Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

Bài 3: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý – cơ hội cho nông sản Sơn La

(ĐCSVN) – Vốn là tỉnh “quanh năm bán sắn, bán ngô”, chỉ trong gần chục năm trở lại đây, người dân Sơn La đã phát huy thế mạnh của vùng đất dốc đưa nông sản của tỉnh phát triển, vươn lên trở thành một “hiện tượng kinh tế nông nghiệp”. Để có thành quả như hôm nay, ngoài lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất…việc phát triển gắn với thương hiệu cộng đồng là hướng đi phù hợp, giúp nông sản Sơn La vươn xa ra thế giới.

Bước “chuyển mình” mạnh mẽ

 

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sơn La là một trong những tỉnh trọng điểm về trồng cây ăn quả trên đất dốc của vùng núi phía Bắc. Không chỉ có cây ăn quả, với nền đất đỏ vàng phì nhiêu, nơi đây phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, trong đó có cà phê.

Để đưa những sản phẩm từ công nghiệp nơi đây phát triển, việc xây dựng thương hiệu gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL), bảo hộ nhãn hiệu…được chính quyền và người dân Sơn La chú trọng, định hướng nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, những năm qua các sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tăng dần về số lượng. Hiện tỉnh có 03 sản phẩm được bảo hộ CDĐL trong nước bao gồm: Chè shan tuyết Mộc Châu; quả Xoài tròn Yên Châu và cà phê Sơn La. Đó là các sản phẩm mang tính đặc thù về chất lượng và là sản phẩm chủ lực của tỉnh.

 Mô hình sản xuất cà phê sạch tại HTX Bích Thao.

Với hướng đi mang tính chiến lược, tỉnh Sơn La đã ban hành cơ chế, chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp (DN), Hợp tác xã (HTX) đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp…trong đó, phải kể đến những mô hình liên kết điển hình như Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La; HTX Bích Thao…

Được cấp CDĐL từ năm 2017, HTX Cà phê Bích Thao thuộc xã Hua La - TP. Sơn La là một trong những HTX đi đầu trong xây dựng quy mô sản xuất và xuất khẩu cà phê chất lượng cao. Đây cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến cà phê, phát triển sản phẩm theo chuỗi khép kín từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, chế biến, xây dựng thương hiệu đến khi tiêu thụ.

Với tình yêu dành cho hạt cà phê thơm ngon trồng tại đây, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao cho biết: Để liên kết những người sản xuất cà phê trên địa bàn xã Hua La - thành phố Sơn La, HTX đã tiến hành thử nghiệm các giống mới có chất lượng cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến. Đến nay, tổng số lượng cà phê vừa chế biến vừa thu mua của HTX đạt khoảng 6-8000 tấn/năm (cà phê nhân), còn cà phê rang xay là hơn 1000 tấn/năm. Hiện HTX đã cung cấp ra thị trường những sản phẩm cà phê thóc, cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột.

 Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao chia sẻ về quá trình liên kết, thu gom và sản xuất cà phê.

Theo ông Thao, từ năm 2019 đến nay, HTX của ông đã ký hợp đồng và cung cấp sản phẩm cà phê nhân cho một số đơn vị xuất khẩu. Đặc biệt năm 2020 đã tiêu thụ và xuất khẩu được trên 2000 tấn cà phê nhân với tổng doanh thu trên 60 tỷ đồng/năm. HTX vẫn duy trì xuất khẩu sang Đức và đã mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông. Bên cạnh việc xuất bán cà phê nhân HTX còn phát triển hệ thống bán lẻ cà phê bột mang nhãn hiệu cà phê Bích Thao Sơn La. Hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị, Nha Trang..

Đến thời điểm này, các sản phẩm cà phê của HTX Bích Thao ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa còn phục vụ xuất khẩu ra các thị trường khó tính tại châu Âu như Đức, Pháp, Mỹ...

Ông Thao cho biết thêm: Trước đây khi chưa được cấp quyền sử dụng CDĐL, HTX chủ yếu thu mua sơ chế và ủy thác xuất khẩu còn bây giờ đã chủ động trong việc xuất khẩu không phải thông qua khâu trung gian. Hiện nay, HTX đang đầu tư, xây dựng nhà xưởng sơ chế cà phê với công suất gần 20 tấn cà phê nhân/ngày để liên kết, bao tiêu sản phẩm với 800 hộ dân trên địa bàn các xã của thành phố Sơn La. “Việc cấp CDĐL đã mang lại thuận lợi cho các doanh nghiệp và HTX, nhiều khách hàng trong nước và ngoài nước biết đến là cà phê chất lượng cao, mang lại giá cả ổn định cho bà con”, ông Thao chia sẻ.

Tháng 10/2020 vừa qua, sản phẩm cà phê bột của HTX cà phê Bích Thao tiếp tục được ghi nhận và đánh giá cao khi được chọn làm sản phẩm OCOP tiêu biểu của Sơn La. Sản phẩm được đưa ra Hội đồng đánh giá chuyên ngành để đánh giá, phân hạng 43 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 5 sao của cả nước năm 2020.

Với sự tâm huyết và tình yêu dành cho hạt cà phê cùng sự sáng tạo trong sản xuất của những người con đất Sơn La như Giám đốc HTX cà phê Bích Thao đã góp phần không nhỏ vào việc đưa sản phẩm cà phê OCOP 4 sao của tỉnh ra thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế; góp phần khẳng định và nâng tầm thương hiệu cà phê OCOP của tỉnh Sơn La.

Cà phê bột của HTX cà phê Bích Thao được chọn làm sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Sơn La. 

Ngoài HTX cà phê Bích Thao, nhà máy cà phê Phúc Sinh của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La tại bản Mạt, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) cũng là một “thủ phủ” điển hình về thương hiệu cà phê trên đất Sơn La.

Chia sẻ với chúng tôi, các hộ gia đình trồng cà phê nơi đây cho biết: Niềm vui của họ được nhân đôi khi Nhà máy cà phê Phúc Sinh của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La đã hoàn thành đi vào hoạt động từ tháng 11/2018. Khi bắt đầu hoạt động, bên cạnh việc sản xuất và chế biến, nhà máy đã thực hiện việc đầu tư cho vùng trồng hữu cơ của bà con các huyện ở Sơn La, tiếp tục gia tăng độ chế biến sâu hơn đối với sản phẩm cà phê. Cụ thể, từ vùng trồng, nhà máy đã phối hợp cùng các hộ sản xuất, nông dân để cùng với người trồng cà phê thực hiện các yêu cầu kỹ thuật chuẩn cho việc trồng cà phê nơi đây.

Đến tận nơi “cầm tay chỉ việc”, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của nhà máy đã hướng dẫn để giúp các hộ trồng cà phê hiểu về quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách thức thu hái, phơi phóng an toàn, cách đóng gói nguyên liệu…để tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng đưa ra thị trường.

Bà Hoàng Thị Na, nông dân xã Chiềng Mung (Mai Sơn) cho biết, gia đình trồng cà phê hơn 10 năm nay, trải qua nhiều bấp bênh do cà phê khó bán. Giờ có Nhà máy Phúc Sinh về thu mua, phấn khởi lắm. “Chúng tôi yên tâm trồng cà phê, chăm bón tốt, quả to, được mùa, làm hàng sạch, bán cho nhà máy với giá tốt hơn, đỡ bấp bênh hơn trước nhiều rồi”, bà Na chia sẻ.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La: Nhà máy Phúc Sinh có quy mô 4 ha, với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, gồm các hạng mục: khu nhà xưởng chính; hệ thống xử lý nước thải; nhà văn phòng... Phân xưởng chế biến quả cà phê tươi được đầu tư máy móc đồng bộ, thế hệ mới nhất đăng ký bản quyền sáng chế tại Mỹ của tập đoàn số 1 thế giới về máy chế biến cà phê là Penagos - Columbia, cho phép sản xuất khép kín từ quả cà phê tươi theo phương pháp ướt, với công suất 20.000 tấn quả tươi/năm; khu xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, hiện đại rộng 2.600 m2, với công suất 200 m3/ngày đêm.

Việc nhà máy thu mua cà phê của nông hộ, hỗ trợ kỹ thuật, tạo công ăn việc làm là những bước đầu tiên trên hành trình đưa cà phê ra thế giới, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nhiều sản phẩm cà phê của Nhà máy cà phê Phúc Sinh tạo dựng được uy tín trên thị trường. 

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ), cho biết: Việc cà phê Sơn La được cấp chứng nhận CDĐL là một lợi thế rất lớn, bởi trong nông nghiệp, đặc biệt lĩnh vực nông sản CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó. Nói cách khác, phát triển CDĐL cho phép tạo ra lợi thế của sản phẩm nhờ những đặc trưng và sự nổi tiếng của sản phẩm đó mà các sản phẩm cùng loại khác nằm ngoài khu vực địa lý này không có được. “Vấn đề còn lại để phát triển thương hiệu cà phê Sơn La”, bà Xuyến cho biết.

Để trái mận mang "thương hiệu quốc gia"

 

Rời những khu đồi đất đỏ của cà phê, chúng tôi tiếp tục di chuyển xuống Tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Thay cho màu xanh của ngô, sắn cách đây gần chục năm, giờ đây những triền đồi, triền núi dọc tiểu khu thị trấn nông trường Mộc Châu khoác lên mình màu xanh của mận, xoài, bưởi và nhiều loại cây ăn quả khác. Tới Tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, chúng tôi ấn tượng khi đứng giữa vườn đồi mận đang chờ ngày thu hoạch.

 Anh Nguyễn Xuân Văn, Giám đốc HTX Nông sản sạch huyện Mộc Châu chia sẻ về quy trình trồng mận sạch.

Dẫn chúng tôi lên đỉnh đồi, nơi bạt ngàn những trái mận đang vào độ chín rộ, anh Nguyễn Xuân Văn, Giám đốc HTX nông sản sạch huyện Mộc Châu cho biết: Với HTX nơi đây, cây mận là cây chủ lực. Hiện nay, HTX  có 13 ha trồng mận hậu được xây dựng mã vùng trồng, 16,8 ha mận hậu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng thu được từ 20-25 tấn/năm, chủ yếu mận được bán trong nước. Tuy nhiên, riêng trong năm 2020, HTX đã xuất khẩu sang Canada trên 300kg mận. “Để đưa mận của HTX xuất khẩu sang Canada lô hàng của chúng tôi phải trải qua quá trình test và kiểm nghiệm rất kỹ, khi đã đủ điều kiện, có giấy thông quan mới được xuất”, anh Văn chia sẻ.

Là một trong những nông hộ trồng mận nơi đây, ông Hàng A Sở, nông dân tiểu khu Pa Khen chia sẻ: Gia đình ông trồng được 3 ha, với sản lượng thu được là 60 tấn/năm. “Năm nay thời tiết ủng hộ, vườn mận hậu rộng trên 3ha của gia đình tôi cây nào cũng phát triển tươi tốt và cho sai quả. Để có được những quả mận như hôm nay, HTX nông sản sạch huyện Mộc Châu đã giúp đỡ hướng dẫn chúng tôi rất nhiều từ khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy mà gia đình chúng tôi rất yên tâm trồng mận”, ông Hàng A Sở cho hay.

Cũng theo anh Văn, xuất phát từ tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả, với mục đích tập hợp, liên kết các hộ trồng cây ăn quả trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất sạch, an toàn, phát triển bền vững, HTX Nông sản sạch Mộc Châu được thành lập gồm 9 thành viên với diện tích hơn 30 ha trồng các loại cây ăn quả, như: Mận hậu, nhãn, hồng giòn, cây ăn quả có múi... Các thành viên HTX tiến hành cải tạo, thay đổi quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ các khâu chọn giống, làm đất, sử dụng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vừa khẳng định thương hiệu của HTX, tạo niềm tin cho khách hàng.

 Ông Hàng A Sở, nông dân trồng mận tại tiểu khu Pa Khen.

Với định hướng đúng trong sản xuất, thương hiệu của HTX Nông sản sạch Mộc Châu đã được nhiều người biết đến, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người dân trên địa bàn.

Hiện đang bắt đầu vào vụ thu hoạch mận hậu chính vụ năm 2021 ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Với sự hỗ trợ của HTX, bà con nơi đây hồ hởi, vui mừng khi năm nay thời tiết ổn định, cây mận hậu phát triển tốt, sai trĩu quả, đặc biệt giá mận lại tăng cao hơn so với mọi năm, giúp bà con tăng thu nhập.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hướng dẫn bà con sản xuất mận theo hướng an toàn, hữu cơ, chính quyền và các ngành chức năng Mộc Châu cũng đang đẩy mạnh việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các HTX, nông dân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như các hội chợ, tuần hàng, kết nối tiêu thụ vào các kênh có giá trị cao như siêu thị, hệ thống bán lẻ cho các loại cây ăn quả nói chung, đặc biệt là quả mận nhằm quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ.

Nâng tầm thương hiệu

 

Có thể thấy để nâng tầm cho nông sản địa phương, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc chú trọng phát triển thương hiệu cộng đồng là hướng đi phù hợp giúp nông sản Sơn La vươn xa ra thế giới.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về hướng đi mới cho phát triển nông sản, ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Sơn La cho biết: Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 3 khâu đột phá và 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp; trong đó tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển bảo vệ thương hiệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

 Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Sơn La chia sẻ về giải pháp xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu cho nông sản của tỉnh.

Trong thời gian tới, theo chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sở Khoa học và Công nghệ đang tiến hành dự án đăng ký bảo hộ sang Trung Quốc cho sản phẩm Xoài Sơn La và Nhãn Sơn La, đây là 02 sản phẩm chủ lực có diện tích và sản lượng lớn nhất trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Khiêm, để phát triển CDĐL cho các sản phẩm nói chung cần có sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp, các ngành như: UBND các huyện, thành phố có sản phẩm mang CD ĐL; các ngành: Nông nghiệp, Công thương, thuế, tài chính, kế hoạch đầu tư, thông tin truyền thông, các Hội, Hiệp hội…Bên cạnh đó, là các doanh nghiệp, HTX, cá nhân sản xuất phải tự mình có trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định để sản phẩm khi lưu thông trên thị trường có chất lượng, uy tín với người tiêu dùng.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý tại địa phương cần có các cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm mang CDĐL về thuế, đầu tư tài chính, đầu tư về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, nhằm đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị của sản phẩm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Quang An, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La cho hay, cùng với cà phê Sơn La, đến nay, đã có hơn 20 sản phẩm nông sản của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 CDĐL, 15 sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, và 3 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể.

Ông Phạm Quang An cũng cho biết, để phát triển sản xuất và khai thác hiệu quả những giá trị mà CDĐL mang lại, Sơn La luôn quan tâm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, cũng như tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi liên tục tuyên truyền, khi sản phẩm được xây dựng thương hiệu mà bán hết rồi thì không vì cái lợi trước mắt mà lấy sản phẩm ở nơi khác trộn vào… Chúng tôi cũng hết sức quan tâm làm sao để người dân, các HTX sản xuất biết và thực hiện đúng thì mới giữ vững được thương hiệu của sản phẩm”, ông An chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến - Trưởng phòng Quảng lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục phát triển thương hiệu cho 7 sản phẩm, gồm: Chuối Yên Châu; chanh leo Sơn La, mận hậu Sơn La, rau an toàn Sơn La, xoài Sơn La, nhãn Sơn La và bơ Sơn La. “Việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực làm thay đổi nhận thức của người nông dân trong sản xuất các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương; đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của bà con các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh”, bà Xuyến cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho hay, để các sản phẩm nông sản có thể mở rộng thị trường, ngoài việc tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, yếu tố đầu vào như vật tư giống cây trồng cho đến quản lý, chăm sóc, bao gói, truy xuất nguồn gốc… đều phải chuẩn, sau đó mới đưa đi giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường. Tỉnh Sơn La cũng luôn hướng tới vùng sản xuất nông sản an toàn. Do đó, tỉnh luôn hướng dẫn các HTX chuyển dần sang hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch.

  Tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng phát triển thương hiệu cho mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản; quản lý tốt các diện tích đã được cấp mã vùng trồng, tiếp tục xây dựng các mã vùng trồng mới; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP, GlobalGAP). Đồng thời, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng các cơ sở thu gom có đủ năng lực (kho lạnh, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bao bì, phương tiện vận chuyển chuyên dụng) bao tiêu và ký kết hợp đồng xuất khẩu; các cơ sở chế biến sản phẩm đủ tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu.

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, sẵn sàng hướng dẫn các doanh nghiệp Sơn La tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ địa phương lựa chọn và xây dựng phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản thế mạnh, đặc biệt các sản phẩm có CDĐL...

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định EVFTA được ký kết, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam khi nhiều dòng thuế đối với các mặt hàng rau, quả tươi được EU giảm về 0%. Tuy vậy, đây là thị trường khó tính, đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ. Với những nỗ lực về xây dựng thương hiệu, sản xuất theo chuỗi liên kết nông sản, Sơn La hứa hẹn sẽ tự tin cạnh tranh với các đối thủ trong quá trình chinh phục thị trường EU và nhiều thị trường “khó tính” mới.

(Còn nữa)

Bài 1: Chỉ dẫn địa lý – “cú huých” đưa nông sản Việt ra biển lớn

Bài 2: Bảo hộ CDĐL nước ngoài - Cơ hội lớn cho “vựa vải” miền Bắc

Bài 4: Bảo hộ CDĐL, nhập làn "cao tốc hiện đại” – Khó vẫn phải làm

Bài 5: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý: Kinh nghiệm nhìn từ thế giới

Nhóm PV Thời sự
28/05/2021 18:01
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN