Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

 

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh Đảng ta đang quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều đảng viên cho rằng, Quy định 144-QĐ/TW giúp nêu cao tính tự giác của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, giàu lòng tự trọng.

 

Cách đây tròn 75 năm trước, năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một loạt bài đăng trên báo Cứu Quốc với bút danh Lê Quyết Thắng nói về cần, kiệm, liêm, chính. Người khẳng định “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc. Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/Thiếu một đức thì không thành người”. Ngày nay, những tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là kim chỉ nam để xây dựng đội ngũ cán bộ đạo đức, liêm chính.

Một trong những chuẩn mực quan trọng được nhấn mạnh trong Quy định 144 ở Điều 3 “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đây là những quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với bản thân, gia đình và tổ chức Đảng; là những chuẩn mực đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu trong bài đăng như nêu trên mà được đề cập nhiều lần trong các bài nói, bài viết của mình.

 

Trong đó, có các tiêu chí trung thực, tự trọng, danh dự, phẩm giá, như: “Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, giữ gìn phẩm giá..

Liên hệ cần, kiệm, liêm, chính trong bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Điều 3 trong Quy định 144, PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Các nội dung cụ thể của Điều 3 được cụ thể hóa thành 5 khoản rất cụ thể trên tinh thần kế thừa các chuẩn mực về cần, kiệm, liêm, chính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra và có cập nhật những yêu cầu mới cho phù hợp. Khoản 1 bên cạnh việc lý giải về nội dung “Cần” còn đưa ra mục tiêu là góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

 

Khoản 3 sau khi giải thích về nội dung “Liêm” còn đưa ra yêu cầu về “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”.

Quy định của Khoản 4 về “Chính” có tính cập nhật khi đưa ra chuẩn mực về “Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật”; còn đưa ra yêu cầu về việc cán bộ, đảng viên phải dũng cảm “thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”.

Khoản 5 về “chí công vô tư” có nhiều nội dung mới rất đáng chú ý. Bên cạnh việc yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tự mình rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện việc “giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực”, “Thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín” thì còn yêu cầu trách nhiệm về nêu gương và vận động gia đình, người thân và người khác thực hành đạo đức cách mạng: “Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng”.

 

PGS.TS Lê Văn Cường nhấn mạnh: “Cần phải thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ và toàn diện nội dung này. Ví như Bác là thiếu một đức thì không thành người rồi. Bác dạy chúng ta về đức và tài, về hồng và chuyên. Trong mối quan hệ giữa đức và tài thì Bác lại nói đức là gốc. Vì người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có tài mà không có đức là người vô dụng. Và thực tế hiện nay chúng ta thấy người có tài mà thiếu đức thì không chỉ là vô dụng mà còn gây ra tác hại rất lớn đối với cơ quan và xã hội”.

Cùng quan điểm, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Bá Côn nhận định, các nội dung cụ thể của Điều 3 trên tinh thần kế thừa và phát triển các chuẩn mực về cần, kiệm, liêm, chính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trước đây. Đặt trong bối cảnh giai đoạn hiện nay, cần, kiệm, liêm, chính được nêu trong Quy định 144 có nhiều nội hàm, phát triển và sâu sắc hơn. Đơn cử như trước đây, mục tiêu của Đảng ta là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thì nay, ngoài giữ vững độc lập, tự do, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải có ý thức xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Hay như chữ “Liêm” đặt trong giai đoạn hiện nay, “Liêm” không chỉ là liêm khiết, trong sạch, là giữ cho mình mà còn là giữ cho Đảng. Bởi vậy, trong Quy định 144 bên cạnh giải thích thế nào là “Liêm”, Quy định này cũng chỉ rõ yêu cầu cho mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

 

Từ điển tiếng Việt của Giáo sư Hoàng Phê định nghĩa: "Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình". Lòng tự trọng có được từ sự rèn luyện của con người trong cả một quá trình, thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với công việc, gia đình và xã hội. Lòng tự trọng luôn song hành với tính trung thực - người biết tự trọng thì có tính trung thực, người trung thực thì có lòng tự trọng. Một công dân bình thường trong xã hội đều cần có lòng tự trọng. Cán bộ, đảng viên lại càng phải coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình; cán bộ giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn càng phải thể hiện lòng tự trọng. Lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên gắn liền với bản lĩnh chính trị và là một thành tố cấu thành đạo đức cách mạng.

Cũng trong Điều 3, một trong những chuẩn mực gắn liên với chức vụ, quyền hạn của người làm cán bộ là: “Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.

Căn cứ vào nội dung được quy định tại Điều 3 của Quy định số 144-QĐ/TW thì lòng tự trọng, phẩm giá của cán bộ, đảng viên được nêu cao là nhằm "để bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng". Và, một biểu hiện cụ thể của việc bảo vệ danh dự, lòng tự trọng của cá nhân người lãnh đạo và tập thể là "thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín".

 

Dưới góc nhìn của mình, đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi: Quy định về việc cán bộ, đảng viên không được để người nhà, người thân, người khác lợi dụng vị trí công tác của mình, uy tín của mình để trục lợi đã được quy định trong Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên; Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm... Nhưng lần này khi nói về vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên thì lại đưa vào cụ thể hơn, chi tiết hơn. Điều này có nghĩa là lúc nào người cán bộ, đảng viên cũng phải tự soi xét mình. Bởi vì danh dự, lòng tự trọng là điều cao quý nhất... Cho nên mọi việc làm của mình, mọi hành vi của mình, mọi phát ngôn của mình phải luôn luôn lấy điều đó là tâm niệm và khắc sâu vào tâm trí của mình rằng lợi ích của quốc gia dân tộc là trên hết, trước hết. “Tôi cho là những điều này mặc dù là đơn giản nhưng đầy ý nghĩa sâu sắc và luôn luôn nhắc nhở, thôi thúc cán bộ, đảng viên trong mọi hành vi, cử chỉ, mọi lời nói của mình làm thế nào cho tốt, có sức thuyết phục” - đồng chí Nguyễn Đức Hà nói.

Đồng quan điểm với đồng chí Nguyễn Đức Hà, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nêu: “Tôi chú ý nhất đến nội dung người cán bộ đảng viên không được để cho người thân, người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn và ảnh hưởng của mình đề trục lợi. Và khi không còn đủ uy tín, năng lực thì nên thực hiện văn hóa từ chức. Tôi thấy đây là điều rất mới”.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga lý giải: Trước đây chúng ta cũng quy định là đối với cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, không được để cho người thân lợi dụng uy tín của mình để trục lợi. Còn bây giờ quy định thêm là không để cho người thân và người khác lợi dụng. Điều đó có nghĩa là quy định đã mở rộng đối tượng, bao gồm cả những người không có mối quan hệ ruột thịt lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng để trục lợi. Quy định này rộng hơn và phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.

“Hơn nữa, chúng ta nói nhiều đến văn hóa từ chức nhưng đến Quy định 144 chúng ta đưa văn hóa từ chức vào văn bản một cách rõ ràng. Quy định khẳng định nếu như cán bộ đảng viên không còn đủ uy tín, không còn đủ năng lực để đáp ứng được nhu cầu của công việc, chức vụ mình đảm nhận thì thực hiện văn hóa từ chức. Văn hóa từ chức là văn hóa mà không phải khi nào các cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm, khi dư luận lên tiếng về những sai phạm của cán bộ đảng viên thì mới từ chức mà khi cá nhân mình cảm thấy không còn đủ năng lực và uy tín nữa thì nên từ chức. Tôi cho rằng đây là quy định mới và nhấn mạnh vào tính tự giác của cán bộ đảng viên trong quá trình nỗ lực, rèn luyện để đảm bảo uy tín và năng lực của cá nhân” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi.

 

Từ phân tích của các chuyên gia nêu trên, chúng ta thấy rằng, vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên được đưa vào trong Quy định 144 cụ thể và chi tiết hơn. Điều này có nghĩa là lúc nào người cán bộ, đảng viên cũng phải tự soi xét mình. Bởi vì danh dự, lòng tự trọng là điều cao quý nhất, là giá trị của mỗi con người. Lòng tự trọng khi đặt vào vị trí của người cán bộ, đảng viên - những người là công bộc của dân, được Nhân dân nuôi nấng thì chuẩn mực tự trọng càng được nâng cao. Nó như là nghĩa vụ, trọng trách không thể thiếu trong toàn bộ hoạt động phục vụ Nhân dân. Có như thế mới làm tròn sứ mệnh “đầy tớ” theo đúng nghĩa…

Nói về lòng tự trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rất nhiều đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp trong các hội nghị Trung ương đến các hội nghị lớn khác rằng: “Tiền bạc lắm làm gì. Chết có mang theo được đâu. Danh dự và lòng tự trọng là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Do đó phải nhấn mạnh đến lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực; không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi…

 

Tất nhiên, có nhiều nội dung, công việc đặt danh dự, lòng tự trọng lên cao nhưng đây là cao nhất, quý nhất thì trong Quy định này đã nhấn mạnh để mọi cán bộ, đảng viên phải thấy điều đó. Có nghĩa là thấy danh dự của mình, lòng tự trọng của mình là điều cao quý nhất. Cho nên mọi việc làm của mình, mọi hành vi của mình, mọi phát ngôn của mình phải luôn luôn lấy điều đó là tâm niệm và khắc sâu vào tâm trí rằng lợi ích của quốc gia dân tộc là trên hết, trước hết. Những điều này, tưởng là đơn giản nhưng ý nghĩa sâu sắc và luôn luôn nhắc nhở, thôi thúc cán bộ, đảng viên trong mọi hành vi, cử chỉ, mọi lời nói của mình làm thế nào cho tốt, có sức thuyết phục.

Ngoài ra, cần biết rằng, theo quy định pháp luật, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm... Đó là hình phạt theo quy định, nhưng “hình phạt” thực tế mà cán bộ đi chệch hướng và phạm tội phải chịu còn lớn hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là “mất tất cả” bởi danh dự không còn, mà danh dự chính là điều thiêng liêng, cao quý nhất.

Có thể nói, lòng tự trọng và danh dự, khi đặt vào vị trí của người cán bộ, đảng viên - những người là công bộc của dân, được Nhân dân nuôi nấng thì chuẩn mực tự trọng và danh dự phải càng được nâng cao. Nó như là nghĩa vụ, trọng trách không thể thiếu trong toàn bộ hoạt động phục vụ Nhân dân. Có như thế mới làm tròn sứ mệnh “đầy tớ” theo đúng nghĩa...

 

TS Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương quan niệm rằng: Đề cao tự trọng là trước hết phải tự trọng với chính mình. Tự trọng phải làm sao tốt nhất với bổn phận và trách nhiệm mà bản thân mình đang giữ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, cầm quyền thì trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền phải dẫn dắt, nêu gương. Và mỗi một cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng thì mới làm tròn bổn phận của mình. Bản thân mọi danh dự, uy tín đều được Nhân dân đánh giá dưới góc độ phải hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ với lời thề của cán bộ, đảng viên.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: "Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên "tự soi", "tự sửa" và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên". Hay trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”. Vì vậy, vấn đề này được nêu trong Quy định 144 là tiếp tục nhắc nhở cán bộ, đảng viên cần phải biết trọng danh dự, có như vậy mới được Nhân dân yêu mến, tin tưởng và tôn trọng. Danh dự của người cán bộ, đảng viên không tự nhiên có được mà đến từ sự tu dưỡng, rèn luyện và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và vì hạnh phúc của Nhân dân./.

 
Thu Hà - Giang Thanh
11/07/2024 23:02
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN