Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 3: Thay đổi mô hình, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, gia tăng cạnh tranh

Thứ Tư, 19/10/2022 17:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, để quá trình chuyển đổi số hợp tác xã (HTX) đạt hiệu quả, cần chú ý tới ba nguồn lực quan trọng, gồm tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực. Song song là hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin từ Liên minh HTX tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế, cấp ủy và chính quyền các địa phương.

Trong báo cáo tại Diễn đàn chuyển đổi số khu vực kinh tế tập thể, HTX vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, áp dụng IoT cần được tiến hành theo lộ trình, theo đó trước hết HTX cần khuyến khích các hộ thành viên hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, từng bước thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư IoT nói riêng và thực hiện chuyển đổi số nói chung trong hoạt động sản xuất của HTX đòi hỏi phải đầu tư tài chính lớn. Chính vì vậy, các HTX nên thực hiện thí điểm áp dụng IoT trên diện tích nhỏ trước, mô hình thành công sẽ thúc đẩy các hộ thành viên đầu tư; các HTX cần tận dụng sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tài chính của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước; HTX cần có kế hoạch và tích cực tham gia vào các liên kết chuỗi để tổ chức sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn, nâng cao giá bán đối với nông sản. Nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh gia tăng là điều kiện và động lực để thành viên HTX đầu tư tài chính cho việc áp dụng IoT nói riêng và thực hiện chuyển đổi số nói chung.

 Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo (Ảnh: PV)

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, để áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thành công, các HTX nông nghiệp cần đảm bảo một số nguồn lực cơ bản như cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực. Chuyển đổi số cần phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực..., tránh “lệch pha” giữa công nghệ và khả năng vận dụng.

“Chuyển đổi số tại các HTX muốn thành công cần thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ, sự thay đổi này không chỉ bắt đầu từ đội ngũ cán bộ quản lý mà còn cần sự tham gia của từng thành viên HTX” – ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Hiện nay, tỷ lệ thành viên HTX có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản, trình độ chủ yếu ở mức tiểu học và trung học cơ sở. Theo kết quả khảo sát, mức độ hiểu biết và kỹ năng số của thành viên HTX đạt mức trung bình, mức độ sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số hạn chế, năng lực chuyển đổi số của thành viên HTX vẫn ở mức độ dưới trung bình; nhân lực phục vụ chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin tại các HTX còn nhiều hạn chế về năng lực; hầu hết các HTX đều trông chờ vào các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động trong phát huy sức mạnh nội lực của HTX để giải quyết tình trạng trên; HTX không đủ năng lực tài chính cũng như chưa đủ khả năng tích lũy, mở rộng đầu tư, do đó không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí theo quy định. Ngoài ra, chính sách của Nhà nước chỉ hỗ trợ một tháng lương tối thiểu vùng, khoảng 3 triệu đồng, với thời gian tối đa 36 tháng, HTX không có tiền trả thêm để tuyển dụng lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc.

Từ thực tế đó, người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp. Trước tiên, cần xác định việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, trong đó, chú trọng xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Theo đó cần thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, ứng dụng bản đồ tra cứu thông tin thổ nhưỡng, thủy văn, sản lượng nông sản, thủy sản trên cả nước và chi tiết từng tỉnh, thành để người nông dân có thể tra cứu và áp dụng nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp cấp trung ương và địa phương được hoàn thiện sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để xây dựng, áp dụng các ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin tại các HTX nông nghiệp. Ví dụ, phần mềm kiểm soát sâu bệnh được xây dựng dựa trên kho dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây… và phần mềm sẽ đánh giá, so sánh với dữ liệu hiện có để đưa ra dự đoán sự xuất hiện sâu bệnh và có thể phòng bệnh ngay giai đoạn đầu. Giải pháp này cần được thực hiện ở cấp trung ương với sự tham gia của các bộ, ban ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… Ở địa phương, UBND tỉnh/thành phố cần có sự chỉ đạo giao cho các Sở liên quan chủ trì dự án xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp.

Đồng thời, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực tại các HTX nông nghiệp: Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ một phần tài chính cho các HTX thu hút nhân lực có trình độ cao về làm việc; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trên các phương tiện truyền thông. Trong đó cập nhật, phổ biến những xu thế ứng dụng công nghệ số mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như Internet kết nối vạn vật, AI, công nghệ robot,…; đẩy mạnh tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ áp dụng công nghệ thông tin và năng lực chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và thành viên HTX. Nội dung đào tạo, tập huấn cần bám sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, từng ngành, từng đối tượng tham gia. Bao gồm kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính, kế toán, sản xuất, sử dụng nền tảng thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nông sản… giúp giảm chi phí, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực quản lý HTX, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường; tổ chức các hoạt động tham quan, học tập mô hình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong khu vực kinh tế tập thể, các HTX trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu vốn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin của các HTX. Nhu cầu vay vốn hiện nay và trong những năm tới của HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh thúc đẩy áp dụng công nghệ thông tin trong ngành nông nghiệp. Xem xét cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ Phát triển HTX từ vốn đầu tư công năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 để mở rộng tín dụng hỗ trợ vốn cho HTX phát triển sản xuất, kinh doanh là thật sự cần thiết, góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho thành viên cũng như sự phát triển bền vững của các HTX, một thành phần kinh tế quan trọng, không thể tách rời trong tổng thể nền kinh tế của nước ta.

Song song là hỗ trợ về hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin: Trước hết, cần hỗ trợ các HTX nông nghiệp sớm có trụ sở làm việc, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương sớm quy hoạch, dành quỹ đất cho HTX xây dựng trụ sở, văn phòng, kho, xưởng sản xuất. Trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch, địa phương nên xem xét có chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để HTX thuê đất xây dựng trụ sở hoặc thuê trụ sở, kho bãi và xưởng sản xuất. Các tổ chức quốc tế có thể xem xét hỗ trợ không hoàn lại một phần chi phí nhà xưởng, kho bãi, kho lạnh, dây chuyền sản xuất cho các HTX đủ điều kiện, đáp ứng được tiêu chuẩn của các chương trình tài trợ, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chuyển đổi số phải bắt đầu từ việc số hóa dữ liệu, qua đó các HTX cần có thiết bị cơ bản là máy vi tính kết nối Internet trong khi hiện nay nhiều HTX chưa có máy tính, hoặc có thì đã lạc hậu. Chính vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có thể xem xét trích một phần ngân sách kết hợp với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ trang thiết bị cơ bản như máy vi tính kết nối cho những HTX cam kết thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Thêm vào đó là hỗ trợ HTX sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số: Hỗ trợ chuyển giao sử dụng các phần mềm kế toán, quản lý chữ ký số, bảo vệ dữ liệu số tại các HTX; lựa chọn các HTX trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nông nghiệp để chuyển giao sử dụng một số ứng dụng chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin phù hợp cho từng lĩnh vực. Những HTX này hoạt động hiệu quả sẽ tạo lực đẩy thúc đẩy các HTX khác tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để các HTX được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại; hỗ trợ HTX thiết kế, nâng cấp website của HTX theo hướng chuyên nghiệp hơn, đầy đủ chức năng bán hàng như: giỏ hàng trực tuyến, tích hợp thanh toán trực tuyến, chức năng quản lý hoạt động khuyến mãi trực tuyến; hỗ trợ HTX tham gia các nền tảng thương mại điện tử (tùy theo quy mô HTX, đối với HTX quy mô lớn với sản phẩm đủ tiêu chuẩn, sản lượng đều và ổn định thì có thể xem xét hỗ trợ chi phí tham gia xuất khẩu thông qua các trang thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazon,… Với các HTX có quy mô nhỏ hơn thì xem xét hỗ trợ tham gia các trang thương mại điện tử trong nước như Lazada, Tiki, Shopee,....); thúc đẩy xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của địa phương hoặc ở khu vực. Sàn giao dịch có thể giao cho một HTX chuyên về công nghệ quản lý, vận hành; khi triển khai giải pháp này cần chú ý tùy theo lĩnh vực hoạt động HTX sẽ có nhu cầu sử dụng nền tảng ứng dụng chuyển đổi số khác nhau.Trong lâm nghiệp thì HTX cần được đầu tư nhiều hơn vào ứng dụng công nghệ trong quy trình quản lý chất lượng, kiểm soát rừng và ứng dụng thương mại điện tử là không cần thiết vì lĩnh vực này đầu ra đã được bao tiêu. Trong lĩnh vực trồng trọt, với sản phẩm cây ăn trái thì ngoài nhu cầu sử dụng ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất như tưới tự động, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhật ký điện tử,… thì còn cần tham gia các trang thương mại điện tử, sử dụng website, mạng xã hội để thương mại hóa sản phẩm. Như vậy, mỗi mô hình HTX  trong lĩnh vực khác nhau khi tham gia chuyển đổi số thì cần có sự hỗ trợ linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí.

 Chuyển đổi số là xu hướng hiện tại và phù hợp thực tế (Ảnh: HNV)

Ngoài ra, hỗ trợ thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp ở từng địa phương: Ứng dụng công nghệ cao và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động yêu cầu các HTX nông nghiệp phải đầu tư chi phí lớn, sẽ là không hiệu quả khi đầu tư và sử dụng công nghệ cho HTX có quy mô nhỏ và vừa, nhưng sẽ hiệu quả hơn khi cùng một công nghệ được sử dụng trên quy mô đủ lớn và cho nhiều HTX khác nhau. Giải pháp có thể được thực hiện nếu một HTX đầu tư công nghệ sử dụng cho chính HTX của mình đồng thời cung ứng dịch vụ cho các HTX khác hoặc thành lập HTX chuyên cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp ở từng địa phương. Thực hiện được giải pháp này sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí đầu tư ban đầu của các HTX. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và các tổ chức quốc tế có thể xây dựng cơ chế chính sách, thực hiện biện pháp hỗ trợ để thành lập các HTX chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ cao cho từng tỉnh, thành phố.

Hơn nữa, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương dành nhiều sự quan tâm hơn tới các HTX nói chung và trong quá trình chuyển đổi số nói riêng, xây dựng những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ về nguồn nhân lực, tài chính trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số, hỗ trợ HTX sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số (trong hoạt động quản lý, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm), hỗ trợ thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao ở các địa phương,... hướng dẫn cụ thể, thiết thực hơn nữa, phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của HTX, giúp HTX có thể áp dụng hiệu quả hơn những hạng mục trong quá trình chuyển đổi số. Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục quan tâm, hướng dẫn các HTX về chuyển đổi số, làm cầu nối giữa HTX với Nhà nước và các tổ chức kinh tế khác nhằm hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực HTX. Theo đó, kiến nghị Nhà nước có thể đầu tư, xây dựng một nền tảng hệ sinh thái số dùng chung cho các HTX để hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, giúp HTX tận dụng, tiếp cận đúng hướng, nhanh và hiệu quả hơn với quá trình chuyển đổi số.

Thêm nữa, các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho HTX theo chuyên ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành đang quản lý, điều hành trên cơ sở những nội dung đã được phân công thực hiện theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Các ngành chức năng phối hợp trong quan tâm hỗ trợ, có quy định riêng, cụ thể đối với HTX về công tác đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, kỹ năng số, kiến thức về chuyển đổi số; các cơ quan quản lý cử cán bộ có chuyên môn, chuyên gia trong lĩnh vực về giải pháp chuyển đổi số khảo sát trực tiếp, trao đổi với HTX, thành viên, người lao động nắm rõ về chuyển đổi số và có hướng dẫn trực tiếp các bước thực hiện cụ thể. Được hỗ trợ, giúp đỡ về cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ quá trình chuyển đổi số hoặc hỗ trợ kinh phí để HTX tự hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng; được cung cấp thông tin về những sáng kiến khoa học, công nghệ ứng dụng mới, có khả năng tích hợp, chuẩn hóa quy trình hoạt động sản xuất của HTX.

Chính phủ giao bổ sung nhiệm vụ cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam được thực hiện một số nội dung hỗ trợ HTX về chuyển đổi số như xây dựng các chương trình đào tạo hỗ trợ chuyển đổi số và phân tích kinh doanh cho các HTX; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ HTX thực hiện chuyển đổi số. Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế tập thể, HTX); trong đó, giao hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện một số chương trình như chuyển đổi số, đào tạo cán bộ quản trị HTX, đào tạo nghề cho người lao động và thành viên HTX, kiểm toán HTX, xúc tiến thương mại, tuyên truyền, vận động và tư vấn pháp lý và quản trị kinh doanh, tín dụng và bảo hiểm cho HTX.

Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa HTX, THT với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; thực hiện chính sách xúc tiến thương mại và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có khoản mục riêng hỗ trợ HTX; cung cấp cho HTX và doanh nghiệp thông tin về thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Âu...; hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách, xử lý hàng rào kỹ thuật hàng hóa xuất khẩu của các nước, kết nối HTX với Sàn giao dịch thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Lazada, Shopee, Voso, Postmart…), hỗ trợ chi phí thường niên hằng năm cho HTX tham gia các Sàn giao dịch thương mại điện tử nước ngoài (Alibaba, Amazon...).

Ban hành, sửa đổi cơ chế tín dụng tạo điều kiện cho HTX và thành viên, nhất là ở địa bàn nông thôn vay và sử dụng vốn có hiệu quả từ tổ chức tín dụng và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; ban hành quy định tín dụng nội bộ HTX; sửa đổi quy định cho phép Quỹ tín dụng nhân dân mở rộng cho vay ngoài thành viên, nhất là ở địa bàn nông thôn; sửa đổi quy định cho vay không có tài sản bảo đảm đối với HTX, thành viên HTX, hộ nông dân tăng lên gấp 2 - 3 lần so với quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cấp bổ sung vốn cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương 500 - 1.000 tỷ đồng để có khả năng mở rộng cho vay đối với HTX phù hợp quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021.

Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia có quỹ đất dành cho HTX phát triển vùng chuyên canh lớn, xây dựng Cụm công nghiệp chế biến, Trung tâm hỗ trợ phát triển HTX; sửa đổi Luật Đất đai, tăng cường quản lý thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho HTX được chuyển nhượng, thuê đất để đầu tư trụ sở, cơ sở sơ chế, chế biến, logistic, phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn theo chuỗi giá trị.

Bổ sung HTX là đơn vị tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030; sửa đổi quy định về phân loại HTX cho thống nhất giữa Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đối với các địa phương, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương có diện tích đất phát triển vùng chuyên canh, dành diện tích đất cho HTX, LHHTX, THT đầu tư Cụm công nghiệp chế biến, đầu tư phát triển các Trung tâm chế biến cung ứng dịch vụ và hỗ trợ cho HTX theo hình thức PPP, sử dụng vốn đầu tư công và nhượng quyền khai thác cho HTX, LHHTX. Hoàn thiện cơ chế quản lý, cấp bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021; các địa phương chưa có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thì giao cho Liên minh HTX  cấp tỉnh xây dựng Đề án, thành lập và khẩn trương đi vào hoạt động để hỗ trợ vốn tín dụng cho HTX và thành viên./.

Hân Nguyễn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN