Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 3: Phát huy vai trò của văn nghệ sĩ trong xây dựng và củng cố hệ giá trị Việt Nam thời kỳ mới

(ĐCSVN) - Xây dựng và củng cố các hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới là một "cuộc chiến" lâu dài, khó khăn, phức tạp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, trong đó văn nghệ sĩ – tầng lớp tinh hoa của dân tộc, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cổ vũ, lan tỏa và đưa các hệ giá trị thấm sâu vào cuộc sống.

Xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, khoa học, nhân văn cho thế hệ văn nghệ sĩ

V

ăn nghệ sĩ là một bộ phận của đội ngũ trí thức Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá văn hóa. Không chỉ tác phẩm mà cả lối sống, phát ngôn… của họ cũng tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo tầng lớp nhân dân. Nhận ra vai trò và sứ mệnh vô cùng to lớn của văn nghệ sĩ - lực lượng tinh hoa trong xã hội, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”. Qua mỗi chặng đường của cách mạng Việt Nam, Đảng ta cũng đã nhận rõ vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là nhận ra yêu cầu cấp bách của việc vận động, tổ chức, định hướng và lãnh đạo để các tầng lớp tinh hoa của dân tộc đem tài năng, trí tuệ và nhiệt tình yêu nước của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Không chỉ bây giờ mà từ thủơ “mang gươm đi giữ nước”, ông cha ta đã biết dùng văn chương nghệ thuật là vũ khí để làm “xiêu đình đổ quán”, tạo nên sức mạnh vũ bão cho các đoàn quân. Còn nhớ “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn năm xưa đã hiệu triệu được toàn quân đồng sức, chung lòng quyết tâm đánh giặc, bảo vệ bờ cõi quốc gia. Một áng văn chính luận đanh thép, vẻn vẹn có vài ngàn từ nhưng đã có sức lay động, cổ vũ, khích lệ toàn quân, khiến cho muôn người như một, quyết tâm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù. Những chiến thắng vang dội sau đó chính là minh chứng cho sức mạnh hơn cả triệu gươm đao của bài hịch…

Cũng trên trận tuyến đánh quân thù, bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt cũng có sức công phá ghê gớm, được ví như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền, bảo vệ biên giới lãnh thổ bằng chính những vần thơ bất hủ. Lý Thường Kiệt đã “thổi” vào đó sức mạnh đoàn kết, khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn quân và dân ta, làm khiếp đảm tinh thần quân địch.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, nhiều mất mát, hy sinh của dân tộc ta là kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cũng nhờ có văn nghệ sĩ luôn đồng hành cùng dân tộc, dũng cảm hy sinh, xung kích trong mặt trận tư tưởng, tạo ra hàng ngàn tác phẩm cổ vũ, khích lệ để toàn dân, toàn quân sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, tạo nên những thắng lợi vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo nhấn mạnh: Hiện thực hóa các hệ giá trị nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, trong đó văn nghệ sĩ có vai trò quan trọng đặc biệt. 

Có thể khẳng định, trên trận tuyến chống quân thù, các văn nghệ sĩ chính là những chiến sĩ đã “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Dù không trực tiếp xung trận nhưng chính những người con ưu tú, những tinh hoa của dân tộc, bằng trách nhiệm, tài năng, trí tuệ đã tạo ra những giá trị tinh thần vô cùng to lớn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại hòa bình, độc lập cho toàn dân.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, dù có những bước phát triển thăng trầm, nhưng văn học, nghệ thuật vẫn tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt, tiên phong của mình, xứng đáng là ngọn đuốc nhân văn, dẫn lối, “soi đường cho quốc dân đi”. Với môi trường sáng tạo mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển, các văn nghệ sĩ có nhiều điều kiện để sáng tạo, được cổ vũ, động viên kịp thời, chưa bao giờ văn học nghệ thuật lại nở rộ và có một "gương mặt" phong phú như hiện nay. Hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm thực sự trở thành những “giai điệu tự hào” vang vọng, cổ vũ bao thế hệ người Việt Nam lao động, cống hiến dựng xây đất nước và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

Đặc biệt, mới đây nhất, trong cuộc chiến chống dịch COVID - 19 đầy cam go, gian khổ, không chỉ có sự góp mặt của các lực lượng nơi tuyến đầu, mà các văn nghệ sĩ, lực lượng tuyến sau cũng đã trở thành những “chiến sĩ” xung kích trên mặt trận chống giặc không tiếng súng. Trong suốt 2 năm qua, đã có hàng trăm ca khúc âm nhạc và những tác phẩm nghệ thuật khác ra đời, trở thành thứ vũ khí đặc biệt để chống lại “kẻ thù vô hình” là giặc dịch, đồng thời cổ vũ, động viên lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu và toàn dân chung tay chiến đấu và chiến thắng đại dịch COVID - 19.

Tại Hội thảo này, các chuyên gia nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng, củng cố, hoàn thiện và đưa  các hệ giá trị lan tỏa thấm sâu vào trong cuộc sống

Không chỉ đóng góp những sản phẩm tinh thần vô cùng giá trị là sức mạnh mềm, tạo sức mạnh nội sinh để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, các văn nghệ sĩ còn đóng góp cả vật chất góp phần trực tiếp đánh đuổi giặc đói, giặc dốt, thiên tai, dịch bệnh…, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Rõ nhất là trong cuộc chiến chống lại COVID - 19, bằng uy tín, ảnh hưởng của mình, các nghệ sĩ đã kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước ủng hộ rất nhiều trang thiết bị y tế và tiền bạc để chúng ta có thêm nguồn lực đẩy lùi dịch bệnh, san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Hay trong mỗi lần bão lũ, thiên tai, đã có không ít các văn nghệ sĩ đứng ra kêu gọi cộng đồng và các fan hâm mộ chung tay giúp đỡ, xông pha đến tận nơi để giúp đỡ bà con gặp khó khăn hàng trăm tỷ đồng… Hễ lúc nào đất nước lâm nguy, khó khăn nhất, hầu hết văn nghệ sĩ đều sát cánh, đồng hành và tận hiến cho dân tộc, xứng đáng với vai trò là lực lượng tinh hoa, ưu tú được nhân dân và đất nước ngưỡng vọng, tự hào.

Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, thế hệ văn nghệ sĩ - chiến sĩ luôn khẳng định được vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ luôn xung kích trên trận tuyến chống thù mà văn nghệ sĩ với sứ mệnh cao cả, luôn đồng hành, cổ vũ, động viên nhân dân lao động, sáng tạo, hướng tới chân - thiện - mỹ, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Đây cũng chính là mục tiêu, là khát vọng cao nhất mà dân tộc ta luôn hướng tới.

Trong nhiều kỳ Đại hội, Đảng ta đã từng nhận định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực xây dựng và phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam”. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) cũng khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...”. Những tác phẩm mà văn nghệ sĩ sáng tạo nên không chỉ là tài sản, là báu vật tinh thần, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của quần chúng nhân dân mà cao hơn, văn học, nghệ thuật còn định hướng, dẫn dắt nhân dân hướng tới những giá trị cao quý, những tương lai tươi sáng và những khát vọng chân chính. Chính vì vậy, văn học, nghệ thuật hay văn hóa đều có sứ mệnh cao cả là “Soi đường cho quốc dân đi”.

Những tác phẩm tốt sẽ góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh con người Việt Nam. Ngược lại, những tác phẩm xấu, "núp bóng" văn hóa, văn chương, thể hiện sự tha hóa về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận văn nghệ sĩ sẽ là những đứa con tinh thần lạc lối, thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, chà đạp truyền thống lịch sử, làm ô uế thuần phong mỹ tục của dân tộc, nguy hại tới sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, muốn xây dựng các hệ giá trị Việt Nam, đặc biệt là hệ giá trị văn hóa: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học có lẽ phải bắt đầu bằng việc xây dựng nhân sinh quan, thế giới quan đúng đắn, khoa học, nhân văn cho thế hệ văn nghệ sĩ. Văn học nghệ thuật có chức năng chủ yếu là nhận thức - giáo dục - thẩm mĩ. Nhưng người tạo ra những tác phẩm này lại chính là những nghệ sĩ. Chính vì vậy, thế giới quan, nhân sinh quan của các nghệ sĩ sẽ được soi rọi và thể hiện rất rõ qua từng tác phẩm.

Với một lực lượng hùng hậu hơn 45 ngàn văn nghệ sĩ hiện đang sinh hoạt trong các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức hội và hàng ngàn nghệ sĩ tự do, hàng năm cho ra đời hàng chục ngàn tác phẩm thuộc đủ các loại hình nghệ thuật, làm phong phú, thậm chí chi phối đời sống tinh thần của nhân dân. Nếu như biết tận dụng, biết khai thác sức mạnh từ lực lượng đặc biệt này sẽ tạo nên sức mạnh mềm, cũng như nguồn lực vô cùng quan trọng để phát triển đất nước, đặc biệt là xây dựng các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam.

Ngay từ thủơ lọt lòng, mỗi người sinh ra đã được “tắm” mình trong những khúc hát ru. Rồi trong quá trình khôn lớn, trưởng thành mỗi người cũng được nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn từ truyền thống, từ những lời răn dạy của cha, mẹ, ông, bà trong gia đình, những câu chuyện kể dân gian, hay kho tàng ca dao tục ngữ phong phú... đây chính là sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật đầu tiên định hình nên chuẩn mực của mỗi con người và cũng tạo dựng nên nền tảng đạo đức trong gia đình, xã hội...

Văn nghệ sĩ, trí thức, tầng lớp tinh hoa của dân tộc đóng vai trò đặc biệt trong việc lan tỏa các hệ giá trị, để các hệ giá trị thấm sâu vào cuộc sống.

Văn nghệ sĩ là người của công chúng, luôn có lượng độc giả, khán giả lớn nên có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội. Niềm vinh dự ấy cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho văn nghệ sĩ là cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu trong đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc, có chính kiến cá nhân chuẩn mực, tránh để các phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc… Sức hút và sự lan tỏa đặc biệt của các văn nghệ sĩ đòi hỏi họ phải là những tấm gương chuẩn mực để các fan học theo. Còn nhớ, một thời hiện tượng "Hàn Quốc hóa" đã xâm nhập vào Việt Nam khiến cho một bộ phận rất đông giới trẻ học và sống theo phong cách của các nghệ sĩ Hàn Quốc. Không cần phải tuyên truyền hay kêu gọi, mà chỉ qua phim, ảnh, qua Internet, trong mắt của bộ phận giới trẻ, những Idol Hàn Quốc mới thực sự là những tấm gương để họ học theo. Vì vậy, nếu như các nghệ sĩ xây dựng cho mình được một hình ảnh đẹp với lối sống lành mạnh và phong cách chuẩn mực sẽ tạo ra một sức hút cũng như sự lan tỏa đặc biệt trong xã hội.

Thực tiễn đã chứng minh, một bộ phim hay, một vở kịch hấp dẫn, một bài hát xúc động… có sức lay động lòng người, có thể chinh phục và xây dựng những giá trị tốt hơn hàng ngàn lời kêu gọi, hô hào suông. Vì vậy, việc phát huy vai trò của các văn nghệ sĩ cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng, củng cố và đưa các hệ giá trị của đất nước trong thời kỳ mới thấm sâu vào trong cuộc sống là một trong những việc làm vô cùng quan trọng và cấp thiết để thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu mà Đảng đã đặt ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn, xây dựng môi trường nghệ thuật hướng thiện

Văn học nghệ thuật cũng như văn nghệ sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước cũng như xây dựng, củng cố và lan tỏa những hệ giá trị tốt đẹp của Việt Nam. Thế nhưng, trong thực tế, không phải tất cả các văn nghệ sĩ đều có nhận thức đúng đắn, có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ đời thường, gắn mình với vận mệnh của đất nước, sáng tác những tác phẩm “vị nhân sinh”. Trong chiến tranh cũng như trong thời bình, đã có không ít văn nghệ sĩ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc, đứng về chiến tuyến bên kia, chống lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Một số văn nghệ sĩ bị tha hóa về tư tưởng chính trị, có tư duy lệch lạc. Hay trong cơ chế thị trường, một bộ phận văn nghệ sĩ thiếu sáng tạo, thụ động, thiếu khát vọng, chạy theo thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân ttrước mắt, thậm chí sa ngã, phạm tội… Đây rõ ràng là những “Con sâu làm rầu nồi canh”, vấy bẩn lên hình ảnh đẹp đẽ và sứ mệnh cao cả của văn nghệ sĩ.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Vai trò xây dựng văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ảnh được tầm vóc, của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực... và nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách phản cảm, không có chọn lọc...".

Văn kiện Đại hội XIII Đảng cũng đã nêu nhận định: “Vẫn còn một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ chưa ý thức rõ bổn phận của mình đối với đất nước, chưa tâm huyết, chưa đầu tư nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ. Cá biệt có một số trí thức, văn nghệ sĩ chưa mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ chính kiến, thậm chí né tránh hoặc lợi dụng danh nghĩa để đưa ra các ý kiến, quan điểm sai trái. Một số văn nghệ sĩ dễ dàng “chiều” theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, tìm cách quảng bá những tác phẩm chống đối chế độ, xuyên tạc nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số lãnh tụ tiền bối,…”.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: Những hành vi lệch chuẩn của các văn nghệ sĩ đang là vấn đề đáng lo ngại nhất trong đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay.  
 

Bàn về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: Đây có lẽ là vấn đề nhức nhối, đáng lo ngại nhất hiện nay đối với văn nghệ sĩ. Trong kỷ nguyên số, mở cửa và hội nhập, chúng ta có nhiều điều kiện để văn nghệ sĩ cũng như văn học, nghệ thuật phát triển nhưng hiện nay lại có một bộ phận không nhỏ văn nghệ sĩ bộc lộ những hạn chế, yếu kém, tụt hậu, không chỉ gây cản trở cho sự phát triển lành mạnh của văn học, nghệ thuật nước nhà mà còn nguy hại tới sự phát triển của đất nước.

Nguy hiểm hơn, hiện nay có không ít những “nghệ sĩ thị trường” muốn nổi tiếng, muốn “đánh bóng” tên tuổi đã dùng scandal, hành xử thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực, phản cảm ngoài đời và trên không gian mạng..., gây bức xúc trong công chúng. Sự lệch lạc trong nhận thức, hành xử của các văn nghệ sĩ sẽ tạo dựng nên những sản phẩm không chuẩn mực, làm sai lệch, thậm chí đảo lộn, nhiễu loạn giá trị thẩm mỹ và nhân văn trong đời sống văn học, nghệ thuật cũng như việc bồi đắp, định hướng cho những chuẩn mực trong cuộc sống con người.

Tiếp cận ở góc độ xây dựng các hệ giá trị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong việc xây dựng và củng cố các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cần trở thành những tấm gương sáng cho các tầng lớp trong xã hội noi theo để định hướng lối sống, nhân cách, giá trị. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, “Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Trí thức giúp khai mở cho xã hội tri thức về thế giới thì văn nghệ sĩ khai mở về cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương cho con người. Nếu như đội ngũ trí thức – tiêu biểu như những nhà Nho – đóng góp công lao rất lớn vào việc tạo ra những tác phẩm để lại dấu ấn trong văn hóa bác học, lưu truyền trong dân gian thì các văn nghệ sĩ cũng góp sức mình để các tác phẩm ấy có được sức sống trong cộng đồng, khán giả. Gần như tất cả các sản phẩm nghệ thuật truyền thống đều hướng đến việc giáo hóa đạo đức, để từ đó dòng chảy văn hóa truyền thống, những giá trị đạo đức cộng đồng được lan tỏa, tạo thành sức mạnh văn hóa giúp dân tộc trường tồn”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, trong việc xây dựng và củng cố các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cần trở thành những tấm gương sáng cho các tầng lớp trong xã hội noi theo để định hướng lối sống, nhân cách, giá trị. 
 

Một trong những nhiệm vụ của văn nghệ sĩ là bám sát vào cuộc sống mô tả thế giới, phải hướng tới tác động tích cực để thay đổi, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy có hiện tượng không ít trí thức, văn nghệ sĩ chưa thực sự dấn thân, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, xa rời thực tiễn. Còn thiếu các tác phẩm, hình tượng nhân vật, công trình khoa học xứng tầm thời đại, làm vẻ vang đất nước. Công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn yếu, chưa có khả năng dẫn dắt thị hiếu công chúng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa đất nước, đạo đức của cá nhân trong giai đoạn hiện nay.

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, văn nghệ sĩ hoạt động trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn thậm chí phải hy sinh, nhưng văn học, nghệ thuật vẫn phát triển vượt bậc và xuất hiện rất nhiều tác phẩm có giá trị, hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem. Những tác phẩm đó truyền cảm hứng mạnh mẽ, tạo động lực, khơi dậy sức mạnh nội sinh để toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thử thách, giành chiến thắng. Còn bây giờ, đất nước hoà bình, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhiều chính sách ưu đãi, động viên trí thức, văn nghệ sĩ, vậy mà văn học, nghệ thuật dường như lại chững lại, dè dặt, cầm chừng.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày 12/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định: “Gần đây chưa có những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm với sự cố gắng của nhân dân ta, sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước ta trên trường quốc tế…”.

Chúng ta đang bước vào năm thứ 2 thực hiện chiến lược về văn hóa, văn nghệ của Đảng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, vì thế rất cần phải xây dựng được một nền văn học hướng thiện, có những tác phẩm xứng tầm, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để làm được điều này, trước tiên, chúng ta phải thanh lọc được môi trường văn học, nghệ thuật cũng như văn nghệ sĩ thực sự trong lành. Các văn nghệ sĩ phải thực sự là những “ong thợ” đem mật ngọt để xây đời. Trong thời kỳ mở cửa và hội nhập sâu rộng, các văn nghệ sĩ phải thực thực sự nhập cuộc với tâm thế dâng hiến, thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm vinh quang của mình.

Tạo môi trường sáng tác thông thoáng, bồi dưỡng, đào tạo văn nghệ sĩ sống có lý tưởng, khát khao cống hiến

Để các văn nghệ sĩ thực sự phát huy được hết tài năng, trí tuệ sáng tạo được những tác phẩm đỉnh cao gắn với sứ mệnh người cầm bút, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà nói riêng và trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam nói chung, luôn cần đến sự nỗ lực, quan tâm của toàn xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, trực tiếp của Đảng và sự quan tâm của Nhà nước trong việc giải quyết các cơ chế chính sách, tháo gỡ những khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh cho văn nghệ sĩ sáng tạo. Trước tiên, các cơ quan, tổ chức quản lý văn học, nghệ thuật cần nhạy bén, nỗ lực, đổi mới hơn nữa nhằm phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, những cây bút xuất sắc, bồi dưỡng, đào tạo kịp thời để có những tác phẩm xứng tầm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung đầu tư, hỗ trợ hơn nữa cho văn học, nghệ thuật, để văn học nghệ thuật thật sự có nguồn lực mạnh mẽ vươn cao. Theo thống kê hiện nay, đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng còn thấp so với định mức, chưa tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và kém hiệu quả, chưa khuyến khích, động viên được văn nghệ sĩ cống hiến tích cực và hết sức mình cho sự phát triển của văn học nghệ thuật… Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều năm nay chúng ta chưa có được những tác phẩm đỉnh cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng đã đặt ra đối với văn học, nghệ thuật cũng như văn nghệ sĩ…

Còn nhiều giải pháp căn cốt khác, thế nhưng, thiết nghĩ, giải pháp quan trọng nhất có lẽ vẫn nằm ở chính những chủ thể là các văn nghệ sĩ. Bên cạnh việc rèn luyện, mài sắc ngòi bút để phát huy tài năng của mình thì các văn nghệ sĩ cần phải nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân, gắn bó sâu sắc hơn nữa với đời sống, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị bồi đắp, phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần ngày càng cao của bạn đọc… Trong chiến tranh, dù cho điều kiện khó khăn, gian khổ gấp nhiều lần bây giờ nhưng với nhiệt huyết và tinh thần nhập cuộc, cống hiến, các nghệ sĩ vẫn sáng tác được rất nhiều tác phẩm giá trị, sống mãi cùng thời gian. Chính vì vậy, để làm được điều này, trước hết, mỗi văn nghệ sĩ phải ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm lớn lao của mình, không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi và nâng cao nhận thức, hiểu biết, bản lĩnh văn hóa, chính trị, vốn sống, vốn hiểu biết để sáng tạo nên những tác phẩm xứng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Để văn học nghệ thuật cũng như giới văn nghệ sĩ thực sự làm nòng cốt, dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ sống có lý tưởng, khát khao cống hiến...  

Cùng chung quan điểm này, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Để văn học nghệ thuật cũng như giới văn nghệ sĩ thực sự làm nòng cốt, dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật…; đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa, nhất là chế độ lương, phụ cấp..., các điều kiện hoạt động cần thiết; tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà; cần chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa nghệ thuật…

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng để đưa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam vào cuộc sống, không chỉ có tác phẩm mà cả lối sống, hình ảnh, phong cách…, mọi hoạt động của văn nghệ sĩ đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến công chúng và đời sống xã hội... Vì vậy, xây dựng, củng cố và lan tỏa các hệ giá trị này trong cuộc sống rất cần xây dựng, định hướng cho các văn nghệ sĩ một phong cách, lối sống, tư tưởng chuẩn mực, phù hợp. Để đưa các hệ giá trị trở thành các chương trình và có những kết quả cụ thể, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đến giờ phút này chúng ta làm hơi chậm, phần lớn vẫn nằm ở trên những hệ lý thuyết, những hệ nghiên cứu mang tính khoa học, tổng kết nhiều hơn là những giải pháp cụ thể để chúng ta triển khai đưa vào thực hành trong thực tiễn. Muốn đưa các hệ giá trị vào cuộc sống nhanh, mạnh và hiệu quả nhất, chúng ta phải biết tận dụng và sử dụng sức mạnh của văn nghệ sĩ, của văn học nghệ thuật. Nếu như mỗi một văn nghệ sĩ là những con người hoàn thiện, sống có lý tưởng, có khát khao, có nhiệt huyết sẽ truyền tải những sáng tạo chuẩn mực vào trong cuộc sống, tạo chuyển biến, thấm nhuần trong quần chúng nhân dân./.

Bài 1: Khát vọng và đích đến của toàn dân tộc

Bài 2: Để những hệ giá trị thật sự là mạch nguồn và động lực thúc đẩy, phát triển đất nước 

Bài 4: Phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng các hệ giá trị Việt Nam thời kỳ mới

(Còn nữa)

Kim Thoa
13/12/2022 17:00
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN