Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

(ĐCSVN) – Vào thời điểm hầu hết mọi người đều đang say sưa với giấc ngủ đêm thì có những  điểm trường vẫn sáng ánh đèn. Đó là những điểm trường mầm non vùng biên giới Gia Lai đón trẻ lúc 0 giờ, để bố mẹ các em yên tâm đi cạo mủ cao su…

Do công việc thu hoạch mủ cao su rất đặc thù, nhiều vợ chồng trẻ làm công nhân ở các công ty thuộc Binh đoàn 15 phải dậy sớm đi cạo mủ cao su từ lúc  nửa đêm. Không có ông bà hay người thân gửi trông con, họ phải đưa con đến trường gửi các cô trông giúp.

 

Mùa cạo mủ cao su của các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 trên địa bàn tỉnh Gia Lai thường bắt đầu từ tháng 4 đến dịp cuối năm. Vào mùa công nhân đi cạo mủ, cứ đến 0 giờ, khi tiếng kẻng phát lệnh của đơn vị vang lên, cũng là lúc các cô giáo tại các điểm trường mầm non trực thuộc Binh đoàn 15 trên địa bàn huyện Đức Cơ, huyện Chư Prông lại thức dậy mở cửa và đón trẻ.

Tại các lớp học mầm non bình thường, sau khoảng thời gian ban ngày ở lớp, trẻ sẽ về nhà với cha mẹ để sáng hôm sau lại tiếp tục đến trường. Nhưng với các “lớp học lúc 0 giờ”, thì trẻ sẽ có giấc ngủ đêm tại trường và các cô giáo sẽ thay cha mẹ chăm sóc giấc ngủ, bữa ăn cho trẻ. Có người nói vui rằng, với các lớp học lúc 0 giờ, việc đầu tiên của trẻ khi đến trường là để… ngủ!

 Những cô bé, cậu bé  mắt nhắm, mắt mở  được bố mẹ đưa đến trường vào lúc nửa đêm để  các cô trông nom và chăm sóc (Ảnh: Ngọc Sơn)

Những đứa trẻ đang dở giấc ngủ say dường như cũng đã quen với việc đến trường vào lúc 0 giờ, nên lúc sang tay từ bố mẹ, các em lại có thể tiếp tục ngủ sau khi được cô vỗ về. Nhưng có những em còn nhỏ đang trong tay mẹ ấm, khi chuyển sang tay cô thì giật mình, tỉnh giấc, các cô phải dỗ mãi mới nín.

Cô Mai Thị Hiền (Điểm trường đội 8 – Trường mầm non Hoa Hướng Dương, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) cho biết: “Có cháu mới có 3,4 tháng tuổi. Khi bố mẹ gửi trông đêm, các cô phải dậy pha sữa cho bé uống rồi ru võng ngủ. Rồi cũng có hôm các cháu quấy khóc, các cô phải thức suốt để trông”.

Cũng theo cô Hiền, có những cháu hầu như một ngày chỉ ở với cô, vì bố mẹ bận đi làm nên gửi từ lúc 0 giờ sáng, đến 4h30 – 5h chiều mới đón về, rồi đến gần 0h đêm lại mang đi gửi. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, nên trường học cũng là nhà của các cháu. Và các cô giáo ở đây thay phiên nhau trực 24/24 giờ để khi nào bố mẹ cần gửi trẻ là có người đón tại Điểm trường. Điểm trường đội 8 hiện đang trông 43 cháu, trong đó số lượng cháu gửi tại trường từ lúc 0 giờ dao động trong khoảng 20 – 25 cháu.

 Vào mùa cạo mủ cao su, các công nhân có con nhỏ đều phải mang gửi con tới các lớp học ban đêm của trường mầm non trong Binh đoàn 15. (Ảnh: NVCC) 

Cô Trần Thị Thảo về công tác tại Điểm trường đội 9 (Trường mầm non Hoa Hướng Dương) được 2 năm. Với cô Thảo môi trường lúc mới đi làm khác nhiều so với cuộc sống của cô trước đó. Gia đình cô Thảo ở thị trấn, trong khi điểm trường ở vùng xa, cách nhà 14 km. Do mới đi làm chưa có nhiều kinh nghiệm, học sinh tại điểm trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên rào cản đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò. Ban đầu số lượng các cháu đi học chưa nhiều, nên các cô phải đến từng nhà để vận động cha mẹ cho các cháu đi học.

“Có một cháu nhỏ 8 tháng tuổi, khi bố mẹ gửi thì cháu gào khóc. Các cô cố dỗ nhưng cháu bé vẫn không chịu nín đến tận sáng. Những hôm như vậy thì cô không được ngủ, trong khi sáng ra vẫn phải tiếp tục công việc”- Cô Thảo chia sẻ.

Hiện nay, cô Thảo đã quen với công việc chăm trẻ, nhất là trong những khung giờ đặc biệt như vậy. Cô Thảo hiện cũng có con nhỏ trong độ tuổi nhà trẻ, hằng ngày, hai mẹ con cô cùng đến trường. Ngày bình thường thì sáng đi chiều về, những hôm mưa gió và phải trực đêm thì hai mẹ con cô ở lại trường, cùng các bạn nhỏ khác có giấc ngủ đêm tại lớp học để bố mẹ các em đi cạo mủ cao su.

 

Nói về các lớp học mở cửa lúc 0 giờ, cô Nguyễn Thị Kim Duyên – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hướng Dương (Xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, Gia Lai) cho hay: Đảng ủy – Ban Giám đốc Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) và Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học tập, vui chơi, nghỉ ngơi. Đặc biệt, với những lớp học đón trẻ vào ban đêm, cơ sở vật chất luôn được trang bị đầy đủ (chăn màn, giường đệm, võng,…) để đảm bảo giấc ngủ và sức khỏe cho các cháu. 

 
 Nhờ có lớp học ban đêm, các phụ huynh yên tâm gửi con nhỏ để tham gia lao động, sản xuất. (Ảnh: NVCC)

Theo cô Duyên, Trường mầm non Hoa Hướng Dương hiện có 01 điểm trung tâm, 8 điểm trường trải dài trên 4 xã khó khăn của huyện Chư Prông. Trong đó, có 5 điểm trường đón trẻ lúc 0 giờ để phụ huynh đi cạo mủ cao su. Tại những điểm trường này, phần lớn các cháu là người dân tộc thiểu số nên sự tương tác giữa cô và trò cũng gặp những khó khăn nhất định trong giao tiếp ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt. Các cô phải dành nhiều thời gian để làm quen với trẻ và để trẻ thích nghi với môi trường lớp học.

Điểm trường Đội 5 (Trường mầm non Công ty 78, Binh đoàn 15) cũng là một trong số những điểm trường có lớp học đặc biệt mở cửa đón trẻ vào ban đêm. Lớp học đặc biệt giữa những nông trường cao su giúp các công nhân có thể gửi gắm con em mình để yên tâm với công việc, nhất là đang trong giai đoạn cao điểm khai thác và chế biến mủ cao su. 4 tháng cuối năm là lúc điểm trường này đông kín học sinh mầm non và mẫu giáo vào ban đêm. Cô Nguyễn Thị Hồng cùng các cô giáo khác của điểm trường Đội 5 đã quen với lịch làm việc khác thường này từ gần 20 năm nay. Cô Hồng chia sẻ, vào ban đêm trẻ khóc rất nhiều. Nhiều cháu cứ khóc đòi theo bố mẹ về, các cô phải bế dỗ trẻ để bố mẹ yên tâm làm việc.

 Các cô tại các điểm trường mầm non thuộc Binh đoàn 15 chăm sóc giấc ngủ cho các cháu khi bố mẹ đi cạo mủ cao su vào ban đêm. (Ảnh: NVCC)

Cứ vào mùa cạo mủ cao su, lần lượt 4 đứa con của chị Y Bỉ (công nhân Công ty 78, Binh đoàn 15) lại được gửi đến các lớp mở vào ban đêm khi ở độ tuổi mầm non. Chị gửi con đến lớp vào lúc nửa đêm, đến khoảng 6 giờ sáng chị đón về, sau đó 7 giờ lại đưa con đến lớp để nhờ các cô chăm sóc cả ngày. Nhờ những lớp học ban đêm như vậy, chị có thể yên tâm đi làm trong gần 10 năm nay tại các nông trường cao su.

Thực tế cho thấy, không chỉ là nơi trông giữ trẻ thông thường, những điểm trường  mầm non ở vùng biên giới Gia Lai còn là điểm tựa tinh thần để hàng chục nghìn công nhân cao su yên tâm lao động, ổn định đời sống, phát triển kinh tế và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng./.

Bài 1: Sự quan tâm đặc biệt với công tác giáo dục mầm non

Bài 2 Địa chỉ giáo dục tin cậy của người dân vùng biên

Bài 4: Cô giáo vùng biên hết lòng vì con trẻ

Bài 5: Giáo dục mầm non quân đội góp sức vào sự nghiệp giáo dục chung của cả nước

                                                                                                                                                                                (Còn nữa) 
Nhóm PV Thời sự
22/07/2023 09:36
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN