thì miền núi khó có thể so sánh với đồng bằng nếu cùng 01 thang điểm đánh giá. Quảng Nam có 10 xã miền núi cao đã đạt chuẩn NTM. Hiện nếu đánh giá tiêu chí thu nhập theo chuẩn của xã đồng bằng, với khu vực 1 (trung du miền núi phía Bắc) năm 2022 thu nhập 39 triệu đồng, và khu vực 2 (duyên hải Nam Trung bộ) là 44 triệu đồng, chênh lệch 05 triệu đồng; hay tiêu chí 11 (hộ nghèo đa chiều), nếu tính khu vực 1 là 13%, khu vực 2 là 5%, chênh nhau 8% là tỷ lệ chênh rất lớn so với miền núi. Ngoài ra, còn nhiều tiêu chí khác cũng có tỷ lệ chênh lệch nhau từ 20-30% giữa khu vực 1 và khu vực 2”- đồng chí Ngô Tấn cho biết và thông tin thêm: Các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) khi đạt chuẩn NTM sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội (như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức…), trong khi đó điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn nên việc thu hút cán bộ về công tác tại vùng này rất khó khăn. “Thực trạng của tỉnh hiện nay ở một số xã, cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế ở vùng đặc biệt khó khăn sau khi đạt chuẩn NTM đã làm đơn xin chuyển công tác sang các địa bàn lân cận để được hưởng chế độ an sinh xã hội của xã đặc biệt khó khăn. Do vậy, nhiều địa phương miền núi đã không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025, đây là một lý do khiến Quảng Nam rất khó đạt được mục tiêu do Trung ương giao là đạt ít nhất 80% số xã”- đồng chí Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam thông tin.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Nam thì đối với các huyện miền núi cao, việc xây dựng NTM nguồn Chương trình NTM hỗ trợ rất thấp (chỉ hơn 1,86 tỷ đồng/xã/5 năm) nên viêc thực hiện tiêu chí NTM chủ yếu trông chờ vào nguồn lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo và Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự gắn với các tiêu chí NTM để đảm bảo đạt chuẩn theo lộ trình đề ra.
Trong khi đó, theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Nam, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế (ngân sách Trung ương giảm 60%, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh giảm khoảng 50% so với giai đoạn trước) nên dẫn đến khó khăn trong việc cân đối hỗ trợ cho địa phương miền núi. Mặt khác, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; cán bộ chuyên trách NTM ở cấp huyện, xã không những thiếu mà còn thường xuyên biến động, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả; chất lượng xây dựng NTM ở một số địa phương chưa cao, thiếu bền vững.
Nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc
Mặc dù gặp nhiều khó khăn và có những bất cập trong quá trình xây dựng NTM ở các huyện miền núi nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50 xã NTM tại các huyện miền núi; có 80 thôn khu vực miền núi triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó có ít nhất 50% số thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, đến nay Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, diễn đàn để thảo luận tìm giải pháp để thực hiện. Đặc biệt, tại buổi làm việc của Uỷ ban Dân tộc (Quốc hội) với UBND tỉnh Quảng Nam mới đây, lãnh đạo địa phương đã khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh trong xây dựng NTM là toàn hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là “NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” và UBND tỉnh đã ban hành, phát động phong trào “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Phong trào đã nhận được sự đồng tình, tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân toàn tỉnh.
Liên quan đến nhiệm vụ này trong thời gian tới, đồng thời nhằm cụ thể hoá các quan điểm, giải pháp do UBND tỉnh Quảng Nam triển khai, tại huyện Bắc Trà My, Phó Chủ tịch UBND Trần Toại cho biết, cũng như các huyện miền núi khác của tỉnh, Bắc Trà My xác định công tác xây dựng NTM trong thời gian tới là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững ở tất cả các cấp. Trong đó, mục tiêu cao nhất là nâng cao số xã, số tiêu chí đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; duy trì thành quả và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với xã đạt chuẩn NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Huyện sẽ quan tâm phát huy, nhân rộng những kết quả tích cực của giai đoạn vừa qua, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền và kết nối liên vùng, phát triển hài hoà kinh tế, xã hội và môi trường nông thôn; tập trung chỉ đạo, hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực để thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn một cách toàn diện.
Làng dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu huyện Nam Giang - một trong những mô hình kinh tế hiệu quả tại miền núi Quảng Nam. |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, NTM sắp tới tại địa phương miền núi này phải góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế hàng hoá, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và phù hợp với tình hình chung của huyện. Đồng thời chủ động tiếp thu văn hoá tiên tiến gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, huyện Bắc Trà My sẽ luôn gắn kết chặt chẽ chương trình MTQG xây dựng NTM với 02 chương trình MTQG còn lại là giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thúc đẩy nông thôn phát triển.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn, các vấn đề, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng NTM của huyện Bắc Trà My trong thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển của khu vực miền núi phía Tây mà Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra. “Đây cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của hầu hết các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã xác định để thực hiện từ nay đến năm 2025”- đồng chí Ngô Tấn khẳng định.
Cũng theo đồng chí Ngô Tấn, trước mắt các huyện miền núi Quảng Nam sẽ tiếp tục tập trung triển khai, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng NTM áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tập trung hoàn thiện xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đạt chuẩn theo từng bộ tiêu chí đến cuối năm 2025 theo đúng lộ trình đề ra. Trong đó, tập trung thực hiện đối với các xã, thôn phấn đấu đạt chuẩn năm 2023 và tổ chức đánh giá, lập hồ sơ thủ tục đề nghị thẩm tra, thẩm định xét công nhận chuẩn NTM theo kế hoạch.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện theo các nhóm xã, huyện NTM để có giải pháp thực hiện phù hợp với các nhóm đối tượng; tập trung xây dựng thôn NTM kiểu mẫu; tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan về xây dựng NTM.
Riêng về kinh phí, nguồn lực để thực hiện, theo đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam, đến nay đơn vị này cũng đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền một số đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn về kinh phí, nguồn lực cho các địa phương miền núi trong xây dựng NTM. Trong đó, với 39 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021- 2025 thì có 15 xã miền núi cao thuộc khu vực xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III). Theo quy định của Trung ương, 15 xã này chỉ được hỗ trợ ngân sách Trung ương chương trình NTM năm 2021 (khoảng 1,86 tỷ đồng/xã), kinh phí còn lại sử dụng từ nguồn chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (bình quân khoảng 10 tỷ đồng/xã) và ngân sách tỉnh (09 tỷ đồng/xã).
Như vậy, đối với 15 xã này tổng ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 là 21 tỷ đồng/xã. So với điều kiện đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí mới thì mỗi xã cần hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng nên rất khó khăn để thực hiện mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, hầu hết các xã đều rất khó khăn nên Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị tỉnh xem xét, cân đối thêm ngân sách để hỗ trợ các xã trong giai đoạn 2023-2025 với suất hỗ trợ 05 tỷ đồng/xã; đồng thời xem xét hỗ trợ thêm kinh phí cho các xã đạt chuẩn NTM ở miền núi cao đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 để có điều kiện duy trì, nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 với mức hỗ trợ bình quân 05 tỷ đồng/xã.
Sâm Ngọc Linh (Sân Việt Nam) - một loại dược liệu quý tại huyện miền núi Nam Trà My đang là sản phẩm có giá trị cao, được địa phương quy hoạch, phát triển. |
Đối với các thôn, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam- Ngô Tấn: Mức hỗ trợ xây dựng thôn NTM kiểu mẫu hiện nay tại Quảng Nam là 500 triệu đồng/thôn (thôn đồng bằng và thôn miền núi). Tuy nhiên, do điều kiện thôn miền núi có nhiều khó khăn hơn nên các địa phương trong tỉnh kiến nghị nâng mức hỗ trợ lên 0,8 tỷ đồng/thôn (tăng thêm 300 triệu đồng/thôn) để cùng đối ứng với ngân sách huyện 200 triệu đồng/thôn. Như vậy mỗi thôn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 01 tỷ đồng.
“Với các xã ĐBKK khi đạt chuẩn NTM thì đối với các chế độ an sinh xã hội cho người dân, hiện nay tỉnh Quảng Nam cũng đã gửi kiến nghị đến Trung ương xem xét cho phép người dân tại các xã này được hưởng thêm ít nhất 05 năm kể từ năm đạt chuẩn NTM để giảm bớt khó khăn cho các xã miền núi; đồng thời cho phép các xã ĐBKK thuộc các huyện nghèo khi đạt chuẩn NTM được duy trì, nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí của vùng Trung du miền núi phía Bắc./.
Bài 1: Thành tựu và những vấn đề đặt ra đối với “Tam nông” ở Quảng Nam
Bài 2: Đổi mới tư duy trong “Tam nông” ở Quảng Nam