Cải cách hành chính - khâu đột phá trong phát triển kinh tế
Với việc luôn xác định, CCHC là khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, do đó, trong thời gian qua, Bình Dương đã cải tiến mạnh mẽ, đồng loạt trên tất cả các mặt. Đầu tiên là việc chủ động, quyết liệt trong sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở đủ trình độ năng lực, có tinh thần trách nhiệm trong thực thi cũng như có khả năng đảm nhận nhiệm vụ được giao.
Đối với việc giải quyết Thủ tục hành chính (TTHC), Bình Dương là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng mô hình một dấu, một cửa để các nguồn lực được khơi dậy và khai thông, lan toả đều khắp vào nền kinh tế. Bình Dương đã sớm thành lập Trung tâm Hành chính tập trung và thực hiện thủ tục hành chính một cửa, đẩy mạnh số hoá.
Khắc phục những hạn chế bất cập và để tạo ra bước đột phá trong cải cách TTHC nhằm tạo ra một môi trường hành chính thông thoáng, chính quyền thân thiện, Bình Dương đã nghiên cứu, học tập mô hình về cơ chế tổ chức, quản lý hoạt động của Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả một số nước trên thế giới và tỉnh, thành trong nước.
Để nâng cao hiệu quả của TTHC, tỉnh đã cắt giảm 30% số lượng TTHC, đơn giản hóa số TTHC còn lại. |
Trong quá trình phát triển, Bình Dương không ngừng đổi mới và hoàn thiện cải cách hành chính. Đến nay, đã có 100% UBND xã, phường, thị trấn đã kết nối vào Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến, tra cứu hồ sơ một cửa. Việc đánh giá cán bộ, công chức được xây dựng trên cơ sở phù hợp với nội dung, yêu cầu trong thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cũng được thu thập nghiêm túc, khách quan thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin.
Để nâng cao hiệu quả của TTHC, tỉnh đã cắt giảm 30% số lượng TTHC, đơn giản hóa số TTHC còn lại. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đã thực hiện công khai 100% TTHC công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Đồng thời, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã cung cấp 1.905 dịch vụ công (DVC) trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, có 681 DVC trực tuyến toàn trình để có thể thực hiện TTHC tại nhà, 1.014 DVC trực tuyến một phần và 677 DVC được tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương hiện đã đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp với giao diện đơn giản, thân thiện. Các tính năng nổi bật bao gồm tìm kiếm TTHC dễ dàng, đăng nhập bằng tài khoản VNeID, thanh toán trực tuyến, chữ ký số công cộng và eForm tự động điền thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia. Người dân và doanh nghiệp không cần nhập lại thông tin, có thể ký số và nộp trực tuyến; ngoài ra, có thể theo dõi trạng thái hồ sơ qua email, Zalo Bình Dương SmartCity và Ứng dụng Bình Dương Số để cập nhật thông tin kịp thời.
Bình Dương ra mắt Trung tâm Phục vụ hành chính công một cửa sáng 2/12/2024. |
Theo kết quả đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương xếp hạng 01/63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, theo kết quả của Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (Bộ chỉ số 766), Bình Dương xếp hạng 08/63 tỉnh, thành phố.
Tiếp tục đổi mới, đầu tháng 12/2024, UBND tỉnh Bình Dương ra mắt và vận hành giai đoạn 1 Trung tâm phục vụ hành chính công. Bình Dương là một trong 5 địa phương đã được Chính phủ chọn thí điểm Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp.
Theo đó, Trung tâm sẽ là đầu mối, là điểm đến duy nhất để tiếp nhận và xử lý tất cả các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi tối đa cho mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, với mục tiêu "phục vụ nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm", mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công Bình Dương ra đời nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính công một cách công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số trên địa bàn. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cán bộ, ý thức trách nhiệm, nhất là về kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Đồng thời, việc giảm số lượng bộ phận một cửa sẽ giúp giảm số lượng nhân sự, tinh giản bộ máy, tiết kiệm nguồn ngân sách nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Những nỗ lực về CCHC đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương.
Mỗi ngày, Bình Dương đều phấn đấu không ngừng để có một nền hành chính hoàn thiện hơn, phù hợp với thực tiễn, hiện đại và chuyên nghiệp. Như đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng chia sẻ: "Việc cải cách hành chính không có điểm dừng, bởi quy định pháp luật luôn luôn thay đổi, công nghệ luôn thay đổi, yêu cầu người dân ngày càng tăng. Do đó, chúng ta phải thay đổi để làm ngày càng tốt hơn".
Tiền đề quan trọng cho quá trình chuyển đổi số
Bình Dương xác định, CCHC vừa để phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước. |
Bình Dương xác định, CCHC vừa để phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước. Bình Dương cũng đặt mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh dựa trên nguyên tắc và mục tiêu "hành chính phục vụ, người dân - doanh nghiệp là trung tâm - công nghệ là dẫn dắt - dữ liệu là quan trọng". Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là CCHC gắn với chuyển đổi số. Việc hiện đại hóa hoạt động hành chính của Bình Dương là điều hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Trên thực tế, có thể thấy Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại cơ quan được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống mạng nội bộ; thiết bị phần cứng, đường truyền internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn thông tin, cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý nghiệp vụ tại đơn vị. Hệ thống dữ liệu đã được triển khai tập trung tại Trung tâm dữ liệu tỉnh, đồng bộ nhiều nền tảng, phần mềm, ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh. Các trang thiết bị đảm bảo an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại, thường xuyên cập nhật, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ…
Hiện, toàn tỉnh có 18/18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 09/09 đơn vị hành chính cấp huyện, 91/91 đơn vị hành chính cấp xã đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại với hệ thống các thiết bị phục vụ được đưa vào vận hành đồng bộ, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin, kết quả TTHC nhanh chóng, chính xác, mọi lúc, mọi nơi.
Bình Dương cũng đang phấn đấu nâng cao tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lên 80%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên 50% và tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến từ 75% trở lên. Đồng thời, sẽ triển khai DVC trực tuyến liên thông và toàn trình trong các lĩnh vực trọng điểm như: y tế, giáo dục, lao động, tài nguyên, môi trường, kinh doanh và xây dựng.
Bên cạnh đó, việc làm sạch dữ liệu dân cư và cấp Căn cước công dân (CCCD) cho người dân đến tuổi cấp CCCD được Bình Dương duy trì, kết hợp với việc tích hợp tài khoản định danh điện tử cho người dân đủ điều kiện. Mục tiêu của Bình Dương là đảm bảo 100% người dân có thẻ CCCD gắn chíp cũng sẽ có tài khoản định danh điện tử để sử dụng, đồng thời triển khai thành công các mô hình điểm của Đề án 06 ("Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đây là một phần quan trọng trong tổng thể Chương trình Chuyển đổi số quốc gia).
Bình Dương đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong cải cách hành chính. |
Qua việc áp dụng công nghệ số và quản lý dữ liệu hiệu quả, Bình Dương hy vọng xây dựng một hệ thống chính quyền điện tử và chính quyền số tiên tiến, giúp tăng cường sự phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh. Điều này không chỉ giúp Bình Dương phát triển phù hợp với thực tiễn mà còn là địa phương đi đầu trong tiến trình phát triển, khi cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Như Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu của mình đã khẳng định rõ, chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của các đơn vị, góp phần hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính. Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 - 2025 đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính tỉnh Bình Dương dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân; nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ theo vị trí việc làm, có uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội./.