Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để di sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội điều ai cũng có thể nhìn thấy đó là thông qua du lịch.

Theo thống kê mới nhất từ Cục Di sản văn hóa, hiện cả nước có hơn 40.000 di tích được đưa vào Danh mục kiểm kê, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh, 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận; 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 571 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và hàng ngàn Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được phong tặng những năm gần đây.

Đây rõ ràng là những di tích, di sản, tài sản vô cùng quý giá góp phần định vị thương hiệu quốc gia, dân tộc. Theo PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, những di sản văn hóa này không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần khẳng định niềm tự hào dân tộc, mà còn là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, góp phần khẳng định vị thế và bản sắc văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới.

Theo PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, di sản văn hóa có vị trí quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thành quả của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian qua là thực tiễn sinh động, khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam vừa là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển.

Thực tiễn đã chứng minh, DSVH ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có di sản. Trên phương diện kinh tế, các Di sản văn hóa, đặc biệt di sản thế giới ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu Di sản thế giới của Việt Nam hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu ở trong và xung quanh các Di sản thế giới. 

Do nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và nhân dân nên từ khi các di tích, danh thắng tiêu biểu của Việt Nam được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới, số lượng khách du lịch và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ ngày càng tăng. Cụ thể, số liệu 5 năm (2016 - 2020) cho thấy, tổng số lượng khách du lịch tại các khu Di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 đón 14,3 triệu khách, năm 2019 tăng lên và đón khoảng 18,2 triệu khách. Tổng doanh thu từ bán vé tham quan, dịch vụ tại các khu Di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 khoảng 1.776 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 2.322 tỷ đồng. Từ năm 2020 do ảnh hưởng khách quan từ đại dịch COVID-19 trên toàn cầu nên số lượng du khách và doanh thu giảm hẳn.

Hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện có 200 bảo tàng, trong đó có 127 bảo tàng công lập và 73 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ hơn 4 triệu hiện vật. Các bảo tàng đang lưu giữ, trưng bày, phát huy giá trị hàng trăm bảo vật quốc gia. Theo số liệu thống kê năm 2023, Bảo tàng Hồ Chí Minh (859.636 lượt khách), Bảo tàng Lịch sử quốc gia (340.992 lượt khách), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (245.000 lượt khách), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (411.128 lượt khách), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (trên 1,1 triệu lượt khách), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (88.962 lượt khách), Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (532.629 lượt khách), Bảo tàng Quảng Ninh (739.610 lượt khách), Bảo tàng Hải Dương học (600.000 lượt khách)…, đã đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ thương mại nói chung, từ các Di sản thế giới nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của các địa phương có Di sản thế giới. Có thể minh chứng điều này qua trường hợp Khu phố cổ Hội An, với việc chính quyền và nhân dân thành phố Hội An đã đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới và đã đạt được những kết quả nổi bật, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với số lượng khách tham quan Khu phố cổ Hội An ngày càng tăng “từ gần 879 nghìn khách năm 2006 đến năm 2019 đã tăng lên gần 2,5 triệu lượt. 20 năm qua (từ khi trở thành Di sản thế giới) ngành kinh tế này đã tăng vượt bậc và hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố”. Các nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính dành cho các chi phí địa phương trong việc cải thiện cơ cở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn khu phố cổ Hội An.

Bên cạnh đó, tại các khu Di sản thế giới ở Việt Nam hình thành các tuyến, điểm du lịch (cả vùng đệm và xung quanh khu vực Di sản thế giới) với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, vừa góp phần giảm tải cho các khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại Di sản thế giới, nhất là làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Từ đó cũng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

 Muốn các di sản có sức sống mới cần phải đánh thức tiềm năng của các di sản đặc biệt thông qua phát triển du lịch.

Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản (Lễ hội Đền Sóc, Chùa Hương ở Hà Nội, Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương, Lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, Ca Huế, Lễ hội Bà Chúa Xứ An Giang, Lễ hội Ook om bok Trà Vinh, Lễ hội Kate hay Gốm Chăm ở Bàu Trúc Ninh Thuận...). Thông qua các hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu cho khách đến tham quan, nghiên cứu, các hoạt động du lịch, dịch vụ và bảo tồn Di sản thế giới đã mang lại thu nhập và lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương, từ đó tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản. Bên cạnh đó, Di sản thế giới góp phần mở rộng sự giao lưu, hiểu biết và thế giới quan của người dân, tăng cường đầu tư kinh tế cho địa phương và thúc đẩy sự hòa nhập của kinh tế địa phương vào hoạt động kinh tế chung của cả nước.

 Như vậy có thể khẳng định, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhu cầu nội tại của sự phát triển và là yêu cầu cấp thiết, ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh của đất nước, đặc biệt là đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế xã hội bền vững.

 

Tiềm năng của các di sản là rất lớn, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay chúng ta chưa đánh thức và khai thác hết được giá trị các di sản. Nhiều di sản vẫn còn bị bỏ ngỏ, cất kho, bị xuống cấp trầm trọng gây lãng phí….

Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Nguyễn Văn Hùng ngày 5-6/6/2024, nhiều đại biểu quốc hội cũng cho rằng các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với du lịch ở vùng biên giới. Tuy nhiên, ngoài những tác động tiêu cực mà hoạt động du lịch mang lại, xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch đã và đang tác động tiêu cực đến giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng và các di sản ở các địa phương.

Hành trình biến di sản thành tài sản chắc chắn không dễ dàng, thậm chí sẽ có tác dụng ngược lại nếu như chúng ta không có lộ trình và chiến lược rõ ràng cho từng di sản. 

Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Du lịch phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế.

Trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội ngày 5-6/6/2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL – Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định: Chúng ta bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH, biến các giá trị di sản thành tài sản nhưng không phải là bằng mọi giá, đặc biệt là đánh đổi với môi trường. Bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH gắn với du lịch cần phải có giải pháp mang tính bền vững đảm bảo phát triển lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người dân tộc thiểu số. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng mạnh hơn, đồng thời vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương. Qua đó, tạo sức bật cho du lịch cộng đồng phát triển, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nhiều vùng còn khó khăn.

Đặc biệt theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL – Nguyễn Văn Hùng, chúng ta cần phải xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với các di tích, các địa phương. Ví dụ dân ca, dân vũ của vùng đồng bào Tây Nguyên; Cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên; khèn Mông ở Tây Bắc…chính những nét truyền thống này là chất liệu để làm du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp. 

Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, Bộ trưởng Bộ VHTTDL- Nguyễn Văn Hùng cũng khuyến nghị: dựa trên văn hóa bản địa đặc sắc của từng vùng, từng miền, từng địa phương để chọn sản phẩm du lịch, tránh tình trạng chỗ nào cũng múa sạp, chỗ nào cũng xòe thì sẽ giống nhau. Vì thế cần tránh việc bắt chước, rập khuôn na ná nhau khi xây dựng sản phẩm du lịch ở các địa phương. Cần phải cố gắng lựa chọn dựa trên yếu tố đặc thù của văn hóa và yếu tố tự nhiên. Bộ trưởng cho rằng trong thực tiễn bà con chúng ta rất giỏi, có rất nhiều địa chỉ, có cái gùi đi nương trên Hà Giang nhưng bà con biết nghiên cứu xây ngôi nhà giống gùi để làm nhà nghỉ và tự nhiên khách thấy lạ, đăng ký rất đông để được vào nghỉ trong ngôi nhà mang biểu tượng của vùng cao. Hoặc ví dụ như người ta biết lợi dụng thác để nghĩ ra bè máng làm các sản phẩm du lịch chèo thuyền trên đó. Dựa trên những công cụ lao động sản xuất, dựa trên những nguồn lực tự nhiên có sẵn và để xây dựng những sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên nếu để người dân tự làm sẽ chỉ mang tính chất nhỏ lẻ. Vì thế trách nhiệm của các địa phương là phải hướng dẫn, định hướng cho bà con để họ nâng quy mô và chất lượng sản phẩm sao cho độc đáo, bản sắc nhưng phải sáng tạo, lành mạnh và cạnh tranh được.

Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di sản thu hút du lịch cần phải có tính độc đáo, sáng tạo và nghệ thuật cao. 

Cũng theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, hiện nay du lịch văn hóa đã đóng góp 10-15% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch, mặc dù chưa tương xứng nhưng để những sản phẩm này thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa thì không phải địa phương nào cũng làm được, đòi hỏi phải có tính sáng tạo và nghệ thuật. Thành công trong mô hình này có lẽ tiêu biểu phải kể đến Di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu - Quốc tử giám. Trước đây chủ yếu học sinh đến vào mùa thi, nhưng những năm gần đây Hà Nội đã ứng dụng công nghệ, thổi hồn vào tinh hoa đạo học thông qua hiệu ứng ánh sáng tạo thành các sản phẩm nghệ thuật lung linh vào ban đêm đã thu hút rất nhiều du khách đến thưởng ngoạn…Hay Di tích nhà tù Hỏa Lò của Hà Nội, trước đây là nơi giam giữ các nhà lãnh đạo, những chiến sĩ cách mạng yêu nước, nơi lưu giữ ký ức hào hùng của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng Hà Nội đã biết thổi hồn, biến di tích ảm đạm xưa bằng sản phẩm du lịch thực cảnh, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ cách mạng, người đảng viên Đảng Cộng sản kiên trung khiến du khách đến đây có được những trải nghiệm ấn tượng, sâu sắc….

Nói như vậy để một lần nữa khẳng định rằng tiềm năng của các DSVH là rất lớn nhưng làm thế nào để chúng ta đánh thức và tận dụng được hết những tiềm năng ấy đặc biệt trong lĩnh vực du lịch lại không phải là chuyện dễ. Nó không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực là kinh phí mà vấn đề căn bản có lẽ vẫn là nằm ở nhận thức, tư duy sáng tạo.

Bài 1: Tài sản quý giá của dân tộc

Bài 2: Chưa có hồi kết cho một số di sản kêu cứu

Bài 4: Hoàn thiện khung pháp lý, tạo "hành lang thông thoáng" bảo tồn phát huy di sản văn hóa

Bài 5: Sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân

Nhóm phóng viên
08/06/2024 10:30
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN