Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 3: Tự hào nữ quân nhân Việt Nam tại châu Phi

(ĐCSVN) – Mặc dù tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc muộn hơn nhiều so với các nước khác, nhưng Việt Nam luôn được Liên hợp quốc và các nước đánh giá cao, trong đó có việc tỷ lệ nữ quân nhân của Việt Nam tham gia cao hơn tỷ lệ khuyến khích của Liên hợp quốc.

 Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chụp ảnh cùng các nữ quân nhân của Đội Công binh số 1 trong lễ xuất quân được tổ chức ngày 27/4/2022 (Ảnh: Kiều Giang)

Theo Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, kể từ khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (từ năm 2014 đến nay), Việt Nam đã cử 72 nữ quân nhân tham gia, trong đó theo hình thức đơn vị là 66 đồng chí và cá nhân là 6 đồng chí. Đội Công binh số 1 của Việt Nam hiện có tỷ lệ nữ rất cao (21/184 đồng chí), chiếm hơn 11,4%, trong khi bình thường, cấp đơn vị ở mỗi quốc gia cử quân, tỷ lệ nữ chỉ khoảng 6-7%. Ngoài ra, tỷ lệ nữ tham gia bệnh viện dã chiến số 2 cũng ở mức cao, như  Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 hiện nay có 12 nữ trong tổng số 63 người, chiếm trên 19%, trong khi tỷ lệ khuyến khích của Liên hợp quốc là 15%.

                                      Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ ở xa Tổ quốc 

Liên lạc với các thành viên nữ của Đội Công binh số 1 khi các chị mới đến Abyei  (khu vực giáp danh giữa Sudan và Nam Sudan) được 1 tuần và đang cùng đồng đội bận rộn lo ổn định nơi ăn chốn ở, tôi cảm nhận được những khó khăn, vất vả của đội hình lần đầu được triển khai của Việt Nam tại Phái bộ Liên hợp quốc. Vừa kết thúc chặng đường hành quân từ Việt Nam đến Abyei sau 4 ngày đêm, các thành viên của Đội Công binh vừa “chân ướt chân ráo” đã phải bắt tay ngay vào việc cải tạo những container nhà ở của đơn vị tiểu đoàn bộ binh thuộc Ethiopia đã sử dụng 10 năm để làm nơi đóng quân của Đội. Cùng một lúc phải sắp xếp nơi ăn chốn ở cho 184 con người và triển khai ngay các nhiệm vụ của lực lượng công binh theo yêu cầu của Liên hợp quốc là một thách thức cần sự chung tay, đoàn kết của tất cả các thành viên trong Đội.

 
leftcenterrightdel  Bữa ăn ngoài trời của các thành viên Đội Công binh trong những ngày đầu mới sang Abyei khi chưa có phòng ăn (Ảnh: CB1)

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy  Vũ Hồng Thủy – thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 1 thuộc Đội Công binh nói vui rằng: “Chúng tôi “chưa kịp” nhớ nhà vì bị cuốn theo công việc. Tất cả mọi người đều phải bắt tay ngay vào việc dọn dẹp, sửa sang chỗ ở, sắp xếp các phòng làm việc và tháo dỡ hàng hóa từ container để bảo quản. Những hôm đầu chưa có bàn ăn, ghế ăn, cả đội phải đứng ăn ở ngoài trời; cơm ở đây rất khô, khó ăn; chỗ ở thì ẩm mốc, xập xệ… nhưng toàn đội ai cũng phấn chấn, hăng say. Nhờ đó, chúng tôi đã nhanh chóng ổn định về mọi mặt”.

Cũng theo Thượng úy Vũ Hồng Thủy, cả Đội Công binh có 21 thành viên nữ, mỗi người có một công việc khác nhau, trong đó chủ yếu làm công tác hậu cần. Công việc này rất vất vả, nhất là trong những ngày đầu mới sang và trong điều kiện nắng nóng, thiếu thốn dụng cụ nấu bếp. Bởi vậy, thành viên nữ ở các tổ đều được huy động để tham gia hỗ trợ bộ phận hậu cần.

Vất vả là vậy, nhưng chị Đặng Thị Lý (tổ Hậu cần) cho biết, chị cũng như các chị em trong tổ rất phấn khởi, tự hào khi được nhận nhiệm vụ chăm sóc bữa ăn và các công việc hậu cần cho cả đội trong bối cảnh làm nhiệm vụ ở xa Tổ quốc. Chia sẻ về lần đầu tiên làm nhiệm vụ ở châu Phi, chị nói rằng đây là một trải nghiệm đặc biệt và chị mong muốn được đóng góp sức mình cùng với toàn Đội để góp phần mang lại những điều tốt đẹp hơn cho người dân ở khu vực Abyei, châu Phi.

Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm, nhân viên Phân đội Hậu cần - Bảo đảm, Đội Công binh số 1 nhổ cỏ làm vườn để trồng rau xanh (Ảnh: ĐCB1)

Cùng chung suy nghĩ, Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Quyên – Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 1 thuộc Đội Công binh số 1 cho biết: “Công việc của chúng tôi là tiến hành sơ cấp cứu, chăm sóc y tế cho toàn Đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Abyei. Chúng tôi đã xác định tâm thế làm việc là đảm bảo tính độc lập cao, trong khi trang thiết bị sẽ có những thiếu thốn, bất cập. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi mong muốn được cống hiến trong việc thực hiện nhiệm vụ của toàn Đội Công binh”.

 

Yên tâm vì có hậu phương vững chắc

Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn vì kết nối mạng không ổn định. Các chị cười vui nói rằng: “Internet là thứ xa xỉ nhất ở đây”. Bởi vậy, để đảm bảo tốc độ và chất lượng đường truyền, việc sử dụng internet cho các thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình được phân chia theo thời gian chẵn – lẻ. Sau mỗi giờ làm việc, điều các chị mong muốn nhất là có thể kết nối, trò chuyện với gia đình. Tuy nhiên, do múi giờ chênh lệnh (khoảng 5 giờ) nên khi các chị kết thúc công việc thì ở Việt Nam đã là tối muộn. Bởi vậy, ngoài việc tranh thủ có internet, các chị còn phải tranh thủ “khoảng thời gian vàng” ít ỏi mỗi ngày để liên lạc với gia đình.

Các thành viên nữ Đội Công binh trong trang phục áo dài truyền thống tại Abyei, châu Phi (Ảnh: ĐCB1)

Vợ chồng Thượng úy Vũ Hồng Thủy quê ở Thái Bình, nhưng cả hai đều công tác và sinh sống tại Ninh Bình, nên khi chị Thủy đi làm nhiệm vụ ở châu Phi, việc chăm sóc, đưa đón con cái học hành là một vấn đề khá nan giải do không có họ hàng hỗ trợ. Tuy nhiên, chia sẻ với những băn khoăn của vợ, chồng chị Thủy đã cố gắng sắp xếp công việc để đảm bảo việc đưa đón các con. Các con chị cũng rất tự giác, biết tự chăm lo khi bố đi làm và mẹ công tác xa nhà. Nhờ đó, chị luôn cảm thấy vững tâm để làm nhiệm vụ. 

Không phải “vướng bận” nhiều về chuyện chăm sóc con cái như chị Thủy vì các con đã lớn, chị Đặng Thị Lý cho biết: “Chính các con đã động viên tôi rất nhiều khi biết mẹ sẽ đi công tác xa trong vòng 1 năm. Khi tôi vẫn còn cảm thấy băn khoăn, lo lắng thì chồng con là những người động viên để tôi yên tâm công tác. Điều này là nguồn động lực lớn đối với tôi”.

                                                                                                                                                                                 Ảnh: Kiều Giang 

Cũng nhận được sự ủng hộ vững chắc từ hậu phương, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Nội truyền nhiễm, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại Nam Sudan chia sẻ: Chồng chị là quân nhân nên hiểu được nhiệm vụ lần này của chị tuy khó khăn, vất vả nhưng là niềm tự hào của cả gia đình. Anh luôn động viên, tìm hiểu thông tin về đất nước, con người Nam Sudan để vợ có sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt. Bố chồng bác sĩ Thanh Hải cũng là quân nhân, đã từng tham gia những nhiệm vụ xa gia đình hàng năm nên ông rất hiểu và thông cảm cho con dâu. Trước khi chị Hải sang Nam Sudan, bố chồng chị đã tự đi xe máy hơn 40km mang chè xanh, hạt giống rau cho chị để chuẩn bị cho thời gian công tác ở xa nhà. Những sự chu đáo đó từ hậu phương đã khiến chị xúc động và cảm thấy thật may mắn khi được cả nhà ủng hộ để hoàn thành tốt công việc.

Những "bông hồng thép" trên mảnh đất châu Phi 

Trước khi trở lại Nam Sudan với vị trí Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC 2.4), Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga từng là sĩ quan tham mưu tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS). Chị là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một sĩ quan tham mưu, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga tiếp tục được lựa chọn để có mặt trong đội hình lãnh đạo của BVDC 2.4.

 
leftcenterrightdel  Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga (đứng giữa) và các nữ quân nhân của Bệnh viện Dã chiến 2.4 (Ảnh: BVDC2.4)
 

Với công việc hiện nay, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga bộc bạch: “Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tôi mong muốn sẽ là chỗ dựa tinh thần của các chị em trong BVDC2.4 (những người lần đầu thực hiện nhiệm vụ). Chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn, gian khó, rèn luyện phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng,... cần thiết để làm tốt công tác dân vận, là sứ giả hòa bình đối với người dân các nước sở tại, nhất là phụ nữ và trẻ em nghèo”.

Trung tá Hằng Nga chia sẻ, những chuyến đi thực tế, tiếp cận với cuộc sống người dân đã cho chị những trải nghiệm khó quên, giúp chị thấu hiểu và đồng cảm ơn với họ. Gần khu vực địa bàn nơi BVDC 2.4 đóng quân, một số ngôi làng vẫn bị ngập trong nước mênh mông (nước gần đến mái nhà) do ảnh hưởng của đợt lũ lụt lịch sử trong mùa mưa năm ngoái. Người dân phải bỏ làng, tìm đến chỗ cao hơn để làm nhà. Những ngôi làng mới vì thế mọc lên, đông người chen nhau ở trong những ngôi nhà tạm bợ, xiêu vẹo,... Và một mùa mưa mới lại bắt đầu, những ngôi nhà dựng tạm ấy không biết sẽ trụ được trong thời gian bao lâu. Thỉnh thoảng có dịp, chị cùng các đồng nghiệp của BVDC 2.4 lại đến thăm và trao những phần quà nhỏ bé, chia sẻ với những vất vả, khó khăn của họ.

“Nhờ công việc, tôi mới có thể đến những nơi mà các nữ quân nhân chúng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được đặt chân đến. Nhờ công việc, tôi có cơ hội nhìn thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn và thấy được giá trị cuộc sống hòa bình của đất nước chúng ta", Trung tá Hằng Nga cho biết.

 Các nữ quân nhân của BVDC 2.4 cùng các em nhỏ tại Bentiu, Nam Sudan (Ảnh: Sỹ Công)

Cũng trong tâm thế “trở lại châu Phi”, Thượng tá Nguyễn Thị Liên – sỹ quan CIMIC, Đội Công binh số 1 chia sẻ: “Lần thứ hai nhận nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trên lĩnh vực khác so với nhiệm vụ trước, bản thân tôi không hề do dự. Tôi luôn nghĩ rằng “mình có thể làm được” để tạo cho mình động lực lên đường. Bước vào công việc thực tế trên địa bàn, với cương vị là cán bộ dân vận – cầu nối giữa quân dân và các cơ quan liên ngành, bản thân tôi có được cơ hội trải nghiệm, thử sức ở lĩnh vực mới. Nếu như trước đây, tôi tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi với vai trò là sỹ quan tham mưu huấn luyện thì bây giờ tôi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ trong hoạt động quân – dân kết hợp (CIMIC) của Đội Công binh, tiếp xúc nhiều hơn với lĩnh vực xây dựng, cầu đường, làm quen nhiều hơn với sắt thép, xi măng, máy cẩu, máy kéo.... Tôi có cơ hội được có thêm những trải nghiệm mới. Điều đó thật tuyệt vời”.

Chị Liên cho biết, những tháng đầu tiên làm việc tại Cộng hòa Trung Phi, chị là thành viên nữ duy nhất trong đoàn sỹ quan Việt Nam làm nhiệm vụ ở quốc gia châu Phi nhiều khắc nghiệt. Còn giờ đây, tại khu vực Abyei, chị là một trong những thành viên nhiều tuổi nhất trong đội hình nữ công binh. Dù ở cương vị nào, tại địa bàn hoạt động nào, chị cũng luôn tâm niệm việc ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ được giao thì cần luôn giữ gìn hình ảnh về người phụ nữ Việt Nam, mọi việc làm của mình phải thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ của một dân tộc anh hùng. Đó là trung hậu, đảm đang, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và nỗ lực hết mình để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Nói về Thượng tá Nguyễn Thị Liên, đồng nghiệp tại các nước vẫn nhắc về chị với câu chuyện về 800 chiếc khẩu trang “made by Lien” mà chị đã tự đi thuê máy khâu, tự đi mua vải và mang về may. Những chiếc khẩu trang quý giá mà chị Liên tự may sau mỗi giờ làm việc để tặng các nhân viên Phái bộ  Liên hợp quốc và người dân thực sự là món quà ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở một nước nghèo như Cộng hòa Trung Phi vào thời điểm năm 2020. Với nghĩa cử này, chị Liên đã được nhận thư khen từ Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi. Thư khen có câu: “Lòng nhân từ bác ái, tấm lòng hào hiệp và sự nỗ lực hết mình của cô ấy đã thể hiện được giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc. Cô ấy xứng đáng là Đại sứ tuyệt vời của Việt Nam”.

 Thượng tá Nguyễn Thị Liên cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (Ảnh: ĐCB1)

Chiếc máy khâu mà chị Liên sử dụng để may khẩu trang, bức tranh vẽ của trẻ em Nam Sudan tặng Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga,… vào tháng 4/2022 vừa qua đã được trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – là các hiện vật quý giá, bằng chứng sinh động ghi nhận những đóng góp của nữ quân nhân Việt Nam và tình cảm của người dân bản địa đối với những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Nói về những kết quả đã làm được của bản thân, các chị khiêm tốn cho rằng, đó đơn thuần chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ. Các chị luôn cố gắng để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, để làm gương cho con cái và sẽ rất vui nếu như những cố gắng đó góp phần làm lan tỏa nét đẹp về nữ quân nhân, hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong thời bình./.

Bài 1: Công binh Việt Nam lần đầu thực hiện nhiệm vụ quốc tế

Bài 2: Tiếp nối sứ mệnh gìn giữ hòa bình của quân y Việt Nam

Bài 4: Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình

 

 

 

Thực hiện: Kiều Giang
29/06/2022 14:20
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN