Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 3: Bắc Quang: Cấp ủy, chính quyền cùng tham gia xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư, 27/09/2023 15:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để xây dựng nông thôn mới thành công và thành quả thụ hưởng là chính người dân, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó, việc xây dựng các mô hình kinh tế được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Mạnh dạn xóa bỏ cây cũ hiệu quả thấp

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ tại xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang. 

Tân Quang là xã vùng I của huyện Bắc Quang, cách trung tâm huyện 14km về phía bắc. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 1.252,7ha, với tổng sống số 1.426 hộ và 5.700 khẩu. Toàn xã có 15 dân tộc chung sống ở địa bàn 8 thôn, trong đó dân tộc kinh chiếm 65%, còn lại là các dân tộc thiểu số. Do xã nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, đường giao thông thủy bộ hài hòa, trình độ dân trí khá đồng đều nên các hoạt động kinh tế phát triển khá toàn diện. Ngành thương mại, dịch vụ chiếm 74,8% trong cơ cấu kinh tế; CNXD chiếm 17,5% cơ cấu kinh tế, còn lại 7,7% ngành nông lâm nghiệp, thủy sản. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm. Năm 2016 xã được tỉnh công nhận đạt đô thị loại V; năm 2017 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Để trở thành xã nông thôn mới là một quá trình thay đổi từ nếp nghĩ tới cách làm, trong đó, việc mạnh dạn xóa bỏ những cây, con cũ hiệu quả kinh tế thấp để đầu tư trồng mới, nuôi mới những cây, con có giá trị kinh tế tốt hơn nhưng chưa biết có thành công hay không đòi hỏi sự quyết tâm của cả Đảng bộ, chính quyền và cá nhân những người đi đầu, tiên phong, dám nghĩ và dám làm.

Đồng chí Trần Ngọc Hùng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Quang cho biết, tuy là miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân đoàn kết, cần cù, chịu khó, ham học hỏi, thực nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp. Nhưng trước kia, mọi việc đều hình thành tự phát, manh mún, tuy nhiên thành công từ các mô hình chưa nhiều.

Trước đây, ai cũng biết tới sản phẩm Cam sành Hà Giang từ những năm 1985 đến trước năm 1998, xã Tân Quang là một trong những vùng trọng điểm về trồng cây cam sành. Tuy nhiên, từ những năm 1995 cây cam tại xã Tân Quang mắc bệnh gân xanh, lá vàng nên cây cam xuống cấp, nghề trồng cam dần dần không còn là nghề chủ yếu.

Các địa phương trong huyện cũng đã tìm tòi, nghiên cứu, đưa vào khảo nghiệm nhiều mô hình để từng bước thay đổi nghề trồng cam. Tân Quang cũng vậy, đã từng thực nghiệm trồng các loại cây như: Cà phê, Thuốc lá, Cao su, Tre măng Bát độ, Luồng Thanh hóa… nhưng hầu hết là không thành công.

Năm 2010, sau nhiều năm suy nghĩ, trăn trở, cấp ủy, chính quyền xã Tân Quang đã mạnh dạn chỉ đạo cho thôn Mỹ Tân thay đổi diện tích cam xuống cấp thay thế bằng trồng hoa, cây cảnh. Bước đầu, chúng tôi chỉ vận động được gia đình đồng chí trưởng thôn và một số hộ đảng viên thực hiện trồng các loại hoa theo thời vụ. Đồng chí Trưởng thôn đã về quê cũ là các xã Nam Mỹ, Nam Điền, huyện Nam Trực, Nam định để học tập kinh nghiệm, lấy giống các loại cây để mang lên Hà Giang thử nghiệm.

Sau hơn 10 năm thí điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ban đầu chỉ có 04 hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh nay đã nhân rộng ra 40 hộ. Toàn thôn cơ bản không còn diện tích cam, diện tích lúa màu chỉ chiếm 10%.

Qua thống kê, hiện nay thôn có khoảng 16 ngàn gốc đào, 300 cây đã thành cây thế, vài nghìn cây bon sai ở hệ phôi. Các loại cây hoa cũng được bà con quan tâm trồng mùa nào, hoa ấy. Thu nhập từ nghề trồng hoa, cây cảnh đạt khoảng trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Từ một thôn giao thông đi lại khó khăn, nay đã có đường bê tông rộng 5m, có hệ thống điện chiếu sáng đường trục thôn, có nhiều vườn cảnh trị giá vài tỷ đồng. Ngày 18/01/2022, thôn Mỹ Tân được UBND tỉnh Hà Giang công nhận làng nghề. “Kỳ vọng của chúng tôi sẽ từng bước phấn đấu trở thành làng nghề du lịch sinh thái trong tương lai. Hiện nay có 30% số hộ đều có chung một mẫu cổng và hàng rào sinh thái” – đồng chí Trần Ngọc Hùng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Quang hy vọng.

Mô hình trồng hoa, cây cảnh của hộ gia đình ông Trần Văn Giang, Trưởng thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang. 

Nhiều mô hình kinh tế cao

Với những chiến lược phát triển đúng hướng, huyện Bắc Quang hiện có 4 vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đi đầu là vùng sản xuất chuyên cam quy mô hơn 4.000 ha, sản lượng đạt 40.000 tấn/năm, sau đó là vùng sản xuất chè trên 5.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 25.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó là vùng sản xuất lạc hàng hóa 2.000 ha, sản lượng đạt 6.300 tấn/năm; vùng trồng rừng kinh tế tập trung với tổng diện tích gần 3.500 ha, cung cấp cho thị trường trên 40.000 m3 gỗ/năm, trữ lượng đạt trên 80 m3/ha.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung (gia trại, trang trại), hình thành vùng chăn nuôi đại gia súc trên 22.000 con/năm, thu hút 114 hộ chăn nuôi trâu, bò tập trung. Cùng với đó là mô hình nuôi lợn quy mô trên 85.000 con/năm.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT, hiện Bắc Quang có tổng số có 114 mô hình nông lâm nghiệp tiêu biểu có hiệu quả kinh tế trên địa bàn 22/23  xã, thị trấn. Trong đó, có 27 mô hình cây ăn quả cam, quýt; 04 hộ trồng cây lâm nghiêp (trồng rừng); 03 hộ theo mô hình chế biến chè; 51 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm;  26 mô hình VAC; 3 mô hình VACR.

Nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao sau khi trừ chi phí đầu tư như: 84 mô hình có giá trị thu nhập từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng; 20  mô hình có giá trị thu nhập từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng; 08 mô hình có giá trị thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và 02 mô hình có giá trị thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Quang và các đồng chí lãnh đạo xã Hùng An thăm mô hình trồng chè trên địa bàn xã. 

Điển hình như ông Trần Văn Giang, Trưởng thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang là người tiên phong, gương mẫu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với diện tích gần 3ha, trồng cam, đào, cây cảnh, rau gối nhau, lấy ngắn nuôi dài, ông là người tiên phong trong việc thử nghiệm trồng hoa, cây cảnh để cung cấp cho toàn bộ thị trường trong khu vực và thành phố Hà Giang, đồng thời thu hút nhiều người cùng sở thích đến học hỏi kinh nghiệm. Với thu nhập từ trồng hoa và cây cảnh ước tính trên 1 tỷ đồng/năm, ông đã dần chinh phục được những người nông dân trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa bỏ những cây lúa, hoa màu trước kia có năng suất thấp, sản lượng hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết và lượng nước thiên nhiên để trồng sang các loại cây khác chủ động nước tưới tiêu bằng nước giếng khoan. Ông cũng là người tiên phong đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân trong vùng để cung cấp rau sạch, thực phẩm sạch cho các nhà trường, bệnh viên trên địa bàn huyện và thành phố Hà Giang.

Mô hình của gia đình ông Đỗ Văn Hiển (thôn Vĩnh Ban), xã Vĩnh Phúc với 2ha cam Vinh, kết hợp nuôi lợn, năm 2020, gia đình thu lãi trên 800 triệụ đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hiển còn hỗ trợ 800 cây giống cam Vinh, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho 4 hộ trong thôn. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ hai hội viên vay vốn không tính lãi trong hai năm với số tiền 30 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế.

Hay như hộ gia đình ông Cam Thanh Huynh (dân tộc Tày, thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành) làm giàu từ mô hình VAR. Với 10ha cam sành, 5 ha keo lai, 0,5 ha ao nuôi cá, trừ chi phí, mỗi năm ông có thu trên 3 tỷ đồng. Năm 2018, ông được đi dự Hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Tại thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, ai cũng biết đến gia đình ông Sùng Diu Sì (dân tộc Mông), với mô hình trồng cam sành, nhãn lồng kết hợp nuôi cá, hàng năm thu nhập trên 1,4 tỷ đồng, trong đó từ nhãn lồng 300 triệu đồng.

Ông Sì đã giúp trên 20 hộ hơn 1.000 cành giống, cây giống trị giá 13 triệu đồng và tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đặc biệt, đình gia đình ông đã tạo việc làm ổn định cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 30 triệu đồng/người/năm; thời điểm vụ mùa, tạo việc làm cho 30 lao động. Năm 2018, ông Sùng Diu Sì vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng người dân phát triển kinh tế 

Là huyện có nền kinh tế vẫn chủ yếu từ nông nghiệp, Bắc Quang được UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhiều chủ trương phát triển cụ thể. Trong nhiều lần đi thực địa và chỉ đạo tại huyện, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã nhấn mạnh, lĩnh vực nông nghiệp ít bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, do đó phải tăng tốc phát triển kinh tế nông nghiệp để bù lại những khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong đó, phát triển các mô hình kinh tế hộ phù hợp với điều kiện thực tế. Cải tạo vườn tạp phải thực chất, phát huy được hiệu quả đất đai của từng hộ gia đình. Ngoài mở rộng diện tích, phải nâng cao được giá trị trên đơn vị sản xuất. Quy hoạch lại vùng sản xuất, trồng cây các loại liền vùng, liền khoảnh để trở thành sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị. Huyện cần đảm bảo chất lượng cam, khung thời vụ, thống nhất về giá cả; không được bán cam non. Phải giữ được thương hiệu cam Hà Giang...

Cam Bắc Quang hiện đang là thương hiệu được ưa chuộng và được huyện tập trung chỉ đạo trồng, khai thác.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cũng nêu rõ, huyện có thế mạnh về nông nghiệp và nhiều diện tích cam như Bắc Quang cần phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp để đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đặc biệt, cần tính toán cụ thể vai trò của Nhà nước, người dân, HTX trong việc tiêu thụ cam. Xác định cụ thể diện tích và xem xét điều kiện sản xuất cây vụ Đông để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng phát triển kinh tế hộ; quan tâm đến khâu chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp...

Thăm một số mô hình kinh tế trên địa bàn huyện Bắc Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị huyện Bắc Quang và các cơ quan chuyên môn cần bám nắm địa bàn, sâu sát cơ sở để giúp đỡ, hướng dẫn người dân chăm sóc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá; vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới gắn với cải tạo vườn tạp; trong đó cần đặc biệt quan tâm đến tiêu chí thu nhập, nâng cao đời sống người dân…/.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN