(ĐCSVN) - Ngay trong lúc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Hà Nội đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm cung cấp đủ ít nhất trong vòng 3 tháng và dài hơi hơn với giá cả ổn định. Cùng với đó, thành phố vẫn luôn quan tâm, tạo điều kiện để nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa gắn với an toàn chống dịch...
Đáp ứng đầy đủ, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng
Còn nhớ, theo quan sát của chúng tôi vào 6 giờ ngày 24/7, thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lượng người đến mua sắm tại các siêu thị và chợ dân sinh đông hơn ngày thường. Tại nhiều hệ thống siêu thị VinMart, Big C hay các chợ dân sinh, lượng hàng hóa nhanh chóng được bổ sung. Ghi nhận tại siêu thị Big C (phố Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân), hàng loạt kệ hàng, trong đó các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, hải sản... đều sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân. Các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt, trứng, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, mì gói... đầy ắp.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan) cho biết: Sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng dịch, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 lần đối với hàng thực phẩm thiết yếu; trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Tại Hà Nội, VinCommerce hiện có 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart+… Tập đoàn Masan đã tăng công suất hoạt động sản xuất của các nhà máy lên mức tối đa nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt....
Và lượng hàng hóa dồi dào đó không chỉ nhiều trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách mà trong suốt gần 4 tháng qua, người dân Hà Nội không phải lo lắng vì câu chuyện “đứt gãy” hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men thiết yếu. Kết quả đó là do mặc dù thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động để bảo đảm phòng, chống dịch.
Dù có thời điểm một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa do liên quan tới các ca nhiễm COVID-19 dẫn đến việc vận chuyển gặp khó khăn, nhưng chính quyền địa phương và các đơn vị đã triển khai đa dạng các hình thức cung ứng hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, trên địa bàn Thủ đô không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến, nếu có chỉ là tình trạng cá biệt tại một, hai khu vực trong thời gian rất ngắn và được điều chỉnh rất kịp thời.
Người dân Hà Nội không phải lo lắng vì câu chuyện “đứt gãy” hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men thiết yếu |
Trao đổi với chúng tôi, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Sở Công thương đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng 1 tháng với giá trị 21 nghìn tỉ đồng. Các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa từ 30%-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, Sở Công thương tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối. Chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường biện pháp để khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân…
Các quận, huyện, thị xã cũng xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng lưu động trong tình huống dịch COVID-19 phức tạp, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã bố trí, khi các điểm phân phối phải đóng cửa; 9 quận nội đô đã tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ Nhân dân trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Thành phố đã trưng dụng một số địa điểm phù hợp để làm nơi tập kết hàng hóa tạm thời, giảm tải cho các chợ đầu mối.
Mặt khác, các hệ thống phân phối cũng đa dạng hình thức bán hàng như: Trực tuyến, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/7.... Vận động người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin đến các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các hộ kinh doanh trong chợ, website, ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online (Grab, Now, Baemin, GoFood…)
Để đảm bảo an toàn, các địa phương áp dụng phương thức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho hộ gia đình. |
Một số quận đã lập nhóm Zalo giữa Nhân dân trên địa bàn với các đơn vị phân phối để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa thuận tiện, hạn chế đi lại. Khi có các khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện, thị xã đều có phương án cụ thể cung cấp nhu yếu phẩm cho Nhân dân, bố trí các lực lượng phối hợp đơn vị phân phối trên địa bàn để phục vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân một cách nhanh nhất.
Để đảm bảo an toàn, các địa phương áp dụng phương thức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho hộ gia đình. Theo đó, mỗi phiếu chỉ cho một người đi và một lần vào chợ. Thậm chí, có những nơi còn quy định cụ thể khung giờ được phép vào chợ mua hàng, như ở phường Thanh Xuân Nam, người dân cầm thẻ đi chợ đúng giờ quy định. Chị Nguyễn Thị Hiền Hòa, tổ 4, phường Khương Mai, Thanh Xuân cho rằng: “Tôi thấy việc phát phiếu đi chợ rất hữu ích. Do cấp thẻ đi chợ thì dễ kiểm soát được người ra vào giúp việc truy vết nếu có ca nhiễm thuận lợi hơn. Đây cũng là hình thức kiểm soát được lượng người ra vào chợ tránh việc tập trung quá đông người. Tôi cùng gia đình hoàn toàn ủng hộ cách làm này của thành phố”. Ngoài ra, chị Hòa cho rằng việc sử dụng phiếu đi chợ là một trải nghiệm hết sức mới lạ, đặc biệt sẽ là kỷ niệm khó quên.
Duy trì sản xuất gắn với an toàn chống dịch
Không chỉ quan tâm đến việc phân phối, không để “đứt gãy” chuỗi cung ứng hàng hóa, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội cùng cộng đồng doanh nghiệp, người lao động đã nỗ lực để bảo đảm vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố vẫn tạo ra hàng nghìn việc làm mới cho người lao động.
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất làng nghề vẫn được phép hoạt động nếu có kế hoạch sản xuất an toàn và ký cam kết bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người lao động. Trong thời gian vừa qua, tại các Khu công nghiệp, có 549 doanh nghiệp được phê duyệt phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “2 tại chỗ” hoặc hỗn hợp các phương án; trong đó, có 535 doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng số lao động tham gia sản xuất trong đợt giãn cách vừa qua có 110.000 lao động (đạt 68%).
Để duy trì hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều mô hình giúp doanh nghiệp hoạt động trong hoàn cảnh dịch bệnh. Đáng chú ý là mô hình "Tổ an toàn COVID-19" với 4.337 doanh nghiệp thành lập 11.504 tổ và 50.615 người tham gia; hay mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" đã được triển khai hiệu quả tại rất nhiều quận, huyện.
Mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" đã được triển khai hiệu quả tại rất nhiều quận, huyện |
Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam có hơn 700 cán bộ, người lao động. Ông Hoàng Văn Tiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, tổ “An toàn COVID-19” của Công ty được thành lập ngay khi Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai triển khai, từ tháng 5/2021 và duy trì hoạt động hiệu quả trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, Công ty triển khai thực hiện mô hình "vùng xanh doanh nghiệp". Với mô hình này có 60 người làm việc "3 tại chỗ"; 100% người lao động được xét nghiệm hằng tuần; 95% người lao động được tiêm vắc xin mũi 1 và 5% được tiêm vaccine mũi 2…
Ông Phạm Hoàng Long, Giám đốc Công ty ICHI Việt Nam cho biết, với mô hình "vùng xanh doanh nghiệp", người lao động của đơn vị được xét nghiệm hằng tuần. Mỗi buổi sáng, các tổ an toàn COVID-19 đều có báo cáo tình hình, nếu phát hiện ai có yếu tố dịch tễ đều được công ty cung cấp que thử. Riêng với "1 cung đường 2 điểm đến", công ty yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm, chỉ từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại, tuyệt đối không gặp gỡ, tiếp xúc người khác…
Cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt 480 tỷ đồng (dự kiến cả năm đạt 630 tỷ đồng) ông Nguyễn Ngọc Chung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, áp dụng phương án "3 tại chỗ" và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tại Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, khu công nghiệp Quang Minh, việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch cũng đã giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. 9 tháng năm 2021, giá trị sản xuất, kinh doanh đạt 480 tỷ đồng, ước cả năm đạt 630 tỷ đồng. Năm 2021, doanh nghiệp dự kiến nộp ngân sách 22 tỷ đồng…
Phó Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, để thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch trong sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, Ban đã đề nghị các doanh nghiệp quản lý chặt chẽ người lao động làm việc tại doanh nghiệp (kể cả lao động của các nhà thầu phụ); thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn và cập nhật trên bản đồ antoancovid.vn và trên hệ thống khai báo trực tuyến covid.hiza.hanoi.gov.vn của Ban Quản lý. Thành lập Tổ xét nghiệm tự nguyện tại doanh nghiệp, phối hợp với các đơn vị đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người lao động định kỳ. Có phương án kiểm soát dịch bệnh trong quá trình giao, nhận hàng hóa, nguyên vật liệu, linh kiện, thực phẩm… đảm bảo phòng, chống dịch.
Đến nay, nhằm phục hồi, thúc đẩy các hoạt động sản xuất bám sát theo tiến độ khống chế dịch bệnh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trên địa bàn thành phố, tạo nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp còn duy trì Ban chỉ đạo, Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện Kế hoạch phòng chống dịch và các phương án xử trí khi có các trường hợp nghi mắc; ký cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định với quận, huyện nơi doanh nghiệp hoạt động...
Đối với sản xuất hàng hóa, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp chủ động có phương án thích ứng với dịch bệnh, chuyển đổi số, tổ chức lại sản xuất kinh doanh bảo đảm vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Hà Nội triển khai tổ chức sản xuất an toàn, ổn định ở “vùng xanh” để cung ứng hàng hóa cho “vùng đỏ”. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố cũng đã triển khai tổ chức sản xuất an toàn, ổn định ở “vùng xanh” để cung ứng hàng hóa cho “vùng đỏ”; tổ chức cho người dân thu hoạch rau màu, vụ lúa hè thu... Tại huyện Hoài Đức, các xã Vân Côn, Song Phương, Tiền Yên, Cát Quế, Minh Khai, Vân Canh là những địa bàn trọng điểm sản xuất rau ăn lá các loại, đậu đũa, mướp ngọt, mướp đắng, ngô, cà tím, cà xanh... Sản lượng rau, củ, quả toàn huyện đạt khoảng 50 tấn/ngày. Do thực hiện giãn cách, huyện đã xây dựng, triển khai phương án tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nông dân. Đồng thời, thành lập Tổ chỉ đạo, điều phối cung - cầu các mặt hàng nông sản, thực phẩm cấp huyện, xã. Nhờ đó, dù dịch bệnh phức tạp, nhưng 8 tháng qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2020.../.
Bài 1: Chung sức, đồng lòng chống "giặc" dịch
Bài 2: Bảo vệ “trái tim” Hà Nội trước biến cố lớn
Bài 4: Có một Hà Nội nghĩa tình như thế!
Bài 5: Đi từng bước thận trọng, chắc chắn để phục hồi kinh tế